Icon Collap
...
Trang chủ / Tại sao khi trừ tà, các linh mục bắt quỷ phải khai tên?

Tại sao khi trừ tà, các linh mục bắt quỷ phải khai tên?

 

Với tâm lý thời đại của chúng ta, vấn đề trừ quỷ và bị quỷ nhập thường gây ra một phản ứng đâu đó giữa sự mê hoặc và sự hoài nghi không che giấu. Dù là nội dung trên phim ảnh, nhưng cũng đủ làm các bạn phải suy nghĩ.

Tuy nhiên, đối với Giáo hội Công giáo, phép trừ quỷ phải tuân theo những nghi thức trong một cuốn sách. Cuốn sách này mang tựa đề De exorcismis et supplicationibus quibusdam (Nghi thức trừ tà và lời nguyện cho các hoàn cảnh đặc biệt, được Giáo quyền thông qua năm 1998 để thay thế cho ấn phẩm cũ trước đó, mà vẫn có thể còn được sử dụng), tùy theo hoàn cảnh và quy định cụ thể.

Lý do của quy định nghiêm ngặt này bắt nguồn từ Kinh Thánh và thần học. Đó là một vấn đề nhạy cảm cần được xử lý một cách khôn ngoan bởi các linh mục, những người được đào tạo bài bản và đúng đắn (“nhiệt thành, hiểu biết, khôn ngoan và chính trực”), với sự ủy quyền trực tiếp của Đức Giám Mục địa phận.

Aleteia đã có buổi trò chuyện nói chuyện với linh mục César Truqui, chuyên gia trừ quỷ của giáo phận Chur, Thụy Sỹ, và là diễn giả của khóa học lần thứ 11 về “Nghi thức trừ quỷ và lời cầu nguyện giải thoát” tại Học viện Giáo hoàng Regina Apostolorum Pontifical Athenaeum ở Rôma (Khóa học đã truyền cảm hứng cho bộ phim The Rite do diễn viên Anthony Hopkins thủ vai).

Chiara Santomiero (Phóng viên): Chúng ta phải đối mặt với loại ma quỷ nào trong một vụ trừ quỷ, thưa cha?

Lm. Truqui: Hiện thân của ma quỷ. Đức Phaolô VI đã gọi đó là “Khói của Satan”, không đơn giản là sự thiếu vắng điều thiện (privatio bonis) như triết học đã diễn tả, nhưng là sự dữ thật sự và hiện hữu. Chúng ta đang nói về sự hiện diện của ma quỷ. Chỉ có đức tin, chứ không phải khoa học, mới có thể cho chúng ta biết chính xác ma quỷ đó là loại nào. Đức tin Kitô giáo cho chúng ta biết về sự tồn tại của những thực thể thiêng liêng: những thực thể tốt lành là các thiên thần, và những thực thể tà ác là ma quỷ.

Liệu có khó khăn nào trong việc chấp nhận sự tồn tại của sự dữ như một thực thể có thể nhập hay ám vào con người không, thưa cha?

Đương nhiên là có. Bởi vì thông thường trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không hề gặp chuyện như vậy bao giờ. Nhưng nhờ tác vụ mà tôi đảm nhận suốt nhiều năm qua, mà tôi có cơ hội gặp gỡ những người như vậy, nên tôi dễ tin rằng những hiện tượng đó tồn tại hơn.

Cha đã bắt đầu như thế nào?

Đó là thánh ý Thiên Chúa. Mười hai năm trước, khi tôi được truyền chức linh mục, tôi tham dự một khóa học với các linh mục là các nhà trừ quỷ, như cha Bamonte và Amorth (*). Rồi xảy ra chuyện một người đàn ông Pháp 40 tuổi bị Satan nhập vào và cần được trừ quỷ. Nhưng cha Bamonte lại không biết nói tiếng Anh hay tiếng Pháp. Do vậy, các ngài nhờ tôi giúp đỡ phần chào hỏi.

Cha có cảm giác thế nào khi đối mặt với hiện thân của sự dữ?

