Icon Collap
...
Trang chủ / Tiếng Chúa hay tiếng ma quỷ?

Tiếng Chúa hay tiếng ma quỷ?

 

Làm sao để biết được là một điều đến từ Chúa Thánh Thần hay đến từ tinh thần thế gian hoặc tinh thần ma quỷ? Cách duy nhất là phải phân định. Sự phân định không những đòi phải có một khả năng tốt để lý luận và phải có lương tri (khả năng biết lẽ thường – ND), mà còn là một ơn cần phải cầu xin. Nếu chúng ta tin tưởng cầu xin Chúa Thánh Thần ơn này, đồng thời tìm cách vun trồng nó bằng cầu nguyện, suy niệm, đọc sách và nghe lời khuyên tốt, chắc chắn chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng tinh thần này.

Một nhu cầu khẩn cấp

  1. Ngày nay khả năng phân định càng đặc biệt trở nên cần thiết. Cuộc sống hiện nay cống hiến cho ta vô số khả năng để hành động và giải trí, và ai cũng xem như tất cả đều được phép và tốt. Mọi người, đặc biệt là giới trẻ, đều chìm trong một nền văn hóa cảm ứng, liên tục “chấm, quẹt”. Ta có thể đồng thời lướt hai hoặc ba màn ảnh và tương tác trên hai ba cảnh ảo cùng một lúc. Nếu thiếu sự sáng suốt phân định, ta có thể dễ biến thành những con rối chiều theo mọi xu hướng chóng qua.
  2. Điều này càng quan trọng hơn nữa khi một cái gì đó mới mẻ xuất hiện trong đời sống của ta, đòi ta phải phân định xem đó là thứ rượu mới từ Thiên Chúa gửi đến hay chỉ là một cái mới ảo do tinh thần thế tục hay tinh thần của ma quỷ tạo ra. Có những trường hợp khác, lại có thể xảy ra điều ngược hẳn, các thế lực của sự dữ kìm giữ không cho ta thay đổi, cứ để yên mọi sự như cũ, chọn thái độ cứng nhắc hoặc án binh bất động. Và thế là ta ngăn chặn mất hoạt động của Chúa Thánh Thần. Ta được tự do, với sự tự do của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Ngài yêu cầu ta dò xét cả những tín hiệu bên trong – các ước muốn, lo âu, sợ hãi và kỳ vọng của ta – và cả những thứ bên ngoài đang xảy ra quanh ta – “những dấu chỉ của thời thế” – để nhận ra đâu là những nẻo đường đưa đến tự do hoàn toàn. “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ” (1 Tx5,21).

Luôn luôn sống trong ánh sáng của Chúa

  1. Sự phân định không phải chỉ cần thiết vào những thời điểm khác thường, khi ta cần giải quyết các vấn đề nghiêm trọng hoặc phải có một quyết định quan trọng. Phân định là một công cụ chiến đấu giúp ta theo Chúa cách tốt hơn. Ta luôn cần nó, để nhận ra được đâu là giờ của Thiên Chúa và của ân sủng Ngài, để khỏi lãng phí ơn linh hứng của Chúa và khỏi bắt hụt lời Ngài đang mời gọi lớn lên. Việc phân định này thường phải làm từ trong những việc nhỏ, nơi những việc có vẻ tầm thường, bởi lẽ cái lớn lao vẫn lộ rõ ngay giữa những việc đơn giản hàng ngày. Không riêng những gì lớn lao, cao cả hơn và tốt đẹp hơn mới cần được phân định, nhưng cùng lúc cũng phải chú ý đến cả những gì bé nhỏ, những trách nhiệm và những dấn thân trong cuộc sống mỗi ngày. Vì thế, tôi xin hết mọi Kitô hữu đừng quên thưa chuyện với Chúa là Đấng yêu thương ta để thành tâm xét mình mỗi ngày. Sự phân định cũng giúp ta nhận ra những phương thế cụ thể Chúa xếp đặt trong kế hoạch mầu nhiệm đầy yêu thương của Ngài, để giúp ta không chỉ ngừng lại với những ý định tốt lành.

