Icon Collap
...
Trang chủ / Tình yêu và trách nhiệm trong giáo dục gia đình (phần 2)

Tình yêu và trách nhiệm trong giáo dục gia đình (phần 2)

Giáo dục tích cực

Đây là loại hình đáng được áp dụng nhiều nhất vì nó sinh hoa quả tốt nhất cho trẻ. Nhưng rất tiếc không có nhiều người áp dụng loại hình này.

 1. Bất bạo động:

Dù trẻ có nhiều lúc nổi loạn nhưng các nhà tâm lý học thường khuyên những bậc làm cha mẹ tránh tối đa việc áp dụng bạo lực cho trẻ như đánh đập, la mắng, hù dọa, sa thải,… Gieo cây nào thì được trái đó. Gieo bạo lực có ngày sẽ gặt lấy bạo lực. Sự nổi loạn hay cá tính của trẻ là sản phẩm do chính chúng ta tạo ra chứ không phải do trẻ. Cần nhìn thẳng vào chính mình để nhận ra những hậu quả mà mình gây ra để có thể chấp nhận những khiếm khuyết nơi trẻ cách tốt nhất. Nếu năng lực của trẻ quá dư thừa thì hãy tạo những sân chơi lành mạnh hợp pháp cho trẻ hóa giải.

 2. Sự quan tâm là lòng thương mến:

Chúng ta biết rõ con người là một hữu thể biết yêu và thích được yêu. Chính vì vậy, nhất là thời thơ ấu, chúng ta hãy tận dụng tối đa khả năng của mình để làm tròn nhu cầu này của trẻ. Nhờ đó trẻ không bị thất hụt tình cảm và trở nên một người sống có tình người, sống quân bình. Tuổi thơ sống bằng tình cảm. Chúng ta cần lưu ý điều này để giúp trẻ vượt qua những khó khăn trong thời kỳ này. Sự thất hụt tình cảm dễ xảy đến nếu cha mẹ không quan tâm đủ và không biết cách quan tâm đến trẻ. Sự xuất hiện của các thành viên mới có thể làm trẻ hụt hẫng nếu bố mẹ không biết cách giúp trẻ đón nhận thành viên mới. Sự yêu thương quan tâm dành cho trẻ phải chân thật. Vì trẻ khá nhạy cảm và có khả năng đoán định được đâu là tình thương thật và đâu là sự ngụy tạo.

 3. Đưa vào trẻ những hình ảnh tích cực:

Trẻ nhỏ dễ phạm những lầm lỗi mà chính trẻ cũng chưa phân định được. Trong khi đó người lớn cứ lấy khuôn mẫu của mình để áp đặt lên cho trẻ. Nhất là những gì tiêu cực như nói dối, ăn cắp, nói tục… Bởi vậy nếu trẻ có làm điều gì sai như lỡ ăn cắp hay nói dối thì cha mẹ tuyệt đối không được làm cho việc đó trở nên trọng tội mà phải nhẹ nhàng tìm cách đẩy những hình ảnh xấu ra khỏi đầu của trẻ và thay vào đó là những hình ảnh tốt. Chẳng hạn nếu cháu nhỏ ăn cắp thì mẹ có thể nói: Con ngoan của mẹ, con nhặt được cái này của ai? Ai tặng con cái này vậy? Con hãy mạng trả lại cho ai bị đánh rơi nơi con đã nhặt được nhé. Làm như vậy trẻ sẽ có được hình ảnh đẹp nơi mình và lần sau không dám làm vậy nữa. Nếu lỡ trẻ nói dối thì mẹ có thể nói “con yêu đùa mẹ phải không, mẹ biết con của mẹ bao giờ cũng ngoan, cũng nói thật cả”

4. Tôn trọng và đối thoại:

Đây là cũng là một nguyên tắc mà người lớn cần lưu ý. Trẻ nhỏ rất thích được bố mẹ tôn trọng. Nếu chúng ta đánh quên điều này thì thật đáng tiếc. Kinh nghiệm đi giảng cho thiếu nhi chỉ cần xin cho mấy phút là các em sẽ ngồi yên. Ngược lại nếu ra lệnh cho các em thì chỉ một phút sau là cả nhà thờ ầm lên, không sao cản được. Biết đối thoại, biết hỏi ý kiến của con sẽ khiến cho con không những thấy mình được tôn trọng mà càng ngày càng tự tin hơn. Nhờ đối thoại nhịp cầu giữa cha mẹ và con cái sẽ được rút ngắn lại và sự hiểu biết của cả hai sẽ ngày một gia tăng.

5. Bao dung và kỷ luật:

Nhiều lúc bao dung quá mà quên đi tính kỷ luật thì cũng nguy hiểm. Ngược lại cứ kỷ luật mà quên đi tính bao dung thì cũng làm cho trẻ trở nên bất thường. Vậy làm sao dung hòa được giữa tinh bao dung và kỷ luật. Các bậc làm cha mẹ cần có sự thống nhất về phương diện này. Khi nào cần kỷ luật, khi nào phải bao dung để giúp trẻ tiến bộ cha mẹ cần phải tính toán trước. Nếu thành công trong phương diện này trẻ sẽ mau tiến.

6. Gương sáng và hình mẫu lý tưởng:

Trẻ em luôn thần tượng bố mẹ mình như là khuôn mẫu lý tưởng của nó. Bởi vậy, những bậc làm cha mẹ cần ý thức lời nói, cử chỉ, việc làm của mình làm sao cho con cái không thất vọng và mất niềm tin vào họ. Đây là một trong những thách đố lớn nhất cho những bậc phụ huynh. Chỉ cần một lối hành xử xấu như thiếu kín đáo, tế nhị trong cách ăn mặc của họ cũng đủ làm rào cản giữa con cái và bố mẹ được dựng lên.

7. Sự cân bằng và nhất quán trong giáo dục:

Trẻ em thường đặt trọn niềm tin nơi bố mẹ. Bởi vậy khi hướng dẫn các em, bố mẹ cần có sự thống nhất với nhau. Đừng để bố dạy một đường, mẹ dạy một nẻo thì khổ cho các em. Phần thì các em sẽ lợi dụng sự thiếu nhất quán này để chạy tội, tránh đòn. Phần khác nữa thì các em sẽ đánh mất dần lòng tin nơi bố mẹ mình. Đặc biệt các em rất nhạy cảm về sự quan tâm. Cần phải có một sự công bằng trong cách đối xử với các thành viên trong gia đình.

(hết)

Trị liệu tâm lý Gioan Lưu Ngọc Quỳnh CSsR

Bình luận