Icon Collap
...
Trang chủ / Tín hữu kitô dưới chế độ cộng sản: một lịch sử bị che giấu (phần 2)

Tín hữu kitô dưới chế độ cộng sản: một lịch sử bị che giấu (phần 2)

Vatican ở trong thế phòng ngự

Về phía công giáo, tình trạng được tiến triển nhiều từ thời Đức Piô XI, với thông điệp nổi tiếng năm 1937 xem cộng sản “tự bản chất là xấu xa”. Tháng 3 năm 1939, Đức Piô XII kế vị, ngài rất quan tâm đến sự thành công của đảng cộng sản. Nhất là sau năm 1945, khi Stalin và Liên Xô được thiện cảm vì đã đóng vai trò hàng đầu trong việc chiến thắng quân phát-xít. Các tội ác mà chế độ đã phạm trước Thế chiến hai đã được quên! Nạn đói ở Ukraina, các vụ án ở Maxcơva, vụ thảm sát Katyn, sự kinh hoàng, trại lao động khổ sai được che giấu! Liên Xô ở trong hàng ngũ những người chiến thắng. Cũng như Tổng thống Mỹ Roosevelt ở Hội nghị Yalta, tân Tổng thống Mỹ Harry Truman đang lo lắng cho việc thành lập Liên Hiệp Quốc, bằng bất cứ giá nào họ không muốn mất lòng “ông bạn già Jo”!

Mỗi khi có một nước rơi vào tay Maxcơva thì tôn giáo nước đó trở thành kẻ thù của tân chính quyền.

Nhưng Vatican không nhìn cùng một góc cạnh. Vatican kinh hãi nhìn Hồng quân xâm chiếm một nửa Âu châu, nhất là ở những nước rất công giáo như Ba Lan, Hung hay Slovaquia. Mỗi khi có một nước rơi vào tay Maxcơva thì tôn giáo nước đó trở thành kẻ thù của tân chính quyền. Các chức sắc công giáo cao cấp của Trung Âu bị bắt vào tù: Đức ông Slipyi (Ukraina phương Tây), Đức ông Wyszynski (Ba Lan), Đức ông Beran (Tiệp), Đức ông Stepinac (Yougoslavia), Đức ông Mindszenty (Hung). Một vài người được trả tự do trong vụ bài-stalin. Một số khác thì không. Năm 1956, trong vụ xe tăng Nga dẹp cuộc nổi dậy ở Budapest, giám mục đứng đầu hội đồng giám mục Hung tị nạn ở tòa đại sứ Mỹ, ngài ở lại đây 15 năm!

Tại Rôma, Đức Piô XII tiếp các phái viên mật đến từ Đông Âu, họ hãi sợ kể các cuộc bức hại khủng khiếp bài tôn giáo ngày càng tăng: bắt bớ, ức hiếp, đóng cửa nhà thờ, trục xuất các nữ tu, ra tòa chính trị, đày ải, ám sát. Làm sao ngài không hãi sợ khi thấy cộng sản gần như thắng thế ở Pháp, ở Ý năm 1946, hai nước có nền văn minh kitô giáo từ bao nhiêu thế kỷ nay, trong một bài diễn văn trước Trường Cao Đẳng Thánh Thiên (Sacré Collège), ngài khẩn khoản xin “đừng để cho một Quốc gia theo chủ nghĩa vật chất mà không có một lý tưởng siêu nhiên, không tôn giáo, không Chúa!”. Cùng một tiếng nói, trong một bài diễn văn danh tiếng của Thủ tướng Winston Churchill đọc ở Fulton (Missouri), ông tố cáo Bức màn Sắt đã đổ ập trên Âu châu. Từ đó Vatican và phần còn lại của thế giới vào cuộc, có khả năng bị cáo buộc là thông đồng.

Đức Piô XII công nhận sự thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Hội đồng Âu châu, nhằm “cứu và bảo vệ nền văn minh chung hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc của kitô giáo”.

