Icon Collap
...
Trang chủ / Tình yêu trong sách Diễm ca P2

Tình yêu trong sách Diễm ca P2

4/Linh hồn yêu mến Đức Ki-tô nhờ hiểu biết và khám phá ra vẻ đẹp với sự tốt lành của Người:

“Người yêu của tôi tươi sáng hồng hào,

trổi trang hơn cả vạn trai tráng.

Miệng chàng ngọt lịm

Toàn thân chàng khối vật mơ ước

Người yêu tôi đó! Bạn tôi đó!

Hỡi các nữ tử Giê-ru- sa-lem” (Dc 5,10-16).

Đức Ki-tô là niềm hãnh diện cho mọi linh hồn yêu Người. Linh hồn yêu mến Đức Ki-tô và tự nguyện bước theo Người, phải lấy Người làm hơn tất cả. Chẳng có thể đem so sánh Đức Ki-tô với người nào khác, vì Người trổi vượt hơn mọi người, là Vua trên hết các vua. Không thể so sánh mối tình của Người với mối tình của một thụ tạo nào. Chính vì thế, mà ai được Người đoái thương và chọn làm bạn trăm năm với người, thì vô cùng hãnh diện và là một hồng ân vô cùng lớn lao không có gì so sánh bằng. Nếu ai khờ dại mà bỏ Người, khi đã được Người mời gọi và chọn làm bạn nghĩa thiết với Người, để bám víu lấy một mối tình người thế gian, cho dù người đó là vua (chủ tịch nước), hay một danh nhân trên thế giới, thì cũng thật là khờ dại.

Trái lại người được Chúa yêu thương và cũng hết lòng đáp lại tình yêu của Chúa, thì hẳn linh hồn ấy rất hạnh phúc, rất hãnh diện vì hiểu được đối tượng duy nhất của mình là Đức Ki-tô, Người vượt trên hết mọi người, dẫu biết rằng bước theo Người là bước vào con đường thập giá, chấp nhận sự khinh chê, chịu cô đơn, sống khó nghèo, khiêm hạ…Nghĩa là con đường ấy chỉ một mình Đức Giê-su và các bạn hữu của Người mới can đảm bước đi, còn người thế gian không ai dám “liều” làm chuyện “khờ dại” đó. Vì như thánh Phao Lô nói: “Vinh quang của tôi là thập giá Đức Ki-tô” (Gl 6,14-18).

Một nghịch cảnh như thế, nhưng linh hồn yêu mến Chúa, tận trong sâu thẳm của nội tâm vẫn luôn có một động lực thúc đẩy mãnh liệt bước theo Đức Giê-su chịu khinh chê, chịu nhục mạ, chịu giết chết và phục sinh. Chính điều này ai hiểu được thì mới thấy khi dấn thân vào đời sống khiêm hạ bước theo Đức Giê-su, trở nên đồng hình đồng dạng với Người, mà dù chấp nhận một “số phận” như Đức Giê-su, Người Tôi Tớ đau khổ, nhưng vẫn luôn có niềm hy vọng và hãnh diện nói với mọi người rằng:

“Người yêu của tôi tươi sáng hồng hào

trổi trang hơn cả vạn trai tráng

Môi chàng, những bông huệ, rịn mộc dược lỏng thơm.

Miệng chàng ngọt lịm

Toàn thân chàng, khối vật mơ ước!

Người yêu tôi đó! Bạn tôi đó!

Hỡi các nữ tử Giê-ru- sa-lem” (Dc 5,10-16).

Đúng là “miệng chàng ngọt lịm”! Tâm hồn cảm nghiệm được tình yêu của Người, thì chẳng lời nào diễn tả. Vì khi tiếp xúc với Chúa, linh hồn không thể có con đường nào khác là tiếp xúc bằng con tim. Và chỉ trong tương quan riêng tư thân mật với Chúa, linh hồn mới cảm thấy tình yêu Chúa ngọt ngào như thế nào: “miệng chàng ngọt lịm”. Cách nào đó cũng có thể so sánh sự “ngọt lịm” nơi miệng Đấng Yêu Dấu với lời: “Hỡi tất cả những ai khó nhọc… hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi. Vì ách Ta êm ái và gánh Ta nhẹ nhàng. Hãy đến học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 28-29). Khi đó linh hồn mới thực sự thuộc về Chúa, hết lòng yêu mến Chúa, tự nguyện tận hiến trọn con tim cho Chúa.

