Icon Collap
...
Trang chủ / Xu hướng “lạ” của thời hiện đại

Xu hướng “lạ” của thời hiện đại

Bài hát” Ba ngọn nến” của nhạc sĩ Ngọc Lễ có lẽ ít ai là không hay biết đến, từ đứa bé trong lớp mẫu giáo đến mấy cô cậu đang tuổi lớn và cho đến những người lớn đang làm cha, làm mẹ hay đã lên chức ông bà… Bài hát dành cho trẻ thơ nhưng cũng ấp ủ tâm tình để gởi đến những người lớn, những người sắp kết hôn, đã kết hôn.. và cho tất cả mọi người. Ca từ trong bài hát thật giản dị, nhẹ nhàng nhưng lại hàm chứa một bức tranh thật ý nghĩa, thật đẹp của một mái ấm gia đình đang tỏa sáng lung linh tình yêu linh thiêng, kết nối từ những trái tim trong một gia đình. Đây phải là điểm đi tới của hôn nhân, phải vẽ lên được một một bức tranh rực rỡ, một tấm hình chụp thật đẹp mà không cần phần mềm chỉnh sửa, ở nơi đó, gia đình luôn đầy ắp tiếng yêu thương, với những trái tim biết yêu cách đúng nghĩa.

Ở vào thời điểm khoa học tân tiến như hôm nay với nhiều điều kiện thuận lợi, với những mức sống vượt trội, bỏ xa những thời khắc khó khăn trong quá khứ; con người sống trong xã hội hôm nay dường như đang thụ hưởng những điều tốt đẹp hơn cả! Một thế giới của toàn cầu hóa. Một xã hội với cái click chuột nhanh nhạy, không dây…tạo những bước nhảy hiện đại phục vụ cho con người. Thế nhưng, cũng trong bức tranh tổng thể ấy, trong cái vượt bậc của thời đại công nghệ, của hiện đại, của hưởng thụ… chúng ta không khỏi đau lòng khi nhận ra có quá nhiều những thảm cảnh đau xót từ những gia đình, với con người thời hiện đại ưa chuộng chủ nghĩa tự do cá nhân, bị lẫn lộn trong nhận thức về những giá trị đạo đức thực.

Nhiều người đã cố gắng trau dồi để đạt tới đỉnh cao của trí tuệ, sở hữu khối óc nhanh nhạy, đầy chất xám, cùng với những kỹ năng điêu luyện của đôi bàn tay… nhưng lại rất phi lý khi xem ra con người thời đại lại sở hữu một trái tim khô cứng, một trái tim có “vấn đề” trong tình yêu, trong những cuộc hôn nhân, từ trong các gia đình…  Vì vậy, nên mới có rất nhiều cuộc hôn nhân, nhiều gia đình đang rạn nứt hoặc đã tan vỡ. Những câu chuyện rạn nứt tình yêu gia đình, ly dị, tái hôn liên tục… không hề bị che khuất, nhưng xem ra đang trở thành “mốt”, một trào lưu, và có lẽ, cũng là môt chiêu PR (public reations) bản thân để được “nổi tiếng”. Người ta không ngại để phô bày sự tan vỡ hôn nhân, không xấu hổ khi “quảng cáo” cuộc đời mình đã qua năm bảy cuộc hôn nhân,… Kết hôn – chia tay – tái hôn – chia tay – rồi tái hôn…và cứ thế,  những sự kiện, lối sống ấy xem ra đang được bình thường hóa trên các phương tiện truyền thông, trong đời sống thường nhật, nơi những câu chuyện “bà tám”, nơi bàn nhậu…

Và điều thật ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi những “sự kiện gia đình” ấy lại nhận được sự ủng hộ của đại đa số của con người hiện đại, thậm chí ngay cả đối với những người Công Giáo. Điều này thật khác xa với những thập niên trước, khi mà, con người thời ấy sợ phải đối diện với sự tan rã trong hôn nhân, sợ nếm cảm sự đắng lòng khi tiếng yêu thương trong gia đình đi đến hồi kết thúc… nên bằng mọi giá, họ phải cố gắng nuôi dưỡng, vun xới, gìn giữ hôn nhân, ngay cả việc phải chấp nhận hy sinh bản thân để có một gia đình đầm ấm, yêu thương, thủy chung, và đặc biệt, đối với những người Công Giáo, họ cần phải bảo toàn sự huyền nhiệm của Bí tích Hôn Nhân, để trở nên lời chứng của Tin Mừng cho những người xung quanh.

Với ” thảm họa” trong bức tranh hôn nhân – gia đình hiện nay, không biết những người trong cuộc hay những người sắp bước vào hôn nhân, và những người đang sống hôn nhân – gia đình có đặt câu hỏi “why- tại sao” cho những cuộc hôn nhân tan vỡ, cho một “chuyến đò” có nguy cơ bị lật úp, đắm chìm…? Nếu chẳng còn quan tâm hoặc biết đi truy tìm cái nguyên nhân cho những điều bất hạnh…và tìm ra những giải pháp cho chính mình, thử hỏi, những điều gì khốn khó hơn nữa sao lại không thể tự khắc mà đến trong đời của mỗi người.

Trong cái nhìn mang tính cá nhân, xin được đưa ra một vài nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ, hoặc đang phá hoại tình yêu gia đình hiện nay, tuy nhiên, đặc biệt đối với những gia đình Công Giáo, khi mà gia đình họ không còn tồn tại hai tiếng yêu thương, đang đánh mất ân sủng của Bí tích Hôn Nhân, và dĩ nhiên, họ không thể thực thi nhiệm vụ của mình trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Xin xem phần tiếp theo “những nguyên nhân dẫn đến rạn nứt, tan vỡ gia đình”

Sưu tầm 

Bình luận