Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, viễn cảnh về một tương lai tươi sáng khi cầm trong tay tấm bằng đại học đã được các bậc phụ huynh và thầy cô ‘vẽ’ ra cho các bạn học sinh. Để rồi, họ nỗ lực không ngừng vượt qua các kỳ thi tuyển để có được một suất tại các trường Đại học, Cao đẳng. Tiếp theo là 4-5 năm miệt mài đèn sách với mong ước có được tấm bằng ‘đẹp’ khi ra trường.
Thất nghiệp trở thành nỗi’ ám ảnh’ với tân cử nhân
Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp, nhiều tân cử nhân ‘vỡ mộng’ vì hóa ra tấm bằng đại học chẳng hề có sức mạnh lớn như họ vẫn nghĩ. Có bạn nộp hàng chục hồ sơ xin việc vẫn chẳng thấy hồi âm, có bạn phỏng vấn hết công ty A đến cơ quan B nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của nhà tuyển dụng…Và hai từ ‘thất nghiệp’ đã trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất với nhiều bạn sinh viên mới ra trường.
Theo Thống kê, quý IV/2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp. Trong đó nhóm thanh niên từ 20-24 tuổi tốt nghiệp cao đẳng và đại học trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%.
Chấp nhận làm trái ngành nghề
Nhiều bạn không chịu được áp lực khi thất nghiệp cộng với gánh nặng ‘cơm, áo’ nên đã chấp nhận làm trái ngành nghề. Có bạn may mắn tìm được công việc tuy không đúng chuyên ngành mình đã học nhưng lại có mức lương cao, môi trường làm việc thú vị.
Nhưng cũng có rất nhiều bạn ngậm ngùi cất tấm bằng cử nhân để làm những công việc chân tay như bồi bàn, phát tờ rơi hay công nhân.
Mai là một ví dụ điển hình. Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh với tấm bằng khá. Sau một năm bám trụ tại Hà Nội nhưng vẫn không thể xin được việc làm, cô đành về quê và xin làm công nhân may. Mai cho biết mặc dù rất tiếc mười mấy năm đèn sách, nhưng cô và gia đình cũng không còn cách nào khác.
Công việc không như mơ
Những tưởng chỉ có các bạn tân cử nhân thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề mới ‘vỡ mộng’, nhưng thực tế rất nhiều bạn được làm đúng chuyên ngành mình đã học cũng cảm thấy hụt hẫng không kém.
Thu vừa tốt nghiệp khoa Tài chính ngân hàng của một trường Đại học. Sau 4 năm học, Thu vẫn không hình dung được công việc sau khi ra trường của mình là gì. Điều duy nhất mà cô tưởng tượng đó là hàng ngày mặc những bộ đồng phục thật đẹp đến cơ quan, cuối tháng lĩnh lương cao và thỉnh thoảng nhận các khoản thưởng ‘khủng’ của ngân hàng.
Sau khi nộp hồ sơ vào khá nhiều ngân hàng, với ngoại hình khá Thu đã trúng tuyển vào vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân.
Thu chia sẻ: “Các vị trí trong ngân hàng hầu hết đều yêu cầu 3-4 năm kinh nghiệm. Chỉ riêng vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng được các ngân hàng tuyển khá nhiều, lại không yêu cầu kinh nghiệm”
Thế nhưng, chỉ sau 1 tháng đi làm Thu mới vỡ lẽ vị trí chuyên viên mà cô đang làm chẳng ‘hoành tráng’ như cô nghĩ. “Suốt ngày phải gọi điện năn nỉ hết người này gửi tiền đến người kia vay tiền, nhiều khi mới nói được một, hai câu đã bị người ta mắng cho té tát vì cái tội làm phiền. Lương thì không cao như mình nghĩ, chỉ đủ tiền xăng xe, ăn uống”. Thu nói.
Không chỉ Thu, rất nhiều các bạn sinh viên mới ra trường đều gặp phải hoàn cảnh tương tự. Việc bắt đầu hòa nhập vào môi trường mới, áp lực công việc, mức lương không như mong muốn, lý thuyết trong sách vở không giống như thực tế công việc…khiến nhiều tân cử nhân thất vọng, thậm chí là ‘sốc’ khi mới đi làm.
Sinh viên không được trang bị kiến thức đầy đủ khi ngồi trên ghế nhà trường
Lý giải về nguyên nhân khiến các tân cử nhân cảm thấy ‘vỡ mộng’ khi mới gia nhập vào thị trường việc làm, nhiều chuyên gia về nghề nghiệp cho rằng việc đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay còn nặng về kiến thức, thiếu thực hành.
Bản thân sinh viên khi ra trường thiếu sự chủ động, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng mềm khác như giao tiếp, làm việc theo nhóm..
Ngoài ra, việc đặt ra những tiêu chuẩn quá cao cho công việc tương lai cũng khiến các bạn sinh viên thất vọng khi thực tế không được như mong muốn.
Diệu Tuyết