Luôn luôn sống trong ánh sáng của Chúa

  1. Sự phân định thiêng liêng không loại trừ những đóng góp của những kiến thức nhân bản, hiện sinh, tâm lý, xã hội học hay luân lý, nhưng còn vượt lên trên những hiểu biết ấy. Chỉ những tiêu chuẩn vững chắc của Hội thánh thôi cũng chưa đủ. Ta cần luôn nhớ rằng sự phân định là một ơn Chúa ban. Đành rằng nó bao gồm lý trí và sự cẩn trọng, nó vẫn vượt trên cả hai, vì nó là chuyện dò tìm xem đâu là kế hoạch mầu nhiệm và độc đáo Thiên Chúa đang dành cho mỗi người chúng ta, kế hoạch đang rõ dần giữa biết bao hoàn cảnh và giới hạn khác nhau. Nó không chỉ là chuyện liên quan tới một sự an vui trần thế, một sự hài lòng vì đã làm một điều gì hữu ích, hay là niềm khao khát có một lương tâm thanh thản. Điều đáng kể chính là ý nghĩa của đời tôi trước mặt Chúa Cha, Đấng biết tôi và yêu thương tôi, là cái mục đích cuối cùng của đời tôi, mà không ai biết rõ hơn Ngài. Rốt cuộc, sự phân định dẫn đến chính nguồn suối của cuộc sống bất diệt, nghĩa là được nhận biết Đức Chúa Cha, là Thiên Chúa thật duy nhất, và Đấng Ngài đã sai đến, là Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 17,3). Sự phân định không đòi hỏi những khả năng đặc biệt, cũng không chỉ dành cho những người thông minh hơn hoặc có học thức cao, và Chúa Cha đã vui lòng tỏ mình ra cho những người bé nhỏ (x. Mt 11,25).
  2. Mặc dù Chúa nói với ta bằng rất nhiều cách khác nhau, trong công việc, qua người khác và mọi lúc, ta không thể bỏ qua sự thinh lặng chú tâm cầu nguyện để nhận rõ ngôn ngữ của Thiên Chúa hơn, để giải thích được ý nghĩa thực sự của những cảm hứng mà ta nghĩ là mình đã nhận được, để làm cho những lo âu của mình lắng dịu và để sắp đặt toàn bộ đời mình trong ánh sáng của Thiên Chúa. Bằng cách ấy, ta có thể làm nẩy sinh một tổng hợp mới phát xuất từ một cuộc sống được Chúa Thánh Thần soi sáng.

