Icon Collap
...
Trang chủ / Phỏng vấn Đc. Anphong Nguyễn Hữu Long, tân giám mục Gp. Vinh

Phỏng vấn Đc. Anphong Nguyễn Hữu Long, tân giám mục Gp. Vinh

Ngày 22/12/2018, Phòng báo chí Toà Thánh chính thức thông báo Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức cha Anphongsô

Nguyễn Hữu Long, làm giám mục giáo phận Vinh. Nhân dịp này, Vatican News có một cuộc phỏng vấn với ngài.

Con kính chào Đức Cha,

Xin cảm ơn Đức Cha đã cho chúng con có cuộc phỏng vấn này!

1. Trước hết, xin Đức Cha cho biết cảm nhận của Đức Cha khi được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Vinh!
– Khi được tin bổ nhiệm vào Vinh, tôi cảm thấy buồn vui, lo âu, phó thác và bình an. Tôi chỉ vui một tí thôi, vì sự bổ nhiệm này nói lên sự tín nhiệm của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh dành cho, khi trao vào tay tôi một giáo phận lớn và đông giáo dân, có bề dày lịch sử, nổi tiếng về lòng tin, lòng đạo đức và lòng kiên trung giữa bao gian lao khốn khó. Tôi buồn hơi nhiều vì phải xa giáo phận Hưng Hóa, nơi mà năm năm rưỡi qua, tôi gắn bó hết mình, hết tình. Tôi cứ nghĩ mình sẽ ở với giáo phận này đến chết. Tôi lo âu nhiều hơn cả, vì trước gánh nặng như thế, mình tài hèn sức yếu, liệu có thể đảm đương không. Sau cùng, tôi bèn phó dâng mọi sự trong tay Chúa. Chúa muốn thì tôi xin vâng. Và tôi thấy bình an.

2. Với gần 6 năm giám mục với khẩu hiệu giám mục “Mang vào mình mùi chiên”, và không biết con có thể dùng từ “lăn lộn” để nói rằng Đức Cha đã lăn lộn với đàn chiên tại giáo phận Hưng Hoá, xin Đức Cha cho biết thao thức và ưu tư của Đức Cha khi đang là giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hoá với những đặc thù của vùng Tây Bắc, và bây giờ phải rời khỏi đàn chiên ấy.
– Khi về với giáo phận Hưng Hóa, tôi thấy ngay đây là một giáo phận đáng thương về mọi mặt. Bao năm thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, không được sự chăm sóc mục vụ đầy đủ, vì có thời kỳ cả giáo phận rộng lớn 10 tỉnh thành như thế mà chỉ có 17 linh mục lớn tuổi, già yếu. Người công giáo Kinh đã vậy, người công giáo H’mông còn đáng thương hơn vì tuyệt nhiên không có linh mục nào đến được với họ. Họ tự giữ đạo, sinh con và rửa tội, đọc kinh đọc nguyện trong gia đình mà giữ đức tin. Đời sống vật chất của họ thiếu thốn lắm, vì toàn sống trên vùng núi cao, hầu như tách biệt với người Kinh. Tôi còn nhớ những lần vào thăm các gia đình H’mông, nhà cửa họ tuềnh toàng, rách nát, lụp xụp, tối tăm, không có một cái gì đáng giá. Con nít thì lấm lem, thiếu áo mặc, thiếu cơm ăn, thiếu dép đi… Tôi nghĩ phải năng lui tới với họ để nâng đỡ đức tin cho họ, họ cần linh mục, cần thánh lễ, cần biết Chúa nhiều hơn, cần sự hiện diện của mình. Về mặt vật chất, tôi giúp họ có miếng cơm, manh áo, sửa lại nhà cửa, giúp con em họ đi học… Tôi nghĩ phải đền bù cho họ gấp hai gấp ba, vì họ quá thiệt thòi bao lâu nay.
Đối với các cộng đoàn người Kinh, cũng vì bao năm thiếu thốn phần thiêng liêng, nên xứ nào cũng có người nguội lạnh, ơ hờ đức tin, một số mất đức tin nữa. Chưa nói đến việc Phúc Âm hóa người chưa biết Chúa, mà nguyên việc tái Phúc Âm hóa những người nguội lạnh cũng đã đòi hỏi nhiều công sức rồi. Ngoài ra, cần củng cố đức tin cho người đang giữ đạo, vì họ hiểu biết giáo lý ít lắm, giữ đạo theo thói quen thôi.
Chính vì thế, nhờ có đức cha chính Gioan Maria Vũ Tất lo việc quản trị, nên tôi được thong dong đi lại nhiều trong giáo phận, đến với các cộng đoàn Kinh lẫn H’mông. Tính lại thì thời gian tôi ở tại Tòa giám mục ít hơn thời gian tôi đi đến các xứ đạo. Tôi cũng chân thành đối thoại với chính quyền, nhờ đó mà có sự hiểu biết nhau, dẫn đến sự thông thoáng về chính sách tôn giáo. Bây giờ có thể nói sự giữ đạo và hành đạo dễ dàng, cởi mở hơn trước nhiều.

