Icon Collap
...
Trang chủ / Thiên Chúa toàn năng tại sao sự dữ hiện diện ?

Thiên Chúa toàn năng tại sao sự dữ hiện diện ?

Trong chuyến tông du tới Philippines của Đức giáo hoàng Phanxicô năm 2014, cô bé 12 tuổi Glyzelle Palomar đã làm cho ngài phải lặng người khi đặt ra một câu hỏi: “Rất nhiều trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi. Rất nhiều trẻ em bị rơi vào ma túy và mại dâm. Tại sao Chúa lại để điều đó xảy ra với chúng con? Trẻ em không có tội.” Đối diện với câu hỏi đó, Đức thánh cha thừa nhận: “Cô bé là người duy nhất đưa ra câu hỏi mà chúng ta không thể trả lời. Cô bé thậm chí không diễn đạt được bằng lời nhưng những giọt nước mắt đã nói lên tất cả”

Quả thật, chúng ta không thể phủ nhận một thực tại rằng sự dữ đang hoành hành trong vũ trụ thân thương của chúng ta. Nó len lỏi vào mọi ngóc ngách, mọi khu vực và ngay cả trong con người. Nó dữ dội đến nỗi ai cũng có thể cảm nhận, ai cũng có thể biết, ngay cả những đứa con nít như cô bé Glyzelle Palomar. Chẳng hạn như cơn bão số 2 vừa qua xảy ra tại Nghệ An. Cuộc thám sát làm 1 người chết tại Vĩnh Phúc. Hay như tình trạng nạo phá thai diễn ra nhan nhản khắp thế giới… Nói như thế để cho thấy tần suất và mức độ của sự dữ khủng khiếp như thế nào.

Đứng trước vấn nạn nhức nhối của sự dữ như thế, nhiều người đã phải đặt nghi vấn về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi chưng nếu Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương, nếu Ngài dựng nên vũ trụ này cho con người và sai Con Một yêu dấu của mình xuống thế để cứu chuộc nhân loại thì làm sao Ngài lại để sự dữ xuất hiện và hoành hành dữ dội trên trái đất, trên con người như vậy?

Chúng ta quên một điều rằng Thiên Chúa không sáng tạo nên sự dữ. Ngài sáng tạo nên mọi thứ và những thứ này rất là tốt đẹp. Điều này nói rõ trong sách Sáng Thế “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1, 31). Mặt khác, bản chất của sự dữ là điều xấu cho nên sự dữ không là một điều gì đó, nghĩa là không phải là một thực tại mang tính hữu thể, nhưng là một phi hữu thể, nghĩa là không có một hiện hữu độc lập. Nói cách khác sự dữ không có bề dày hiện hữu bởi vì nếu đã là một hữu thể thì bản chất phải là tốt lành. Do đó, sự dữ phải là vật ký sinh của sự thiện. Trong nó, sự dữ không có bất kỳ một thực tại nào, sự dữ chỉ được tìm thấy trong một chủ thể đang hiện hữu thực sự. Hơn nữa vì là thụ tạo nên mọi sự vật chỉ có sự thiện tương đối, có thể bị hư hoại. Nói như thánh Tôma, sự dữ chỉ là một sự khiếm khuyết nào đó, một khuyết phạp sự thiện. Như vậy Thiên Chúa không sáng tạo nên sự dữ mà sự dữ có nguồn gốc ở chính nơi sự vật thụ tạo.

Nếu sự dữ không do Thiên Chúa thì sự dữ do đâu? Đàng nào Ngài cũng phải chịu trách nhiệm về sự dữ đang tồn tại trong thế giới chứ?

Trước hết, cần phải nói rằng khi đối mặt với sự dữ, mặc dù sự dữ đó phát xuất từ lòng người, con người vẫn thường có khuynh hướng lôi Thiên Chúa vào cuộc và qui trách nhiệm cho Ngài. Chẳng hạn, trường hợp một nam thanh niên say xỉn lái xe đi chơi, kết cục là tai nạn dẫn đến tử vong. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của người này rõ ràng là do anh ta. Thế mà vẫn có nhiều người suy nghĩ “ý Chúa đấy!”. Bên cạnh đó, ngay trong thế giới vật chất này, các bản thể không ngừng biến dịch, không ngừng hủy diệt lẫn nhau để có thể tồn tại. Như thế có thể nói được rằng sự ra đời của cái này là sự hư hoại hay hủy diệt của cái khác. Hay nói cách khác, ngay trong vũ trụ đã hàm chứa một số dạng thức nào đó của sự dữ. Điều này có thể là sự thiện đối với cái này nhưng lại là sự dữ đối với cái khác. Ví dụ lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long làm bà con phải khốn đốn chạy lũ, nhưng cũng nhờ đó làm cho đất đai được bồi đắp phù sa, cây cối tươi tốt.

