Icon Collap
...
Trang chủ / Phải Giữ đất Dù Phải Hy Sinh Xương Máu

Phải Giữ đất Dù Phải Hy Sinh Xương Máu

CÔNG LÝ & HÒA BÌNHTin Tức

Nhà cầm quyền cộng sản đã bất ngờ tấn công lúc 4g00 sáng ngày 09/1/2020 vào khu dân cư thôn Hoành, xã Đồng Tâm, cách khu vực xây dựng tường rào đất quốc phòng 3km, và cánh đồng Sênh, nơi đang tranh chấp đất giữa người dân và quân đội.

Cuộc tấn công này không phải là hành vi tập kích quân thù, mà là hành vi giết hại dân lành, những người can đảm đứng lên tranh đấu cho mảnh đất tổ tiên để lại.

Tiếng súng của lực lượng mang danh “Công an nhân dân” và “Quân đội nhân dân” không nhằm vào quân thù mà nhắm thẳng vào người dân mà bắn, và Cây Đại Thụ thôn Hoành, cụ Lê Đình Kình đã ra đi trong cuộc chiến giữ đất.

Người dân cả nước bàng hoàng trước một sự thật phũ phàng là các giá trị phổ quát như sinh mạng và tài sản của người dân, sự thật và lẽ công bằng, hiến pháp và pháp luật, công luận, đạo lý và lương tri hoàn toàn vô nghĩa trước một thứ chính trị duy ý chí kinh khủng của thể chế độc tài, coi tất cả là phương tiện để đạt được mục đích, xem những ai dám phản kháng là quân thù phải tiêu diệt.

Nếu điều 53, hiến pháp 2013 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, thì điều đó ngày càng cho thấy người dân chẳng sở hữu chút nào trên mảnh đất tổ tiên để lại, chẳng có một chỗ để đứng, để sống và ngay cả để chết.

Sự “trắng tay” của người dân đưa đến sự “tha hương” của họ chính trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, tạo nên một đời sống lam lũ, khổ cực, một tinh thần luôn sợ sệt bất an, dù luôn được nhà cầm quyền “tiêm chích” những chất gây ảo giác về cảnh thanh bình và ổn định chính trị để phát triển đất nước, với mục tiêu “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Nếu có các cuộc xung đột, tranh chấp hoặc lạm quyền, làm trái pháp luật từ trong đảng và chính quyền, người dân cũng hãy yên lòng, vì “đã có đảng và nhà nước lo”. Hậu quả là, tuy vẫn tồn tại những cái sai, cái xấu và ngày càng gia tăng, nhưng được giải thích là hiện tượng nhất thời, cục bộ, do vài người, vài bộ phận suy thoái đạo đức, mất tính đảng, mất thái độ “công bộc”.

Với nguồn tin đa chiều trên mạng xã hội, mắt được mở, tai được nghe, trí não được thấu hiểu, người dân dần nắm bắt sự thật của mọi vấn đề, đã biết nhận định, đánh giá mọi việc, từ chính trị đến đời sống đã từng bị bưng bít, bóp méo và định hướng, dù điều này khiến cho họ bị nhà cầm quyền liệt vào hạng phản động, bị ghép tội chống phá nhà nước.

Với chủ trương đảng trị trong một thể chế độc tài, mà chính phủ chỉ là tay sai, đảng ở trên pháp luật, vì đảng, qua chính phủ, có “quyền” tạo ra, sửa đổi, vô hiệu hoá bằng những văn bản dưới luật, để điều khiển mọi tổ chức, lực lượng từ quân đội và công an, an ninh và dân phòng, cựu binh, dư luận viên và định hướng cả hệ thống tuyên truyền.

Vì thế đảng và nhà nước không ngần ngại chà đạp những quyền chính đáng của người dân, sự ổn định và đời sống của người dân, và sử dụng cả bộ máy chính trị ấy để sách nhiễu, đàn áp, nếu người dân cưỡng lại những chủ trương, chính sách, dù có vô pháp, phi nghĩa và bất nhân.

Cụ Kình đã hy sinh xương máu để giữ đất. Cái chết tức tưởi của cụ đem theo những gì sót lại của lòng tin vào chính nghĩa, vào lẽ phải của đảng mà suốt đời cụ phục vụ, nhưng thật ra, cụ “đã chết” trước thói lạm quyền và bạo lực, tham lam và tráo trở, coi thường danh dự và trách nhiệm trước người dân của nhà cầm quyền.

Và sự việc đã đẩy sự phẫn nộ của người dân lên đỉnh điểm, nhưng liệu “đất” có giữ được hay không?

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Nguồn: nhathothaiha.net

Bình luận