Icon Collap
...
Trang chủ / Bố…và những bản sao – Phần 1

Bố…và những bản sao – Phần 1

Tôi đã căm ghét bố tôi. Phải, tôi đã cay cú ông ta đến thậm tệ vì tất cả những gì ông ta gây cho tôi và gia đình. Đã bao lần tôi ước ao rời khỏi chốn ngục tù ấy và tung cánh bay thật xa. Tôi muốn thoát khỏi cái ách đày đọa ấy để bay đến bầu trời tự do mà tôi mong ước. Thế nhưng, tôi đã nhầm. Một khi nỗi căm hận vẫn còn thì hình bóng bố tôi với những kí ức đau đớn vẫn bám riết tôi không rời.

“Sao Chúa để cho con có người bố như vậy? Con không bằng lòng? Con khao khát được như các bạn con với những ông bố thật hiền lành và quảng đại.” Tôi đã thầm trách Chúa như thế.

Trong một thời gian dài, hình ảnh về người bố đã trở thành nỗi ám ảnh nặng nề trong tâm trí tôi. Bố coi tôi như một con rối. Với tính cách gia trưởng, bảo thủ, bố luôn muốn điều khiển tôi trong mọi việc. Không kể những việc lớn như chuyện học hành, yêu đương, bố tôi còn thích để ý soi mói cả những việc nhỏ nhặt như nấu một bữa cơm hay cách bóc một quả bưởi. Bị kìm kẹp như thế, tôi tưởng mình như người duy nhất của thế gian bị tước đoạt tự do. Tôi không có nổi một chính kiến riêng cho riêng mình. Tôi không dám nói lên suy nghĩ của  riêng tôi.

Bố đã là một người thật tệ trong con mắt của mọi thành viên trong gia đình tôi. Thời kinh tế khó khăn, bố muốn mẹ tôi sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Đến khi mẹ không chịu nổi cảnh phải chia lìa ba chị em tôi, mẹ quyết định ở nhà và một mình gánh khoản nợ lo đi nước ngoài đã chi trước đó. Cũng kể từ ngày ấy, mẹ tôi bị bố đay nghiến suốt ngày là “đồ ăn hại, yếu đuối, không làm được việc gì”. Nỗi tức giận làm bố có những hành động trả đũa nhỏ nhen kiểu đàn bà. Bố ném dép của mẹ tôi xuống gầm giường làm mẹ phải tìm mỏi mắt mới biết nó ở đâu. Khi hai mẹ con đang ngồi ăn túi sim một cách ngon lành, bố tiến lại cướp lấy túi sim và thẳng tay ném nó ra ngoài vườn. “Có thật đây là bố của con không?” Tôi đắng lòng tự hỏi và những giọt nước mắt uất ức cứ thế tuôn rơi.

Học hết lớp 12, tôi sung sướng bước chân ra khỏi nhà, đi vào thế giới mà tôi hằng mong ước. “Mình sẽ ra Hà Nội, kiếm một công việc, làm những gì mình thích, tha hồ thưởng ngoạn những cảnh đẹp.” Tôi đã nghĩ như thế.

Chẳng bao lâu, cơn ác mộng lại xảy đến với tôi. Tuy đã đi thật xa khỏi quê hương nhưng dường như tôi vẫn bị ảnh hưởng tầm kiểm soát vô hình từ bố. Những con người mà tôi gặp trong môi trường mới này sao mà giống bố tôi thế. Họ suốt ngày quát nạt, ra lệnh cho tôi làm theo những gì họ muốn. Vì đồng tiền tôi lại phải cắn răng chịu đựng, trở thành một con rô bốt cho họ điều khiển. Ôi! Nhìn cái mặt của bà chủ hàng cơm kìa. Nó to bành bạnh, đỏ au chẳng khác gì cái mặt của bố tôi lúc nổi cơn thịnh nộ. Mỗi sáng thức giấc, tôi giật mình tỉnh dậy bởi giọng nói oang oang của bà chủ. Còn mơ màng, tôi bất giác thốt lên: “Con dậy rồi đây.” Định thần một lúc, tôi mới nhớ ra mình đang là đầy tớ cho một bà chằn dữ tợn. Do không chịu nổi sức ép nặng nề, tôi lại tiến hành một cuộc tẩu thoát…

Đến làm thuê cho một cửa hàng chăn ga gối đệm Hàn Quốc, cái bình an mà tôi tìm kiếm một lần nữa lại bị khuấy động. Lí do đơn giản chỉ vì ông chủ của cửa hàng đó có giọng nói giống bố tôi quá. Mặc dù ông ấy rất tốt bụng, hay quan tâm hỏi han các nhân viên nhưng một sự trùng hợp ngẫu nhiên đó thôi cũng đủ làm tôi hoảng hồn. Cái giọng nói nặng trịch, đanh thép như xoáy vào trong tâm can tôi. Thứ âm thanh khó nghe đó đã ám ảnh tôi suốt 20 năm trường, kể từ khi tôi thành hình trong bụng mẹ. Mỗi lần nghe ông chủ nói thì bao kí ức nặng nề dồn dập ùa về trong tôi. Dây thần kinh trong đầu tôi căng ra, chờ trực vỡ tung. Tim tôi đập thình thịch, sợ hãi. Tôi… một lần nữa chạy trốn khỏi hình bóng của bố tôi.

“Chẳng lẽ suốt đời mình cứ phải chạy trốn như thế này hay sao?” Tôi thật sự không chịu nổi. Tôi đã bị nỗi ám ảnh quá lớn về người bố. Đi đến đâu, tôi cũng thấy có người giống bố tôi. Điều ấy làm tôi vô cùng sợ hãi. Phải làm sao, phải làm sao đây? Làm thế nào để tôi thoát khỏi bóng hình dáng sợ ấy. Đến khẩn cầu dưới chân Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tôi tha thiết xin Mẹ giúp tôi thoát khỏi tình trạng khốn quẫn này.

Và rồi điều kì diệu đã xảy ra…

Bài đọc thêm: Bỏ con! Bố mẹ có hạnh phúc không?

Con chiên lạc

Bình luận