Mùa xuân năm 1949, Đức Piô XII công nhận sự thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Hội đồng Âu châu, nhằm “cứu và bảo vệ nền văn minh chung hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc của kitô giáo”. Một cách kín đáo cũng như kiên trì, ngài làm áp lực với chính quyền Ý để họ tham gia vào Hiệp ước này. Và để không ai là không biết, Đức Giáo hoàng đã gây ấn tượng khi ngày 1 tháng 7 năm 1949, Tòa Thánh công bố tự sắc dứt phép thông công cho tín hữu nào tham gia vào tổ chức cộng sản và theo giáo điều “chủ nghĩa vật chất và bài-kitô giáo” của họ.

Đứng trước chế độ cộng sản, Đức Piô XII không nhân nhượng. Năm 1954, người Pháp không hiểu vì sao Đức Piô XII gay gắt cấm các linh mục trong phong trào linh mục thợ thuyền làm việc với công nhân. Nhưng làm sao đức Piô XII thời đó lại có thể chấp nhận các đồng hữu linh mục bị bách hại hung bạo ở Đông Âu, mà các linh mục Pháp ở Tây Âu lại ủng hộ đồng chí xuống đường do Đảng cộng sản tổ chức?

Hậu trường Công đồng Vatican II

Các tiếp cận khác nhau, các kinh nghiệm ngược nhau, các chia rẽ trong nội bộ Giáo hội đã tạo các cuộc tranh luận ở Công đồng từ năm 1962 đến 1965. Đa số các giáo phụ công đồng ở trong đường hướng của Đức Piô XII, họ muốn Vatican II long trọng và tudo lên án chủ nghĩa cộng sản. Ở Rôma, các giám mục hiếm hoi đến từ Đông Âu như Giám mục Stefan Wyszynski, họ lên tiếng mạnh với các ký giả. Nhưng Đức Piô XII ngắm xa hơn. Các vị kế nhiệm của ngài, Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI không đồng ý biến Vatican II là giai đoạn kéo dài của chiến tranh lạnh. Ngược lại, có phải đây là lúc thương thuyết, bắt cầu với cộng sản để mở cửa cho một tương lai không?

Năm 1965, một giám mục trẻ người Ba Lan, Karol Wojtyla, tham dự vào cuộc tranh luận dữ dội, mà sau này ngài đã có ảnh hưởng sâu đậm trên Hiến chế Mục vụ về Hội Thánh (Gaudium et spes): cẩn thận, chúng ta có thể đối thoại với chủ nghĩa cộng sản khi đó là các xác quyết cá nhân của một người, nhưng không đối thoại với chủ nghĩa toàn trị vi phạm nhân phẩm con người! Từ đó trong các cuộc thảo luận về tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo (Dignitatis humanae), các giám mục Đông Âu giải thích, tự do tôn giáo là một nguyên tắc tích cực với điều kiện là nó bao gồm quyền giữ đạo ở chế độ vô thần! Sự đóng góp của Wojtyla và các đồng hữu Đông Âu mang tính cách quyết định. Nhờ các đóng góp triển khai về mặt triết lý của họ (chống vật chất chủ nghĩa) và ý nghĩa mục vụ (tự do tôn giáo), cuối cùng đa số giám mục tham dự Công đồng bỏ đi ý tưởng rất chính trị là hùng hồn lên án chủ nghĩa cộng sản.

Đức Gioan-Phaolô II lặp lại, chúng ta có thể đối thoại với chủ nghĩa cộng sản khi đó là các xác quyết cá nhân của một người, nhưng không đối thoại với chủ nghĩa toàn trị vi phạm nhân phẩm con người.

Thời buổi đã thay đổi Nikita Khrouchtchev gởi điện văn mừng sinh nhật 80 tuổi của Đức Gioan XXIII; văn phòng báo chí Công đồng chấp nhận cho tùy viên hãng thông tấn Nga Tass có mặt; Đức Gioan XXIII tiếp con rể của Khrouchtchev là ông Alexis Adjoubẹ và vợ… Những chuyện này giúp giải quyết một vài vấn đề lúc đó như việc bổ nhiệm giám mục ở một vài nước Đông Âu, nhưng thật sự nó không thay đổi gì nhiều: một mặt, thế giới kitô giáo bị suy yếu do tình trạng thế tục hóa quá nhanh của lục địa cổ Âu châu – các sự kiện tháng 5 năm 1968 là một cú sốc cho Giáo hội công giáo – và mặt kia là thế giới cộng sản ngày càng lan rộng đến các nước như Êtiôpia, Việt Nam, Cao Miên, Lào và kế đó là Afghanistan.
Chắc chắn Vatican đã dự đoán với Chính sách hướng về phía Đông (Ostpolitik) của mình đã chuyển từ chiến tranh lạnh qua hòa dịu, nhưng Đức Phaolô VI bị buộc phải chấp nhận sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản nơi nó thống trị và góp phần vào việc tầm thường hóa ảnh hưởng của bó ở những nơi khác.

