Icon Collap
...
Trang chủ / Nghệ thuật xử sự với những người khó ưa của Chúa Giê-su

Nghệ thuật xử sự với những người khó ưa của Chúa Giê-su

Với những người khó ưa, Đức Giêsu xử sự theo 5 cách sau


Phương cách giúp đón nhận sự bất tiện, xung khắc và phiền hà.

Phải xử sự ra sao trước những người khó ưa?

Trong đời chúng ta có thể gặp phải một số người khó ưa, đơn giản vì họ muốn nắn gân chúng ta. Hay có thể họ khó ưa vì họ khác biệt chúng ta. Hay họ khó ưa vì chúng ta sống cùng họ (và vì càng gần gũi thiết thân, nên những thói tật dù nhỏ nhất cũng dễ bị nhận ra, khuyếch đại). Hay có khi họ khó ưa vì chúng ta “ưa không nổi”, và có điều gì đó nơi chúng ta chướng tai gai mắt với họ.

Hoặc có khi, họ khó ưa đơn giản vì họ vốn vậy.

Dầu thế nào đi chăng nữa, khi trưởng thành trên đường tâm linh, chúng ta có thể học cách đón nhận những (con người, sự việc) bất tiện, xung khắc và phiền hà trong cuộc sống này, không chỉ như những quấy rầy cần thiết nhưng như những quà tặng.

Cây viết Heather King viết:
Khi chúng ta sẵn sàng, đón nhận những gì cuộc sống mang đến cho ta, tất cả những bài học gắn liền với nó, thì mọi thứ sẽ sáng lên.

Chúng ta sẽ nhận ra, mọi sự như nó là, hay có thể là, gắn liền với hành trình hướng tới cái đẹp và trật tự của chúng ta. Mọi sự đều “có chỗ của nó”: những con búp bê cũ kỹ, những cuốn nhật ký tơi tả, những khuy áo bị vứt bỏ. Những con người khó ưa.

Nhìn những con người khó ưa trong ánh sáng tích cực như vậy, xem ra là một đòi hỏi khó nhá. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu tập xử sự với những con người khó ưa theo cách của Đức Kitô.

Kinh thánh chỉ cho chúng ta vài cách, Đức Giêsu đã áp dụng với những người khó ưa:

1. Đức Giêsu đặt các câu hỏi cho họ: Ở chương 12 Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giêsu được yêu cầu dàn xếp một mối bất hoà trong gia đình, đơn giản Người nói với họ, “Này anh, anh nghĩ tôi là ai?” (dịch thoát). Có một điểm khá lý thú là, trong Kinh thánh, Đức Giêsu rất ưa đặt câu hỏi. Các câu hỏi của Đức Giêsu đôi khi là câu hỏi tu từ, hay câu hỏi có tích thách thức, và có nhiều khi, Người cũng chờ đợi sự phản hồi. Bằng việc đặt ra các câu hỏi, Đức Giêsu cho thấy rõ ràng sự cởi mở của Người trước tha nhân.

Khá hài hước, nhưng sự thật là, con người chúng ta không ưa đặt câu hỏi. Chúng ta giả bộ, chúng ta phán, chúng ta dạy, chúng ta nhìn, chúng ta ngắt lời và chúng ta xét đoán. Nhưng chúng ta lại hiếm khi nào biết đặt câu hỏi cho người khác để xác nhận sự việc. Bằng việc ưa đặt câu hỏi, theo tôi Đức Giêsu đã trở thành một hình mẫu về cách cư xử của một con người đối thoại đích thực, người biết quan tâm đến người khác để cảm thông, để khích lệ họ. Đặc biệt, là thậm chí, khi họ khó ưa nữa.

2. Đức Giê-su không bao giờ để bị dồn vào chân tường: Trong chương 6 Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giêsu tản bộ cùng các môn đệ trong ngày Sabát, bất ngờ những người Pharisêu xuất hiện và kết tội các vị là vi phạm luật ngày Sabát vì đã đưa tay bứt lúa mà ăn. Đức Giêsu vẫn tỏ vẻ thản nhiên. Người không e ngại chi đám người cố gắng bắt lỗi Người, đám người chỉ biết suy diễn những điều tệ hại nhất về Người, bởi vì điều những người khác nghĩ về Người không thuộc về mối bận tâm của Người.

Đôi khi, người ta đẩy chúng ta vào thế bí bằng những điều họ mặc nhiên cho là đúng, hay phán xét, và có thể chúng ta bắt đầu hoài nghi tự hỏi, không biết lối nhận định của họ về ta khách quan hay lối chúng ta tự nhìn nhận về mình khách quan. Thật chẳng dễ dàng chút nào khi cảm thấy người khác hiểu lầm hay không có đủ thời gian để hiểu chúng ta vậy mà cứ ngon lành đưa ra các phán xét. Nhưng, cũng giống Đức Giêsu, chúng ta không phải cảm thấy lấn cấn, hay để cho những nhận định của người khác đóng khung bản thân. Căn tính của chúng ta tuỳ thuộc vào, và được tìm thấy nơi Chúa, chứ không phải nơi những điều người khác cố gán cho chúng ta.

