Icon Collap
...
Trang chủ / Sát thủ ẩn mình

Sát thủ ẩn mình

Có những chuyến đi, những hành trình dài thật dài! Tôi đã có một hành trình tìm về thế giới nỗi buồn của mình. Thế giới đó không đơn thuần như tôi nghĩ, nhưng nó là một thế giới rộng lớn, phức tạp và khó hiểu. Bởi thế mà hành trình của tôi cũng thật dài. Tôi đã gọi cái buồn trong tôi là nỗi buồn không tên vì cái buồn đó khó hiểu và chẳng biết từ đâu đến. Nhưng sau những ngày tháng chật vật tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng có thể biết vì sao tôi lại mang nỗi buồn vu vơ và trường kì như vậy.

Từ khi được thành hình trong lòng mẹ tôi đã phải đơn côi một mình. Qua lời kể của mẹ, tôi biết được mình là đứa con ngoài ý muốn. Bố mẹ dự định chỉ dừng lại sau khi sinh chị gái. Mọi người đều nghĩ chị là con út nên khá nuông chiều. Sau hai tháng mẹ mới biết có tôi và đành phải chấp nhận. Bố đã động viên mẹ và phải mất một thời gian mẹ mới thực sự đón nhận tôi. Tôi chỉ biết vậy, còn việc mẹ đã yêu thương tôi thế nào thì đó là một dấu chấm hỏi mà tôi chưa tìm ra được.

Rồi từ khi sinh ra và lớn lên, tôi đã phải sống trong một môi trường “kì dị”. Tôi chưa bao giờ được cảm nếm hai từ “yêu thương” ngay từ trong gia đình mình. Vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ tôi luôn phải vùi đầu vào công việc mà không có thời gian quan tâm con cái. Họ đi làm từ thứ 2 đến Chúa nhật. Anh chị em tôi ở nhà phải tự chăm sóc nhau. Chẳng có mấy khi gia đình tôi đoàn tụ với nhau cách vui vẻ, đầm ấm, có đủ bố mẹ, các anh, chị và các em tôi. Tôi chưa bao giờ nhận được những lời nói hay cử chỉ quan tâm ân cần, nhẹ nhàng của mẹ hay của bố tôi. Tôi cảm thấy ra sao, tôi cần gì, tôi thiếu thốn gì bố mẹ cũng không biết, vì họ đâu có thời gian dành cho chúng tôi. Tôi chưa một lần được bố hay mẹ đi họp phụ huynh, đi nộp tiền cho như bao nhiêu đứa trẻ khác.  Nhiều lúc tôi đã tự hỏi: Tình yêu thương, sự quan tâm là gì vậy? Tôi cũng chẳng biết lý do gì mà từ nhỏ tôi đã là một đứa trẻ rụt rè, chậm chạp, ít nói và sợ hãi mọi người. Điều đó đã tách biệt tôi ra khỏi thế giới mà tôi gọi là “bình thường” ngoài kia. Dường như tôi chưa bao giờ nói chuyện, tâm sự, chia sẻ với ai bởi tôi cảm thấy mình khác biệt với các bạn. Tôi chưa từng có bạn.  

Đặc biệt hơn, từ nhỏ tôi đã rất sợ bố. Cái sợ đó khiến cuộc sống của tôi trở thành ngục tù. Tôi nghĩ nếu bản thân mình là một đứa thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát chắc sẽ đỡ được phần nào. Nhưng trớ trêu thay, cái nhút nhát, sợ sệt, chậm chạp của tôi đã khiến cho nỗi sợ bố càng gia tăng. Gương mặt buồn sầu của bố thật đáng sợ! Tôi đã ngủ chẳng ngon giấc, ăn chẳng ngon miệng và chẳng tự do để làm điều gì khi có sự hiện diện của bố hay nghĩ đến bố. Những điều đó theo năm tháng đã cùng tôi lớn lên. Tôi sợ bố nhìn, sợ bố gọi tên, sợ nghe thấy bố nói, sợ bố bảo tôi làm gì đó, sợ bố tức giận, sợ bố mắng nạt, sợ bố buồn, sợ không vừa ý bố. Càng sợ như vậy tôi chẳng thể làm gì. Mà hình như dù hài lòng hay không thì đối với tôi gương mặt bố cũng chẳng khác nhau là mấy. Dường như bố chẳng bao giờ cười với tôi, cũng chẳng bao giờ có thời gian quan tâm. Như vậy làm sao tôi có thể vui?