Một giáo hoàng đến từ Đông Âu

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, một trận địa chấn làm rung động thế giới công giáo. Để thay thế Giáo hoàng Gioan-Phaolô I đột ngột qua đời, Các hồng y bầu Karol Wojtyla, 58 tuổi, Tổng giám mục giáo phận Krakow lên làm giáo hoàng. Không những ngài không phải là người Ý, mà lại còn là người Ba Lan: một giáo hoàng đến từ Bức màn sắt và như thế có nguy cơ ngài sẽ làm thay đổi đường hướng. Trong thánh lễ mở đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Gioan-Phaolô II đã đưa ra một lời kêu gọi, lời kêu gọi còn vang vọng lâu trong thế giới công giáo, đặc biệt ở các nước cộng sản: “Anh chị em đừng sợ!” Anh chị em hãy mở ra, mở tất cả các cánh cửa lớn ra cho Chúa Kitô! Mở ra cho sự cứu rỗi toàn năng của Ngài, mở ra các biên giới quốc gia, các hệ thống kinh tế và chính trị, các lãnh vực mênh mông của văn hóa!”

Không còn Giáo hội thầm lặng, vì Giáo hội thầm lặng nói qua tiếng nói của tôi! Gioan-Phaolô II

Trả lời phỏng vấn trên đài BBC, Soljenitsyne mừng rỡ: “Giáo hoàng này là món quà từ trời xuống!” Với tất cả cộng đoàn kitô giáo ở các nước mà họ có tên là “Giáo hội thầm lặng” thì tin vui của họ là từ nay tân giáo hoàng biết đến họ. Và ở các nước này, giáo dân nói “giáo hoàng là người giống như họ”. Người Hung, người Slovaquia, người Lituania, người Ukraina biết từ đây có một người ở Phương Tây không quên họ. Mười lăm ngày sau khi bầu chọn, trong chuyến đi chính thức đầu tiên đến Axixi, trên đường đi của ngài, có một phụ nữ la lên: “Trọng kính Đức Thánh Cha, xin cha đừng quên Giáo hội thầm lặng!” câu trả lời của Đức Gioan-Phaolô II không chút ngần ngại: “Không còn Giáo hội thầm lặng, vì Giáo hội thầm lặng nói qua tiếng nói của tôi!”

Ở Giáo triều, người ta chưa chuẩn bị có một xáo trộn như vậy. Vừa mới vào ngôi, giáo hoàng Ba Lan gây kích thích: ngài mong muốn về thăm quê hương mùa xuân này! Ngược với ý kiến của các nhà ngoại giao, trong khi chờ đợi, ngài đi Mêhicô, nơi vào tháng 1 năm 1979, ở Puebla, các nhà lãnh đạo chính của các nước Châu Mỹ La Tinh dự trù thảo luận về thần học giải phóng, một phong trào thúc đẩy nhiều linh mục Nam Mỹ nhân danh người nghèo, đấu tranh chống các nhà độc tài thân-Mỹ và các người tiếp sức cho họ ở địa phương, kể cả phải đứng bên cạnh các chiến sĩ mác-xít, và nếu cần thì cũng dùng vũ khí.

Ngay lập tức Đức Gioan-Phaolô II lên án thần học giải phóng, thay vào đó, ngài chủ trương đấu tranh cho người nghèo theo tinh thần Phúc Âm và hòa bình. Xác tín của ngài thì đơn giản: “Con người là giá trị tối thượng, chứ không đơn thuần là bánh xe của bộ máy xã hội” như những người mác-xít khẳng định.

