Sau kỳ tĩnh tâm dài hạn để chữa lành và biện phân ơn gọi, tưởng rằng mọi việc đã ổn, tôi cùng một số bạn bè tìm đến với dòng tu mà chúng tôi ưa thích. Nhưng suốt trong thời gian này, tôi đã rơi vào tình trạng bị ngất lên ngất xuống nhiều lần. Dù thời gian ở đây chưa dài, các mối quan hệ chưa có gì căng thẳng, nhưng tôi lại rơi vào tình cảnh như vậy. Cuối cùng, được sự đồng ý của sơ phụ trách, trong đau đớn, nuối tiếc, tôi vẫn phải quyết định rời nhà dòng để đi tìm thủ phạm của hội chứng ngất liên tục này.
Đến với kỳ tĩnh tâm chữa bệnh lần này, tôi có chủ đích rõ ràng hơn và quyết tâm mạnh mẽ hơn để tìm ra hung thủ, đã làm cho tôi phải ngất đi ngất lại không biết bao nhiêu lần. Người hướng dẫn tiếp tục giúp tôi khám phá con người thật của mình. Với ơn của Chúa và khao khát muốn được chữa lành để có thể đi tu tiếp, tôi càng khám phá được nhiều bí mật nơi tôi mà trước đây tôi chưa một lần biết đến. Nhờ vậy, tần suất ngất giảm dần và cường độ mỗi lần ngất cũng giảm theo. Tôi cảm nhận rõ ràng những cơn ngất đã có sự thuyên giảm. Nhưng đâu có ngờ, trong buổi học về đời sống cộng đoàn, bệnh cũ của tôi lại tái phát cách tàn khốc, dữ dội đến mức không thể kiềm chế được.
Bài đọc thêm : Ai cứu tôi thoát khỏi nỗi sợ này!
Chuyện xảy ra như thế này. Hôm đó, chúng tôi được vị đồng hành dạy học về những khó khăn thách đố trong đời sống chung. Những chị em đã trải qua đời tu đều được mời chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân mình. Lần lượt từ những chị em mới là đệ tử, mới tìm hiểu nhà dòng được một thời gian đến những chị em đã khấn được ba bốn năm nhưng chuyển dòng và cả những chị đã khấn trọn, vẫn tu, nhưng đang tới đây để chữa trị vì những tổn thương tâm lý đều chia sẻ về những gì mình đã trải qua.
Đây là một buổi học chia sẻ rất thực, phong phú, đa chiều và hữu ích về những kinh nghiệm, trải nghiệm trong đời sống chung của các thành viên trong nhà. Có những chị đến từ các dòng hoạt động, lại có những chị đến từ dòng chiêm niệm. Có những chị em đến từ các dòng tu địa phương và cũng có những chị em đến từ các dòng tu quốc tế. Có những chia sẻ khá tích cực và cũng có những chia sẻ rất tiêu cực. Sau khi nghe một chị chia sẻ say sưa, về những nét đẹp của đời sống chung trong một dòng tu quốc tế tại Việt Nam, bỗng nhiên tôi hét lên một tiếng hét kinh hoàng, khiến cho không chỉ những người trong lớp mà ngay cả những sinh viên của các phòng bên cạnh cũng phải chạy tới xem. Tôi lịm dần và cả lớp học phải dừng lại một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, sau tiếng hét, chỉ mấy phút thôi là tôi đã bình tĩnh trở lại. Nhưng chỉ một lúc sau, chẳng những tôi hét liên tục mà toàn thân tôi mềm nhũn như một cây chuối bị đánh dập. Mọi người phải đến đỡ lấy tôi. Còn tôi thì dãy dụa, đạp tung tất cả và kêu lên rối rít : “Tôi không thích dòng này.” Lúc đó cha giáo yêu cầu chị kia dừng việc chia sẻ lại, vì ngài biết rõ nguyên nhân khiến tôi phải hét lên và dãy dụa như vậy.