3. Năm 1650 tại Roma, cha Đắc Lộ đã nói tới số tín hữu tại Việt Nam khoảng 300.000 (có lẽ hơi quá, nhưng cũng đã có số đáng kể) chỉ sau chưa đầy 40 năm truyền giáo, mà dân số Đàng Ngoài thời đó khoảng 4 triệu. Tỉ lệ người Công giáo như thế cũng bằng ngày nay, nghĩa là từ đó tới nay, lượng tín hữu Công Giáo chỉ tăng nhờ tăng dân số tự nhiên mà thôi. (Klaus Schatz, Hoa Trái Ở Phương Đông, NXB Phương Đông, 2017, tr. 269).
Với tư cách là chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng thuộc HĐGM, Đức Cha nhận định thế nào về việc LBTM của Giáo Hội Việt Nam thời đầu và hiện nay? Theo kinh nghiệm của Đức Cha, đâu là điều cốt lõi của việc LBTM?
– Thành quả của việc loan báo Tin Mừng có hai mặt, một mặt thấy được qua sự tăng trưởng của Hội Thánh hữu hình và cơ cấu. Về mặt này thì phải công nhận là sứ mạng Loan báo Tin Mừng tại Việt Nam xem ra không đơm hoa kết trái sum suê như ý nguyện của Chúa (xem Mt 13,8). Tỷ lệ người công giáo tại Việt Nam không nhích lên trong bốn năm thập niên qua ! So sánh với Giáo Hội Hàn Quốc cũng ở tại Á Châu, cũng chịu ảnh hưởng Phật Khổng Lão, cũng bị bách hại khốc liệt trong mấy thế kỷ như Việt Nam, trước đây họ thua xa ta, bây giờ thì ngược lại. Và nếu so sánh với anh em Tin Lành tại vùng Tây Bắc này thì cũng thế. Họ cùng chịu một hoàn cảnh như ta, cũng bị bắt bớ, cấm cách đủ kiểu, thế mà họ phát triển rất nhanh. Ở Lai Châu, Công giáo chỉ có 15 cộng đoàn với 1.600 người, còn Tin Lành có 200 điểm nhóm với gần 40.000 tín đồ. Ở Điện Biên, trong khi Công giáo chỉ có 2.552 người trong 11 cộng đoàn, thì Tin Lành có 40.000 người trong hơn 200 điểm nhóm.
– Tuy nhiên, nếu hiểu loan báo Tin mừng hay đúng hơn, Phúc Âm hóa, có nghĩa là làm cho Phúc Âm (Tin Mừng) thấm nhập đời sống cá nhân và xã hội, thì chúng ta sẽ thấy vấn đề khác đi. Khi người Công giáo để cho Phúc Âm thấm nhập vào đời sống và biến đổi mình, chẳng hạn sống tốt lành, tử tế, yêu thương, tha thứ…, thì đó đã là loan báo Tin mừng ; nếu Phúc Âm ảnh hưởng đến xã hội, khiến cho người không có đạo cũng sống tốt đẹp, thì việc loan báo Tin Mừng đã thành công rồi. Kết quả của nó không hẳn dựa trên sự gia tăng số người theo đạo. Tin theo đạo là việc của một người với Chúa. Chúa ban đức tin cho ai, người ấy mới được. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng : “Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng bằng sức thu hút” (số 14).
Sau đây, tôi xin nêu vài nhận định về việc thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng tại Việt Nam.
– Xem ra, người công giáo Việt Nam ít quan tâm thi hành sứ mạng này, họ chỉ mới giữ đạo cho mình. Họ dễ nghĩ loan báo Tin Mừng là sứ mạng của ai khác chứ không phải của mình, trong khi nó đích thực là trách nhiệm của mọi tín hữu Chúa Kitô, Bộ Giáo Luật 1983 xác định : “Tất cả các tín hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới hết mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi” (Đ.211).
– Dựa vào lời Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II : “Công cuộc Tân Phúc Âm hóa cần có nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách trình bày mới”, ta thấy tại Việt Nam hiện nay, chúng ta đang thiếu cả ba yếu tố này. Và đó là những điều cốt lõi, không thể thiếu nếu muốn loan báo Tin Mừng.