Niềm vui tôi đã chẳng nhận được từ gia đình thì dòng tộc, họ hàng càng không thể cho tôi điều đó. Những cái tên “gia tộc”, “anh em”, “bà con” sao mà thật xa lạ với tôi! Thực sự đối với tôi – một đứa ngu ngơ, non nớt, khờ dại, từ khi có trí khôn, tôi đã phải đối diện với một gia tộc chẳng khác gì địa ngục ở trần gian. Mọi người đố kị, ganh tị, chém giết lẫn nhau – đặc biệt là anh em đàng nội. Ông bà nội tôi sinh được 9 người con nhưng anh chị em tan tác, chia rẽ nhau, không hòa hợp được. Hiếm khi nào tôi thấy họ hàng bên nội hay bên ngoại đến thăm nhau. Chưa bao giờ tôi nhận được sự quan tâm hay cảm nếm được chút tình thương từ nơi những người mà tôi gọi là chú bác, cô dì, cậu mợ….

 Không chỉ dừng lại ở đó, ngôi nhà nhỏ của chúng tôi nằm một mình dưới chân đồi, tách biệt với làng xóm bởi hai con dốc hai bên và một con đường mòn nhỏ dẫn ra sau núi, khá hoang vu, hiếm người đi lại. Bố tôi lại là một người khá đạo đức, không rượu, không thuốc, ít nói và ít giao du với người ngoài nên dường như quanh năm chẳng có bạn bè hay ai đến thăm nhà. Một cách tự nhiên, chúng tôi sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Đối với nhiều người, nhiều gia đình, lễ quan thầy, chầu lượt, noel hay dịp lễ nào đó luôn thật đặc biệt và quan trọng, là cơ hội để anh em, bạn bè, gia đình tụ họp gặp gỡ. Nhưng đối với gia đình tôi thì không – tất cả đều bình thường và họ luôn bận rộn với những công việc hằng ngày. Có lẽ, hai từ “bình thường” luôn hiện diện trong suy nghĩ…và tôi thấy chẳng có gì là vui!

Ngay cả trong môi trường học đường, dù học lực không đến nỗi nào, tôi vẫn luôn rụt rè và nhút nhát. Vì thiếu sự quan tâm từ gia đình nên tôi dễ bị bắt nạt và hay bị dọa, bị đánh mà nhiều khi những đứa đánh tôi chẳng ai khác ngoài mấy thằng em con cậu. Trớ trêu vậy đó! Tôi cũng đã rất buồn, rất mặc cảm khi dường như tôi là đứa con gái duy nhất không có bố mẹ đi họp phụ huynh, luôn vắng mặt trong các hoạt động của trường lớp, không tham gia học thêm …Tôi luôn phải đứng lên cùng với hàng học sinh cá biệt. Điều đó càng khiến tôi buồn và sợ hơn.

Còn một điều không thể thiếu đó là nét buồn trên gương mặt tôi là sản phẩm di truyền từ bố và mẹ. Vẻ buồn của bố luôn khiến người khác phải suy nghĩ và nhiều người sợ. Còn mẹ – đó là nét buồn của sự phiền muộn và lo lắng. Không chỉ tôi mà dường như mấy anh chị em đều sở hữu gương mặt buồn như vậy.

