Icon Collap
...
Trang chủ / Ai là người được Thiên Chúa cứu?

Ai là người được Thiên Chúa cứu?

Trong tâm tình của những người con xa quê hương đang sống, học tập và làm việc tại mảnh đất Hà Thành, hôm nay cộng đoàn Sinh viên Martinô đã quy tụ bên nhau tại nguyện đường Giê-ra-đô, hiệp dâng Thánh lễ, để dâng lên Chúa những lời nguyện cầu tha thiết và bày tỏ lòng ăn năn sám hối của mỗi người. Trong bài giảng Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh đã chia sẻ cho chúng ta biết Thiên Chúa của chúng ta tin không phải là một Thiên Chúa bất lực, bù nhìn. Ngài cũng chẳng phải một Thiên Chúa ở đâu xa lạ ngồi trên ngai cao để rồi bỏ mặc, để con người tự vùng vẫy, rên xiết trong sự thống khổ, đau thương. Nhưng sự thật là Người vẫn luôn hiện diện ở bên cạnh ta, Người như một người Cha nhân lành đứng từ xa để quan sát, chỉ dẫn và nâng đỡ ta. Thế nhưng ai là người được Thiên Chúa Cứu độ? Câu trả lời đã được Cha Gioan tóm lược chi tiết qua những chia sẻ dưới đây:

 

Ai là người được Thiên Chúa cứu

 

Thiên Chúa Cứu độ con người khi nào?

Thiên Chúa cứu độ con người khi nào? Đó là câu hỏi mà Cha Gioan đặt ra cho mỗi sinh viên khiến ta phải suy nghĩ. Có phải Chúa chỉ cứu con người ở trên thập tự giá năm nào rồi bỏ mặc con người thời nay đau khổ ? Phải chăng Thiên Chúa là như vậy? Trong thực tế chúng ta thấy Chúa cứu con người mỗi khi chúng ta đặt niềm tin nơi Ngài. Đặc biệt cụ thể nhất qua bí tích Giải tội, nhờ đó ta được giao hòa và trở về với Chúa trong ân sủng của Đức Kitô. Thiên Chúa ta tôn thờ hết mực khôn ngoan và giàu lòng nhân hậu người có trăm ngàn cách khác nhau để cứu con người.

Như trong thời Cựu Ước ở Bài đọc I ta thấy “Quân Can-đê đốt nhà của Thiên Chúa triệt hạ tường thành Giêrusalem, phóng hỏa đốt các lâu đài trong thành và phá hủy mọi đồ đạc quý giá. Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Ba-by-lon”(2Sb19). Chúa cứu dân của người bằng cách gửi các ngôn sứ đến để giúp họ, nhưng họ không nghe, họ biến Giêrusalem thờ tự trở thành nơi ô uế. Khi ấy Chúa gửi vị vua vô thần là Ky-rô, sai vua đó về tái trị lại Giêrusalem. Thiên Chúa cứu dân qua những con người cụ thể. Chúa cứu dân khỏi tay Pharaoh bên Ai Cập qua tôi trung của Ngài là Môsê. Ông phải làm bao nhiêu những dấu lạ, điềm thiêng để cứu dân của người khỏi ách nô lệ, khỏi tay Pharaoh. Suốt chặng đường lịch sử Chúa dùng người của Chúa để cứu dân người trong những hoàn cảnh cụ thể. Để dân Chúa được giải thoát, được bình an. Và cuối cùng Chúa sai chính con một của Ngài đến để hiến thân trên Thập giá, chết để cho chúng ta được sống.

Điều kiện để được Thiên Chúa Cứu độ

Tin là đón nhận chính Chúa vào trong con người của mỗi chúng ta và để cho Chúa tiếp tục xoa dịu những nỗi đau. Chúa tiếp tục cứu con người một cách bình thường để đưa con người đến niềm tin, để cứu con người cả xác lẫn hồn cả đời này và cuộc sống mai hậu. Sau khi Chúa chết trên thập giá thì Chúa vẫn tiếp tục cứu con người. Nhưng để được Thiên Chúa cứu thì con người phải sám hối và có lòng tin. Tin đó là điều kiện cần để được Thiên Chúa cứu. Như vậy tin vào Đấng đã chịu đóng đinh thì được cứu.

Thiên Chúa nói cho chúng ta chân lý quan trọng. Chân lý thứ nhất Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa cứu độ. Chúa cứu con người không chỉ một thời điểm nào đó mà cứu trong mọi thời, mọi lúc. Từ thời Cựu ước đến Tân ước hay cho đến muôn đời, Thiên Chúa vẫn tiếp tục cứu con người.  Chúa cứu qua những con người cụ thể qua những biến cố cụ thể, hoàn cảnh cụ thể. Cuối cùng Chúa  cứu bằng cách Ngài gửi Chúa Giêsu đến hiến thân chịu chết cho chúng ta. Để từ đây, ai đón nhận Chúa Giêsu là Chúa thì được cứu và được sống muôn đời.

