Icon Collap
...
Trang chủ / Xuân Yêu Thương Trên Làng Chài

Xuân Yêu Thương Trên Làng Chài

Ngồi sắp xếp lại balo hành lý đã lộn xộn hết cả sau chuyến đi bác ái 2 ngày, nghe tiếng còi xe ỉnh ỏi, tiếng thành phố náo nhiệt ngoài kia, tôi bỗng nhớ làng chài da diết. Một miền quê sóng nước yên bình, dẫu cái nghèo vẫn còn đeo bám trên mỗi gia đình, mỗi người dân nơi đây.

Cần biết bao nhiêu cơ duyên, bao nhiêu may mắn để mỗi người con của Giáo phận Thanh Hoá chúng ta được một lần đến với những giáo dân của làng chài? Tôi nghĩ, đó là một mối nhân duyên kỳ diệu.

Suốt dọc đường về, hình ảnh chú bé chừng 7, 8 tuổi chèo thuyền bằng chiếc mâm sắt cứ đeo bám mãi trong tâm trí tôi, khiến tôi chẳng thể nào chợp mắt, dù cơ thể đã mỏi mệt rã rời. Chú bé chèo thuyền bằng chiếc mâm sắt nhanh nhẩu và hồn nhiên, chú sống trên chiếc thuyền nhỏ cùng gia đình. Chắc hẳn khi thấy chúng ta – những thanh niên sáng sủa, quần áo tươm tất hớn hở đứng trên mép nước, chú bé đã cảm thấy rất lạ lẫm và có cả vui mừng, nên chú mới nhanh nhẩu chèo chiếc thuyền bằng cái mâm sắt để theo chúng ta như vậy. Tôi hỏi đùa em một câu ngớ ngẩn: “Bé ơi, nhỡ tuột tay thì cái mâm đó sẽ chìm hay nổi?”. Em cười hiền:” Tất nhiên nó sẽ chìm chứ chị, nhưng nếu rơi xuống em sẽ lặn xuống để lấy nó lên.”. Tôi hỏi thêm một câu ngớ ngẩn hơn:” Em cũng biết bơi cơ á?”. Em không nói gì, tôi tự cười vào lòng mình, lênh đênh sóng nước như vậy, bơi lội có lẽ đã trở thành bản năng sinh tồn của mỗi đứa trẻ nơi đây rồi, mình đamg hỏi em nó cái gì kỳ vậy. Khoảnh khắc nhìn cậu bé đó cười hiền, tôi thầm nghĩ: Liệu có cơ hội nào đó cho cậu bé này không nhỉ? Liệu có cơ duyên nào đưa cậu bé đó trở thành một kỹ sư xây dựng, một bác sỹ hoặc một doanh nhân không nhỉ? Rồi em sẽ đưa cả gia đình, họ hàng, xóm làng lên bờ, sẽ xây cho gia đình một tổ ấm nho nhỏ, đủ để vật lộn với mưa bão, ấm cúng những ngày đông xót buốt. Đứng giữa con sông mã vẫn lặng lẽ trôi, tôi biết, rồi đêm nay, khi mặt trời khuất núi, ba mẹ em sẽ lại giăng lưới kiếm cơm, kiếm con chữ cho em, liệu rằng miếng cơm, con chữ đêm nay ba mẹ đi kiếm còn phụ thuộc vào con nước, phụ thuộc vào thời tiết, thì ước mơ tôi vừa thoáng nghĩ đến có vẻ còn xa quá. Nghĩ đến đó làm tôi thấy nghẹn đắng trong lòng. Tôi thương em – cậu nhóc chèo thuyền bằng chiếc mâm sắt. Tôi chắc rằng hình ảnh của cậu rồi sẽ đeo bám tôi rất rất lâu, đến cả sau này nữa.

Tôi thương các em nhỏ, tôi cũng thương cả cụ già tóc bạc, da mồi, răng đen ngày hôm nay ngồi bên mạn thuyền cười với chúng ta. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ vẫn ngồi đó, vẫn bám sông bám biển, hẳn cụ phải yêu sông nước lắm nhỉ? Chẳng ai lại không yêu cái chốn mà mình gắn bó cả đời người, phải không? Nhưng nếu có được một tổ ấm trên bờ sẽ tuyệt hơn các bạn nhỉ? Những cơn gió lạnh buốt ngoài sông sẽ không thể thổi vào cụ được, cụ cũng sẽ có chỗ để đi lại, để chuyện trò với các cụ khác chẳng hạn. Chiếc thuyền nan lênh đênh, chỉ vỏn vẹn có 1 chiếc ấm trà và mấy bộ quần áo tím mà cụ đã cẩn thận bọc túi ni lông lên ngoài, có lẽ cụ sợ gió sẽ thổi mưa bay vào làm ướt áo, hoặc cụ sợ chẳng may sẩy tay sẽ làm rơi xuống nước. Tôi chẳng biết. Tôi chỉ biết rằng khi bắt gặp nụ cười của cụ, có 1 cảm giác xót xa chạy dọc sống lưng khiến tôi không khỏi bồi hồi và cay cay nơi khoé mắt. Tôi lại tự hỏi: “Cụ đang ngồi đó đợi chờ ai nhỉ? Cụ đang đợi điều gì vậy? Nắng đã lên cao rồi, sao cụ còn ngồi đó? Sao cụ còn chưa ăn cơm?”. Câu hỏi chẳng có lời hồi đáp. Tôi thương cụ – cụ già có mái tóc bạc và hàm răng đen cười hiền từ bên mạn thuyền.

