Icon Collap
...
Trang chủ / Kiểu đùa chết người (Phần II)

Kiểu đùa chết người (Phần II)

Trong bài trước, tôi đã có dịp chia sẻ với các bạn về sự đùa giỡn chết người mà chính tôi là nạn nhân của nó. Hệ lụy của sự đùa giỡn này đã tạo nên mối ngờ vực tất cả trong tôi và khiến tôi trở nên một ốc đảo cô độc một kẻ lạc loài giữa đại dương mênh mông của dòng đời vạn biến. Đặc biệt sự nghi ngờ này đã là một trong những duyên cớ cấu thành căn bệnh vô cảm trong tôi lúc nào không hay. Đó cũng là dòng tâm sự tôi muốn tiếp tục được thưa với các bạn trong bài này. Hy vọng nó sẽ có thể chiếu dọi một phần nào đó vào trong hành trình tìm kiếm và chữa trị căn bệnh vô cảm của nhiều người trong thời đại chúng ta đang vướng phải.

Các bạn biết đó, từ sự thất hụt niềm tin và nghi ngờ ngay cả những người thân trong gia đình, khiến tôi xa cách họ và không cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ. Tôi có thể đi xa gia đình một thời gian khá dài, không liên lạc về cũng chẳng thấy nhớ nhà. Nhưng trái lại, tôi sợ về nhà lắm. Mỗi lần về nhà tôi cảm thấy bất an và áp lực rất nhiều. Khi về nhà phải nghe những lời phàn nàn của bố và mẹ kế, rồi những người xung quanh bàn ra bàn vô thật sự tôi cảm thấy rất mệt mỏi, chán nản và thất vọng thêm.

Đối với mọi người gia đình là tổ ấm tình thương, là cái nôi mà ai đi xa cũng luôn nhớ và hướng về đó. Khi gặp khó khăn các bạn chỉ cần nghĩ về bố mẹ và những người thân nơi gia đình sẽ tìm được nguồn động lực giúp các bạn cố gắng vượt qua. Còn đối với tôi, gia đình là một cái gì đó xa lạ, như cái nhà tù mà ở đó luôn bị lính canh quát nạt. Tôi không cảm nhận được tình yêu thương từ gia đình, không cảm nhận được sự ấm áp và niềm an ủi. Tôi cảm thấy chán nản, mệt mỏi và mặc cảm khi đi với bạn bè, vì nhận ra rằng bạn bè hạnh phúc hơn tôi. Họ được bố mẹ thương yêu nên họ sống vui vẻ và hạnh phúc. Nhìn thấy họ mà tôi cảm thấy ghen tỵ.

Các bạn thường rủ tôi về nhà của họ chơi. Nhiều khi tôi cũng muốn mời bạn bè về nhà mình. Nhưng nghĩ về bố về mẹ kế lại thôi. Bố tôi là một người rất nóng tính lại bảo thủ cho nên tôi không gần được với bố. Nhiều người khi nghe tôi kể về gia đình có vẻ như họ đồng cảm với hoàn cảnh của tôi nhưng chỉ có lúc đó thôi, còn đằng sau đó họ chế giễu trêu chọc tôi. Cũng có nhiều người quan tâm tôi chỉ vì sự thương hại. Biết như vậy tôi cảm thấy buồn và dường như không dám mở lòng ra với mọi người. Tôi sống khép kín với mọi người, chỉ khi nào thật thân quen và cảm thấy tin tưởng được tôi mới dám giao tiếp và bắt chuyện với họ và muốn chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với họ.

Thế nhưng điều đó khiến những người sống xung quanh tôi cảm thấy khó chịu và chướng mắt. Tôi cũng không biết phải làm thế nào. Cũng vì lý do đó mà tôi ngày càng xa lánh những người đó. Tôi không quan tâm để ý họ. Chỉ cần thấy mình vui vẻ là được. Nhiều khi tôi vui vẻ và cười trên nỗi đau của người khác. Khi mà mình không cảm nhận tình yêu thương từ gia đình thì đối với những người ngoài xã hội tôi cũng bất cần. Tôi sống buông thả, bất cần đời, bất cần ai. Bởi thế, những lời nói và hành động của tôi đã làm tổn thương đến bao nhiều người sống quanh tôi.

Đối với những người nghèo khổ ốm đau bệnh tật, tôi không có một chút rung động hay thương xót đến hoàn cảnh của họ. Trái tim tôi trở lên chai lỳ, xơ cứng và vô cảm đến tận cùng. Với Thiên Chúa cũng vậy, chưa bao giờ tôi sống vui vẻ hạnh phúc thực sự về mối thương quan với Ngài. Nhiều khi đi lễ thì tôi ngủ gật, tâm trí để đâu đâu vì tôi không biết gì về Chúa và Mẹ cả. Tôi đi lễ đi cầu nguyện như một thói quen mà tôi được tập từ nhỏ. Tôi không có được chút cảm xúc nào về Thiên Chúa.

