Icon Collap
...
Trang chủ / Bất cập giáo dục VN ‘bộc lộ rõ’ qua kỳ thi PTTH

Bất cập giáo dục VN ‘bộc lộ rõ’ qua kỳ thi PTTH

Nhiều bất cập của ngành giáo dục Việt Nam đã bộc lộ rõ qua kỳ thi trung học phổ thông vừa qua, một số chuyên gia trong ngành giáo dục nói.

Trong chương trình Bàn tròn Thứ năm của BBC Tiếng Việt ngày 17/8, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh, từ Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, cho rằng hình thức thi trắc nghiệm cho tất cả các môn trừ môn văn như năm nay “không có chỗ cho sinh viên thể hiện sự sáng tạo và khác biệt”.

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư toán trường Đại học Toulouse, Pháp, nhận xét chuyện một số trường trong ngành sư phạm có điểm chuẩn chỉ 9 điểm cho ba môn là “rất đáng lo ngại.”

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, chuyện có học sinh đạt điểm tuyệt đối mà vẫn trượt, một chuyện “chắc là chỉ có ở Việt Nam”, cho thấy nhiều điều bất hợp lý trong kỳ tuyển sinh này.

Cụ thể, ông cho rằng chuyện gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học là “không hợp lý” cho một số trường vì mục đích tuyển sinh đại học và tốt nghiệp phổ thông là khác nhau.

“Một bất cập nữa là cách ra đề thi năm nay làm cho việc đạt điểm tối đa dễ hơn những năm trước nhiều,” ông Dũng bình luận.

TS Vũ Thị Phương Anh, người đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực khảo thí, nói hình thức thi trắc nghiệm cho hầu hết các bộ môn đã gây tranh luận từ nhiều năm nay.

“Hình thức trắc nghiệm làm được một số việc như chấm thi nhanh, về cách quản lý, hiệu quả kinh tế, và ‘công bằng’ hơn vì không có chủ quan khi chấm.”

“Nhưng trong kỳ thi còn cần có chỗ cho sự sáng tạo, khác biệt, điều đó là còn thiếu trong ngành giáo dục VN,” bà Phương Anh nói.

Bà cho rằng dường như Bộ giáo dục và đào tạo không lắng nghe những ý kiến tham khảo khi “quyết tâm thực hiện thi trắc nghiệm cho tất cả các môn trừ môn văn”.

Tuy vậy, “điều này cũng có cái hay vì nó làm bộc lộ hết những cái dở trong kỳ thi tuyển sinh ở VN” và cho thấy những cảnh báo từ trước tới giờ về hình thức thi trắc nghiệm cho hầu hết các môn là cần được ghi nhận, TS Phương Anh nhận xét.

“Bất cập trong ngành sư phạm”

Đầu vào một số trường của ngành sư phạm có 9 điểm là “rất đáng lo ngại” theo TS Nguyễn Tiến Dũng.

“Như kinh nghiệm của Pháp, dù có thiếu giáo viên nhưng không vì thế mà họ giảm chuẩn khi tuyển giáo viện. Những người thi vào sư phạm phải đủ hiểu biết năng lực mới trở thành giáo viên.”

“Còn khi thi được 3 điểm, chẳng hạn như môn toán, thì gần như là không biết gì, mà vẫn trở thành giáo viên toán thì quá nguy hiểm,” ông Dũng bình luận.

Ông Dũng cho rằng kể cả khi có bao cấp, “không có gì đảm bảo ngành sư phạm sẽ khá lên được nếu không có sự cách mạng trong ngành giáo dục.”

Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh cho rằng sự ‘thất bại’ hay ‘ế ẩm’ của ngành sư phạm có hai nguyên nhân. Một là do bài thi và kỳ thi như hiện này, hai là những chính sách đã tồn tại nhiều năm trong xã hội và ngành giáo dục.

Ra trường không có việc làm, mức lương giáo viên thấp không đủ sống là thực trạng “đáng buồn” của ngành sư phạm, bà Phương Anh nói.

Theo bà Phương Anh, phải có chính sách vĩ mô để điều chỉnh điều tình trạng này.

 

Mức lương giáo viên thấp không đủ sống là thực trạng Mức lương giáo viên thấp không đủ sống là thực trạng “đáng buồn” của ngành sư phạm (Ảnh minh họa)

 

“Vì sao tuyển sinh chỉ dựa vào điểm thi?”

Về nguyên nhân vì sao tuyển sinh đại học ở Việt Nam chỉ dựa vào điểm thi như hiện nay, TS Phương Anh nói:

“Số trường đại học cao đẳng ở Việt Nam mở ra quá nhiều. Các trường cần có người vào học nên họ muốn tuyển sinh sao cho đơn giản nhất, ai cũng có thể vào được.

Những trường có uy tín cũng rất cần sinh viên vì nguồn thu học phí. Họ cần cạnh tranh để lấy sinh viên. Điều đó là bất hợp lý nhưng hình như không ai muốn thay đổi.”

S Nguyễn Tiến Dũng cũng đề cập đến hiện tượng nhiều trường được mở ra để đào tạo “không phải vì mục đích giáo dục mà là vì mục đích kiếm tiền”:

“Các trường này đào tạo ra những người tuy có bằng đại học nhưng không có kiến thức. Phần lớn sinh viên Việt Nam học ra kiến thức lõm bõm và không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, kể cả ngành sư phạm.”

“Các trường mở ra như nấm, cần giảm ra số lượng đầu vào là điều cần thiết”.

TS Dũng cũng nhận xét nếu Việt Nam cần nhiều thợ hơn thì nên mở ra nhiều trường trung cấp kỹ thuật, như kinh nghiệm của một nước phát triển là nước Đức.

Nhiều học sinh Việt Nam tìm kiếm cơ hội đi học nước ngoàiNhiều học sinh Việt Nam tìm kiếm cơ hội đi học nước ngoài

‘Tỵ nạn giáo dục

Bình luận về làn sóng học sinh Việt Nam đi “tỵ nạn giáo dục” hiện nay, TS Phương Anh nói sở dĩ có phong trào này là do nhiều người “không tin tưởng vào giáo dục đại học Việt Nam.”

“Lỗi không chỉ do ngành giáo dục mà là lỗi toàn hệ thống,” bà Phương Anh nói tiếp.

“Sau khi ra trường, cơ hội có việc làm phù hợp với năng lực của mình và có một mức lương xứng đáng là rất ít. Nếu những chỗ làm tốt là ở trong hệ thống của Việt Nam thì phải có quen biết, còn của nước ngoài thì phải rất may mắn. Đầu ra ở Việt Nam rất là bó hẹp cho dù học sinh có học ở những trường tốt.”

Theo bà Phương Anh, nếu muốn có sự thay đổi thì chỉ riêng ngành giáo dục là chưa đủ mà phải có thay đổi của cả hệ thống lớn, chẳng hạn thay đổi về chính sách bổ nhiệm nhân sự, phát triển kinh tế tư nhân v.v.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng việc nhiều học sinh Việt Nam đi học nước ngoài không phải là tiêu cực mà là cơ hội cho cả đất nước Việt Nam.

“Điều này có thể mang lại những thay đổi từ bên ngoài khi mà động lực thay đổi ở bên trong hệ thống không đủ mạnh, và những người quản lý giáo dục bây giờ không đủ chất lượng để mang đến thay đổi lớn.”

“Các trường tư tốt có chất lượng cao mọc lên và được nhiều người tín nhiệm chính là sự thay đổi tự phát trong xã hội mà không cần chờ đến Bộ giáo dục”, TS Dũng nhận định.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/

Bình luận