Icon Collap
...
Trang chủ / Những sứ điệp từ corona

Những sứ điệp từ corona

Đang học hành và sinh sống tại miền đất Sài thành, nhưng tuổi thơ và phần lớn cuộc đời đã qua của tôi gắn liền với đồng quê bắc bộ. Trở lại nơi thường trú sau kì nghỉ tết Nguyên đán, tôi mang trong mình bao suy tư về những điều lạ thường của thiên nhiên trong những ngày đầu năm. Chưa khi nào những ngày tết mà có chuyện trời nổi sấm chớp, rồi mưa như trút nước như năm nay đến những cụ già ngoại bát tuần cũng phải sững sờ thốt lên: “Chưa từng có”.Theo lẽ thường, ngày mồng một tết là ngày mà người ta trao cho nhau những lời cầu chúc tốt đẹp nhất trong năm mới, người người nhà nhà vang câu chúc xuân; thì năm nay đó lại là một mong ước xa vời. Đó chỉ là một trong nhiều điều khiến tôi cũng như nhiều người có những linh cảm không mấy tốt lành.

Hôm nay, tia nắng ấm từ phía đông bầu trời đã le lói, mọi cảnh vật bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Tôi ngồi trên tiền sảnh tầng 2, nhâm nhi cốc cà-phê bên những trang sách đang đọc dở, tôi nhìn ra khu vườn Đức Mẹ với những cánh hoa úa còn lại sau những tháng ngày khoe sắc. Cánh vườn “mùa đông” ấy bỗng trở nên một màu vàng đục khi những tia nắng nhẹ chiếu vào. Tôi nghĩ về cuộc đời, về bản thân và nhất là một vấn đề đang được cả nhân loại quan tâm: Virus Corona (Covid 19). Trong thinh lặng, nghe những tiếng chuông sầu từng hồi, từng hồi nơi một thánh đường đâu đó gần đây làm cho tôi nhớ đến biết bao người từ nay trở đi mãi mãi không được ngắm ánh bình minh, đặc biệt là những người phải chết vì Covid 19. Trước cơn thử thách này, nhiều người trong chúng ta cũng đặt câu hỏi như tôi: “Thiên Chúa ở đâu khi đại dịch này xảy ra? Nếu có, tại sao Ngài không ngăn chặn để cho nhân loại khỏi phải rơi vào thảm cảnh này?”

Trong nguyên ngữ Latin, “Corona” có nghĩa là “vương miện”. Điều này nhắc nhớ tôi về chiếc “vương miện” mà Đức Giêsu đã mang lấy trên đầu khi bị treo trên đỉnh đồi Calvario. Đó là vương miện củ sự sỉ nhục, của sự nhạo báng của sự đau khổ. Phải chăng, ngày hôm nay con người như đang kêu trách Thiên Chúa bởi Ngài không hiện diện để cho sự dữ xâm nhập và đeo vương miện ấy lên nhân loại, khiến cho bao người phải đau khổ, bao cõi lòng nát tan và bao nhiêu tiền của đã phải bỏ ra để ngăn chặn hậu quả.

Thánh Gioan đã nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (Ga 4, 16). Nhưng quả thực, trước những thảm kịch này, chúng ta không được ngần ngại đặt câu hỏi về tình yêu ấy. Nhưng điều quan trọng, hãy biến những điều chất vấn đó thành lời cầu nguyện. Trẻ thơ đặt ra bao câu hỏi với cha mẹ không phải là tìm cho kì được câu hỏi chính xác cho bằng cảm nghiệm được cha mẹ quan tâm chúng. Khi lời cầu nguyện được dệt bằng những câu hỏi thì chắc chắn chúng ta sẽ khám phá ra những sứ điệp mà qua đó Chúa đang gửi cho chúng ta nhiều điều, từ đó chúng ta sẽ cảm nhận được rõ ràng tình Chúa yêu thương.

– Qua đại dịch, ta cảm nhận sự hiện diện của Chúa cách rõ ràng nơi cõi nhân sinh. Giữa lúc nhiều người đang điên loạn tìm cách lẩn trốn, tích trữ lương thực thì vẫn còn đâu đây những con người sẵn sàng tình nguyện phát những chiếc khẩu trang, những chai nước khử trùng cách miễn phí cho người khác; thậm chí có những linh mục, tu sĩ, bác sĩ chấp nhận sống tại những khu vực cách ly để an ủi, động viên và giúp đỡ cách này cách khác cho những người đang sống trong lo sợ. Đó chẳng phải là Chúa đang hiện diện hay sao?

– Qua đại dịch, ta càng cảm nhận rõ hơn về sự hữu hạn của kiếp người. Con người vốn đã mỏng manh như bông hoa sớm nở chiều tàn, nay lại càng thêm mỏng manh. Điều đó chẳng phải là tiếng Chúa nói với chúng ta hãy sẵn sàng và tỉnh thức hay sao? Nếu nhân loại này biết sống thái độ tỉnh thức và sẵn sàng thì hẳn thế giới này sẽ trơ nên tốt đẹp hơn.

