Icon Collap
...
Trang chủ / Cộng đoàn Vinh tĩnh tâm Mùa Chay 2018: “Về với Ngài – là Tình Yêu và là Sự Sống” (Ngày thứ ba)

Cộng đoàn Vinh tĩnh tâm Mùa Chay 2018: “Về với Ngài – là Tình Yêu và là Sự Sống” (Ngày thứ ba)

Tĩnh tâm tại Đan viện Xito (Châu Sơn – Ninh Bình) là hoạt động không thể thiếu vào mỗi dịp Mùa Chay của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội. Năm nay, với chủ đề “Về với Ngài – là Tình Yêu và là Sự Sống”, cộng đoàn dành ba ngày (23-25/3) để trở về đất Thánh với mong muốn mỗi người có thể tìm lại màu tím tro của mùa chay thánh nơi bản thân mình.

Ngày thứ ba: 25/03 – Sống cùng Ngài là Cội nguồn Sự sống

6h15: Đọc kinh dâng ngày tại nhà nguyện nhà khách

Giờ kinh sáng hôm nay là giờ kinh của ngày Tĩnh tâm cuối trước khi mọi người lên đường. Khi đã trở nên quen thuộc với giờ giấc tại Đan viện, ai nấy đều thức dậy thật sớm và nhanh chân di chuyển đến nhà nguyện. Kết thúc giờ kinh dâng ngày, Cha Linh hướng nhắc nhở và lưu ý về lịch trình cũng như sự thinh lặng, sám hối suốt chặng đường lên núi Đức Mẹ, nhằm giúp mọi người suy ngẫm về cuộc tử nạn của Chúa Cứu Thế.

7h30: Lên núi Đức Mẹ

Sau giờ kinh sáng và bữa điểm tâm, các thành viên nhanh chóng sắp xếp và tập trung lại trước sân để cùng lên núi Đức Mẹ. Hôm nay trùng vào Chúa nhật Lễ Lá – tưởng niệm ngày Chúa Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem, trên tay mỗi người cầm một cành lá như những trẻ em Do Thái xưa khi đón Chúa. Dẫn đầu là cây Thánh Giá được điểm hai nhành lá vạn tuế, trên môi mỗi người cất vang lời ca: “Vạn là vạn tuế! Vạn là vạn tuế Con Vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!”

 

Song hành cùng hành trình leo núi là sự suy niệm 14 đàng Thánh giá trọng thể. Đàng Thánh Giá là đàng Chúa đi. Nhờ ơn Chúa, suy ngắm trên những chặng đàng Chúa đi là chúng ta kết hợp với đời sống, cuộc tử nạn, cái chết và cốt nhất là cuộc sống lại của Chúa Kitô. Các chặng đàng Chúa đi cũng là những chặng đàng mà tất cả chúng ta vấp phải trong cuộc đời. Chúng ta té ngã vì gánh quá nặng, chúng ta cũng phải bước những lối dẫn đến nhục nhã ê chề, chúng ta cũng phải bị lột bỏ tất cả của cải chúng ta có – và một cách nào đó, chúng ta cũng bị đóng đanh vì bệnh tật, vì mất của cải, chia ly, vì những tội riêng chúng ta đã phạm, và cuối cùng vì cái chết. Đường Chúa Kitô đi như thế, nhưng điều quan trọng là con đường đó dẫn đến sự phục sinh. Suy ngắm những chặng đàng Chúa đi là cùng với Chúa Kitô đi trọn con đường cứu thế của Người, không phải cái chết nhưng là sự sống đời đời.

Đường lên núi Đức Mẹ dường như khá vất vả cho mỗi thành viên bởi những bậc thang dốc đứng và trơn trượt nhưng rồi mọi người cũng đã lên đến hang đá Đức Mẹ. Dù đã thấm mệt, mọi người cũng nhanh chóng ổn định và Đức Tổng Giuse bắt đầu bài giảng tĩnh tâm của mình về dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” được ghi lại trong Phúc âm Luca.

08h00: Bài giảng trên núi của Đức Tổng Giuse

Bài giảng của Đức Tổng Giuse xoay quanh việc suy ngắm và phân tích bức tranh Sự trở về của đứa con hoang đàng của họa sĩ Rembrandt. Đó là một câu chuyện cảm động về tình yêu thương vô bờ của người cha đối với đứa con phóng đãng và sa đọa. Trong bức hoạ này, họa sĩ đã  diễn tả ý tưởng về lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhóm người chính gồm người cha, người con thứ hoang đàng và người anh cả nổi bật lên trong ánh sáng ngược lại với một không gian tối đen dày đặc. Người con thứ, bị huỷ hoại và sám hối, với cái đầu hói và một diện mạo của một kẻ vô gia cư, trở về căn nhà danh gia vọng tộc sau một thời gian dài lang bạt giang hồ. Anh đã lãng phí gia sản của mình ở những vùng đất dân ngoại và bị nạn đói hoàng hành, trở thành kẻ chăn heo mất hết phẩm giá. Người cha già của anh, mặc trang phục sang trọng, cũng như những người trợ tá, đã vội vã để gặp anh trước cửa và đón nhận người con trai đã thất lạc lâu năm với một tình phụ tử cao vời, ôm lấy ôm để, ôm tất cả những lỗi lầm của người con. Còn một nhân vật nữa được miêu tả trong bức tranh là nhân vật người anh cả cao ngạo, đứng cách xa cha và người em, khuôn mặt lạnh lùng đầy uy quyền, tay chắp lại nghiêm trang nhưng trong lòng bao đố kỵ.