Kết quả tối hôm đó, trong lớp học, không chỉ mình tôi ngất xỉu, mà sau tiếng hét của tôi, hiệu ứng đô-mi-nô vào cuộc và hai chị em khác cũng ngất luôn. Người ta phải khiêng ba chúng tôi đi ba nơi khác nhau, giữa sự kinh ngạc của bao nhiêu cặp mắt đang trố lên vì không sao hiểu được vụ việc này. Lớp học phải dừng lại luôn.
Sau biến cố này, tôi nhận ra được một sự thật khá đau lòng là tôi chưa thể tha thứ cho những người trong dòng đó đã làm tôi bị tổn thương, dẫu rằng thời gian đã lùi dần khá xa. Tôi cứ nghĩ rằng mình đã quên được những nỗi đau của quá khứ, sau khi đã nói ra tất cả với người hướng dẫn. Nhưng sự thật không phải thế. Nếu không có việc khơi dậy nỗi đau này chắc tôi tưởng rằng những con người một thời làm cho tôi đau khổ đã đi vào dĩ vãng. Tha thứ cho những người đã làm hại mình trong quá khứ quả là điều không dễ nếu không muốn nói là khó có thể thực hiện được. Nhưng nếu không tha thứ cho họ được thì người bị tổn thương không phải là ai khác mà chính là bản thân tôi.
Bài đọc thêm: Tiếng hét rợn người !
Hành trình sa mạc của tôi lại bước sang một giai đoạn mới. Những gì tích tụ, dồn nén, kìm hãm, ức chế lâu nay, tôi miệt mài và kiên nhẫn đào thải và tống khứ ra ngoài từng ngày, dưới sự hướng dẫn của vị đồng hành. Càng viết thì tôi càng cảm thấy đau nhói, tức tối chỗi dậy trong mình. Nhưng khi viết hết lần thứ ba, tôi mới cảm thấy nhẹ lòng. Tôi đã bắt đầu làm chủ và quản lý được cảm xúc của mình. Nhờ đó, tần suất la hét và ngất xỉu giảm dần, sức khỏe của tôi cũng dần hồi phục. Nếu không có buổi chia sẻ về đời sống chung, đặc biệt là chia sẻ của người chị em về dòng tu mà thời học sinh tôi đã trải qua, có lẽ còn lâu, tôi mới nhận ra sự thật là mình chưa tha thứ được.
Trong tiến trình chữa trị, người đồng hành đã nhắc nhở chúng tôi và đã thực hành nhiều tâm kịch, để giúp hóa giải cảm xúc cho nhiều thành viên trong Nhà Tĩnh Tâm, nhất là những người mang nặng uất ức, buồn tủi, căng thẳng. Tôi đã từng được chứng kiến những tâm kịch này, nhưng vẫn hoài nghi về giá trị và tính chân thực của chúng. Nhưng khi mình trải qua bối cảnh, hay nói theo ngôn ngữ của người đồng hành, là kịch trường, thì mới cảm thấu và chạm đến phần nào sự thật của tâm kịch.
Nhìn lại một số thành viên, khi ở môi trường này chữa trị thì rất tốt, xem ra không còn vấn đề nghi vấn. Nhưng khi được gởi về gia đình thời gian thì lại phát bệnh. Riêng bản thân tôi nhìn lại mình cũng vậy. Cứ mỗi lần về lại gia đình là tôi lại cảm thấy những cảm xúc cũ lại ùa về, khiến tôi sống không vui và bình an như ở nơi chữa bệnh. Cũng chính vì lí do này, mà người hướng dẫn thường cho chúng tôi đối mặt với những gì đã xảy đến với mình trong trong ý thức, qua thôi miên, tâm kịch và cả thực tế nữa. Phải trải qua sự tập luyện này nhiều lần, chúng tôi mới vượt thắng được những ký ức đó.
Huệ Tím
Bài viết độc quyền tại svconggiao.net