Ngày 2 tháng 6 năm 1979, ngài đến Ba Lan. Chuyến đi của ngài là một sự kiện, chắc chắn đây đúng là rắc rối đầu tiên xảy ra sau Bức màn sắt. Lần đầu tiên sau chiến tranh, hàng triệu người Ba Lan, trước hết là kinh ngạc và sau là hăng say, họ được tự do tụ họp ở Varsovia, Krakow, Gniezno, Czestochowa chung quanh người mặc áo trắng là đồng hương của họ, giảng những bài giảng lật đổ, ngoài mọi kiểm duyệt, người đó nói: “Không có gì có thể loại Chúa Kitô ra lịch sử loài người, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới!”

Chuyến hành hương dài đến tự do

Một năm sau là vụ đình công ở công trường Gdansk, đây là hệ quả trực tiếp của chuyến đi lịch sử của Đức Gioan-Phaolô II. Không một phong trào phản kháng nào ở Đông Âu mà không được cảm hứng từ Phúc Âm hoặc từ giáo hoàng: Đông Bá Linh (1953), Poznan (1956), Budapest (1956), Tiệp (1968). Và đến tháng 8 năm 1980, các công nhân ở Baltique treo chân dung Đức Gioan-Phaolô II ở công trường Lênin, họ bắt đầu ngày đình công của mình bằng một thánh lễ, dâng hiến nghiệp đoàn tự do Đoàn kết, còn lãnh đạo Lech Walesa của họ thì gắn tượng Đức Mẹ trên áo vest của mình, khi nào cũng khẳng định chính đức tin thúc đẩy họ hành động.

Ở Kremlin, Brejnev, Souslov và Gromyko lo lắng. Edward Gierek, chủ tịch Đảng công nhân đoàn kết Ba Lan bị cách chức. Các người thay thế ông, nhất là đại tướng Jaruzelski được lệnh ổn định lại đất nước, điều họ đã làm một cách hung bạo vào cuối năm 1981. Vài tháng trước đó ngày 13 tháng 5 – 1981, khi Đức Gioan-Phaolô II bị Mehmet Ali Agça, người Thổ cực đoan mưu sát, cả thế giới nghĩ có bàn tay trả thù của KGB Nga! Rõ ràng được sự ủng hộ của Đức Giáo hoàng, Phong trào Đoàn kết đã có tiếng vang.

Đức Gioan-Phaolô II biết hơn ai hết, sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Đông Âu không phải là “hết chuyện”, nhưng hậu cộng sản cũng không phải là chuyện vui gì.

Một thế hệ tín hữu kitô mới dấn thân ở Đông Âu để chiến đấu cho nhân phẩm, cho tự do của con người ra đời: Jerzy Popieluszko và Tadeusz Mazowiecki (Ba Lan), Vaclav Maly và Augustin Navratil (Tiệp), Dona Cornea và Laszlo Tưkes (Rumania), Rainer Eppelmann (Đông Đức), Nijolé Sadunaité (Lituania), Simon Jubani (Albania) và nhiều người khác. Không noì đến một vài chức sắc cao cấp can đảm như Hồng y lớn tuổi Frantisek Tomasek. Từ năm 1980 đến năm 1989, siêu vi trùng Ba Lan lan đến Hung, Tiệp, Lituania và toàn khối Đông Âu, kể cả các vùng đất ít thiên về giáo hoàng như Đông Đức, Rumania, họ cũng theo, mùa thu năm 1989 đã có những cuộc biểu tình từ Leipzig đến Timisoara, mà những người cầm đàu là các mục sư tin lành.

Có phải là chuyện tình cờ mà ngày 1 tháng 12 năm 1989, một năm nhiều biến cố lạ lùng, mà Mikhạl Gorbatchev đến Vatican gặp Đức Gioan-Phaolô II, chỉ ba tuần sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ đó không? Trên bình diện quốc tế, chuyến viếng thăm ngoài sức tưởng tượng này được xem như một cuộc đình chiến. Vài tuần sau, khi tiếp các nhà ngoại giao theo truyền thống đầu năm mới, ngày 13 thág 1 năm 1990, Đức Gioan-Phaolô II nêu lên “Varsovia, Maxcơva, Budapest, Bá linh, Tiệp, Sofia và Bucarest” như các “giai đoạn của một chuyến hành hương dài để đi đến tự do”. Giáo hoàng Ba Lan không ảo tưởng. Cũng trong bài diễn văn này, ngài cảnh báo, chống lại các hình thức “chủ nghĩa quốc gia quá độ”. Đức Gioan-Phaolô II biết hơn ai hết, sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Đông Âu không phải là “hết chuyện”, nhưng hậu cộng sản cũng không phải là chuyện vui gì.

