Icon Collap
...
Trang chủ / Chấp nhận chết

Chấp nhận chết

“Chỉ mong tôi chẳng còn , nhờ thế Người là tất cả của tôi”

Cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính Thánh Laurenso – Tổng trưởng phó tế thành Rôma tử đạo. Tối thứ 2, ngày 10.8.2020, nhà Tĩnh tâm Giê-ra-đô đã quy tụ nhau tại Đền Thánh thân thuộc để hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Ngài.

 

Tại sao các tôn giáo, các đế chế và các nền văn minh lúc bấy giờ phải chịu thua để nhường chỗ cho Ki tô giáo?

Mở đầu bài gảng, Cha linh hướng Gio-an cho biết:

Thánh Laurenso được mừng lễ kính từ thế kỷ thứ IV. Không phải Thánh Tử Đạo nào cũng được mừng kính sớm như vậy. Quay lại lịch sử, chúng ta nhìn lại Kitô giáo xuất phát từ cái nôi giữa một Tôn giáo lớn có từ lâu đời là Do Thái giáo. Không những thế, khi bị trục xuất ra khỏi Giê-su-sa-lem thì Kitô giáo gặp phải một đế chế hùng mạnh thống trị toàn thế giới lúc bấy giờ là đế chế La Mã, một đế chế mà họ buộc thờ các đế vương của họ và các vị thần, ai không thờ thì phải chết. Chúng ta biết thời nay để thống nhất thế giới là chuyện cực kỳ khó nhưng còn những thế kỷ đầu La Mã đã thống nhất thế giới bằng sức mạnh quân sự và luật pháp chặt chẽ. Vậy mà một tôn giáo bé nhỏ như Kitô giáo có thể lớn lên và phát triển.

Bên cạnh sức ép của một đế chế La Mã chặt chẽ như vậy thì Kitô giáo còn gặp phải một nền văn hóa triết lý đứng hàng đầu thế giới đó là nền văn hóa Hy Lạp. Nền văn hóa này có những đầu óc thông minh, lí luận về thượng đế rất chặt chẽ. Vậy mà Kitô giáo đã xuyên thủng cả Do Thái giáo, đế chế La Mã, nền văn minh Hy Lạp để khẳng định vị trí của mình giữa lòng thế giới và được đặt làm quốc giáo năm 381.

Chúng ta đã bao giờ đặt câu hỏi: Tại sao một tôn giáo do 12 ông chài lưới dốt nát mà lại trở nên một tôn giáo vĩ đại vượt qua cả Do Thái giáo, đế chế La Mã và nền văn minh Hy Lạp như vậy? Chúng ta phải suy nghĩ xem lòng tin họ đặt nơi đâu? Trước hết và trên hết chúng ta thấy, họ không bám vào địa vị, ngai tòa nhưng họ luôn thao thức đi rao giảng, họ sẵn sàng rời bỏ tất cả để chỉ đi rao giảng. Vì thế, họ được kính nể và được người đời đón nhận. Trước đó, chúng ta vừa kỉ niệm Đức Giáo Hoàng Xitô tử đạo ngay ở Rôma. Và hôm nay chúng ta mừng kính phó tế Laurenso tử đạo, Ngài là người đã năn nỉ xin Giáo Hoàng cho Ngài được phúc tử đạo. Tổng trấn thời đó yêu cầu Laurenso đưa tài sản giáo hội đến thì Laurenso phân phát hết cho người nghèo. Và sau 3 ngày Ngài đưa một đám người nghèo đến. Kết qủa Laurenso được đưa lên lò nướng, nướng bên trái xong nướng bên phải. Cho nên người ta khiếp, Ngài có giảng hay đến mấy nhưng không dám chết cho điều mình giảng thì cũng như không. Vì vậy nên các tôn giáo, các đế chế và các nền văn minh lúc bấy giờ phải chịu thua để nhường chỗ cho Ki tô giáo. Không chỉ ở lời rao giảng, ở các phép lạ kèm theo nhưng cái quan trọng là các Ngài dám chết cho điều mình rao giảng. Tử đạo tương đương với chứng nhân luôn luôn sẵn sàng chết, làm chứng và dùng cái chết để làm chứng.

.

