Icon Collap
...
Trang chủ / Những khó khăn đầu tiên của một nữ đan tu

Những khó khăn đầu tiên của một nữ đan tu

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi xin chỉ dẫn và soi sáng cho con để con viết ra những khó khăn cũng như những kinh nghiệm mà trong thời gian 5 năm kể từ khi con bước vào đời sống đan tu cho đến nay.

Kính thưa cha vì vâng lời cha nên con xin chia sẻ những điều mà con thấy nơi con dù Chúa gọi mỗi người một cách khác nhau và trong những vùng miền khác nhau nhưng lại có chung một ý hướng là tìm kiếm Thiên Chúa.

Khi bước vào đời sống đan tu thì có rất nhiều khó khăn, thử thách và nó xảy ra từ nhiều khía cạnh khác nhau, có người thì từ phía Cộng Đoàn, có người thì từ bản thân mình cùng với nhiều lứa tuổi khác nhau nên cũng gặp nhiều khó khăn trong đời sống chung.

Đối với bản thân con khó khăn đầu tiên khi bước vào thời gian tìm hiểu:

+ Sự thinh lặng: khi mới từ môt trường bên ngoài to tiếng quen rồi thì khi vào đan viện thì việc giữ thinh lặng là việc khó đối với con và cuối tuần nào chia sẻ Lời Chúa  xong con cũng bị la vì gây ồn ào và lâu lâu có người đến tìm hiểu thấy im lặng quá cũng sợ.

+ Hay lo sợ khi chia sẻ Lời Chúa: vì khi ở nhà con chưa khi nào chia sẻ Lời Chúa và khi chia sẻ thì phải nói những gì liên quan đến bản thân khiến con hay ngại, nhưng từ từ chính là Chúa Giê su biến đổi con.

+ Hay tránh né và không dám chia sẻ với Dì giáo tất cả ưu tư của con mặc dù con biết Dì giáo ấy rất giỏi tuy hơi nam tính, nhưng Dì lại không biết con hay tránh né và sợ Dì cho đến khi con cầu nguyện và xin Chúa Thánh Thần giúp để con dám chia sẻ tất cả những gì con đang giữ trong lòng…Ôi! Khi ấy Dì giáo mới biết là con sợ Dì đến mức nào vì bên ngoài thì con vẫn cười và đó là điều che lấp mà Dì không thấy. Từ khi đó mỗi lần lễ trọng như Phục Sinh hay Giáng Sinh thì Dì lại chọn một câu Lời Chúa phù hợp với tâm trạng của từng người. Từ ngày con chia sẻ thì mỗi lần sang thăm Dì hay chọc con và khi đó con chẳng còn sợ nữa nhưng còn chọc lại, khi con kể ra những gì con sợ thì Dì lại nói không phải một mình con mà các chị trong cộng đoàn cũng sợ và bây giờ Dì ấy đang ở Mỹ.

+ Trong công việc hằng ngày:

Khi được chia công việc thì con không sợ việc gì, ở thời gian tìm hiểu thì chủ yếu là phụ giúp các chị chứ chưa phải có trách nhiệm đứng đầu. Thế nhưng điều mà con phải chiến đấu đó là tự hào và hơi kiêu ngạo về sức khỏe của mình mà đôi khi lại khinh thường chị em hay muốn chị em làm như con vậy. Trong công việc con hay xét nét chị em trong những điều hết sức nhỏ, đôi khi con cố ý làm cho chị đó thấy để lần sau mà làm, nhưng chị ấy khác, con khác đâu có giống nhau từ đó nhiều lúc con bực mà đưa nó vào trong cả giờ kinh.

Điều mà con hay bị chia trí trong giờ kinh là khi con làm một việc gì mà chưa xong là tâm trí con cứ bám chặt vào công việc, khi vào nhà nguyện đọc kinh, miệng thì đọc nhưng đầu thì tính làm sao cho hoàn thành công việc. Đây là điều làm con khó tập trung trong cầu nguyện, mãi đến khi con chia sẻ cùng Dì giáo thì Dì giáo bảo lo cũng tốt nhưng chưa phải lo đến như vậy và từ từ con biết dâng phần còn lại cho Chúa.

Với đời sống đan tu thì làm việc chân tay là nhiều thì theo kinh nghiệm của con thì nhiều người đến tìm hiểu cũng sợ là không làm việc nổi, nhất là những người ở thành phố. Khi mà bước vào con cũng nghĩ như vậy nhưng thực sự đâu phải mà con nghĩ là nếu mà Chúa gọi ai thực sự sống đời đan tu Biển Đức thì Chúa sẽ có cách của Chúa, với lại vào nhà dòng để đi tìm Chúa chứ đâu phải tìm công việc.