3. Đức Giêsu biết đâu là lúc nên phớt lờ: Bạn nhớ chứ, Đức Giêsu đã khiến cho những người trước kia là hàng xóm và bạn hữu Người phải giận điên lên, lúc ở quê nhà của Người là Nadarét? Họ bị kích động đến mức họ quyết định xô Người xuống vực. Đức Giêsu nhận thấy không thể nói lý lẽ với đám người này được, nên Người đã băng qua họ, không thèm đếm xỉa gì đến sự cuồng nộ của họ, và “tiếp tục bước đi trên con đường của mình” (Lc 4).

Đôi khi, những người khó ưa trút bực bội, ăn nói thô tục, hoặc đối xử tệ hại với chúng ta (đây là chuyện cơm bữa trên không gian mạng). Đấy là dấu nên rút lui và rời đi. Đức Giêsu biết cách kiểm soát bản thân và không khi nào quên mục đích cuối cùng là gì. Dĩ nhiên, nếu chúng ta buộc phải xử sự một ca cá nhân và trực tiếp, một cuộc nói chuyện diện đối diện có thể thích hợp và hiệu quả. Sẽ bàn tới sau.

4. Đức Giêsu tự do, tự tại: Trong chương 10 Tin Mừng theo thánh Máccô, ông Giacôbê và ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Ồ! Hãy nói về những mốc giới của sự quá trớn! Nhưng Đức Giêsu không thuộc mẫu người lệ thuộc, hay cả nể, thế nên dù là trước nhu cầu thống thiết, hay ỷ ôi nài nỉ quá đáng quá trớn, thì cũng không phải là áp lực chi cho Người. Người biết khi nào cần nói có, khi nào cần nói không, và không tự dằn vặt khi không thể làm cho người khác vừa lòng.

Nhiều khi, người khác mong đợi những điều vượt quá khả năng của chúng ta. Có thể họ cố gắng đẩy chúng ta vào tình thế phải cảm thấy áy náy, y như thể chúng ta đã phạm lỗi gì đó vậy. Trước khi chúng ta ý thức được điều ấy, chúng ta cố gắng chiều ý, để đáp ứng cho nhu cầu của phận người thống thiết, hay quá đáng ấy (thật ra rất hiếm khi họ được như ý!). Nhưng Đức Giêsu không cố gắng làm vừa lòng người ta. Đức Giêsu không có nhu cầu tự biện minh trước người khác; thánh ý Thiên Chúa đã là đủ làm nên chốn tựa nương chắc chắn cho Người rồi. Đấy chính là nguồn cội làm nên sự tự do, tự tại nơi Người.

5. Đức Giêsu linh động: Trong chương 15 Tin Mừng thánh thánh Mátthêu, một người phụ nữ Canaan xin Đức Giêsu chữa cho con gái của bà ta, và Đức Giêsu từ chối. Thế nhưng, sau đó, Người cảm kích trước lòng tin của bà và đã chữa cho con gái của bà. Đức Giêsu tiếp cận con người với tâm thế cởi mở. Ngay cả khi trong đầu óc đã có những ý niệm định sẵn, Người vẫn để cho Thánh Thần thúc đẩy và đi ngược lại với những trực cảm bản thân.

Khi một người khó ưa đến gần, chúng ta có thể nghĩ, “Ồ, sao quả đây rồi, thế nào cũng có chuyện cho mà coi…”, Đức Giêsu cởi mở khi ai đó tiếp cận Người. Bạn không thể biết trước điều gì có thể xảy ra. Thánh Thần có thể tác động trên bạn, hay người bình thường vốn vẫn khó tính, khó ưa, lại “đổi tính” cư xử tử tế đến bất ngờ. Khi gần gũi được với tha nhân, chúng ta cũng tiếp cận được với Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong chúng ta và nơi những người khác nữa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con nhìn thấy Chúa trong mọi người, ngay cả khi họ gây khó dễ cho con. Xin thắp lên nơi con lửa tình yêu ngời sáng của Ngài để con có thể nhận ra Chúa ngay cả nơi những kẻ khó ưa nhất. Mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh của Chúa. Xin giúp con nhận ra Chúa và yêu Chúa nơi họ.

Sr. Theresa Aletheia Noble, FSP.
Chuyển ngữ: Nhóm Phiên dịch Mai Khôi
https://aleteia.org

Bình luận