Cảm xúc của bạn thay đổi theo thời gian. Trong lần trừ quỷ đầu tiên mà tôi tham gia, điều làm tôi kinh sợ nhất là sự khẳng định chắc chắn những điều mà tôi đã đọc và suy ngẫm trong Tin Mừng là thật. Trong đó, Chúa Giêsu đã đánh bại ma quỷ mà chúng tự gọi mình bằng nhiều cái tên: “Tên ta là Đạo Binh,” “Tên ta là Satan.” Trong sách Tôbia, Cựu Ước có một con quỷ tên là Át-mô-đai-ô. Tôi nghe thấy bọn quỷ phát âm ra những tên này trong các buổi trừ tà khác nhau.

Ở góc độ thiêng liêng, đó là một trải nghiệm tuyệt vời, vì nó cho phép tôi trải nghiệm trên chính xác thịt mình, thông qua những giác quan, về thực tại mà Chúa Giêsu đã nói đến.

Một cách hữu hình sao cha?

Trong vụ trừ quỷ đầu tiên mà tôi tham gia cho người đàn ông Pháp đó, tôi nhớ rằng khi con quỷ hiện hình tôi cảm thấy mình bị sự tự kiêu bao phủ như thể chúng là sương hay là khói vậy. Thật khó giải thích, nhưng sự tự kiêu đó như một thứ gì mà bạn có thể chạm vào, và nó đầy cả căn phòng. Nhà trừ quỷ hỏi tên con quỷ, thì nó trả lời: “Ta là rex.” Không có con quỷ nào tên là rex, tiếng La Tinh nghĩa là nhà vua. Nhà trừ quỷ vẫn kiên quyết, “Cho ta biết tên của ngươi,” và cuối cùng thì nó đáp, “Ta là Satan, hoàng tử của thế gian này.”

Tại sao cha lại hỏi tên con quỷ, thưa cha?

Sách Nghi Thức yêu cầu như thế, bởi một mục đích cụ thể. Đặt tên cho cái gì đó, hoặc biết tên của nó, đồng nghĩa với việc có quyền trên nó. Trên thực tế, Thiên Chúa đã trao quyền cho A-dong được đặt tên mọi thứ. Ngay phút giây con quỷ tiết lộ tên của nó, đã chứng tỏ rằng nó đã bị làm suy yếu; nếu nó vẫn chưa nói thì nghĩa là nó vẫn còn mạnh.

Có những dấu hiệu bên ngoài nào chứng tỏ một người đã bị quỷ nhập không cha?

Theo sách Nghi Lễ thì có bốn dấu hiệu: ghét những điều thánh thiêng, nói những tiếng lạ hoặc các ngôn ngữ của người chết, có sức mạnh phi thường vượt xa khả năng tự nhiên của con người, hiểu biết về những điều được che đậy hoặc giấu kín.

Liệu người ta có thể tự làm mình bị quỷ nhập không, thưa cha?

Có chứ. Bằng việc dính líu vào bất cứ điều gì liên quan đến ma thuật, tà giáo, phù thủy hoặc bói bài. Nếu việc chúng ta tham dự Thánh Lễ, cầu nguyện, xưng tội làm chúng ta thêm phần thánh đức và gần Thiên Chúa hơn, thì cũng như vậy, những nghi lễ đen tối, lễ thờ Satan, phim ảnh và âm nhạc loại đó lại đẩy chúng ta tới gần ma quỷ hơn.

Tôi từng trừ quỷ cho một người phụ nữ, giống như nhiều người, cô ta bắt đầu xem bài Tarot để giải trí. Nhưng khác ở chỗ cô ta đã thực sự nhìn thấy quá khứ và hiện tại của mọi người, và nhiều khi, cả tương lai của họ nữa. Đương nhiên, cô ta đã rất thành công. Rồi cô ta chợt hiểu rằng thành công của mình là do đâu và dừng việc bói bài lại. Nhưng đã quá muộn: cô ta đã bị quỷ nhập.

Làm cách nào mà người ta có thể bùa phép nguyền rủa người khác được vậy, thưa cha?

Giống như tôi có thể giao cho một người đi giết người, tôi cũng có thể yêu cầu ma quỷ làm điều ác. Nhưng cần lưu ý: phần lớn các nghi thức do các những kẻ được gọi phù thủy hoặc thầy pháp thực hiện đều là lừa đảo, và không có hiệu quả gì hết.

Có phép trừ quỷ nào đủ mạnh để giải thoát một người đang bị quỷ nhập không, thưa cha?

Thực sự là vô cùng khó. Thường thì cần đến nhiều lần thực hiện nghi thức trừ tà.

Nó có tác dụng như một liệu pháp chữa bệnh không cha?