Cũng còn có một điều nhiều lúc khiến tôi buồn phiền đó là cảm giác lạ lùng giữa tôi với mẹ. Tôi dường như luôn muốn chống đối lại tất cả những hành động, cử chỉ, lời nói của mẹ. Tôi khó chịu mà không biết tại sao. Nhưng sau khi tìm hiểu nguyên nhân, tôi biết được cái khó chịu, cái cảm xúc luôn muốn chống đối đó chính là của mẹ đối với bà nội khi đang mang thai tôi. Tâm lý phản kháng của mẹ di truyền lại cho tôi.

Trong thời gian của hành trình chữa bệnh, cha linh hướng đã giúp đỡ tôi với những bài thực hành cụ thể. Đối với tôi, cái bài tập “thực hành” này chẳng dễ dàng chút nào. Vào những ngày đầu, tôi cảm thấy cũng khá ổn nhưng dần dần lại cảm thấy thật khó khăn và mệt mỏi. Có lúc tưởng chừng sẽ phải bỏ cuộc nhưng tạ ơn Chúa, cuối cùng sự cố gắng đối diện với gian nan đó đã không trở nên vô ích. Giai đoạn thực hành đã giúp tôi thu về được những kết quả đáng kể tuy nhiên vẫn còn đó không ít những khó khăn.

Đầu tiên là việc tập cười – nhìn vào gương mặt mình và cười ra tiếng. Lần đầu tiên trong đời tôi cười nhiều như vậy và cũng là lần đầu tiên tôi mới biết rằng cười lại mệt đến thế. Suốt thời gian thực hành, tôi nhìn vào gương tập chắc cũng được khoảng 1-2 phút rồi thôi. Đi đường, ngồi trong lớp học hay ở bất cứ nơi đâu, khi nhớ đến, miệng tôi đều hé lên tập cười. Cười nhiều tôi thấy mỏi miệng lắm. Nhiều lúc dẫu không cười nổi, tôi đưa tay lên đẩy miệng ra để có thể nở nụ cười. Mỗi khi ngồi chơi với mọi người, tôi tập bằng cách cố cười cho ra tiếng haha, hihi, há há…. Nghe có vẻ thật ngượng ngùng và điên điên! Thế nhưng tôi cứ cố gắng tập như vậy và điều đầu tiên tôi nhận được có lẽ là đóng góp chút ít niềm vui cho mọi người. Tôi hay cười khiến mọi người cũng vui hơn. Còn về chính bản thân thì lúc đầu tôi cảm thấy cười nhiều chỉ để che lấp những cái buồn bên trong. Nhưng lâu dần tôi thấy cười giúp tôi can đảm, mạnh mẽ hơn để đối diện với những nỗi buồn khó hiểu đó. Cười nhiều hơn khiến cơ mặt tôi cũng dãn ra làm cho gương mặt cũng trở nên tươi trẻ. Nụ cười làm cho cuộc sống của tôi trở nên ý nghĩa hơn.

Rồi từ một đứa như tự kỉ, buồn vu vơ, tôi tập bước ra, mở lòng mình ra nói chuyện với mọi người. Tôi gặp gỡ, chia sẻ với anh chị em khác và học cách lắng nghe họ. Lúc đầu bài tập này đối với tôi cũng thật khó nhưng khi quen hơn tôi thấy cũng khá ổn. Nói ra được những tâm sự trong mình, tôi cảm thấy đỡ được phần nào và khi nghe người khác chia sẻ, tôi cảm thấy được đồng cảm. Tôi thấy mình không đơn độc bởi ngoài tôi còn rất nhiều người cũng phải chịu những nỗi buồn khó hiểu gặm nhấm, dày vò. Chúng tôi hiểu nhau, biết thông cảm và đón nhận nhau. Tôi nhận ra bao nhiêu người còn đối diện, vượt qua được thì tại sao tôi lại không. Tôi lại thêm mạnh mẽ và kiên nhẫn hơn với chính mình. Tôi làm chủ mình và từ từ nỗi buồn đó không còn có thể thỏa sức hành hạ tôi. Tôi tập đối diện và phần nào làm chủ được nó.

