Icon Collap
...
Trang chủ / Trưởng thành – dửng dưng hay yếu mềm?

Trưởng thành – dửng dưng hay yếu mềm?

Tất cả chúng ta ai cũng cố gắng để tạo cho mình một hình ảnh nào đó. Dù cố gắng như thế nào, che giấu như thế nào, khi đến sở làm hay đi chơi với bạn bè, chúng ta cũng muốn mình có hình ảnh điềm tĩnh, đàng hoàng, dễ gần, đặc biệt không bao giờ tỏ ra mình yếu, nghèo khổ, cô quạnh, bực tức hay mất tự chủ.

Xã hội chúng ta gọi tâm trạng này là dửng dưng – cool, và rất nhiều người trong chúng ta cố gắng giữ cho mình hình ảnh này. Từ áo quần, mắt kiếng, bộ dạng trau chuốt khi ra trước công chúng, tất cả như muốn nói: “Nhìn tôi đây. Tôi thành công, mạnh khỏe, hấp dẫn, thoải mái, hạnh phúc, không ở một mình, tôi không có gì lo lắng nhiều trong cuộc sống, đời tôi chẳng có gì phải chiến đấu, tôi xử lý được các vấn đề của tôi, đời tôi chẳng chao động và tôi chẳng cố gắng gì cho lắm để làm những chuyện này. Thoải mái thôi!”

Và không phải là không có lý. Ngược lại với các tâm trạng trên là phơi tình cảm, là cuồng loạn. Chúng ta muốn tự chủ được đời mình, không phơi cái túng thiếu của mình không đúng chỗ cho người khác, tự lo cho mình một cách lành mạnh.

Tuy nhiên, càng thán phục loại sức mạnh này, càng muốn phóng chiếu nó trên đời sống của mình, thì cái dửng dưng và thanh thản thông thường có thể bị coi là dấu hiệu của chưa trưởng thành, thiếu nhạy cảm và thiếu chiều sâu. Một trong các dấu hiệu của trưởng thành và có lòng thương xót đó là biết mình bất lực không bảo vệ được mình trước các đau khổ, bất lực không thể nào trấn tĩnh, điềm tĩnh.

Tại sao? Vì, theo định nghĩa, nhạy cảm và thương xót là dễ mềm yếu trước nỗi đau và bị bỏ lại với một nỗi cô đơn, tuyệt vọng và yếu đuối nào đó. Càng nhạy cảm, chúng ta càng ít dửng dưng. Đó không phải là dấu hiệu của một dạng trưởng thành hay có chiều sâu nào đó để thanh thản đi bên cạnh nỗi đau và cảm thấy nó không liên can gì đến đời mình. Hình như người vô cảm dễ ngủ hơn vì họ không có nhiều lo lắng, ngay cả khi các hành vi của họ có thể ảnh hưởng đến người khác.

Nhà thông thái dòng Tên người Mỹ, giáo sư Michael Buckley đề cập đến vấn đề này rất hay trong một khảo luận trở nên danh tiếng: Cha so sánh Đức Giê-su và triết gia cổ đại Socrate về nhiều mặt của đời sống tiêu biểu cho một con người, và cha làm độc giả ngạc nhiên khi nói, về nhiều mặt, Đức Giê-su có vẻ như không ngang tầm với Socrate.

Cha giải thích: Đối diện với cái chết, Socrate bình tĩnh và đĩnh đạc. Ông chấp nhận bản án của tòa, đàm luận các giải pháp khác nhau về cái chết, biện chứng về các dấu hiệu của bất tử, và không thấy có lý do gì để sợ hãi, ông uống thuốc độc và chết. Chúa Giêsu thì hoàn toàn ngược lại. Chúa Giêsu cảm thấy hãi hùng xao xuyến; “Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết.” Người trở lui trở lại xin các đồ đệ cùng thức và cầu nguyện với Người nhưng họ vẫn ngủ.

Hồi đó tôi nghĩ vì Socrate và Đức Giêsu chịu đau khổ về cái chết một cách khác nhau. Cái chết của người này quá khủng khiếp hơn người kia, đau đớn và hấp hối trên thập giá thì quá khủng khiếp hơn là uống thuốc độc. Nhưng bây giờ tôi nghĩ cách giải thích này, dù đúng và nó vẫn còn đúng, hời hợt và không chính yếu. Bây giờ tôi nghĩ Đức Giê-su là người tận cùng yếu đuối hơn Socrate, nhạy cảm với đau đớn thể xác và mệt mỏi, nhạy cảm với tâm trạng người bị bỏ rơi, bị khinh rẻ, dễ xúc động với tình thương và hận thù. Socrate không bao giờ khóc ở thành phố Athens. Không bao giờ tỏ ra buồn phiền và đau đớn vì bị bạn bè phản bội. Ông tự chủ và liêm chính, không bao giờ làm gì quá, xác tín người công chính không bao giờ để người khác làm mình tổn thương. Vì lý do đó mà Socrate là một triết gia, ông là một trong những người cao cả và anh hùng nhất, một kiểu mẫu thế nào là bản chất loài người có thể thành tựu nơi một con người. Và cũng cùng lý do đó, Chúa Giêsu Na-da-rét là một linh mục – đau khổ, khó hiểu, huyền bí và cứu rỗi.

Thánh Gio-an Thánh Giá, trong tác phẩm cổ điển – Đường Lên Núi Carmel đưa ra một loạt bậc cấp để đi sâu vào con đường tông đồ của Chúa Giêsu. Cấp đầu tiên là học để hiểu sâu xa Chúa Kitô bằng cách suy niệm về cuộc đời của Ngài. Cấp thứ nhì là nỗ lực bắt chước Chúa Kitô, bằng cách cân nhắc để bắt chước động lực của Ngài. Và một khi làm được điều này, ông nói, chúng ta hãy xem xét liệu những nỗ lực của chúng ta đang dẫn chúng ta đi sâu hơn trên con đường tông đồ nhiều hơn hoặc đi trên con đường tự dối mình nhiều hơn, vì, trong số các điều khác, có tiêu chuẩn này: Có phải là một khởi đầu cho các đau khổ ùa vào cuộc sống chúng ta hay chúng ta sẽ khéo léo hơn bao giờ hết trong việc bảo vệ mình chống lại chúng? Giống như Chúa Giêsu, bây giờ chúng ta sẽ nghiêng hơn về phía than khóc cho Giê-ru-sa-lem, hay ngược lại, không cho Giê-ru-sa-lem thấy chúng ta đã đau như thế nào với nỗi đau của Giê-ru-sa-lem? Bây giờ chúng ta yếu mềm hơn hay điềm tĩnh hơn?

Nữ triết gia Irsis Murdoch đã viết: Một người lính bình thường chết không sợ, nhưng Đức Giê-su chết trong sợ hãi.” Và đây là một bài học.

J.B. Thái Hòa dịch

Bình luận