Icon Collap
...
Trang chủ / Chúa “tỏ mình”

Chúa “tỏ mình”

Cùng với toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành Lễ Chúa Hiển Linh, tối thứ 5 ngày 07.08, tất cả các thành viên trong Nhà Tĩnh Tâm Giê-ra-đô đã cùng quy tụ với nhau nơi nguyện đường Thánh Giê-ra-đo để hiệp dâng Thánh Lễ. Thánh lễ do Cha Linh Hướng Gio-an chủ tế.

Mở đầu bài giảng, Cha Gio-an chia sẻ kinh nghiệm của chính mình khi được dâng thánh lễ trong nhà nguyện Tabore cùng đoàn hành hương trong chuyến viếng thăm Đất Thánh. Được đứng ở chính nơi mà Chúa Giê-su tỏ mình ra cho 3 môn đệ để cử hành Thánh Lễ – đó là một niềm hạnh phúc vượt qua trí tưởng tượng và suy nghĩ của Cha. Bởi khi đứng ở nơi đây, cảm thức về mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ mình thật đặc biệt, thật ấn tượng và cũng thật ý nghĩa. Những kinh nghiệm đức tin về việc Chúa tỏ mình trong cuộc đời của Cha được trở nên sống động. Cha như được đi lại những biến cố của Chúa Giê-su cử hành cách đây ngàn ngàn năm trước. Một cảm giác gần gũi, thiết thân và một kí ức đức tin sống động ùa về trong tâm trí. Qua đó, cha nhắc nhở tất cả các thành viên: được cử hành và tham dự vào từng biến cố của Chúa là một niềm hạnh phúc, dẫu ở bất cứ nơi đâu nhưng khi được cử hành tại Tabore, trong bối cảnh và không gian đức tin sống động của Thiên Chúa lại mang một ý nghĩa và niềm hạnh phúc lớn lao.

Tại sao Chúa Hiển Dung là một biến cố quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giê-su nơi trần gian?

Bởi vì biến cố Chúa tỏ mình ra cho các môn đệ được cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật lại và chứng nghiệm. Dường như, không có một biến cố nào trọn vẹn như biến cố Chúa tỏ mình. Đại diện cho Cựu Ước có 2 khuôn mặt vĩ đại là Mô-sê và Ê-li-a, đại diện cho 2 trường phái lề luật và ngôn sứ. Có sự xuất hiện của 3 Tông đồ quan trọng là Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Không chỉ có Chúa Giê-su mà có cả áng mây và tiếng từ Trời phán ra là lời chứng của Chúa Cha: Đây là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Và trên tất cả, đó chính là sự giao thoa hòa quyện của cả Cựu ước và Tân Ước.

Vậy biến cố Chúa Hiển Dung có nội dung gì và có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại? 

Biến cố tỏ mình có ý nghĩa bởi vì nói đến cuộc vượt qua của Chúa đối với dân Itrael, nói đến cái chết đau thương và sự phục sinh vinh hiển của Thiên Chúa để cứu độ con người, để con người được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Trong não trạng của người Do Thái, Đấng Cứu Thế xuất hiện là để giải thoát nhưng giải thoát cách uy quyền, thống lĩnh thiên hạ, trao vương quyền cho dân Itrael. Nhưng khi Chúa đến, cách Chúa thực hiện hoàn toàn khác so với những gì dân Itrael suy nghĩ. Chúa chấp nhận chết đau thương, chấp nhận hủy mình để nhờ sự hi sinh tột đỉnh đó, Thiên Chúa đã làm cho Ngài được phục sinh vinh hiển.  Chính biến cố cứu độ này đưa đến cho chúng ta sự sống đời đời và quyền làm con của Thiên Chúa. Các biến cố của Chúa Giê-su được gọi là biến cố cứu độ nghĩa là xảy ra cách đây mấy nghàn năm nhưng khi được cử hành tại nơi nào thì trở thành hiên tại cho những ai được tham dự vào.

Vì là biến cố cứu độ nên ảnh hưởng đến con người mọi thời mọi nơi trong từng hoàn cảnh. Khi chúng ta tin nhận biến cố đó để vượt qua đau khổ, vượt qua con người cũ, vượt qua những suy nghĩ toan tính của thế gian thì chúng ta sẽ đạt tới ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Đối với mỗi thành viên trong Nhà Tĩnh Tâm Giê-ra-đô trong hành trình sa mạc: Biến cố Chúa Hiển Dung nhắc nhở chúng ta phải vượt qua con người cũ của mình, vượt qua những não trạng suy nghĩ của chúng ta về Thiên Chúa trước đây, vượt qua những suy nghĩ tính toán của chúng ta, vượt qua cái chản nản nhụt chí thất vọng khi gặp khó khăn thử thách, vượt qua những kí ức bản thân, tình cảm và tất cả con người của mình,… Chúa Giê-su đang thực hiện cuộc vượt qua của Ngài trong chính mỗi người chúng ta. Ngài dẫn chúng ta từng bước để vượt qua cái yếu đuối mong manh của phận người nhờ sức mạnh và quyền năng của Ngài để đón lấy ơn phục sinh cùng với Ngài. Qua những lần Chúa tỏ mình cho mỗi người trong từng Thánh lễ, trong giờ cầu nguyện, trong đời sống chung với anh chị em,… Chúa khích lệ và nâng đỡ, Chúa tiếp thêm sức mạnh và năng lượng để mỗi người đủ sức đi tiếp và tiếp tục trong hành trình vượt qua chính mình.

Kết thúc bài chia sẻ, Cha Linh Hướng Gio-an mòi gọi tất cả các thành viên trong Nhà tĩnh tâm cùng xét duyệt lại xem trong hành trình sa mạc, đâu là Núi Tabore của mỗi người? Chúa tỏ mình ra cho mỗi người tại thời điểm nào, qua biến cố nào và qua những ai?

Mỗi Thánh Lễ là mỗi lần Chúa tỏ mình ra trong tấm bánh nhỏ uy quyền, xin cho mỗi người chúng ta được tuyệt đối tin tưởng vào sự hiện diện của Ngài và đón lấy mầu nhiệm cứu độ của Ngài để chết và phục sinh cùng Ngài, để đạt lấy sự sống mới trong Giê-su. Amen.

Maria Thanh Tâm

Truyền thông Sinh viên Công giáo

 

Bình luận