Icon Collap
...
Trang chủ / Gioan Tẩy Giả – tiếng kêu trong hoang địa

Gioan Tẩy Giả – tiếng kêu trong hoang địa

Hôm nay cùng với Giáo hội hoàn vũ, chúng ta mừng kính sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả một cách trọng thể. Điều này cho thấy Gioan Tẩy giả là một nhân vật vô cùng quan trọng, vì ngoài Đức Giê su và Đức Maria ra, trong các vị thánh không ai được đặc ân mừng kính sinh nhật trọng thể như Gioan Tẩy giả. Nhưng tại sao Gioan Tẩy giả lại trở nên một nhân vật quan trọng như thế? Chắc hẳn có nhiều lý do khiến cho thánh nhân trở nên vĩ đại như vậy.

Một phần sự vĩ đại quan trọng này có thể khởi đi từ con người và sứ mạng đặc biệt của Gioan. Ông được mang thai, sinh hạ một cách khác thường. Sự kiện bố ông bị câm và khi ghi cho mọi người biết tên ông là Gioan thì lập tức miệng thân phụ Gioan được mở ra mà cao rao ngợi khen tán dương Thiên Chúa. Vừa lớn lên ông lại rút vào hoang địa cô tịch để sống một đời sống nhiệm nhặt và để có được kinh nghiệm gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng đã chọn và sai ông làm ngôn sứ cho Đấng Tối Cao. Và quả thật, Gioan đã có sứ mạng dọn đường và trực tiếp giới thiệu Đức Giê su Nazareth là Đấng Cứu Thế cho muôn dân đang trông đợi. Phần khác nữa cũng có thể do thời điểm lịch sử của Gioan mang tính bản lề. Ông được coi là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước và là người dính liền với sứ mạng của Tân ước. Một ngôn sứ có tính bản lề như vậy thì thường là quan trọng.

Và còn nhiều lí do khác nữa, khiến cho Gioan Tẩy giả trở nên cao trọng mà ta có thể tìm thấy như việc Đức Giê su minh nhiên xác nhận “ Trong những phàm nhân lọt lòng mẹ, không ai có thể cao trọng hơn Gioan Tẩy giả” hay vì cuộc đời và sứ mạng của Gioan Tẩy giả gắn liền với sứ mạng và cuộc đời của Đức Giê su. Nhưng có một khía cạnh mà Gioan Tẩy giả tự giới thiệu và nhận mình là “tiếng kêu trong hoang địa” trùng hợp với lời loan báo của ngôn sứ Isaya về việc “ Có tiếng kêu trong hoang địa” đáng để cho chúng ta lưu tâm.

Chúng ta biết rằng hoang địa vốn dĩ là nơi cô tịch, vắng lặng vì ít người qua lại. Tại sao vậy? Có lẽ một phần sự cô tịch, yên lặng, ít người qua lại nơi hoang địa, khiến cho người ta cảm thấy không an tâm, an toàn khi tìm đến đó. Nhưng một phần hoang địa thường là những nơi mà khí hậu khô khan, thời tiết khắc nghiệt, khiến cho những sinh vật khó có thể tồn tại được, huống gì là con người. Thời tiết của những vùng hoang địa thường  vô cùng tàn khốc, nghiệt ngã; ngày thì nắng cháy da, đêm thì lạnh thấu xương, nước uống thì không có, thức ăn tìm đâu ra. Hoang địa đúng là nơi thiếu vắng sự sống và bị đe dọa thường trực.

Vậy mà Gioan Tẩy giả lại chạy vào hoang địa và từ trong hoang địa ông bắt đầu sứ vụ rao giảng, kêu gọi người ta sám hối bỏ đường tội lỗi, trở về với Thiên Chúa. Lời rao giảng của ông đã khiến cho người ta tuôn đến để lãnh phép rửa. Ông còn tự xưng mình, giới thiệu mình cho người khác biết rằng ông chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Lời mà Gioan xác nhận có nghĩa là gỉ?Vậy hoang địa mà Gioan Tẩy giả muốn nói đến là hoang địa nào? Và sao ông lại là tiếng kêu trong hoang địa.

