Icon Collap
...
Trang chủ / Vô cảm – Căn bệnh hiểm nghèo của Thế kỷ đương đại

Vô cảm – Căn bệnh hiểm nghèo của Thế kỷ đương đại

Vô cảm – một trong những tội khiến người ta sẽ phải sa hỏa ngục nếu không biết ăn năn hối cải trở về với Chúa. Điều đó đã được Thánh Kinh nói rất rõ qua câu chuyện của người Phú hộ và anh Ladaro nghèo trong bản văn Tin mừng Lc 16,19-31. Điều gì đã khiến người phú hộ phải sa hỏa ngục nếu không phải là tội vô cảm? Sự vô cảm của người phú hộ xưa giờ đã trở thành căn bệnh sốt của thời đại hôm nay. Nhân loại sẽ đi về đâu, thế giới sẽ đi về đâu, Giáo hội sẽ đi về đâu nếu con người cứ tiếp tục sống mãi trong sự vô cảm? Làm sao có thể ứng phó được với căn bệnh này khi chưa thể tìm ra gốc rễ làm nên nó? Phải chăng gốc rễ là do hoàn cảnh của xã hội đương đại như người ta vẫn thường hay nghĩ? Đó là những điều mà Cha Gioan đã gợi lên cho các bạn trẻ sinh viên, trong bài giảng Thánh lễ lúc 19h00 ngày 21/03/2019 của Gia đình Y Dược, giúp các bạn một lần nữa ý thức rõ về căn bệnh hiểm nghèo này.

Ladaro và người phú hộ xưa và nay

Có lẽ khi đọc Tin Mừng, chúng ta thường xem đó chỉ là một câu truyện được kể lại, đã xảy ra trong quá khứ và nó xưa như trái đất, chẳng có liên quan hay đụng chạm gì đến chúng ta. Nhưng sự thât câu truyện ấy vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay. Căn bệnh vô cảm của người phú hộ xưa đã trở thành căn bệnh sốt của thế kỷ đương đại, mà ngày hôm nay người ta đã gọi đó là hiện tượng vô cảm toàn cầu.

Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Syria là sản phẩm của sự vô cảm toàn cầu”, giết chết bao nhiêu người mà tất cả thế giới câm nín, không lên tiếng để cho bao nhiêu người phải chết.

Trong bài viết của một thầy trung học tại Mỹ viết về người trẻ, sinh viên của Mỹ: “Sinh viên Mỹ chẳng có cái gì đâu”. Bài viết đã làm dậy sóng cả Hoa kì, cho thấy một trong những cái bi đát lớn nhất của xã hội ngày hôm nay là người ta không dám đối diện với tình trạng vô cảm của người trẻ. Sinh viên Mỹ đang ngủ trong ánh sáng huy hoàng của cha ông, một thời khắc nữa nước Mỹ sẽ suy tàn nếu không thay đổi. Bài phát biểu của một thầy giáo trung học đã làm dậy sóng nước Mỹ, như một tiếng kẻng báo động, họ chẳng có gì ngoài niềm kiêu hãnh tự tôn. Không chỉ nước Mỹ mà trên thế giới toàn cầu hôm nay, vô cảm đã trở thành một hiện tượng mà trong y khoa gọi là một triệu chứng và triệu chứng đó bùng phát dưới nhiều khái cạnh người ta gọi là hội chứng, và cuối cùng nó trở thành một căn bệnh của phần đông giới trẻ hiện nay.

Vô cảm với chính mình

Chúng ta không giàu có như ông phú hộ về tài sản, vật chất. Nhưng chúng ta giàu có về thời gian. Nhiều bạn trẻ đã và đang phung phí thời gian, giết chết thời gian, lao mình vào các mạng xã hội và sống ảo trong đó. Phung phí sức khỏe cách tàn nhẫn, lao mình vào các trò chơi điện tử và coi đó như tất cả cuộc sống, mà không lo học hỏi, trau dồi tri thức, trau dồi kỹ năng sống, thờ ơ không lo lắng cho đời sống đạo đức, tâm linh, cho phần rỗi sự sống đời đời của mình.