Thế rồi tôi bị đánh động sau cái chết của mẹ tôi. Tôi cảm thấy cuộc sống con người thật bèo bọt, vất vả bao nhiêu năm tháng giờ ra đi chỉ hai bàn tay trắng. Tôi bắt đầu suy nghĩ và ước ao muốn sống có ý nghĩa hơn, và tôi đã quyết định sau này lớn lên sẽ đi tu. Qua sự kiện lễ khấn dòng của chị họ, tôi gặp được cha linh hướng và được cha đưa ra Hà Nội để tĩnh tâm tìm hiểu ơn gọi. Cuộc đời tôi đã sang một trang mới.

Trải qua một thời gian dài tìm hiểu về con người và tính cách của mình, tôi thấy tính cách của mình rất giống bố. Kế đó, cha linh hướng giúp tôi tìm hiểu nguồn gốc và tính cách của bố. Sau khi đã hiểu ra quá khứ của bố và sự điều khiển của vô thức trên những hành vi thường nhật của con người, tôi không thể cầm được nước mắt. Bố tôi đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn đau khổ. Bố cũng bị ảnh hưởng tính cách bởi ông bà và bố tôi cũng luôn bị vô thức điều khiển.

Tôi đã viết thư về cho bố để kể cho bố biết những suy nghĩ của tôi về bố, sự giận ghét bực tức khó chịu của tôi với bố trong suốt mười mấy năm qua. Khi đọc được bức thư của tôi, bố tôi đã khóc rất nhiều. Sau một thời gian tĩnh tâm, tôi trở về nhà và thấy bố đã có sự thay đổi rất nhiều. Bố quan tâm tôi hơn. Vì vậy mà khi về nhà tôi không còn cảm thấy xa lạ như trước kia. Tôi có thể gần gũi và nói chuyện với bố. Tôi thông cảm với bố và dễ chấp nhận người mẹ kế hơn trước kia.

Cuộc sống của tôi cũng đã thay đổi. Tôi đã vạch ra phương hướng để giúp mình tập sống để thay đổi căn bệnh vô cảm của mình. Tôi có thể nhìn nhận các vấn đề xảy ra đa chiều hơn và hiểu được thêm về những trung tâm điều khiển hành vi khá phức tạp của con người. Nhờ đó, tôi dễ dàng đón nhận những hành vi dị biệt, đối lập và có khi là điên loạn của người khác. Tôi cảm thấy cuộc sống vui vẻ bình an. Tôi cười nói nhiều hơn và có thể mở lòng ra với mọi người.

Từ đây, tôi đã bắt đầu cảm nhận được tình yêu thương người khác dành cho tôi, khởi đi từ người cha linh hướng và những người sống quanh tôi. Tình yêu của tôi dành cho Thiên Chúa ngày một lớn hơn. Tôi cũng cảm thấy mình gần gũi với Đức Mẹ nhiều hơn. Tôi cảm nhận được tình yêu các Ngài dành cho tôi ngang qua cha linh hướng và các anh chị em sống quanh tôi. Tôi không còn cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi nữa. khi không có gia đình bên cạnh thì họ là những người thân nhất của tôi, họ an ủi động viên và giúp đỡ những khi tôi ốm đau bệnh tật. Tôi bắt đầu biết yêu và quan tâm đến người khác.

Bây giờ tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi được làm con cái Chúa và có được người Mẹ tuyệt vời như Đức Maria. Những khi vui cũng như buồn tôi đều đến tâm sự với Chúa và Mẹ. Tôi cảm thấy được đáp lại đó là sự bình an và tâm hồn nhẹ nhàng và nỗi buồn cũng vơi dần đi. Tôi cảm thấy cuộc sống vui vẻ có ý nghĩa hơn. Mặc dù cũng có những khó khăn vất vả xảy đến thường ngày, nhưng tôi xem đó cũng giống như những nốt nhạc làm nên cuộc đời tôi.

Tôi càng thấm thía câu nói của Chúa Giê su “Khốn cho những ai làm cớ cho những trẻ nhỏ này bị vấp ngã…thà buộc cối đa vào cổ mà quẳng xuống biển còn hơn”. Một cớ vấp phạm, dù là sự đùa giỡn đã làm nên một cối đá nghi ngờ đè nặng lên tâm hồn tôi suốt bao năm tháng. Sự nghi ngờ đó là căn nguyên làm nên căn bệnh vô tâm vô cảm của tôi. Nghĩ đến đây, tôi bỗng lo sợ vì chính tôi cũng đã bao phen làm nên duyên cớ vấp ngã cho bao người khác, để tạo nên những căn bệnh hiểm nghèo cho họ.

 

Maria Thanh Tùng

svconggiao.net

Bình luận