+ Vấn đề tình cảm:

Trong cộng đoàn của con thường hay thay đổi Dì giáo coi các chị em tìm hiểu vì đôi khi các Dì, các chị đi học ở nước ngoài để bồi dưỡng thêm nên mỗi người thì lại có một cách huấn luyện, cũng như việc quan tâm đến chị em khác nhau. Nhờ bị  hai lần sốt xuất huyết mà con được lớn lên trong vấn đề tình cảm và thấy được Chúa gần con lắm, từ đó rút ra kinh nghiệm mà trưởng thành, biết quý trọng sức khỏe và thấy sức khỏe quan trọng thật. Như Thánh Teresa Avila nói “Khi ta đau ốm ta mới nhớ đến Chúa nhiều”. Câu nói của Thánh nữ giống bản thân con.

Điều mà người trẻ ngày nay khó đón nhận là khi được sự góp ý của các Dì, các chị đi trước trong tất cả các việc nhỏ nhặt như rửa chén bát, cất chén bát,… Đây là điều mà thời gian đầu con hay lẩm bẩm vì ngày nào mà con cất chén, đĩa cũng gặp một Dì theo con rất sát sao để nếu có sai một cái bát hay lộn một đĩa là chỉnh ngay, nhưng từ từ con lại học được nơi Dì ấy nhiều điều, với lại khi con đi làm ở ngoài con cũng bị la và phải chỉnh nhiều rồi nên việc này lại giúp con ngày càng ý thức khi mình làm việc, mà cũng bởi cái tội hay quên của con nên luôn luôn phải xin lỗi vì quên.

Khi chị em được tin là chuẩn bị lên Lộc Nam thì lúc đầu con cũng chỉ nghe nói thôi thì cũng sợ nhưng khi lên thì không phải như con nghĩ. Nhưng trong một vài năm nữa có lẽ cộng đoàn Lộc Nam sẽ tách ra nên không còn các chị em đi Lộc Nam nữa. Với con khi đặt chân xuống xe vào nhà thì thấy một bầu khí gia đình thật ấm cúng, vì công việc ở Lộc Nam có vất vả hơn ở Thủ Đức nhưng nhờ chị em cộng tác với nhau nên mọi sự tốt đẹp “Vì trong Chúa sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích”. ( 1 Cr 15, 58 ). Thế nhưng cuộc sống chung thì phải có đụng và nhờ đụng thì mới có kinh nghiệm.

+ Ở đây con sống kiêu ngạo và tự hào vì những công việc mà mình biết làm nhưng lại buồn khi nghĩ đến những gì con không hiểu như khi học nhạc, hay sự bối rối, lo lắng, căng thẳng khi làm bếp và khi ấy con chẳng thèm nói chuyện với ai. Một chị biết tính con như vậy nên chọc con. Thế nhưng con lại không dám nhận yếu đuối của con khi được chị em góp ý, đôi lúc con lảng đi. Rồi có một chị lớn nhất trong lớp nói là hay đó là điều đã in sâu trong tim mà người ta khó sửa. Qua câu nâng đỡ của chị mà con về suy nghĩ, đối diện thật với bản thân và tập từ từ.

Khi làm việc con lại nhìn chị em dưới cái nhìn của thế gian vì có những chị ở thành phố đâu có biết cầm cái cuốc là gì hay sức khỏe không phù hợp khi trời qua nắng. Vì con chưa làm vì lòng yêu mến Chúa  mà làm để thể hiện là mình làm giỏi, làm tốt mà với thời gian Chúa lại cho con thấy được những gì con nghĩ và thấy đó chỉ là theo thói quen của thế gian. Rồi tối đến con lại đặt vấn đề nếu con là chị ấy thì con có làm được không, với lại chị ấy sinh ra ở thành phố không biết cầm cuốc, xới đất, và không chịu đucợ nắng là phải và từ khi ấy con lại bắt đầu tập thay đối suy nghĩ và quan sát chị ấy và tìm cách nâng đỡ chị. Ví dụ chị ấy không chịu được nắng thì nhường chi chị ấy chỗ im mà con đang làm, chị ấy không cầm được cái cuốc nặng thì đổi hay trước khi đi làm thì giao cho chị ấy cái cuốc mà vừa sức chị ấy…

Con phải tạ ơn Chúa là con luôn có một đôi mắt luôn biết quan sát mà có những lúc quan sát và suy nghĩ lệch lạc nhưng chính Chúa Thánh Thần lại soi sáng cho con và con tự chỉnh sửa bản thân.