4. Đức Cha sinh tại Hà Nội, được đào tạo cơ bản và mục vụ tại Quảng Nam, Đà Nẵng, làm linh hướng và giáo sư tại Huế, làm giám mục tại Hưng Hoá, và bây giờ tại Vinh. Xin Đức Cha chia sẻ kinh nghiệm phong phú về địa lý và văn hoá này trong việc mục vụ và LBTM, đặc biệt tại giáo phận Vinh trong thời gian tới.
– Tôi có cơ may được trải nghiệm qua nhiều vùng miền của Tổ quốc và học được tính cách đặc thù của mỗi nơi. Hà Nội “ngàn năm văn vật” ở miền Bắc, nơi tôi sinh ra, cho tôi sự tinh tế. Quảng Nam Đà Nẵng, vùng “đất cày lên sỏi đá”, nơi tôi lớn lên, đi tu rồi làm linh mục, hun đúc cho tôi tinh thần chịu đựng gian khổ, đặc biệt nhờ thời gian hơn ba năm trên công trường Phú Ninh, nơi lao động là “khổ sai” hơn là “vinh quang”. “Huế mộng Huế mơ” đậm nét tinh hoa văn hóa cho tôi tính cách nhẹ nhàng, và môi trường đại chủng viện, nơi tôi gắn bó với sứ mạng đào tạo linh mục trong 15 năm, giúp tôi chín mùi trong sứ mạng và đời sống linh mục. Còn Hưng Hóa là nơi, trong hơn 5 năm qua, tôi thực hiện những hoài bão mục vụ, đặc biệt với anh chị em H’mông chân chất, đơn sơ, thành tín, cho tôi thêm kinh nghiệm thiết thực về sứ vụ mục tử. Bây giờ, được sai đến với giáo phận Vinh, ở Bắc Trung bộ, nơi con người giàu khí phách cang cường, dám đương đầu với nghịch cảnh, tôi mong sẽ học thêm tính cách này để có thể vượt qua những khó khăn trước mắt trong sứ vụ của tôi.
5. Xin Đức Cha cho biết thêm những ưu tư hay chia sẻ của Đức Cha nhắn gởi đến thính giả nghe đài, trong đó có các giáo dân Vinh của Đức Cha!
-Với các thính giả nghe đài, tôi muốn chia sẻ điều này : Đức Thánh Cha Phanxicô thật là vị Mục tử tối cao của Hội Thánh qua phong cách phục vụ của ngài : thẳng thắn, khiêm tốn, hiền hòa, lắng nghe, dấn thân và gần gũi mọi người… Tôi xin quý thính giả cầu nguyện cho chúng tôi, các mục tử, noi gương ngài mà dấn thân phục vụ tận tình tại nơi mà Chúa và Hội Thánh sai đến.
– Với giáo phận Vinh, tôi vui mừng được sai đến để phục vụ, và tôi nguyện phục vụ hết mình. Tôi mong được sự đón nhận và cộng tác của mọi thành phần dân Chúa để cùng nhau xây dựng giáo phận cho vinh danh Chúa. Tên giáo phận mời gọi chúng ta không tìm “vinh” cho mình, mà là cho Chúa, vì chỉ duy một mình Ngài đáng được chúc tụng rằng : “Chính nhờ Đức Kitô, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa, là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen”.

Xin chân thành cám ơn quý thính giả.

Con xin chân thành cảm ơn Đức Cha!
Kính chúc Đức cha tràn đầy ơn thánh để chu toàn sứ vụ mới Chúa trao phó!

Thực hiện: Văn Yên, SJ

Bình luận