Icon Collap
...
Trang chủ / NGƯỜI TRẺ TRONG THẾ KỶ ĐƯƠNG ĐẠI

NGƯỜI TRẺ TRONG THẾ KỶ ĐƯƠNG ĐẠI

“Giới trẻ không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của Giáo Hội và của xã hội”.

Trước đây, người ta nghĩ rằng người trẻ là tương lai của đất nước, của xã hội và Giáo Hội. Nhưng không. Trong cái nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô thì người trẻ là hiện tại của cả xã hội lẫn Giáo Hội chúng ta. Bởi vì nơi người trẻ dường như hàm chứa một năng lực nội tại vô cùng mạnh mẽ. Nếu biết định hướng cho những năng lực đó được phát triển, được đi đúng hướng thì những năng lực đó sẽ làm cho Giáo Hội sinh hoa kết quả, sẽ làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Có lẽ Đức Thánh Cha thấy rất rõ nơi người trẻ, họ có những khát vọng, những hoài bão, những ước mơ, những táo bạo, những điều dám nghĩ dám làm. Cho nên người trẻ có thể thay đổi vận mệnh của Giáo Hội lẫn xã hội.

Chúng ta nhìn cuộc biểu tình tại Hồng Công, đã diễn ra trong suốt thời gian qua, trong đó những người trẻ họ dám đứng lên, họ tuyên bố một là tự do hai là chết. Bất chấp sự đàn áp của cảnh sát Hồng Công, sự đe dọa từ đại lục, những người trẻ đó không run sợ. Cuộc biểu tình đã dẫn đến tình trạng khiến cho chỉnh phủ của đại hội của Trung Hoa sợ hãi bởi vì có lúc lên tới mấy triệu người. Họ đồng tâm nhất trí, họ không cần thủ lãnh, họ cần một nền tự do dân chủ, họ cần một con đường để họ được sống.

Nhìn người trẻ của Hồng Công, thương cho người trẻ của Việt Nam, chỉ biết chúi đầu vào những chuyện tầm phào, vô bổ. Chỉ biết chúi đầu và những chuyện thực dụng. Chẳng dám một ước mơ, chẳng dám một hoài bão, chẳng dám có một ngày mình có thể thay đổi thế giới này như người trẻ tại Hồng Công. Người trẻ có thể trở nên tương lai để thay đổi Giáo Hội, xã hội. Người trẻ có một tiềm năng lớn. Cho nên ĐTC Phanxico kêu gọi những người trẻ: “Các con hãy dám nghĩ dám làm. Hãy can đảm, hãy dấn thân. Đừng sợ hãi.” Ngài tin tưởng nơi người trẻ. Ngài không muốn những người trẻ trở thành những chiếc xe nơi gara, nơi bãi đậu, hoặc những xe phế thải, những xác ướp còn trẻ. Ngài muốn những người trẻ hãy dùng thời gian quý báu ở học đường để không chỉ thăng tiến bản thân mà góp phần thăng tiến xã hội và Giáo Hội.

Có lẽ cũng vì điều đó mà trong thư của Đức Tổng Giuse của chúng ta gửi cho học sinh sinh viên nhân ngày khai giảng. Ngài đã mời gọi chúng ta nhớ lại điều Đức Hồng y chân phước Phanxico xavie Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Học để biết. Học để canh tân. Học để yêu thương học để phục vụ. Học là vậy. Không phải để biết nhưng để phục vụ”. Người trẻ phải cho họ cơ hội phục vụ, phải cho họ cơ hội được thăng tiến. Học không phải để nhồi nhét một mớ kiến thức vào người, làm cho nó trở nên loạn trí. Nhưng học để canh tân, đời sống của mình. Để canh tân tầm nhìn của mình, để canh tân ý thức hệ trong đầu của mình. Đừng để cho nó đóng băng, đừng biến mình thành những rôbot. Chỉ nhồi nhét vào mà không thay đổi được cái gì cả.

Học để biết yêu thương. Khó lắm. Con người thời nay học để hưởng thụ, học để xa hoa, học để tự sướng bản thân mình. Bài học phục vụ yêu thương dường như người trẻ hôm nay xem ra lỗi thời. Học để biết phục vụ chứ không phải học để làm nên những tượng thần, những tượng đài. Học để biết yêu thương chứ không phải học để rồi trở nên kẻ phi tình bạt nghĩa, trở nên những kẻ phi nhân, sát thủ.

Học để biết. Học để canh tân. Học để phục vụ. Học để yêu thương.

Để làm được điều đó, Chúa Giê-su hôm nay mời gọi tất cả chúng ta, cách riêng học sinh sinh viên, người trẻ nhìn lại chìa khóa, bí quyết thành công trong cuộc đời mình. Không có chìa khóa này chúng ta sẽ thất bại. Không có bí quyết này chúng ta sẽ chẳng bao giờ thành công.

