Icon Collap
...
Trang chủ / Nghệ thuật ngôn từ của Giê-su

Nghệ thuật ngôn từ của Giê-su

Lời Chúa hôm nay mời gọi tất cả chúng ta duyệt xét lại thái độ trước Lời Chúa, để xem chúng ta là sỏi đá hay bụi gai hay là đất tốt. Không phải để chúng ta nghe rồi bỏ qua nhưng để thay đổi. Bởi vì Lời của Thiên Chúa là chính Chúa hiện diện và Lời của Thiên Chúa là Lời quyền năng nên những ai nghe và thực thi thì phát sinh nhiều hoa trái. Những ai biến Lời Chúa trở thành Lời của con người, không nghe, không đón nhận thì những kẻ đó cho dù có nghe đến mấy cũng chẳng phát huy chút hiệu quả.

Nghệ thuật dùng dụ ngôn

Những điều Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rất rõ: Giá trị bất biến của Lời Chúa và tại sao Chúa lại dùng dụ ngôn? Đơn giản, Lời của Chúa không thể bị thâu tóm trong một nhóm người trong thời đại của Chúa, hay một nhóm người thuộc dân Do Thái, Lời của Chúa được gửi đến cho tất cả muôn người: mọi thế hệ, mọi nơi, mọi chốn. Để cho Lời của Chúa không bị đóng khung bởi một đối tượng cho nên Chúa thường dùng dụ ngôn. Dụ ngôn là những bài giảng rất thâm thúy đến bất cứ ai đọc hay nghe xong thì đều biết mình thuộc về thành phần nào trong dụ ngôn đó. Chẳng hạn hôm nay chúng ta nghe dụ ngôn người gieo giống, mỗi người chúng ta nghe xong, xét lại thì nhận ra: tôi chỉ là vệ đường; có người thì nói tôi là đất khô cằn; có người thì nhận thấy mình là bụi rậm – nghe Lời Chúa thì đón nhận nhưng gặp khó khăn thử thách thì bỏ cuộc; có người thì không nghe, không làm vì khô khan nguội lạnh cho nên Lời Chúa vừa đến thì Xatan cướp đi. Các con thử nghĩ lại, các con là thửa đất nào?

Chúa dùng dụ ngôn còn một lý do khác nữa: Lời Chúa chứa đựng nội dung quá vĩ đại, không thể đơn giản Lời Chúa trong một số câu của các nhà chú giải. Chúng ta biết chỉ có một cuốn Kinh Thánh mà có hàng ngàn cuốn chú giải. Lời Chúa không bị bó hẹp bởi một không gian hay một đối tượng nào cho nên mỗi con người, mỗi thời đọc Lời Chúa thì Lời đó là Lời của Thần Khí lại làm cho người ta hiểu đúng về hoàn cảnh thời đại của họ chứ không phải hoàn cảnh trước đây. Có nhiều trường phái chú giải: có trường phái chú giải theo lịch sử, có trường phái chú giải theo bối cảnh bản văn, có trường phái chú giải không dựa vào bản văn mà dựa vào chính những gì Thần Khí đang linh hứng cho mình: lúc này đây, khi Lời Chúa được vang lên, Chúa nói gì với tôi? Thường trường phái này đánh gục người ta, làm cho người ta nhận ra mình và trở lại với mình.

Nghệ thuật châm biếm

Nghệ thuật ngôn từ mang tính văn chương, nói kiểu châm biếm để cho người ngoại có thể bị đánh động vì sự chai lì của nó và để cho từng môn đệ cũng bớt khó xử khi rao giảng Lời của Ngài trong trường hợp bị người ngoài từ chối. Kiểu hành văn nói ngược, chẳng hạn: cô này xinh đến nỗi mà ma chê quỷ hờn. Có ma chê quỷ hờn không? hoặc cậu ấy khỏe đến mức mà một cọng tóc cũng không thể nhấc nổi. Văn chương của Tây – Người ta viết để làm sao gây sự ý thức, gây sự tò mò mà tránh sự nhàm chán. Trong Kinh Thánh rất nhiều thể văn được sử dụng, ví dụ như mắt đền mắt, răng đền răng. Kiểu dùng từ lặp lại để đi sâu vào trong người ta. Khi Chúa dùng lời của con người để chuyển tải Lời của Chúa thì mỗi lối hành văn Chúa đều tận dụng. Tất nhiên, cũng có rủi ro khi sử dụng lối hành văn của con người, nội dung cũng bị kẹt lại trong cách hành văn đó. Cho nên khi đọc được thì chúng ta phải suy nghĩ thật kĩ, cái gì là cái cốt lõi của Lời còn cái gì là cái vỏ bọc văn hóa, nhờ đó Lời của Chúa mới đi vào trong tâm khảm của con người chúng ta và thay đổi chúng ta.

Đa-vít: con người của Lời

Hôm nay chúng ta thấy một con người rất đặc biệt, đó là vua Đa-vít, một con người luôn luôn nghe Lời của Chúa kể cả những lúc Chúa trừng phạt, kể cả lúc sai phạm với vợ người ta. Chỉ cần Chúa sai Nathan đến thôi là vua sám hối ăn năn và quyết tâm trở về. Vì yêu mến Lời Chúa như vậy cho nên Chúa đã quyết định xây cho Đa-vít một ngôi nhà hay nói đúng hơn một dòng dõi, một vương triều mà từ dòng dõi, vương triều đó, Chúa Cứu Thế được sinh ra cho nhân loại chúng ta. Ai nghe Lời và giữ Lời thì giống như vua Đa-vít mời gọi cho được chính Thiên Chúa xây cho mình một ngôi nhà vững chắc, một ngôi nhà vĩnh cửu, một ngôi nhà bất biến. Còn những kẻ không nghe Lời Thiên Chúa như Sa-un, thì không ai khác, chính Thiên Chúa sẽ lật đổ họ và cắt đứt cả triều đại của họ.

Cầu nguyện

Xin cho chúng ta hôm nay một lần nữa, khi nghe câu chuyện gieo giống, ý thức được mình là thửa đất nào? Nếu là bụi rậm thì cái gì đang cản ngăn mình không nghe được Lời của Chúa? Nếu là vệ đường thì sự khô khan nguội lạnh đó chúng ta phải thay đổi. Nếu là đất tốt thì chúng ta phải cố gắng phát huy.

Xin cho Lời của Chúa được gieo xuống tâm hồn chúng ta, không phải là bụi gai, không phải là vệ đường, không phải là những thửa đất chết mà được gieo trên những mảnh đất rộng, đó là những tâm hồn thao thức được lắng nghe và sống Lời của Chúa. Để Lời của Chúa thực sự trở thành nguồn ơn cứu độ của mỗi người chúng ta. Amen.

Truyền thông sinh viên Công giáo

Bình luận