5/Linh hồn lấy Chúa Ki-tô làm đối tượng duy nhất của mình:

“Tôi đang ngủ, nhưng hồn sực tỉnh

Tôi nghe người yêu của tôi khẽ gọi:

Mở cửa cho anh, em của anh

bạn ơi, bồ câu của anh, toàn mỹ của anh!

Vì đầu anh đẫm những sương trời

lọn tóc lai láng giọt đêm” (Dc 5,2).

Linh hồn yêu Chúa, không lúc nào ngừng. Cả khi ngủ tâm hồn vẫn thức: “Tôi đang ngủ nhưng hồn sực tỉnh”. Và trong thầm lặng, tĩnh mịch của màn đêm, linh hồn vẫn nghe tiếng Chúa, linh hồn vẫn hướng về Chúa:

“Tôi nghe người yêu của tôi khẽ gọi:

Mở cửa cho anh, em của anh”(Dc 5,2).

Đây là lời mời gọi thật yêu thương của Chúa, Ngài hoàn toàn tôn trọng tự do của linh hồn: “Này Ta đứng bên ngoài cửa và Ta gõ! Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào với nó, và Ta sẽ dùng bữa tối với nó và nó với Ta” (Kh 3, 20). Linh hồn thức tỉnh sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa. Linh hồn luôn luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và lắng nghe Ngài trong thầm lặng. Và sự đáp trả của linh hồn không phụ thuộc vào những cảm xúc bên ngoài, hay những an ủi thiêng liêng, nhưng là đáp trả Đấng yêu thương dù Người tỏ hiện hay ẩn giấu thì linh hồn vẫn đáp trả, vì xác tín rằng Đấng tôi tìm kiếm vẫn yêu thương tôi.

Nhưng dù sao đây vẫn là một thử thách trên lộ trình linh hồn đến với Thiên Chúa. Tình yêu lúc này cần được thanh luyện để trở nên tinh ròng. Yêu Chúa vì Chúa thôi. Ngoài ra không tìm kiếm điều gì khác, không tìm những sự ngọt ngào cảm nghiệm “thửa ban đầu”, cũng không tìm an ủi… cũng có khi không còn thấy Chúa hiện diện gần gũi với mình nữa.

Mặc dù như bị bỏ rơi, bị quên lãng, đi vào trong “đêm tối” của “lộ trình” đến với Chúa, linh hồn vẫn không bỏ cuộc, vẫn tìm kiếm Chúa và thánh ý Người. Đây mới thực sự là tình yêu quảng đại, yêu vô vị lợi, yêu vì Chúa.

Thật vậy, khi càng được thanh luyện trong thử thách, thì tình yêu càng trở nên trong sáng, tinh ròng hơn.

6/Thử thách và đêm tối của linh hồn để thanh luyện tình yêu

“Tôi dậy mở cho người yêu của tôi

Tay tôi rịn mộc dược

và ngón tay thánh thót mộc dược trơn lỏng,

trây cả chốt then.

Tôi, tôi đã mở cho người yêu

Nhưng người yêu của tôi đã lảng xa rồi !

Bàng hoàng tôi đuổi theo chàng,

Tôi kiếm chàng nhưng không gặp

Tôi gọi chàng nhưng chàng đã không đáp” (Dc 5,5-6).

Tình yêu đối với Thiên Chúa không phải lúc nào linh hồn cũng cảm thấy ngọt ngào, lúc nào Chúa cũng ở gần để linh hồn có thể “nắm bắt” được, hiểu hết được Thiên Chúa. Không phải thế, mà là một tình yêu vượt lên trên sự hiểu biết. Đến lúc linh hồn tưởng như “nắm bắt” được Thiên Chúa thì lại là lúc linh hồn cảm thấy Thiên Chúa ở quá xa mình, và mình chẳng hiểu cũng chẳng làm được gì cả, hoàn toàn bất lực. Thiên Chúa đã ẩn mặt :

“Tôi mở cửa cho người yêu tôi

Nhưng người yêu tôi đã lảng xa rồi !” (Dc 5,6)

Có phải Thiên Chúa không còn thương tôi nữa không? Hay tôi đã làm gì xúc phạm đến Người, khiến Người phải bỏ đi? Chẳng phải những lý do nhỏ nhen như vậy, khi tình yêu đã lớn lao vượt trên mọi yếu đuối, mọi lỗi lầm. Nhưng chỉ vì Ngài muốn như vậy để linh hồn thêm lòng khao khát và khích lệ linh hồn “lên đường” tìm kiếm :

“Bàng hoàng tôi đuổi theo chàng

tôi kiếm chàng nhưng không gặp

Tôi gọi chàng, nhưng chàng đã không đáp” (Dc 5,6).