Chìa khóa đó, bí quyết đó chính là khả năng tiên liệu của mỗi người chúng ta đối với thực tại, đối với cuộc đời.

Lời Chúa trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai hình ảnh, một người xây tháp nếu không tiên liệu, xây nửa chừng hết tiền thì người ta cười cho bẽ mặt mà tháp cũng hỏng chẳng làm được ích gì. Một ông vua ra trận mà không tiên liệu được đối phương có bao nhiêu quân? Quân mình có thắng được nó hay không? Thì ra trận chỉ mang lấy thất bại thảm hại mà thôi. Cho nên việc tiên liệu, việc dự phóng, việc cần phải chuẩn bị trước, đó là chìa khóa của thành công mà mỗi người chúng ta hãy nghe lời Chúa nói mà thực thi.

Các con đi học cũng vậy. Các con phải biết tiên liệu nơi học đường học những cái gì. Cái gì nên học, cái gì không nên học. hôm nay tội cho các con tuổi còn nhỏ mà mang cặp nặng hơn người. Học, học, học. Nhồi nhét từ sáng đến tối, đầu óc rối tung lên. Không tâm thần là chuyện lạ. Cha nghĩ khoảng 10 năm nữa tâm thần của Việt Nam sẽ phổ quát. Người trẻ sẽ bị tâm thần rất nhiều. Khi cha chữa trị cha đã thấy tình trạng đó. Bởi vì quá áp lực. Tuổi còn trẻ, óc còn nhỏ mà đã bắt nó học sáng, trưa, chiều, tối rồi đến đêm cũng phải học. Học không có hơi thở nữa, thì nó không điên mới lạ. Cha mẹ phải biết tiên liệu cái gì cần cho con học, cái gì không cần cho con học.

Còn các con đến học đường phải cẩn thận, học cái gì đúng, cái gì phải đạo. Còn những cái dối trả như coppy, gian lận như bệnh thành tích, lười biếng, đua đòi. Tất cả những cái đó các con không được học. Phải biết tiên liệu “học cái gì”. Còn không, chẳng những không học được mà lại còn phá sản cả kinh tế của gia đình, cả tương lai của cuộc đời mình.

Cha mẹ phải biết tiên liệu cho con cái nếu con cái không đủ khả năng để tự phân định. Còn không thì việc học không những làm cho con không tiến được mà còn trở nên u mê, dễ đãng trí, trở nên dễ bệnh hoạn.

Có em mới học lớp 9, ra cha chữa bệnh nằm úp mặt trên bàn, bốn ngày không nói không cười. Sau mới phát hiện ra cha mẹ đi làm ở nhà xem phim nhiều quá. Giờ đầu óc đầy phim. Cuối cùng cha cho viết hai cuốn tập dày toàn phim, thử hỏi đầu mình chứa được không? Cha mẹ canh chừng đừng cho con cái xài điện thoại, đừng cho con cái xem phim nhập vào trong đầu những thứ rác rưởi bẩn thỉu kẻo sau này nó sẽ biến con mình điên điên, khùng khùng. Đừng chiều con, vứt cho nó cái điện thoại để còn làm việc, mà không biết chính những cái đó giết chết con mình. Phải biết tiên liệu. Nếu không việc giáo dục của chúng ta không những không canh tân, biến đổi con người mà có khả năng hủy diệt và làm hại con người.

Và để giúp chúng ta hoàn thành bổn phận nơi học đường, cha mẹ hoàn thành trách nhiệm chăm sóc con cái, hôm nay Chúa đòi chúng ta tiên liệu hai việc:

Việc chúng ta cần học nhất là trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Còn không trở thành môn đệ Chúa Giêsu thì có học cho đến cùng, có làm chủ tịch nước, tổng thống đi chăng nữa cũng vô ích. Học gì thì học nhưng phải học cách để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Khi đó, chúng ta mới có khả năng vượt thắng những khó khăn nơi học đường, đặc biệt nơi môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng vong thân, dối trá, lừa gạt…

Là cha là mẹ chúng ta biết khi người ta nhập vào con cái mình những cái dối trá, lừa gạt như vậy thì con cái của mình sẽ bị thay da đổi thịt, chất Kitô hữu sẽ bị biến mất. Thay vào đó là não trạng dối trá, vô thần sẽ thế chỗ cho các em.

Và để làm được như vậy phải đưa các em đến nhà thờ. Phải cho các em đi học giáo lý đều đặn để bảo vệ, đừng để cho những tư tưởng tiêu cực, gian dối của xã hội, của học đường thấm nhập nơi tâm trí các em và biến các em trở thành những người ngoại đạo lúc nào không hay.

