Icon Collap
...
Trang chủ / Có hay không tình yêu trong môi trường tĩnh tâm?

Có hay không tình yêu trong môi trường tĩnh tâm?

Thiên Chúa là Tình yêu. Ngài đã tạo nên con người giống với hình ảnh của Ngài. Ngài đặt vào nơi sâu thẳm tâm hồn của con người một trái tim biết yêu, khao khát được yêu. Nên dù là ai, ở bất cứ nơi đâu, trong khoảng thời gian nào, tình yêu vẫn luôn tồn tại trong mỗi người. Chỉ là trải qua biết bao năm tháng và đối diện với bao nhiêu thực tại của đời sống, trái tim biết yêu và khao khát được yêu nơi mỗi người hoặc là bị ẩn lấp hoặc là bị phai nhạt cũng với sóng gió cuộc đời. 

“Có ai sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào”

Thật vậy, đời người đẹp đẽ nhất là có tình yêu, tình yêu như một thứ gia vị không thể thiếu trong cuộc sống, dẫu đẹp đẽ hay khổ đau thì cuối cùng nó vẫn đáng được trân trọng và gìn giữ. Đó cũng chính là chủ đề mà Cha Linh hướng Gio-an đặt ra cho các thành viên Nhà Tĩnh Tâm Giê-ra-đô trong ngày tĩnh tâm tháng 7, “tình yêu trong nhà tĩnh tâm”. Có người đã từng thắc mắc: “Tại sao trong một môi trường tĩnh tâm mà cũng có những tình yêu nam nữ, cũng có những đám đông tán gẫu về chuyện tình yêu?”

Vậy câu trả lời là gì?

Thứ nhất: Tình yêu đã được Đấng Tạo Hóa khắc ghi vào nơi sâu nhất của tâm hồn mỗi người.

Tình yêu của con người phát xuất từ Thiên Chúa, Người tạo dựng nên con người bởi tình yêu của Người bởi Người còn được gọi là Thiên Chúa của tình yêu. Trong mỗi chúng ta, Chúa đã đặt để cho chúng  niềm khao khát tình yêu, muốn được yêu thương trọn vẹn và niềm khao khát đó dường như không bao giờ được lấp đầy. Đó chính là một huyền nhiệm tình yêu trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Dường như chẳng có ai có thể định nghĩa được “tình yêu là gì?” Cũng chẳng có ai có thể hiểu nổi được tình yêu nó đến như thế nào? Vì dường như tất cả chúng ta đề yêu trong vô thức và không thể giải thích được tại sao chúng ta lại Yêu.

Thứ hai: Sự đồng cảm khi chúng ta chia sẻ hết những gì là của mình cho người khác biết. 

Trong một môi trường tĩnh tâm khép kín, anh chị em cùng ăn, cùng uống, cùng sinh hoạt, vui chơi giải trí chung với nhau. Và cái hơn hết là chúng ta được sống thật với nhau, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện vui, cùng giãi bày những tâm tư thầm kín của bản thân mình, những chuyện thật của cuộc đời mình cho nhau nghe. Không có nơi nào khác mà con người chúng ta được sống thật với nhau, được tự do trong mọi suy nghĩ và tư tưởng, không phải giữ kín như bên ngoài. Có lẽ chính sống trong môi trường này khiến cho con người ta rất dễ nhận được sự đồng cảm từ người khác. Sự gần gũi về khoảng cách không gian địa lý, sự gần gũi về mặt tình cảm và về mặt tâm lý. Chính vì vậy mà khoảng cách tình cảm giữa 2 người nam và nữ rất dễ xuất hiện. Dường như chúng ta được sống trong một môi trường mà ngoài gia đình của chúng ta ra thì đây là gia đình thứ hai. Người ta nói “ lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” hay “ mưa dầm thấm lâu” đó như là một quy luật của cuộc sống. Chúng ta là con người chứ không phải là vật nên điều dĩ nhiên là chúng ta vân luôn luôn bị chi phối bởi tình cảm tự nhiên của con người.

Thứ ba: Nơi Nhà Tĩnh Tâm, chúng ta được khai thông và chữa lành mọi nguồn mạch cảm xúc đang bị tắc nghẽn và mở ra cái khao khát được yêu.