Đến một lúc, linh hồn cảm thấy mình thực sự ở trong đêm tối, không còn thấy Chúa ở đâu, tìm Chúa, Chúa không cho gặp, gọi Chúa, Chúa cũng không đáp. Lúc đó linh hồn mới thực sự sống đức tin. Linh hồn hoàn toàn phó thác và tin tưởng rằng: Chúa vẫn yêu thương mình, nhưng Ngài ẩn mặt để thanh luyện tình yêu. Lúc mà linh hồn không còn cảm thấy ngọt ngào, không còn cảm thấy những chăm sóc vỗ về và an ủi nữa, mà linh hồn vẫn cứ trông cậy và yêu mến, thì lúc ấy linh hồn mới thực sự yêu Chúa vì Chúa. Mặc dù có gặp đau khổ, hoặc bị hiểu lầm, bị tra tấn khi đi tìm Chúa, linh hồn vẫn chấp nhận :

“Quân canh đi tuần gặp tôi

Họ đã đánh tôi, họ đả thương tôi

Họ đã giật lấy khăn quàng trên tôi

lũ quân canh tường thành” (Dc 5,7).

Trong nghịch lý của tình yêu nơi Đức Ki-tô; khi mà linh hồn liều mất thì gặp lại. Chính lúc không thấy Chúa, tưởng Chúa đi xa lại là lúc Chúa đang đến :

“Anh vào vườn của anh, em của anh hôn thê hỡi !

Anh gặt lấy mộc dược cùng với xạ lan

Anh ăn cả tảng mật ong

Anh uống rượu của anh cùng với sữa

Ăn đi, hỡi các bạn, uống đi!

 

Say đi, hỡi các bạn yêu dấu” (Dc 5,1).

Linh hồn yêu Chúa, thực sự làm cho Chúa được thỏa lòng! Linh hồn là vườn của Chúa, nơi đó Chúa được nghỉ ngơi, dạo mát. Nơi đó Chúa được mọi hương vị ngọt ngào của tình yêu là mọi nhân đức:

“Anh gặt lấy mộc dược cùng với xạ lan

Anh ăn cả tảng mật ong…”

Mộc dược, xạ lan, mật ong và rượu… Tất cả những thứ quý giá đó đều có trong vườn nho của Chúa. Nghĩa là linh hồn yêu mến Chúa, sẽ trở nên một sự ngọt ngào, thơm tho lành mạnh làm Chúa và mọi người đều được thưởng thức say sưa như men rượu. Trở nên của ăn, của uống cho mọi người :

“Ăn đi, hỡi các bạn, uống đi

Say đi hỡi các bạn yêu dấu.” (Dc 5,1)

Nghĩa là linh hồn đã đến mức trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su, trở nên tấm bánh thật sự cho mọi người được ăn. Như Thánh Phao-lô nói: “Tôi trở nên mọi sự cho mọi người” (1 Cr 9,22). Linh hồn yêu Chúa, trở nên mọi sự cho mọi người nhưng lại thuộc về một mình Chúa, trở nên sở hữu của Chúa. Trong mối tương quan với Chúa, linh hồn thấy mình hoàn toàn thuộc về Chúa.

7/Linh hồn tận hiến cho Chúa và hoàn toàn thuộc về Người

“Em là vườn khóa chặt, em của anh hôn thê hỡi

là vườn khóa chặt, là suối niêm phong…

Như suối trong vườn, giếng nước chảy liên lỷ” (Dc 4,12-15).

Em là vườn khóa chặt, là suối niêm phong, chẳng có ai được tự do vào vườn của Chúa. Nghĩa là chẳng có ai được tự do vào tâm hồn của người thuộc về Chúa. Nhưng chỉ có một mình Chúa chiếm trọn trái tim, và người đó hoàn toàn thuộc về Chúa, và Chúa cũng hoàn toàn thuộc về người ấy: “Tôi thuộc về người yêu của tôi, và người yêu của tôi thuộc về tôi” (Dc 6,3). Một mối tương quan mật thiết hoàn toàn thuộc về nhau, hoàn toàn trở thành sở hữu và tùy thuộc vào nhau. Linh hồn đã thuộc về Chúa, không còn để cho bất cứ một vật nào, một người nào cản trở Chúa, nhưng là một trái tim hoàn toàn trống rỗng, để tình yêu Chúa lấp đầy, để Chúa hoàn toàn được tự do sử dụng như khí cụ sắc bén trong tay Chúa. Linh hồn phải bám chặt vào Chúa, không ngưng lúc nào :

“Tôi đã gặp người tôi yêu dấu

Tôi đã níu lấy chàng và tôi sẽ không buông” (Dc 3,4).