Đúng vậy. Trừ quỷ là một á bí tích chứ không phải là bí tích. Một bí tích tự nó đã có hiệu quả. Nếu tôi ban bí tích giao hòa cho một người, thì vào chính lúc đó thật sự là tội lỗi của họ đã được tha thứ. Ngược lại, hiệu quả của phép trừ quỷ lại phụ thuộc vào sự thánh thiện của vị linh mục, vào đức tin của người được trừ quỷ và của toàn Giáo hội.

Sự khác biệt giữa phép trừ quỷ và lời cầu nguyện giải thoát là gì, thưa cha?

Cả hai đều có cùng mục đích: đều tìm kiếm sự giải thoát cho một người khỏi ảnh hưởng của sự dữ hoặc sự xâm nhập của ma quỷ. Nhưng phép trừ quỷ là một thừa tác vụ trong Giáo hội do các giám mục địa phương trao cho một số linh mục. Nghi lễ này chỉ có thể do các linh mục thực hiện, không phải giáo dân, và chỉ do những người nhận được sự cho phép rõ ràng của đức giám mục địa phận. Ngược lại, lời cầu nguyện giải thoát có thể do bất cứ Kitô hữu nào thực hiện, dù là nam giới hoặc nữ giới, giáo dân hoặc giáo sĩ, chỉ cần là người Kitô hữu, bởi Đấng Kitô đã nói: “Ai tin vào Thầy sẽ đuổi được ma quỷ.”

Ngoài ra, trừ quỷ là ra mệnh lệnh trực tiếp cho ma quỷ, trong khi lời cầu nguyện giải thoát là cầu xin sự can thiệp của Thiên Chúa hoặc Đức Trinh Nữ Maria.

Có bao nhiêu người đến với cha thực sự bị quỷ ám?

Cực kỳ ít.

Sao mọi người lại sợ hãi đến vậy, thưa cha?

Trong số những người đến với tôi, tôi có thể phân biệt thành ba loại: thực sự bị quỷ nhập, không phải bị quỷ nhập và còn mơ hồ. Đơn giản nhất là trường hợp thứ nhất và thứ hai: bạn biết mình đang đối mặt với một người thực sự bị quỷ ám bởi họ có bốn dấu hiệu đặc trưng, và bởi vì khi bạn cầu nguyện thì họ rơi vào trạng thái thần hồn siêu bạt và phản ứng theo cách mà nhà trừ quỷ có thể nhận ra. Việc này có thể giả mạo, nhưng rất khó.

Ở trường hợp thứ hai, với kinh nghiệm của một linh mục và một người giải tội, bạn sẽ hiểu khi nào có những vấn đề về tâm linh hoặc tâm lý, và khi nào thì bạn có thể loại trừ khả năng bị quỷ nhập.

Khó khăn là khi một người giống như đang bị quỷ nhập – bởi những tổn thương sâu sắc kèm theo những hành vi nguy hiểm, chẳng hạn như tham dự các buổi chiêu hồn, cầu cơ hoặc đi bói bài Tarot – nhưng lại không thực sự bị quỷ nhập.

Tôi đã gặp một người phụ nữ bị một gã người Mỹ Latin được cho là thầy pháp cưỡng bức. Hắn đã để ý tới cô. Một ngày nọ, hắn đưa cho cô ấy một tách cà phê được pha thuốc và cưỡng hiếp cô. Dù còn ý thức, nhưng cô ấy không có khả năng chống cự. Tổn thương khủng khiếp này đã khiến cô ấy cho rằng mình bị quỷ nhập bởi ảnh hưởng của thứ thuốc mà bạo lực mà cô phải gánh chịu.

Lúc đó tôi tin rằng cô ấy bị quỷ nhập. Tuy vậy, khi tôi đăt tay cầu nguyện cho cô ấy trong buổi trừ quỷ thì cô ấy lại không rơi vào trạng thái thần hồn siêu bạt và cũng không có dấu hiệu nào khác. Tôi chợt hiểu rằng căn nguyên không phải nằm ở đó. Đây là lý do tại sao các khóa học dành cho các nhà trừ quỷ lại giảng dạy rằng hồ sơ bệnh án về thể lý và tâm lý lại đóng vai trò quan trọng trong những tình huống tương tự.

Những người thực sự bị quỷ nhập sống như thế nào, thưa cha?