Lạy Chúa, xin hãy phán

  1. Tuy nhiên, có thể chính trong lúc cầu nguyện, ta lại tránh né sự chất vấn của Chúa Thánh Thần, Đấng đầy tự do, luôn hành động như ý Ngài muốn. Ta phải nhớ rằng sự phân định trong cầu nguyện đòi buộc ta phải bắt đầu từ sự mở lòng lắng nghe: lắng nghe Chúa, lắng nghe người khác, và lắng nghe chính thực tại vẫn hằng thách thức chúng ta bằng những cách thế mới. Chỉ những ai sẵn sàng lắng nghe mới có được tự do nội tâm để từ bỏ những ý tưởng chủ quan hoặc phiến diện của mình, cũng như những thói quen cố hữu và những định kiến của mình. Có thế, ta mới thực sự mở lòng đón nhận cái tiếng gọi có thể phá vỡ sự an toàn của ta, nhưng lại dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nào phải cứ mọi sự đều xuôi chảy, đều yên ổn là đã đủ! Thiên Chúa còn có thể cho ta một điều gì đó tốt hơn nhiều, nhưng chỉ vì cầu an chểnh mảng mà ta không nhận ra.
  2. Đã hẳn thái độ lắng nghe ấy đòi phải vâng theo Tin mừng như là chuẩn mực tối hậu, nhưng cũng còn phải vâng theo Huấn quyền, mà Chúa đã lập nên để gìn giữ Tin mừng, hầu giúp ta tìm được trong kho báu của Hội thánh điều gì hữu hiệu nhất cho “ngày hôm nay” của ơn cứu rỗi. Điều quan trọng không phải là áp dụng các quy tắc hoặc lặp lại quá khứ, bởi vì không thể đem những giải pháp y hệt áp dụng cho mọi hoàn cảnh; vì điều hữu ích trong bối cảnh này chưa hẳn cũng hữu ích trong một bối cảnh khác. Sự phân định các loại thần giải thoát ta khỏi sự cứng nhắc, là điều không chấp nhận được trước “ngày hôm nay” bất diệt của Chúa Phục sinh. Chỉ có Thánh Thần mới xuyên thấu những điều tăm tối và ẩn khuất trong mỗi tình huống và nắm được mọi chỗ tinh tế của tình huống ấy, nhờ đó cái mới mẻ của Tin mừng mới nổi bật dưới một ánh sáng khác.

Luận lý của hiến tặng và của thập giá

  1. Muốn tiến bộ trong việc phân định, cốt yếu nhất là phải uốn theo sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và các thời điểm của Ngài, vốn không bao giờ trùng khít với thời điểm của ta. Thiên Chúa không cho lửa xuống đốt những kẻ bất trung (xem Lc9,54), hoặc cho phép những người nhiệt thành nhổ cỏ lùng mọc xen giữa lúa mì (x. Mt13,29). Cũng cần có lòng quảng đại, vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv20,35). Phân định không phải để khám phá xem ta có thể kiếm lợi thêm được những gì ở đời này, mà để nhận ra làm sao ta có thể hoàn thành tốt hơn sứ vụ được ủy thác cho mình khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Điều này có nghĩa là phải sẵn sàng từ bỏ đến mức hy sinh hết mọi sự. Thực ra, hạnh phúc thật nghịch lý: ta chỉ cảm nghiệm được nhiều hạnh phúc nhất khi chấp nhận cái logic (cái lý) mầu nhiệm không thuộc thế gian như Thánh Bonaventura đã quả quyết khi nói về thập giá: “Đây là cái lý của ta”.  Một khi đã vào trong cái năng động này, ta sẽ không để cho lương tâm mình bị tê liệt và sẽ hào hiệp mở rộng lòng ra để phân định.
  2. Khi dò tìm những nẻo đường cuộc sống trước nhan Thiên Chúa, ta không được gạt bỏ bất cứ lãnh vực nào. Nơi mọi khía cạnh của đời sống, ta đều có thể tiếp tục phát triển và dâng lên Thiên Chúa một điều gì lớn hơn, ngay cả trong những lãnh vực ta thấy khó khăn nhất. Tuy nhiên, ta cần xin Chúa Thánh Thần giải thoát ta và xua tan sợ hãi, là điều khiến ta ngăn cản không cho Ngài bước vào một số lãnh vực nào đó của đời ta. Ngài đòi hỏi ta mọi sự, nhưng cũng ban cho ta mọi sự. Ngài không muốn bước vào đời ta để khiến nó thành què cụt hoặc bị yếu đi, nhưng để đưa nó đến chỗ viên mãn. Như thế, phân định không phải là một kiểu tự phân tích chỉ biết có mình, hoặc một hình thức nội quan (tự xét nội tâm) tập trung vào mình, nhưng là một tiến trình thật sự ra khỏi chính mình để tiến về mầu nhiệm của Thiên Chúa, là Đấng giúp ta làm tròn sứ vụ mà Ngài đã mời gọi ta, vì lợi ích cho anh chị em của ta.

phanxico.vn

Bình luận