– Qua đại dịch, ta thấy được cách rõ ràng hơn cõi lòng con người. Trong khi thuận tiện, con người ta dễ dàng trao cho nhau tình yêu thương, sự sẻ chia; nhưng qua những cái khước từ chia sẻ, từ chối yêu thương thậm chí những lời lên án một cách không thương tiếc giữa lúc hoạn nạn ta mới thấy cái “thật” của lòng người. Quả thật, sau tất cả chỉ còn lại tình yêu Thiên Chúa và bài học nơi Người:

Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế,
nơi người phàm chẳng cứu nổi ai.
Họ tắt hơi là trở về cát bụi,
dự định bao điều : ngày ấy tiêu tan (Tv 145, 3-4)

Một điều chắc chắn Thiên Chúa không làm nên sự dữ dù cho là trực tiếp hay gián tiếp, mà sự dữ đến từ sự thiếu sót, bất toàn của con người. Tuy nhiên, “Thiên Chúa, trong sự quan phòng toàn năng của Ngài, có thể dẫn đưa tới những điều thiện hảo từ những hậu quả của sự dữ” (X. GLHTCG số 312). Qua cơn đại dịch đang bao phủ cõi địa cầu, Thiên Chúa muốn cho con người thấy tình yêu, quyền năng và sự quan phòng của Ngài. Ý nghĩa hơn, Ngài cho con người hãy nhìn nhận lại bản thân, về thời đại này, về bao lỗi tội mà con người đang xúc phạm từng ngày.

Quả thế, trong một xã hội tiên tiến, khoa học kĩ thuật phát triển không ngừng, con người ta muốn gạt bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mà thay vào đó là thần “tiền”. Tình yêu, sự thật, sự quan tâm, hy sinh của con người bị lu mờ dần mà thế vào đó là một lòng tham vô độ và một sự ích kỉ “không biên giới”. Con người chú tâm vào những cái lợi trước mắt của bản thân và thờ ơ trước tiếng gọi của lương tâm để rồi lãnh đạm với tha nhân. Con người ta coi Thiên Chúa là điều gì đó hoang tưởng, không có thật. Chính vì vậy mà có nhiều người có thể đến nhà người yêu chơi một ngày mấy lần mà một tuần đến nhà thờ một lần xem ra cái gì đó nặng nhọc; có những bạn trẻ có thể thuộc nhiều bài nhạc đủ các thể loại, nhưng với thánh ca, họ chẳng thuộc nổi một câu; có những người có thể thuộc hàng trăm công thức tính toán, nhưng một vài câu lời Chúa, một vài kinh bổn thì họ chẳng hề quan tâm. Chính tình trạng như vậy làm cho sự dữ ngày càng càng đi sâu vào thế giới: Chiến tranh triền miên, buôn bán người, phá thai, giết người…

Nhìn lên Mẹ Maria, dù cho mưa hay nắng, dù cho thất vọng hay vui mừng, dù cho thuận lợi hay thử thách của cuộc đời; ta vẫn thấy Mẹ đứng đó bồng bế hài nhi Giêsu, mắt hướng về trời cao. Mẹ dạy chúng ta bài học nơi hai tiếng “xin vâng”. Xin vâng trước thánh ý Chúa, dẫu rằng đôi khi thật khó chấp nhận, bởi vâng theo thánh ý tức là con phải chấp nhận phá vỡ kế hoạch của mình. Xin Mẹ cầu cùng Chúa cho ta thêm niềm tin để con biết yêu Chúa nhiều hơn, cho ta thêm can trường dù cho đường đời bao lỗi lầm, từ đó biết đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời.

Xin được mượn lời ca khúc “ Lời nguyện cầu” của Sr. Tigon như lời cầu nguyện. Xin Chúa ban bình an cho nhân loại, cho các bệnh nhân, nhân viên y tế, những người hữu trách trong đại dịch.

Lạy Chúa, thế giới hôm nay đang thiếu vắng tình thương

 Con người hôm nay đang cần một nền văn minh sự sống

Vẫn còn đó những giọt nước mắt khổ đau

 Vẫn còn đó những mảnh đời đau thương bất hạnh

Đang cần một bàn tay nâng đỡ

Cần một trái tim sớt chia cảm thông

Nhưng sao tiếng kêu cứ mãi rơi vào khoảng không

 Thế giới cứ mãi vần xoay sóng ngầm Xin một phút dừng lại

Dừng lại để thấy kiếp người thật mong manh

***

Chúa ơi! Xin biến đổi tim con như Chúa

Để ôm lấy những mảnh đời đau thương.

Chúa ơi! Con đã hiểu ra: Chẳng phải ai kia mà là chính mình

 Phải thức tỉnh con tim giá lạnh

Để đau nỗi đau của con người

Xin mở rộng tim con như Chúa

Để ôm lấy những mảnh đời đau thương.

Sài Gòn, ngày 8 tháng 3 năm 2019

 

Muối Đất

nguồn: thanhlinh.net

Bình luận