Có bao nhiêu nạn nhân?

Nếu làm một bản tổng kết con số các nạn nhân của chế độ cộng sản trong tất cả các nước họ nắm quyền thì con số này sẽ lên đến hàng trăm triệu người, theo quyển sách của một nhóm nhà nghiên cứu do tác giả Stéphane Courtois xuất bản năm 1997, Quyển sách đen của chế độ cộng sản (Robert Laffont) thì các nước chịu đau khổ nhiều nhất là Trung quốc (65 triệu), Liên Xô (20 triệu), Bắc Hàn (2 triệu), Cao Miên (2 triệu), Việt Nam (1 triệu). Các con số chưa phải là con số cuối cùng: làm sao có thể phân biệt trong những nước này, vào lúc nào đã có các nạn nhân của nội chiến, các vụ ám sát chính trị, các nạn nhân của chết đói hay của sự khốn cùng?

Chìm trong con số khổng lồ các nạn nhân của các trại lao động khổ sai hay của Cách mạng Văn hóa, con số các tín hữu bị bách hại của mọi Giáo hội thì thật khó đầy đủ. Chỉ riêng chính thống giáo Nga đã có 250 giám mục bị hành quyết hay bị chết ở các trại lao động khổ sai, hàng chục ngàn linh mục hay tu sĩ cùng chịu chung số phận giữa những năm 1917 và 1980, ngoài ra còn việc đóng cửa hàng ngàn nhà thờ, hàng ngàn tu viện. 10.000 vị tử đạo – những người bị giết vì đức tin của mình – được nhận diện, nhưng con số các vị tử đạo thật sự có thể mười lần cao hơn.

Tái sinh đời sống thiêng liêng

Nhà thờ biến thành tiệm buôn thuốc lá, thành kho đạn, thành viện bảo tàng vô thần, các tu viện bị phá hủy, các tín hữu bị bắt, bị trục xuất, bị đi đày, bị tra tấn, bị ám sát… chế độ cộng sản đã cố gắng làm đủ mọi cách để hủy hoại đức tin tín hữu chính thống. Nhưng họ thất bại hoàn toàn. Từ Kiev (Ukraina) cho đến các đảo vùng bắc Solovki, nhiếp ảnh gia Charles Xelot đi tìm tài liệu, ông ngạc nhiên trước sự sống lại của một Giáo hội tái xây dựng, tái tạo lại các ngôi thánh đường, các tu viện: đời sống thiêng liêng được tái sinh. Đây không phải chỉ là đất đá, nhưng là con người, như hình ảnh của tu viện Valaam, trên bờ hồ Ladoga, bị Stalin đóng cửa, bị biến thành nhà máy, thành nhà hưu dưỡng, thành doanh trại, tu viện này được tái xây dựng lại năm 1989, bây giờ họ có 200 đan sĩ trẻ, đó là hình ảnh của sự vực lại đời sống thiêng liêng mạnh mẽ nhất. Một cuộc hành trình trong hy vọng ở những nơi đã xảy ra tội ác vô cùng ác của Quốc gia. Sách Sống lại 1917-2017 (Résurrection 1917-2017, tác giả Charles Xelot và Lilya Tourkina).

Bernard Lecomte, ký giả, nhà văn, phóng viên tường thuật trong các năm của Đức Gioan-Phaolô II và sự sụp đổ Liên Xô. Bernard Lecomte là tác giả của nhiều tác phẩm quy chiếu, tiểu sử Đức Gioan-Phaolô II, các khảo luận về nước Nga, về Âu châu thời Bức màn sắt. Tác phẩm mới nhất của ông là quyển Lịch sử chế độ cộng sản dành cho những người chưa biết (Histoire du communisme pour les nuls, First) với rất nhiều giai thoại trong giai đoạn lịch sử này!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bình luận