Tình yêu càng mạnh mẽ, khiến linh hồn không thể không có ước muốn làm cho Chúa được thỏa mãn sự ngọt ngào trong tình yêu:

“Ước gì miệng kề sát, chàng hôn ta, hôn lấy hôn để !

Vì tình yêu của chàng tốt hơn là rượu…

Tên của chàng tươi mát mùi dầu…

Chàng hãy dắt em theo chàng. Ta cùng chạy !” (Dc 1,2-4).

Thật ngọt ngào thay, linh hồn hằng kêu Tên Danh Thánh Giê-su, kêu tên Ngài, linh hồn thấy được sự bình an, êm ái và ngọt ngào như mật ong : “Tên của chàng tươi mát mùi dầu” (Dc 1,3). Chính Chúa có một sức mạnh, hấp dẫn mãnh liệt, đã làm cho linh hồn bỏ mọi sự mà theo Ngài: “Chàng hãy dắt em theo chàng. Ta cùng chạy”. (Dc 1, 4)

Đi theo Chúa, hơn nữa còn chạy theo Chúa để làm gì? Để vác thánh giá với Ngài, nhưng đây lại là lúc Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài. Tình yêu càng lớn lao, thì linh hồn càng được Chúa chia sẻ nhiều những tâm tư, những đau khổ của Chúa. Đó chính là “nụ hôn” của Chúa. Đó chính là nghịch lý của Tin Mừng. Nụ hôn, vòng gai chính là cách biểu lộ tình yêu của Chúa. Linh hồn yêu Chúa đến một lúc cảm thấy thật sự ước ao chịu sỉ nhục, bách hại và chịu khinh chê như Chúa. Nhưng đối với tình yêu mãnh liệt dành cho Chúa và trong đức tin, thì đó lại là nụ hôn của Chúa :

“Ước gì miệng kề sát, chàng hôn ta, hôn lấy hôn để

Vì tình yêu của chàng tốt hơn là rượu

Nhờ chàng ta hãy hân hoan vui mừng

Còn hơn tiệc rượu, ta sẽ gợi lại tình yêu của chàng

Ai cũng yêu chàng, thật là phải lẽ” (Dc1, 1-4)

Và Chúa luôn là Đấng bảo vệ gìn giữ :

“Tôi gối đầu trên cánh tay trái chàng

và tay phải chàng ủ trên tôi” (Dc 8,3).

Linh hồn hoàn toàn phó thác cho Chúa và được tình yêu Chúa bao phủ. Linh hồn thấy được đối với tình yêu Chúa thì chẳng có gì sánh ví bằng, chẳng có gì đổi lấy:

“Chàng hãy đặt em như chiếc ấn trên lòng

như con dấu trên cánh tay chàng,

Vì chưng: Tình yêu cường mạnh như tử thần

lòng ghen ác nghiệt như âm phủ

Những ngọn lửa của nó, ngọn lửa hỏa hào…

Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu

Sóng dữ cũng không thể nhận chìm

dù cho ai có thí cả sản nghiệp để đổi lấy tình yêu

người ta chỉ khinh dể nó mà thôi” (Dc 8,6-7).

Ôi Chúa Giê-su, kỳ diệu biết bao tình yêu của Ngài ! Lòng con tràn đầy niềm hoan lạc. Được Chúa dẫn vào đường tình yêu, con chỉ biết hoàn toàn phó thác. Chẳng bao giờ con được thỏa mãn, vì tình yêu của Chúa vô biên. Nhưng xin cho con cảm nghiệm được tình Ngài thương con, và xin cho con biết đáp lại lời mời gọi của Ngài một cách quảng đại. Con sắp được tĩnh tâm để đính hôn với Ngài. Ôi thật hạnh phúc ! Xin dẫn con vào sa mạc với Ngài, chỉ mình Ngài với con lòng kề lòng, xin Chúa tỏ bày tình yêu của Chúa cho con. Ở đó con sẽ tâm sự nhiều với Ngài. Con sẽ tận hiến đời con cho Chúa. Xin Chúa tăng thêm lòng khát khao yêu Chúa cho con, để trước mặt người ta, nhất là trước mặt Chúa con luôn thưa rằng: “Người yêu tôi thuộc về tôi và tôi thuộc về người yêu của tôi” (Dc 6,3).

Để cuộc đời con là bài ca tạ ơn Chúa liên lỷ. Amen.

Cảm nghiệm của một nữ tu dòng Clara Xuân Sơn

Bình luận