Thiên Chúa cứu con người qua các Ngôn sứ

Chúa cứu con người khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập. Khi ông Môsê dẫn dân vượt qua biển Đỏ bị tấn công bởi quân đội của Pharaoh thì người vùi dập quân đội của kẻ thù dưới lòng biển mà cứu dân người. Đi trong sa mạc bốn mươi đêm ngày, dân đói Chúa cho ăn, khát Chúa cho uống nước từ tảng đá chảy ra. Người luôn quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu của con người.

ai là người được Thiên Chúa cứu

Khi con người phạm tội kêu than không tin, người đã có cách của Ngài. Thiên Chúa như một người cha yêu thương, đầy khôn ngoan và dứt khoát trong cách răn dạy. Người dùng liều thuốc đắng chứ không dùng liều thuốc độc. Để dân người cảnh tỉnh thì Chúa cho rắn độc ra cắn. Chúa cứu con người bằng cách bảo ông Môsê làm một con rắn đồng treo lên để những ai bị rắn cắn mà nhìn vào con rắn đồng thì sẽ được cứu. Con rắn đồng đó là biểu tượng của Chúa Giêsu sau này. Con người phạm tội mà nhìn vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh, treo lên thập giá vì chúng ta mà tin, thì cũng sẽ được cứu độ.

Bài đọc thêm: Pha-ri-sêu hiện đại

Ai tin vào Chúa thì sẽ được Cứu độ

Chúa đến cứu con người khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền đói nghèo, chữa khỏi ma ám quỷ nhập. Chúa chữa cho người câm nói được, mù thấy được, què đi được. Chúa cho người chết được sống lại như Ladarô, con trai bà góa thành Nain. Không chỉ dừng lại ở đó Ngài còn cứu con người khỏi sự chết đời đời, khỏi  tội đời đời và cho con người được hạnh phúc muôn đời. Chúa cứu con người cả thân xác đến linh hồn, cả đời này lẫn đời sau. Người cứu chúng ta cách trọn vẹn cả vũ trụ này, khi Ngài ban cho chúng ta trời mới đất mới. Và để Thiên Chúa cứu thì phải tin vào Chúa “Ai tin vào con của Người thì được cứu đời đời”.

Thực tế ta thấy những người dữ tợn bị ma ám qủy nhập khi ta giơ cây thánh giá lên là cái người bị quỷ nhập ấy khiếp sợ. Tại sao vậy? Tại sao một cây thánh giá nhỏ bé lại khiến ma quỷ phải kinh hãi? Vì đó là nơi Vua cả trời đất, muôn loài bị treo lên. Ai tin rằng Ngài đang ở đây thì chính ngài sẽ trục xuất ma quỷ chứ không phải quyền ở nơi con người. Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Vấn đề chúng ta có tin không hay ta chỉ làm dấu nhân danh cha, đeo thánh giá cho có. Chúng ta có thật sự đón nhận Chúa Giêsu trên thập tự giá làm Chúa của mình, có dám bước vào mầu nhiệm thương khó của Ngài. Chúng ta có dám hi sinh cả con người cuộc đời mình như người đã hi sinh cho chúng ta.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban con một của Người xuống thế gian để ai tin vào con của người thì được sống muôn đời. Theo Tin Mừng của Thánh Gioan ai tin và đón nhận chúa Giêsu là Chúa, sẵn sàng hi sinh cuộc đời mình như Chúa Giêsu đã hi sinh thì người đó chắc chắn được Thiên Chúa cứu độ. Và Chúa muốn ta cũng cứu người khác khi chúng ta biết hi sinh thời gian sức lực của cải, trí tuệ, tất cả để giúp người nghèo, người khổ, người túng thiếu. Nhờ đó họ đón nhận Chúa nơi chúng ta rao giảng thì khi đó những người đó cũng sẽ được cứu độ như chúng ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu – Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng con. Chúa đã đến cứu chúng con, Chúa muốn chúng con đáp lại ân sủng của Chúa là lòng tin. Và khi chúng con tin nghĩa là chúng con được Cứu độ. Xin Chúa cho chúng con mỗi khi nhìn lên thập tự giá thì không nghi ngờ, phân tâm hay cứng tin nữa. Xin cho chúng con biết mang lấy Chúa trong cuộc đời chúng con, để chúng con sống như sống như Ngài đã sống và hành động như Ngài đã hành động. Amen!

Bài đọc thêm: Dấu lạ cho con người

Maria An Lành

Truyền thông sinh viên công giáo 

Bình luận