Hơn nữa, như trên đã trình bày sự dữ có nguồn gốc ở chính nơi thụ tạo. Điều này cho phép nói được rằng sự dữ không ở ngoài con người nhưng sự dữ có cội nguồn trong chính việc con người sử dụng tự do của mình cách bất chính. Quả thật Thiên Chúa đã trao ban cho con người tự do để thông qua tự do con người tìm kiếm Thiên Chúa, đáp trả cách tự do lời mời gọi của Thiên Chúa. Thế nhưng con người đã lợi dụng tự do này để thực hiện những điều bất chính, gây nên biết bao điều đau khổ cho vũ trụ, cho nhân loại và cho cả chính mình. Chẳng hạn Mỹ cho thả hai quả bom nguyên tử xuống nước Nhật trong thế chiến thứ II. Rõ ràng Thiên Chúa cho con người tự do khám phá, nghiên cứu để cải thiện thiên nhiên, đời sống con người. Nhưng con người đã dùng tự do này nghiên cứu vũ khí hóa học phục vụ cho chiến tranh. Như vậy con người đã đi quá xa trong việc sử dụng tự do gây nên bao nỗi khốn cùng cho vũ trụ, cho nhân loại.

Tuy nhiên, nếu bản chất sự dữ là xấu thì tại sao Thiên Chúa lại cho nó xảy đến? Theo quan điểm của thánh Augustin và thánh Tôma, sự hiện diện của sự dữ xem ra là cần thiết cho sự hoàn hảo và cho sự tuyệt mỹ của vũ trụ. Bởi vì qua sự tương phản, sự dữ làm phát ra vẻ rực rỡ của sự thiện. Nó là phương thế cần thiết để đạt tới sự hài hòa tuyệt mức của thế giới. Điều này cũng giống như những mảng tối của bức tranh sẽ tăng thêm vẻ đẹp tổng thể cho bức tranh. Bên cạnh đó, Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do của thụ tạo. Chắc chắn Ngài có quyền và thừa khả năng để biến những điều xấu thành những điều tốt. Nhưng Ngài không làm điều đó. Ngài cho phép thụ tạo hành động theo bản chất riêng mà Ngài ban tặng cho mỗi loài. Đúng hơn, Thiên Chúa tôn trọng tự do hay những qui luật của chúng. Tuy nhiên đôi khi cũng có thể hiểu rằng Thiên Chúa cho xuất hiện sự dữ nhằm duy trì trật tự và công lý. Nếu không có hình phạt thì con người không nỗ lực hướng về sự thiện. Nói như thánh Augustin “Vì một mục tiêu tốt đẹp nào đó Thiên Chúa cho phép sự dữ xuất hiện để biến sự dữ thành sự lành”. Thánh Tôma Aquinô diễn tả rõ ràng hơn “Thiên Chúa không cho phép sự dữ xảy ra trừ phi vì một sự thiện nào đó lớn hơn.”

Như câu trả lời của Đức thánh cha Phanxicô với bé gái Glyzelle Palomar “Cô bé là người duy nhất đưa ra câu hỏi mà chúng ta không thể trả lời”. Quả thật, dù diễn tả, dù suy luận thế nào, chúng ta cũng không thể nào hiểu hết được ý định của Thiên Chúa. Trong sự khôn ngoan vô biên của Ngài, Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy đến. Do đó, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải tuyệt đối tin tưởng vào Ngài.

Tài liệu tham khảo:
Thánh Tôma bàn về sáng tạo, sự dữ & nguyên nhân đệ nhất. Lm Giuse Nguyễn Hữu Nghị O.P
Lý học về Thượng Đế. Lm JB Nguyễn Đăng Trực O.P

 Antôn Hoàng Văn Phúc, OP

Bình luận