Chắc hẳn, hoang địa mà Gioan ẩn mình chay tịnh, khổ chế để chuẩn bị cho sứ mạng của mình là một nơi chốn có thật. Nơi đây, Gioan đã từng sống một cuộc sống nhiệm nhặt ăn châu chấu, uống mật ong rừng, thắt lưng bằng dây da thú. Nhưng hoang địa mà Gioan muốn nói tới ở đây không chỉ dừng nơi khía cạnh địa lý mà chủ yếu là mang khía cạnh tôn giáo; nhất là của Do Thái giáo.

Trước hết, Gioan Tẩy giả muốn cho mọi người ý thức và nhận ra rằng những gì các ngôn sứ Cựu Ước đã loan báo, đặc biệt ngôn sứ Isaya, ngôn sứ Mikha, đã được ứng nghiệm nơi chính ông. Isay nói rằng “ Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý : Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi” ( Is 49,1) hay “ Có tiếng người hô trong hoang địa : hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi, mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lỗi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Gioan đúng là ngôn sứ Thiên Chúa chọn và sai đến để hoàn tất sứ mạng dọn đường của Cựu Ước. Chính Gioan Tẩy giả cũng xác nhận ông chính là tiếng kêu trong hoang địa.

Thứ đến, theo truyền thống Do Thái giáo thì hoang địa hay núi cao cũng là nơi Thiên Chúa thường tỏ mình cho những ai người muốn. Trong sa mạc Sinai, hay trên nói Kho rép, Thiên Chúa đã nhiều lần tỏ mình cho dân Chúa, cho Môi se, cho Elia. Chỉ trong cô tịch yên lặng con người mới có khả năng gặp gỡ và đón nhận được những gì Thiên Chúa muốn nói với mình. Thế giới ồn ào náo nhiệt thường làm cho tiếng nói của Thiên Chúa bị át đi. Những người được Thiên Chúa tuyển chọn làm ngôn sứ, nhất thiết phải có những khoảng không cô tịch, yên ả để sống, gặp và nghe được điều Thiên Chúa muốn. Gioan cũng không ngoại lệ. Muốn làm được điều đó, họ nhất thiết phải tìm đến sa mạc, nhất là sa mạc của cõi lòng.

Thứ ba, sa mạc như đã nói ở trên cũng là một nơi khắc nghiệt, khô khan, cằn cỗi, dường như các sinh vật khó có thể tồn tại được; nhất là những sa mạc của cõi lòng. Như vậy, dù là một hoang địa khô khan, vắng bóng con người thì vị ngôn sứ của Thiên Chúa vẫn phải thét lên, gào lên lời của Thiên Chúa cùng với sứ điệp của Ngài. Điều này xem ra có vẻ như phi lý. Rao giảng ở chỗ không có người thì rao giảng cho ai nghe, có ích lợi gì, chỉ luống công mệt sức mà thôi. Rao giảng cho những con người, những xã hội mà tâm hồn họ đã bị chai cứng, không còn khả năng mở ra để đón nhận nữa thì làm sao có thể rao giảng được? Nhưng không. Dù có người hay không có người, dù được người ta đón nhận hay bị từ chối thì lời của Thiên Chúa mà ngôn sứ vẫn đón nhận vẫn phải gióng lên không được im lặng. Lời của Thiên Chúa không thể bị cầm tù bởi bất cứ một điều kiện ngoại tại nào.

“Tôi là tiếng kêu trong hoang địa” là lời xác nhận sứ vụ của một ngôn sứ mà Gioan Tẩy giả đã giới thiệu và trình bày cho chúng ta. Chỉ trong sự hoang tịch cô vắng chúng ta mới có thể nghe và gặp được Thiên Chúa, và chỉ trong những sa mạc khô bỏng của những tâm hồn, những xã hội mà lời rao giảng của các vị ngôn sứ mới trở nên khẩn trương và cần thiết. Trong xã hội mà chúng ta đang sống, dường như sự vô cảm về tôn giáo về đạo đức đang lấn lướt dần những chuẩn mực đạo đức luân lý. Hơn bao giờ hết, chúng ta là những ngôn sứ của Chúa, cần can đảm lên tiếng về những tội ác, những bất công xã hội, để đưa mọi người trở về với Thiên Chúa. Đó là quà tặng tốt nhất mà Thiên Chúa và Thánh Gioan Tẩy giả đang chờ đợi nơi mỗi người chúng ta trong ngày mừng kính sinh nhật của Ngài. Amen.

Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Bình luận