Còn trong việc ý thức về ăn uống, ngủ nghỉ, trước đây tôi chỉ biết ăn cho no bụng, ăn như một con heo, ăn để tồn tại chứ chẳng mấy khi ý thức xem thức ăn thế nào, có ngon không. Nên dường như, tôi chẳng thể thưởng thức được mùi vị của nó. Và đặc biệt, khi buồn tôi có thể ăn rất nhiều so với mức bình thường. Bây giờ tôi tập ý thức nhưng điều này cũng không hề dễ dàng. Có những lúc ý thức được thì tôi ăn chậm lại nhưng rồi được một hai miếng thì tôi lại quên mất, ăn vù một cái hết khi nào chẳng hay và như thế tôi đã bỏ lỡ một cơ hội tìm niềm vui. Sống chậm lại từng giây phút để cảm nhận hương vị cuộc sống có lẽ là một khởi đầu để tìm đến niềm vui. Vậy nhưng, tôi đã chưa ý thức được bao nhiêu. Tôi vẫn còn phải tập rất nhiều, tập để cảm nhận những niềm vui dần thế chỗ cho những nỗi buồn mênh mông, đeo đẳng bấy lâu nay.

          Rồi những lúc buồn, tôi cũng tập chạy đến với Chúa – Chúa Giêsu Phục Sinh và đặc biệt là Chúa Giêsu ngự trong bí tích Thánh Thể. Tôi không đủ sâu sắc, cũng chẳng đủ tình yêu hay cảm xúc để nói với Người một cách mượt mà, thấm đẫm hay như thế nào đó. Trước sự bất lực vô cùng tận của chính mình, tôi lang thang trước mặt Người và nói hết với Người bằng những ngôn ngữ hạn hẹp của tôi. Đó đôi khi là tiếng thở dài, là lời than thở, trách móc hay là một sự bộc bạch hết với Người về những cái buồn, cái sợ mênh mông khó hiểu đang diễn ra trong tôi. Nhiều lúc, đó còn là những giọt nước mắt hay chỉ thẫn thờ ngồi trước mặt Người. Rồi đôi khi đó cũng có thể là một giấc ngủ bình yên trên bàn quỳ hay bao nhiêu những suy nghĩ vẩn vơ…Nhưng dù thế nào tôi vẫn cảm thấy bình yên hơn khi tôi chạy đến với Người. Dẫu không phải lúc nào đến với Người tôi cũng cảm thấy được an ủi nhưng chắc chắn rằng, dù ra sao Người vẫn đang muốn nói với tôi, gửi đến cho tôi điều gì đó. Chúa Giêsu Phục Sinh – Ngài mang đến niềm vui, hi vọng. Chúa Giêsu Phục Sinh – Người đã chiến thắng sự chết là bao cô đơn, buồn tủi, đau khổ. Tôi biết nhưng có những lúc vì quá mệt mỏi và yếu lòng tôi vẫn phớt lờ Ngài, để cho những nỗi buồn gặm nhấm, dày vò, điều khiển tôi, ngay cả trong thời gian thực hành. Cứ thế, tôi tập chạy đến với Chúa khi buồn, tập chấp nhận và đối diện với nỗi buồn không tên đó.

Bài tập thực hành này không phải chỉ dừng lại một, hai ngày hay một, hai tháng hoặc một, hai năm nhưng phải tập cả đời. Ý thức được những khó khăn cũng như những hoa quả của việc thực hành tập hóa giải nỗi buồn, tôi phải cố gắng mỗi ngày. Tôi tập tìm kiếm niềm vui từ những điều nhỏ bé để dần dần nó thế chỗ cho nỗi buồn mênh mông đang lấp đầy tâm hồn tôi. Và, tôi cũng phải học để chấp nhận nó là một phần cuộc sống của mình.

Hạt Cát Nhỏ

Bình luận