Icon Collap
...
Trang chủ / Niềm Tin Vào Đức Chúa Trời Liệu Có Đối Nghịch Với Khoa Học???

Niềm Tin Vào Đức Chúa Trời Liệu Có Đối Nghịch Với Khoa Học???

Nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI, một thế kỷ được xem là sự mở đầu kỷ nguyên của thời đại văn minh trí tuệ, đã làm cho con người ngày được nâng cao. Đây là cơ hội cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ chúng ta. Bên cạnh đó giới trẻ ngày nay đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng về các giá trị luân lý đạo đức và đang có nguy cơ loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Nhiều bạn trẻ đức tin bị sa sút và sống đức tin rất hời hợt. Vậy theo đức cha, nên làm thế nào để chúng con sống có ý thức và trân trọng giữ gìn đức tin của chúng con hơn trong cuộc sống mới này ?

Giải đáp: 

Khoa học và Đức Tin không đối kháng nhau. Không phải ánh sáng khoa học soi đến đâu, sẽ đẩy lui bóng tối lầm lạc của tôn giáo như những người vô thần nghĩ. Ngược lại là đàng khác, khoa học giúp lý giải những quan niệm sai lầm về tôn giáo, và củng cố cho niềm tin hơn. Isaac Newton là một nhà vật lýnhà thiên văn họcnhà triết học, nhà toán học, nhà thần học và nhà giả kim người Anh, được nhiều người cho là nhà khoa học vĩ đại và có tầm ảnh hưởng lớn nhất, nhưng ít ai ngờ ông cũng đồng thời là một người tín hữu sâu sắc. Ông nói: “Tôi thấy Thiên Chúa ở đầu viễn vọng kính của tôi”.

  

 Louis Pasteur là một nhà hóa học, nhà vi sinh vật học người Pháp, nhưng lại rất mộ đạo. Ông thường lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ.


Các bạn trẻ hãy biết tiếp nhận những thành tựu của khoa học, tận hưởng những gì khoa học cống hiến để mở mang tâm trí, nâng cao đời sống xứng với giá trị là “nhân linh ư vạn vật”. Tuy nhiên, bạn đừng để mình bị mù quáng bởi những phát minh của khoa học, để tin rằng con người có thể giải quyết mọi vấn đề. Không đâu, có những vấn đề mà khoa học không thể lý giải được, đó là niềm tin tín ngưỡng, sự sống tâm linh…, bởi khoa học chỉ lý giải được những gì là thực nghiệm, vật chất.


Những phát minh của khoa học tự nó không tốt cũng chẳng xấu, mà tùy thuộc con người xử dụng nó, như những phát minh về vũ khí hạch tâm (bom nguyên tử), thuốc nổ (do ông Nobel phát minh ra, nhưng rồi khi thấy người ta dùng nó để giết hại nhau thì ông buồn bã thất vọng lắm. Cuối đời, ông quyết định dành tài sản để làm giải thưởng Nobel, trong đó có giải thưởng Nobel về hòa bình…). Cũng vậy, internet được coi là con dao hai lưỡi, vừa giúp ích cho con người nhưng cũng lại làm hại con người.

Trong phương diện luân lý và đạo đức cũng thế, những phát minh khoa học có thể bị lạm dụng hoặc cố ý sử dụng vào điều xấu. Vậy bạn trẻ hãy biết sử dụng những thành tựu khoa học cách thông minh, khôn ngoan, và nhất là với nhãn quan đức tin, có nghĩa là nếu một cái gì không giúp ích cho phần rỗi của tôi thì tôi không thiết. Có bạn trẻ mải mê với những hấp dẫn có tính hiện đại và hưởng thụ của khoa học, để quên lãng những giá trị vĩnh cửu của niềm tin, tôn giáo, để rồi hờ hững dửng dưng với việc sống đạo.
Một trong những điều giúp bạn trẻ vững vàng trong niềm tin, đó là việc đào sâu giáo lý công giáo. Bạn cứ nghĩ xem, bạn đầu tư bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức vào việc học hành để lấy bằng cấp này nọ, hầu kiếm một công việc xứng đáng, một cuộc sống thoải mái đầy đủ tiện nghi vật chất, và đó là để sống một trăm năm ! Còn cho cuộc sống đời đời, bạn đầu tư bao nhiêu thời gian, công sức vào việc học hỏi Tin Mừng, giáo lý và sống đức tin ? Ít lắm. Có thể ví như thế này: trình độ kiến thức về các lãnh vực khoa học, đời sống bạn ở tầm mức đại học, cao học, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, thế mà kiến thức về đạo của bạn chỉ ở tầm mức tiểu học ! Khi mà bạn không được trang bị giáo lý vững chắc, thì bạn khó lòng sống đạo tốt đẹp và sâu sắc, rồi khi gặp thử thách, bạn sẽ mất niềm tin, niềm hy vọng.
Sự hiểu biết về đức tin phải dẫn bạn đến thực hành đức tin: “Đức tin mà không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Vậy bạn hãy nỗ lực thực hành đức tin trong cuộc sống cá nhân và xã hội. Hãy mạnh dạn, đừng sợ sệt, dấu giếm. Hãy làm cho đức tin ngày một sống động, phát triển, chứ đừng để yếu ớt, lụn bại… Chúc bạn là một chiến sĩ đức tin giữa thời đại này.

giaophanhunghoa.org

Xem thêm:

Tại sao lại có những người tin vào Thần Thánh?

Thế giới này ngẫu nhiên hay sáng tạo?

 Thiên tài 11 tuổi chứng minh “sự tồn tại thật của Thiên Chúa”

Bình luận