Sống trong môi trường tĩnh tâm, chúng ta được tìm lại con người của chúng ta, chúng ta được đối diện với thực tại của bản thân mình. Và bởi do đó chúng ta nhìn nhận được bản thân chúng ta đang gặp vấn đề gì. Giả như chúng ta đang bị tắc nghẽn về mặt cảm xúc mà bản chất của con người chúng ta thì dạt dào tình yêu nhưng vì những văn hóa rào cản, chính những rào cản ấy siết chặt và bó buộc chúng ta lại khiến chúng ta bị tù túng. Khi chúng ta nhìn nhận được vấn đề của bản thân và chúng ta được giải thoát khỏi sự bó buộc ấy, chúng ta được tháo nút thắt về mặt tình cảm ấy thì nó trào lên như những dòng suối được khai thông. Có những con người có thể nói trước đây là vô cảm, vô tâm nhưng sau khi được chữa lành thì cái vô cảm, vô tâm đó không còn nữa. Chính những lúc ấy thì dường như chúng ta không thể kiểm soát được mà chúng ta khao khát yêu và khao khát được yêu. Dường như họ yêu mà bản thân họ cũng không thể giải thích được tại sao và không thể dừng lại tình cảm đó được.

Bài đọc thêm: https://svconggiao.net/2020/07/02/nhung-huong-lieu-lam-nen-tinh-yeu/

Thứ 4: Tình yêu như một liều thuốc xoa dịu những tổn thương đổ vỡ.

Khi con người chúng ta bước vào thế giới tình yêu thì dường như mọi thứ chúng ta nhìn cũng nhìn bằng tình yêu, nhìn bằng một màu hồng của tình yêu. Tình yêu đó khiến con người chúng ta triển nở trong mọi chiều kích. Nó như là động lực thúc đẩy chúng ta tiến tới nhanh trong việc được chữa lành. Vì chưng liều thuốc tình yêu ấy khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc, chúng ta được triển nở dẫu rằng tình yêu có lúc đưa đến sự đau khổ nhưng chính cái đau khổ ấy chính là 1 hương vị cần thiết cho tình yêu. Tình yêu ấy như thể hiện rằng trong cái thế giới hơn 7 tỷ người kia có một người biết đến mình, có một người quan tâm đến mình. Chính họ bù đắp cho mình cho mình những thất hụt về tình cảm, chính họ đưa đến cho mình một cảm giác mà từ trước đến nay chưa bao giờ mình cảm nhận được. Thật khó để có thể giải thích được tình yêu mà nếu có giải thích được thì nó cũng chỉ mang kinh nghiệm về tình yêu của cá nhân thôi. Cái tình yêu ấy khiến họ triển nở cả bên trong lẫn bên ngoài. Chỉ cần nhìn thôi là cũng đủ để biết con người họ có sự chuyển biến như thế nào rồi. Dường như khi họ bước vào tình yêu thì con người trọ trưởng thành hơn, họ thay đổi rõ rệt về nhận thức và hành động của họ. Cho dù họ khống nhận thấy bản thân mình thay đổi gì nhiều nhưng những người ngoài cuộc lại có thể nhìn nhận được họ đã thay đổi như thế nào khi họ bước vào thế giới của tình yêu. Chính khi họ biết yêu thì tình yêu nơi nhà tĩnh tâm này sẽ giúp họ trưởng thành và qua đó thì sau này họ sẽ ít vấp ngã hơn trong chuyện tình cảm.

Thứ năm: Đồng lòng, đồng chí, đồng ý, đồng tình. 

Người ta nói đồng lòng, đồng chí, đồng ý, đồng tình, những cái đồng quan điểm ấy khiến cho họ để ý đến nhau và tình cảm dễ xuất hiện khi sống trong môi trường này. Cái đồng lý tưởng ấy làm cho người ta tin tưởng, cảm mến và dễ đến với nhau. Không biết ở ngoài họ như thế nào? Không biết quá khứ hay tương lai của họ sau này như thế nào? Nhưng hiện tại cái nhìn thấy trước mắt ấy là họ có lòng đạo đức, có ý hướng trong đời sống tu trì. Chúng ta quen với lối sống là sống trong vùng an toàn của bản thân mình nên khi thấy đối tượng khá an toàn thì chúng ta không còn phải đắn đo, suy nghĩ, dè dặt khi tình cảm đến. Chính bởi cái cảm giác an toàn ấy khiến họ có cảm tình với nhau là điều dĩ nhiên.

Khi chúng ta sống trong môi trường tĩnh tâm, khi chúng ta đang bước trong hành trình sa mạc thì quyền lực của bóng tối vẫn luôn bủa vây chúng ta và Chúa cho phép “tình yêu” đến để thanh luyện, để thử thách chúng ta. Thiên Chúa gửi tình yêu đến trong môi trường tĩnh tâm để mỗi người chúng ta biết: ý chí, nguyện vọng và mức độ trưởng thành của mỗi người như thế nào. Không chỉ trong môi trường tĩnh tâm mà ở một môi trường nhà tu nào cũng vậy, tình yêu như thước đo mức độ trưởng thành của những ai muốn dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa. Tình yêu nhắc nhở chúng ta, dù là ai đi chăng nữa thì vẫn phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện để không bị rơi vào hố đen của sự dữ. Amen.

Maria Hoàng Thảo

Truyền thông Sinh viên Công giáo

 

Bình luận