Trên thực tế, họ có cuộc sống bình thường. Ma quỷ không phải lúc nào cũng hành động thông qua họ. Cho phép tôi sử dụng một so sánh hơi ngược đời để giải thích điều này: Nếu một người mua một chiếc xe hơi, thì họ tùy ý sử dụng chiếc xe đó bất cứ lúc nào họ muốn. Họ có thể lái xe đi làm, và sau đó phải đậu xe. Với người bị quỷ nhập thì cũng tương tự như vậy. Có những lúc con quỷ hoạt động: anh ta vào trong xe và lái xe theo ý mình; và lúc khác thì anh ta lại không dùng chiếc xe. Chiếc xe luôn có chủ sở hữu, nhưng người chủ đó không phải lúc nào cũng dùng đến chiếc xe.

Khi nào thì một người cần phải gặp nhà trừ quỷ, thưa cha?

Khi những gì xảy đến với bạn vượt xa mức bình thường. Ở Rôma, tôi đã gặp một người phụ nữ vô thần: một người Công giáo chỉ nhận được bí tích Thánh Tẩy nhưng không tin vào bất cứ điều gì. Rồi cô ta bị quỷ nhập, nhưng tôi không nhớ nguyên nhân. Cô ta bắt đầu liên tục nghe thấy những giọng nói cố thuyết phục cô ta giết chồng và con trai rồi tự tử.

Cô ấy nghĩ mình bị tâm thần nên đã đến gặp bác sỹ chuyên khoa, nhưng họ thấy cô là một người rất tỉnh táo và sáng suốt với những ý nghĩ rõ ràng. Vị bác sỹ không thể chữa khỏi cho cô. Một ngày nọ, những con sâu bướm ăn hết quần áo của cô ta nhưng không động đến thứ gì của chồng con ta, mặc dù chúng được cất trong cùng một tủ quần áo. Mà kiếm trong nhà cô ta thì lại không thấy con sâu bướm nào hết. Thật không thể lý giải được.

Một người bạn của cô ta đã khuyên cô nên tới gặp cha Amorth, và ngài đã phát hiện ra rằng cô bị quỷ nhập. Song, cô ta lại không tin vào thiên thần hay ma quỷ. Giờ thì cô ta đã trở thành một Kitô hữu sốt sắng. Tại sao Thiên Chúa lại cho phép những điều như vậy xảy ra? Là vì phần rỗi của người đó.

Cha đã từng hỏi ai đó trong số họ cảm thấy gì trong quá trình được trừ quỷ chưa, thưa cha?

Tôi đã hỏi người đàn ông Pháp mà chúng ta đã nhắc tới, về cảm giác của anh ta trong khi diễn ra nghi thức trừ tà, và anh ta giải thích với tôi rằng anh ta cảm thấy như bên trong mình là một chiến trường. Một đằng, anh ta cảm thấy ma quỷ đang chạy tứ tung và nói chuyện với nhau; đằng khác, khi vị linh mục cầu nguyện, anh ta cảm thấy ánh sáng của Thiên Chúa đang xua đuổi chúng và rồi sau đó chúng cũng quay trở lại.

Câu chuyện nào làm cha ấn tượng nhất?

Đó là trải nghiệm về con quỷ câm. Chúa Giêsu nói tới điều đó trong Tin Mừng, và nói rằng chúng là loại quỷ khó xua trừ nhất, và chỉ có lời cầu nguyện và việc ăn chay hãm mình mới đuổi được chúng. Quỷ câm rất hiếm. Trong suốt 12 năm trừ quỷ tôi mới chỉ gặp một lần.

Cha có sợ không?

Lúc đầu thì có. Nhưng khi bạn đã quen với những sự hiện hình nhất định thì bạn sẽ chẳng ngạc nhiên khi thấy giọng nói của ai đó biến đổi: người phụ nữ bắt đầu với một giọng nói yếu ớt rồi sau đó chuyển thành thứ giọng trầm và vang. Bạn phải tập trung để không bị ma quỷ làm phân tâm. Nhà trừ quỷ biết rằng ma quỷ tồn tại, nhưng không có mặt ở khắp mọi nơi.

Hơn hết, tôi đã hiểu được rằng trừ quỷ là một thừa tác vụ của lòng thương xót: hành động của tình yêu thương cho một người đau khổ. Đó là tất cả.

Nguồn: Aleteia.org

Bình luận