Icon Collap
...
Trang chủ / Người bản lĩnh (phần 1)

Người bản lĩnh (phần 1)

Khi nói về một đặc tính nhân bản của con người “Dũng” người ta muốn chúng ta lưu tâm đặc biệt đến một chìa khóa giúp con người thực sự trở thành người đó chính là sự quyết tâm, kiên trì, sự bền bỉ dẻo dai để thực hiện cho bằng được những ước mơ dự tính riêng của mình. Cùng với khả năng nhận thức, sự điều tiết của con tim và thân xác, ý chí đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thành bại của một con người.

Ý chí của con người không phải là sản phẩm của tự nhiên nhưng là hoa trái của di truyền và hoàn cảnh sống. Tuy nhiên sự giáo dục và quyết tâm tập của cá nhân cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp cho cá nhân khẳng định được vị thế và giá trị riêng của họ.

Trong nền giáo dục của Việt Nam, do chịu ảnh hưởng của văn hóa tình cảnh và não trạng duy nhận thức nên việc giáo dục bản lãnh cho con người bị giảm sút.

Trong gia đình bố mẹ thường ôm ấp, chăm sóc con cái quá kỹ. Kèm theo những kỹ thuật khắt khe và những hành vi giáo dục tiêu cực khiến cho ý chí con cái bị lụi bại và biến con cái trở thành những kẻ lệ thuộc mà chưa bao giờ có được cái chính kiến của riêng mình.

Nhà trường cũng là nơi đào tạo quan trọng ảnh hưởng rất nhiều đến phẩm tính của con người. Môi trường giáo dục Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất sâu nặng từ sự chi phối bởi tình cảm. Thiếu hẳn sự kiên quyết khiến kỷ luật bị coi thường, ý chí bị lụi bại. Bên cạnh đó phương cách giáo dục đọc chép mang tính áp đặt và biến học sinh trở thành thụ động cũng là một cách làm cho ý chí con người không thể phát triển được.

Chúng ta biết những sáng tạo và tư duy chỉ có thể phát sinh nhờ những hoàn cảnh khắc nghiệt đầy áp lực với những ham muốn khẳng định vai trò vị trí của mình. Trong khi đó môi trường giáo dục Việt Nam chỉ là sự sao chép kinh bổn cũ và trả lời đúng những đáp án có sẵn. Vì vậy khả năng sáng tạo và ý chí quyết tâm gần như bị thế chỗ bởi khả năng nhận thức. Đặc biệt ngành giáo dục chỉ tập trung mục đích kiếm tiền, kiếm việc làm chứ không phải tập trung vào trí sáng tạo. Nên phần đông sinh viên chỉ muốn làm bản sao chép tri thức để có nghề, có tiền. Rất ít sinh viên có ý chí quyết tâm trở thành ông chủ mà chỉ muốn mình trở thành người làm thuê.

Riêng trong giáo hội, những cấm đoán kèm theo một mớ giáo lý học thuộc lòng, học vẹt. Đã khiến cho nhiều người khi nhỏ thì học thuộc hết nhưng lớn lên không còn nhớ gì. Thêm vào đó những nghi vấn khi được đặt thành câu hỏi thì thường không có câu trả lời xác đáng và hay bị lý giải bởi thuật từ màu nhiệm để kết thúc vấn đề.

Vì những lý do trên mỗi người chúng ta thường bị ảnh hưởng sâu nặng bởi tình cảm hoặc nhận thức mà quên đi việc rèn luyện ý chí. Để vượt thắng được hoàn cảnh này mỗi người chúng ta cần nhận thức rõ ba thành tố quan trọng sau đây:

Thứ nhất, sự thành công của con người phụ thuộc khá nhiều vào sự quyết tâm, sự đeo bám dai dẳng của mỗi cá nhân. Ý chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thành công của con người.

Thứ hai, chúng ta bị chi phối rất lớn bởi môi trường nên phần đông ý chí của chúng ta khá thấp. Nhưng chẳng mấy ai để tâm lưu ý đến nó.

Thứ ba, để thay đổi và thăng tiến bản lãnh cá nhân, mỗi người nên có những bài tập cụ thể để rèn luyện tính kiên trì, tính chịu khó và khả năng vượt khó cho riêng mình.

Tuy nhiên nó cũng có thể đưa đến một não trạng duy ý chí và kèm theo những nguy cơ của riêng nó.

(Còn tiếp)

 Gioan Lưu Ngọc Quỳnh CSsR

Bình luận