Hẳn nhóm chúng mình vẫn không quên cô lái thuyền đưa chúng ta ra sông nhỉ? Từ đầu đến cuối cô khi nào cũng cười, cô cười đến nỗi chính mình cũng được vui lây. Phải chăng những con người nơi đây, họ không chỉ thiếu nỗi vật chất, mà còn thiếu cả sự sẻ chia, nên khi chúng ta đến, họ lại vui đến vậy. Cũng phải, ai mà lại bỗng nhiên xuống thuyền chỉ để chào hỏi nhau dăm ba câu, họ cô đơn cũng phải rồi. Tôi thương họ nhiều hơn.

Chẳng hiểu sao, hình ảnh những con người thân thương đó cứ đeo bám tôi mãi, phải chăng bởi chính tôi chưa thể tìm ra lời giải cho những câu hỏi mà tôi băn khoăn suốt cả chuyến đi. Bao giờ thì vòng luẩn quẩn, ông bà sinh con, con sinh cháu lênh đênh trên chiếc thuyền đó mới dừng lại các bạn nhỉ? Liệu chiếc chăn hôm nay chúng ta mang đến có đủ che cho cả gia đình họ không nhỉ? Rồi cái tết năm nay, họ sẽ đón tết với những món gì nhỉ? Liệu mẻ lưới đêm nay có nhiều tôm cá để nối dài thêm con đường ước mơ cho cậu bé chèo thuyền bằng chiếc mâm sắt không? Không biết, khi tôi ngồi trong phòng gõ lạch cạch những dòng này, các em nhỏ và cụ già đã ngủ chưa? Và mẻ lưới đêm đầu tiên của người làng chài đã có nhiều tôm cá chưa nhỉ? Tôi còn nhiều điều băn khoăn quá.

Dẫu đâu đó vẫn còn những điều thật khó để diễn tả, nhưng khi trở về nhà tôi thầm cảm ơn Chúa, đã cho chúng ta một chuyến đi thật sự ý nghĩa và đầy ắp tình thương, tôi sẽ nhớ mãi những khoảnh khắc được ăn cùng các bạn, được ngủ cùng các bạn, được cháy hết mình cùng các bạn và cùng nhau làm nên những điều tuyệt vời nơi làng chài thân thương. Những kí ức này sẽ đi cùng chúng ta mãi mãi, và những hình ảnh, những nỗi băn khoăn sẽ giữ một chỗ đẹp nhất, sáng nhất trong trái tim tôi, để khi nhớ về, tôi sẽ thấy điều đó thật đẹp, thật rõ. Ngay lúc này, nếu có một điều ước, tôi xin dành điều ước đó cho những người bà con nơi làng chài sớm có được một mái ấm trên đất liền, để gia đình họ đi qua những mùa mưa bão bớt lo âu hơn, cách riêng tôi ước cho cậu bé chèo thuyền bằng cái mâm sắt sáng nay sẽ trở thành một kỹ sư tương lai.

Có lẽ những cảm xúc được tích luỹ sau 2 ngày hôm nay có quá nhiều nên bài viết hơi nhiều chữ. Dù vậy tôi vẫn phải viết thêm vài dòng để nói nốt những điều tôi không thể không nói.
Cảm ơn Sơn, Mai, Hà, Cáo, Uyên và các bạn trong ban điều hành đã hy sinh rất nhiều để hành trình bác ái được thành công tốt đẹp.

Cảm ơn ban truyền thông, Vương, Cường, anh Hân – xin phép gọi các bạn là những người thầm lặng, đã hy sinh lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất cho nhóm.

Cảm ơn tất cả các bạn trẻ đã cùng nhau tạo nên một kỷ niệm, một chuyến đi bác ái thực sự ý nghĩa.
Tôi cầu chúc cho tất cả chúng ta sẽ còn giữ mãi được trái tim ấm nóng của tuổi trẻ và nên như nhân chứng tình yêu của Chúa giữa lòng thế giới này.

Thân mến!
Anna Lê Hương

Bình luận