Qua bài giảng, Đức Tổng nhắc nhở mọi người biết xét mình xem ta đã thực sự lớn lên hay chưa. Có ba cuộc trở về ở đây là: sự sám hối, trỗi dậy làm con để được Thiên Chúa là Cha nhân từ yêu thương, tha thứ hết mọi tội lỗi; sự lớn lên trong tư tưởng như người anh cả, không hoang đàng, chơi bời, tội lỗi mà biết cố gắng cho cuộc sống thực tại của mình; và sự bao dung như người cha, dù đôi mắt mù lòa chẳng thấy gì nhưng thấu hết tâm tư 2 người con, luôn dang rộng vòng tay mạnh mẽ vực con lên và dịu dàng trao con tình yêu thương ấm áp. “Nếu ai không sinh lại một lần nữa thì không được vào nước trời”. Là đứa con hoang đàng được Cha thương đón nhận, chúng con xin Cha tăng sức cho đoàn con ra đi với con người mới. Đó sẽ là một cuộc xuất hành liên lỉ ra khỏi tội lỗi đòi hỏi phải tỉnh thức và chiến đấu cam go với người cũ.Với hành trang Lời Chúa trên vai, xin cho chúng con chẳng ngần ngại mà lên đường với Chúa ngay giây phút hiện tại.

Sau bài giảng, cộng đoàn có một ít thời gian để thảo luận cùng Đức Tổng. Rất nhiều câu hỏi về đức tin, về tình yêu Thiên Chúa,… đã được đặt ra và Cha Linh Hướng cùng Đức Tổng đã chia sẻ và giải đáp tận tình. Tuy nhiên thời gian có hạn nên cha đã tạm ngưng giờ thảo luận và chuẩn bị cho Thánh lễ. Sự xuất hiện ngay sau đó của các bạn sinh viên giáo xứ Kẻ Rừa đã nhanh chóng lấp đầy những chỗ ngồi nơi núi Đức Mẹ. Quang cảnh lễ Lá lúc này trông thật đông vui và trang trọng.

09h30: Thánh lễ Tạ ơn và bế mạc kỳ tĩnh tâm: Lễ Lá

Thánh lễ bắt đầu với nghi thức làm phép lá. Những nhành lá được giơ lên cao như ngày đón Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Bài thương khó được diễn tả lại trong phần phụng vụ Lời Chúa kể lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, từ bữa Tiệc Ly cho tới khi Chúa được táng trong hang đá. Dường như niềm vui đón Chúa vào thành thánh đã bị thay thế không lâu sau đó bởi những đau khổ mà Chúa phải chịu.

Lời Chúa cảnh tỉnh rằng con người đang dân xa lìa Thiên Chúa, đang dần đi vào cõi chết. Chính những tiên tri, lang băm giả hiện nay chính là những sự sung túc về tiền tài, danh lợi, hưởng thụ đã khiến chúng ta sống xa rời sứ điệp tin mừng, và sống như thể không có Thiên Chúa, làm trái tim con người thêm chai đá, ích kỷ và không chút lòng mến. Hãy tỉnh thức và theo chân Chúa Giêsu đi vào Tuần Thánh để thấy được tình yêu lớn lao của Thiên Chúa – đáng duy nhất cho ta sự sống, hồi sinh và có trái tim biết yêu, từ đó giúp thế giới, nhân loại đổi thay.

Sau thánh lễ, anh trưởng cộng đoàn Giuse Hoàng Văn Tài đã có lời cảm ơn tới Đức TGM, các cha, các thầy trong Đan Viện đã tạo điều kiện cho cộng đoàn có được một kỳ tĩnh tâm sốt sắng và đạt được nhiều hoa trái nhất. Cuộc hội ngộ nào cũng có lúc chia ly; chắc hẳn sau khi xuống núi, mỗi người đều đã tìm lại được con đường Chúa định cho mình qua những giờ phút tĩnh tâm. Con đường trước mắt vô cùng khó khăn nhưng có Chúa đồng hành, chắc hẳn mỗi người đều có thể vững tin bước.

14h00: Tham quan Vương cung Thánh đường Sở Kiện – Hà Nam

Trên đường quay về Hà Nội, có chút thay đổi trong lịch trình, thay vì việc tham quan Nhà thờ Đền Thánh Thánh Gia Kiên Lao, cộng đoàn được trở về với Vương cung Thánh đường Sở Kiện, Hà Nam, được tìm hiểu về lịch sử của nhà thờ và cùng lưu lại những bức ảnh chung.

Chương trình tĩnh tâm luôn là một trong những chương trình được chờ đón nhất của cộng đoàn, bởi sau những giờ phút ở đan viện, các thành viên không chỉ đấu tranh tìm lại chính mình, được trở về cùng Chúa mà còn được học cách yêu thương và gắn bó nhiều hơn với anh chị em xung quanh. Trên hết, đây cũng là dịp để mỗi người nhận ra được rằng Chúa luôn yêu thương và chờ đợi chúng ta trở về, để chúng ta cố gắng sống cho xứng với tình yêu của Người hơn nữa.

Xin cho chúng con biết kiên trì cậy trông, tin tưởng trên hành trình trở về với Chúa Cha. Xin Cha ban sự sống dồi dào trên chúng con ngang qua Lời Chúa, để nhờ Lời Chúa soi dẫn, chúng con chẳng sợ một sự thách đố nào của cuộc lữ hành dương thế.

Xem thêm Bài giảng và Thánh Lễ Lá trên núi Đức Mẹ: tại đây

Xem thêm các hình ảnh khác: tại đây

Nguồn: http://congdoanvinh.com

Bình luận