Để biết được chính mình hơn con cần phải biết lắng nghe mà lúc đầu khi mới lên thì con lại hay cãi lại một chị lơn nhất trong lớp mà con tưởng là con có lý nhưng một lần kia chị ấy mới nói lên ý kiến thì tức khắc đáp lại khiến chị ấy bực mình. Từ đó về sau con mới biết là con chưa có lắng nghe chị em. Dòng của chúng con thì nhận đủ lứa tuổi nên đôi khi việc nghe nhau cũng gặp nhiều khó khăn nhất là khi một người lớn tuổi thì khó lắng nghe các em nhỏ hoặc các em nhỏ thì lại cho chị lớn tuổi không hợp với suy nghĩ của người trẻ.

Còn Cha Thánh Biển Đức thì dạy phải lắng nghe ý kiến của tất cả dù là người nhỏ nhất đôi khi Thần khí Chúa lại thổi cho ý kiến hay giúp xây dựng cộng đoàn.

Ở đây chị em tìm hiểu sống chung và ngủ cùng nhà với các chị khấn nên con hay bị đụng về cách ăn nói. Cha biết rồi đó, con là đứa không biết ăn nói hay lấy lòng người khác, nhưng đôi khi trong công việc con đùa một chút  mà một chị lại tưởng là thật và gây hiểu lầm. Nhưng con lại không biết chị ấy hiểu lầm con mà mãi tháng sau  khi các chị em chia sẻ với nhau thì chị lớn nhất trong lớp nói ra thì con mới biết và từ đó con để ý hơn trong cách ăn nói, dù cũng tái phạm nhưng con lại quyết tâm hơn nữa và xin Chúa dạy con cách ăn nói.

Khí hậu ở Lộc Nam đêm dễ ngủ, mà khi con mới lên thì các chị bảo ai mệt thì đi ngủ sớm và con bị sa vào nuông chiều thân xác và con thấy mình bị tâm lý muốn được quan tâm. Khi nào con thấy mệt một chút là muốn xin nghỉ đọc kinh, nghỉ đọc kinh mà lại không sợ Chúa buồn mà lại sợ chị em nói là biếng nhác hay cả khi không đi làm cũng sợ người khác nhìn hay nói gì hơn là sống như con . Nhìn chung con hay làm việc, đọc kinh hay các việc bổn phận luôn sợ người thế gian hơn là kính sợ Chúa mà đôi khi làm như một cái máy. Thế nhưng Chúa lại không để cho con cái của Ngài  phải hư đi “gần Chùa gọi Bụt bằng anh” mà đã gửi đến cho con một chị dạy Nhạc, nhờ chị ấy nói về niềm hăng say Phụng sự Chúa, có những lúc nghe chuông nhưng con lại giả điếc làm ngơ,… Khi ngủ thì sau đó lại phải đi báo với Dì giáo, mà con cũng như đa số chị em là hay bị cám dỗ là không muốn nói, dù là điều nhỏ nhưng đôi khi bỏ qua thì sau lại không muốn nói và như thế tình chị em lại càng ngày càng xa nhau.

Khi con nhận thấy con ươn lười, nuông chiều thân xác và chểnh mảng trong việc Phụng sự Chúa, như thế là con đã có lỗi với Chúa và với Giáo hội và con xin Chúa tha lỗi cho con.

Từ trước ở nhà con sai phạm lôi gì đâu có xin lỗi nên khi vào đời đan tu thì dù lỗi nhỏ cũng phải xin lỗi mà xin lỗi chung con đỡ, xin lỗi một chị nào mà con nói hay làm điều gì mất lòng chị ấy thì bản thân con khó đi bước trước, bởi cái tôi còn quá lớn, và khi con chưa xin lỗi được thì con không bình an.

Thời gian ở Lộc Nam con có một tật rất là xấu, khi chia sẻ đời sống thiêng liêng thì điều con muốn nói thì lại không nói được nên gặp gỡ nhanh hơn các chị. Khi đến lượt các chị khác gặp lâu lắm thì con cứ nghĩ là chị ấy nói xấu về mình mà khi đó con chưa dám đối diện với điều con suy nghĩ. Sau khi vào nhà tập thì Dì giáo Anna Trinh là người đầy kinh nghiệm về điều nay, một lần Dì đã kể chuyện và giống như trường hợp của con mà khi đó con mới nhận ra điều xấu nơi con nhưng con chỉ nói cho Cha thôi.

Qua thời gian ở Lộc Nam là lúc con học hỏi được nhiều điều và rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân nhất là con thấy con hay “ suy bụng ta ra bụng người”. Lạy Chúa lâu nay con lấy tấm gương là đôi mắt phàm trần mà chiếu vào người khác nên con tưởng ai cũng như con và sống mà cứ sợ người khác nói với Bề Trên về khuyết điểm của mình. Xin Chúa tha thứ và chữa lành các điều mù tối trong ánh mắt, trong suy nghĩ để con hướng tất cả lên Chúa.

Maria Thiên Lý

(Phần tiếp theo: Giai đoạn Thỉnh Sinh)

Bình luận