Hôm nay Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta một điều quan trọng là:“ Hạt giống mà không chết đi thì trơ trọi một mình nhưng chết đi thì sinh nhiều hoa trái”. Giáo hội chúng ta không chết đi cho thế gian thì không sinh được nhiều hoa trái. Chúng ta không tính được con số thống kê trong 3 thế kỷ máu Kitô hữu phải đổ ra từ Giêrusalem đến La Mã nhiều như thế nào. Sở dĩ có các hang toại đạo nghĩa là họ không còn cách nào phải đào hầm để rồi sống đạo dưới đó nhưng họ vẫn chấp nhận. Nhờ vậy, mà Giáo Hội vẫn phát triển và điều Chúa Giê su nói  được chứng minh: Chết và chấp nhận chết. Và đó cũng là điều làm chúng ta suy nghĩ: khi chúng ta chấp nhận chết thì chúng ta sống, khi chúng ta không chấp nhận chết thì chúng ta tưởng đang sống nhưng thực chất là đang chết.

Tử đạo trong sa mạc

Bước vào sa mạc, chúng ta phải chấp nhận chết cho những tính toán, những dự phóng, chết đi cho những kí ức, những tình cảm, cho những cái đang đi vào trong con người mình. Không chết thì chúng ta không sinh được nhiều hoa trái. Ai chấp nhận chết, chấp nhận vứt bỏ những gì đeo bám mình thì sinh được nhiều hoa trái, càng chết thì càng thấy sự sống của Chúa dạt dào nơi mình. Hành trình sa mạc của chúng ta cũng vậy, phải chết đi cho con người cũ tức là con người trước khi vào đây tĩnh tâm với những dự phóng, những toan tính của bản thân để Chúa được sống lại, để Chúa có mặt nơi mình. Bởi vậy Chúa nói: “ai muốn theo ta thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Và hôm nay lời Chúa còn nói với ta một điều nữa là: “Ai gieo nhiều thì gặt nhiều, ai gieo ít thì gặt ít”. Có lẽ những điều Thánh Kinh nói người ngoài khó cảm nhưng  hành trình sa mạc cho chúng ta thấy rõ hơn bao giờ hết bao lâu chúng ta để cho Chúa hoạt động, bao lâu chấp nhận để những kí ức dĩ vãng, những dự phóng, toan tính bị vứt bỏ thì lúc đó sự sống của Chúa sẽ dẫy tràn trên chúng ta và ngược lại, nếu chúng ta không chịu buông bỏ, không chịu chết đi thì chẳng bao giờ có sự sống của Chúa nơi chúng ta. Chúa Giêsu đến, Ngài chấp nhận chết và Ngài đã chết trọn vẹn con người kế hoạch của mình, chết trọn con người mà Ngài đã mang đến thế gian, để rồi Ngài được phục sinh trao ban cho chúng ta sự sống đời đời. Tiếp nối Chúa Giêsu, các tông đồ chết để rồi Giáo Hội được khai sinh. Và các Giáo Phụ, các Giáo Hoàng cũng chết để Giáo Hội được sinh sôi như hôm nay. Và đến mỗi người chúng ta không còn cách nào khác, chúng ta cũng phải chết cho những dự phóng những toan tính mà thế gian đang gông cùm, đang trói buộc chúng ta thì khi đó Giáo Hội mới tiếp tục sinh nhiều hoa trái và sự sống của Chúa Giêsu mới dẫy tràn nơi chúng ta.

Cầu nguyện:

Xin cho những lời của Chúa giúp chúng con suy nghĩ lại để chúng con chọn lựa, để chúng con can đảm chết, chấp nhận chết. Thà rằng đau đớn để chúng con có sự sống của Chúa hơn là chúng con sống bình thường nhưng không có sự sống của Chúa, để rồi cuộc sống chúng con trở nên ý nghĩa. Xin cho chúng con dám chết cho đến khi Chúa thành hình thành dạng nơi mỗi chúng con thì khi đó đời sống chúng con mới thực sự mang lại hoa trái.

Xin Thánh Laurenso, Người kháo khát được chết cho Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng con để chúng con noi gương Ngài mà chấp nhận chết cho Chúa để nhờ đó sự sống Chúa hiện diện nơi chúng con.

Maria Minh Hướng

Truyền thông svconggiao.net

Bình luận