Trở thành môn đệ của Chúa là vậy. Và Chúa chỉ cho chúng ta hai điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa:

Thứ nhất là phải từ bỏ tất cả

Chúng ta thì nhập vào tất cả còn Chúa thì đòi phải từ bỏ tất cả. “Bỏ cha mẹ, vợ con họ hàng, ngay cả mạng sống của mình  mới làm môn đệ của Ta được”. Chúng ta thì chẳng chịu từ bỏ cái gì, ngay việc đến với Chúa, học giáo lý, cầu nguyện, lo lắng cho con cái đạo đức, thánh thiện cũng chẳng chịu cứ thích cho con cái học đủ thứ này thứ kia nó đòi cái gì chiều nó cái đó. Chẳng biết giúp nó từ bỏ cái gì mà làm cho nó trở thành kẻ ôm đồm cả thùng rác của xã hội vào trong tâm trí nó.

Để trở thành môn đệ của Chúa, chúng ta phải dứt khoát vứt bỏ những cái của thế gian, những cái mà chúng ta cho là thần tượng, để đến với Chúa học với Chúa bài học hiền lành, khiêm nhường.

Điều kiện thứ hai đó là Chúa đòi chúng ta phải vác lấy thập giá. Tức là những khó khăn thách đố mà xã hội đương đại đặt ra cho chúng ta, những mưa ma thứ quỷ mà nó đang bày ra cho chúng ta. Nó khiến cho con cái chúng ta lầm lạc. Chúng ta phải can đảm đối mặt, giúp cho con cái chúng ta vượt qua những khó khăn đó. Có lẽ thập giá lớn của những bậc làm cha làm mẹ bây giờ đó là giáo dục con cái. Dường như cha mẹ mất khả năng giáo dục ảnh hưởng con cái, dường như con cái chỉ nghe theo học đường, nghe theo những điện thoại phim ảnh và mất dần khả năng vâng phục cha mẹ. Bởi vì cha mẹ quá mải mê làm tiền, mải mê lo cho kinh tế mà quên đi rằng giáo dục con cái là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của mình. Con cái của mình sẽ trở thành môn đệ của Chúa Giêsu hay môn đệ của chủ nghĩ vô thần, cha mẹ phải suy nghĩ cho kỹ, phải canh chừng, kẻo đến lúc đánh mất tất cả, đánh mất những đứa con mà mình sinh ra thì khi đó lỗi tại ai và ai phải trả lẽ trước mặt Chúa?

Cho nên hôm nay Chúa trong Thánh lễ khai giảng năm học mới, Chúa mời gọi chúng ta nghe, Chúa dạy chúng ta hãy tiên liệu hãy dự phóng con cái mình, cho tương lại của con cái mình để rồi mà từ bỏ mọi danh lạc lạc thú của trần gian, những phong trào, những cái mê hoặc của thế gian mà hướng con cái về Chúa, về Hội Thánh, về việc phục vụ, về việc hi sinh. Chúa đòi chúng ta phải vác thập giá lớn nhất đó là làm sao giáo dục con cái theo luật Chúa Kito và giúp con cái trung thành với Hội Thánh, trung thành với chính Chúa Giêsu. Đó là một trong những thập giá lớn nhất chính Chúa mời gọi những bậc cha mẹ phải đối diện, phải vác mỗi ngày đi theo Chúa. Có như vậy chúng ta mới trở thành môn đệ của Chúa.

Xin Chúa Giêsu, Đấng đang dùng lời của Ngài nói với chúng ta, giúp chúng ta ý thức đi theo Chúa phải từ bỏ thế gian, từ bỏ tất cả quyến luyến ràng buộc mới trở thành môn đệ Chúa được. Đi theo Chúa phải chấp nhận thập giá, chấp nhận lội ngược dòng, chấp nhận những khó khăn thách đố mà Giáo hội đặt ra để trung thành, vững lòng tin vào Chúa mỗi ngày. Khi đó chúng ta mới thật sự trở nên môn đệ thật của Chúa.

Cha cầu chúc cho tất cả các con thiếu nhi, học sinh, sinh viên khởi đầu một năm học mới hãy lắng nghe lời của Chúa, để rồi chúng ta biết từ bỏ những cái cần từ bỏ. Đừng mê phim ảnh, đừng mê game, đừng mê mạng xã hội. Đừng chạy theo những trào lưu của xã hội đương đại kẻo nó nhốt chúng con vào trong thế giới ảo và làm cho chúng con trở thành nạn nhân, trở thành những kẻ tâm thần của thế kỷ đương đại.

Xin Chúa Giêsu, Đấng đang nói với chúng con, ban cho chúng con sức mạnh để chúng con cảnh tỉnh với những thói đời, với những mưu ma của ma quỷ đang rình rập tước đi Thiên Chúa khỏi chúng con, nhất là trong thời kì tuổi thơ “bằng việc đổ vào đầu các con bao nhiêu thứ mê hoặc, rác rưởi”.

Cầu xin cho cha mẹ luôn luôn tỉnh thức canh chừng biết từ bỏ những cái không cần thiết để giữ cho Đức tin của con cái được trong sạch, được thành toàn. Amen

 

Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, cssr

 

Bình luận