Vô cảm với đồng loại

Macxim Korki nhà văn Nga nói: “Cái lạnh của bắc cự không phải là cái lạnh của băng giá nhưng là cái lạnh của con tim, một trái tim đã chết không còn rung cảm trước nối đau nỗi khổ của đông loại”. Chiến tranh chết chóc khủng bố ngay cả chúng ta cũng thờ ơ vô cảm chẳng bao giờ hướng tâm đến họ, cầu nguyện cho họ. Bạo lực học đường, tai nạn giao thông, thuốc giả, thực phẩm giả tràn lan,… nhưng dường như chẳng ai lên tiếng. Nhân loại đi về đâu, thế giới đi về đâu, Giáo hội đi về đâu, nhiều người trẻ hôm nay chẳng thèm bận tâm. Rồi chúng ta thấy biết bao cảnh tan thương: con cái giết cha mẹ, cha mẹ bạo hành con cái, giết con cái từ trong trứng nước trong bào thai,… Thật là một sự lạnh lùng đến tàn nhẫn.

Vô cảm với Thiên Chúa

Nguy hiểm hơn, vô cảm ngày hôm nay đã len lỏi cả vào tôn giáo. Người ta thờ ơ vô cảm với Thiên Chúa, vô cảm với lề luật, giới răn của Người, không còn mộ mến, yêu mến Thiên Chúa nữa. Người ta không còn hay ít đến với Thánh lễ, không còn đời sống cầu nguyện nữa.

Đâu là nguyên nhân nào dẫn đến vô cảm?

Đọc một loạt các nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục về nguyên nhân của căn bệnh vô cảm, nhưng xem ra những phân tích của họ vẫn chưa đụng chạm đến được gốc rễ tận căn của căn bệnh này. Xem ra người ta mới chỉ nhìn thấy nguyên nhân của vô cảm ở mặt hiện tượng, còn bản chất của vô cảm là gì thì gần như chưa ai đụng đến.

Cái vô cảm lớn nhất mà con người ngày hôm nay gặp phải không phải do xã hội nhưng do chính cha mẹ tạo ra, nghĩa là những đứa con bất đắc dĩ, những sản phẩm không mong đợi của cha mẹ, đó là sự kết tinh của lòng thù hận, cuả sự ép buộc, của những giây phút nông nổi đã biến đứa bé trong bào thai trở nên thù hận ngay từ trong lòng mẹ. Lẽ ra đứa con là qua tặng của Thiên Chúa, thay vì tha thiết, yêu mến, quý trọng và truyền tải tình thương cho chúng, thì lại gieo vào lòng chúng lòng thù hận vì sự hắt hủi. Gốc rễ của sự vô cảm chính là đây.

Tầng vô cảm thứ hai đến từ cách thức giáo dục bạo hành của người cha người mẹ. Một tình thương ngu dốt thì bằng 10 lần trừng phạt con. Thương con cái một cách ngu dốt thì bằng 10 lần trừng phạt nó, làm cho đứa bé trở nên căm thù căm phẫn. Hơn nữa, trong bào thai, người mẹ không còn cảm thức tôn giáo, không có cảm thức về đời sống cầu nguyện, ngược lại người mẹ mang trong mình những ác cảm tôn giáo, thù hằn tôn giáo thì sẽ đẻ ra những đứa con ác cảm thù hằn tôn giáo.

Vậy chúng ta phải làm gì với căn bệnh này?

Câu hỏi mà Đức Giáo Hoàng đương nhiệm đã hỏi mẹ Têrêsa Cancutta “Chúng ta phải khởi đi từ đâu?” Mẹ Têrêsa đã trả lời: “Chính ngài và tôi”. Chúng ta hãy khoan thay đổi người khác. Hãy thay đổi con tim, ánh mắt của bản thân mình trước đã. Đừng trở nên vô cảm, đừng trở nên lạnh lùng băng giá với chính mình, với người khác nữa.  Hãy để cho trái tim rung lên, hãy để cho nỗi đau của người chung quanh chạm đến lòng mình.

Đặc biệt là những sinh viên ngành Y Dược, chúng ta cầm trong tay mình sinh mệnh con người mà chúng ta thờ ơ, vô cảm thì giết chết hằng loạt người. Đừng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, nhưng xin cho con một trái tim đong đầy lửa mến của Thần Linh để chúng con biết yêu mến đồng loại như yêu chính Chúa vậy. Chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta được ơn đó.

Lạy Chúa Giêsu, xin lấy khỏi chúng con quả tim chai đá và thay bằng quả tim biết yêu thương. Xin đặt Thần Khí Chúa vào lòng chúng con, để chúng con biết rung cảm trước những nỗi đau, trước những nhu cầu của anh em đồng loại, những người đang cần đến sự giúp đỡ cảu chúng con. Amen.

 

svconggiao.net

 

 

Bình luận