Icon Collap
...
Trang chủ / Khúc Giao Mùa…

Khúc Giao Mùa…

Chúng ta đang ở trước thềm năm phụng vụ mới, đón chờ thời khắc linh thiêng chuyển giao giữa 2 năm phụng vụ. Với người có đức tin, thời khắc này còn quan trọng hơn ngày giao thừa cổ truyền, vì các tín hữu sống một năm phụng vụ bắt đầu từ Chúa Giáng sinh và kết thúc với Lễ Chúa Ki-tô Vua vũ trụ. Ở thời khắc giao mùa này, là cơ hội chúng ta nhìn lại:

Ở thời khắc giao mùa này, là cơ hội chúng ta nhìn lại:

  • Chúng ta phụng sự Chúa như thế nào?
  • Bước vào sa mạc với Người, chúng ta đã làm được gì? Đã cảm nghiệm được những gì Chúa làm cho cuộc đời mình?
  • Những ân ban của Chúa trên con người mình. Chúa can thiệp vào cuộc đời riêng của chúng ta như thế nào?

Cha mở đầu bài chia sẻ bằng mẩu chuyện về 1 anh thanh niên xách một túi to vào văn phòng giáo xứ la toáng lên rằng mình muốn xưng tội, không thấy cha nào, anh ta cáu gắt mắng nhiếc linh mục. Lúc ấy đang là giờ cơm chiều, thầy Bắc lên báo các cha, cha xuống, không thấy anh ta đâu, chỉ thấy một người phụ nữ, giải tội cho chị xong, Cha ngồi chờ. Ba tiếng gõ vang lên, một luồng hơi thở gấp gáp ùa vào tòa giải tội, anh ta xưng thú tội lỗi của mình, được Cha ban bí tích xong, anh ta vội vã đi ra. Cha ngồi lặng một lúc, đứng lên đã không còn ai, anh ta đến và đi như một cơn gió. Cha hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ chóng vánh và hiểu tại sao anh ta hung hăng, cáu gắt trước đó: anh ta sắp lên máy bay sang Hàn Quốc lao động, trước giờ lên đường anh ta hoang mang, lo sợ về chuyến đi của mình, về tương lai mù mịt nơi đất khách quê người, anh ta tìm đến tòa giải tội như chỗ dựa bình an dù không có tội trọng. Đó, những con người luôn cảm thấy trống rỗng, luôn chênh vênh, họ cần Chúa.

Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa như thế nào?

Quay trở về với chúng ta, Cha nhấn mạnh căn tính của con người chúng ta là thờ phượng Thiên Chúa. Hình ảnh Abraham ra đi trong đêm mù tối, Môsê dẫn dân đi vào sa mạc làm cho chúng ta đặt câu hỏi: Chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa như thế nào cho đúng ý Chúa? Người phụ nữ Samari bên bờ giếng Gia-cóp đã hỏi Chúa Giê-su: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa” nhưng Chúa Giê-su đã trả lời chị: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem… Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”.

Vậy có phải chúng ta cứ sụp lạy, cứ sấp mình là thờ phượng Chúa không? Không. Muốn thờ phượng Chúa, chúng ta chỉ có thể nhờ đến Chúa Thánh Thần – Thần Khí của Sự Thật, Đấng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Mỗi lần cầu nguyện hãy xin Chúa Giê-su ban Thần Khí đến cõi lòng chúng ta và xin Thần Khí ngự trị, làm chủ cõi lòng, giúp chúng ta thốt lên những tiếng rên siết khôn tả. Đầu óc chúng ta đầy ắp chuyện thế gian, chúng ta sấp mình trước mặt Chúa chỉ bằng thân xác, vài giây sau cái đầu đã lơ lửng, trôi đi đâu mất, vậy, để chúng ta thờ phượng vị Vua của mình cách xứng đáng, chúng ta phải nhờ đến Thánh Thần – Đấng dẫn ta đến gặp Chúa Giê-su. Còn “Sự thật” ở đây là ai? Là chính Chúa Giê-su. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa ở đâu?

Đỉnh cao của phụng vụ là thánh lễ, chính Chúa Giê-su gặp gỡ dân của người trong Lời Hằng Sống và chính Thịt Máu Người. Chúng ta toàn tâm toàn ý, đặt trọn cõi lòng vào từng lời, từng chữ để cùng hội thánh chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa – Đấng đang hiện diện thật với chúng ta. Cùng đi vào sự kết hợp sâu xa với Bí tích Thánh thể, tôn thờ sự tinh tuyền, thánh thiện, khiêm nhường thẳm sâu của Đấng đã nguyện trở nên bé nhỏ trao ban chính mình cách nhưng không cho ta.

Cầu nguyện. Chúng ta biết rằng qua việc tạo dựng, Thiên Chúa đã gieo vào nơi thẳm sâu cõi lòng từng người khao khát chính Thiên Chúa. Do vậy, con người luôn khắc khoải kiếm tìm Ngài: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên hồn con khắc khoải khôn nguôi cho đến khi con được nghỉ ngơi trong Ngài.” Cầu nguyện giúp chúng ta cầm giữ mối tương quan với Chúa. Ở cùng Người mọi lúc mọi nơi.

Ở mọi nơi mọi chốn. Cha nhấn mạnh “Nên Thánh không gì khác là luôn đi trước Nhan thánh Chúa”, khi đi trên đường, khi làm việc, khi ăn, thở, ngủ, nghỉ, thức dậy, ngay cả khi phạm lỗi, phạm tội chúng ta luôn ý thức Chúa đang ở cùng chúng ta. Chúng ta hoàn toàn có thể đi vào cuộc trò chuyện với Người, đối thoại với Người như các tông đồ trong Kinh Thánh để chính Lời của Người vang vọng trong lòng ta, để chính Lời mang sức mạnh xua trừ ma quỷ, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền sẽ chữa lành ta. “Bình an cho anh em”, “Hãy theo Thầy”, “Đừng sợ” vv…

Nhìn sang năm mới, chúng ta cần chuẩn bị như thế nào?

Các hình ảnh “sứ giả”, “sa mạc”, “thung lũng”, “núi đồi” gợi lên cho chúng ta hãy trở nên một kẻ dọn đường cho Đức Chúa. Cõi lòng chúng ta là một sa mạc. Đâu là con đường cho Chúa đến? Đâu là núi đồi phải bạt xuống? Đâu là thung lũng phải lấp đầy? Đâu là những nẻo đường quanh co khúc khuỷu trong con người tôi? Xin Chúa đến uốn nắn cõi lòng chúng ta.

Sống trong thế giới đấy biến loạn này, làm thế nào để nghe được tiếng Chúa? Hãy bắt chước Gioan. Giũ bỏ thế giới. Ông tự mình đi vào hoang địa, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông đã sống khắc khổ, đã coi thường việc thế gian, ra khỏi chốn cũ của mình và rồi…Chúa dẫn ông đi rao giảng Tin Mừng.

Những tư tưởng trên đây, Cha gợi ra cho tôi và bạn. Đó là định hướng cho những gì chúng ta cần nhìn lại, cần chuẩn bị để sống một năm phụng vụ mới nói chung và một mùa Giáng sinh nói riêng thật xứng đáng với tình yêu Nhập thể của Hài Nhi Giê-su

Cha giảng phòng Gioan Lưu Ngọc Quỳnh

Thứ 6, ngày 01 tháng 12 năm 2017

Truyền thông SVCG Thái Hà

Bình luận