Icon Collap
...
Trang chủ / Chân dung vị Thiên Chúa mà tôi tin

Chân dung vị Thiên Chúa mà tôi tin

Niềm tin của người ki tô hữu vào Thiên Chúa được đặt nền trên hai nền tảng quan trọng nhất đó là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Chính ngang qua Thánh Kinh và Thánh truyền mà Thiên Chúa đã từ từ tự tỏ lộ dung nhan thật của Ngài.

Trước hết, Kinh Thánh Cựu Ước vén mở cho chúng ta biết Thiên Chúa là chủ thể và tác giả tạo thành vũ trụ, vạn vật này và điều khiển chúng theo ý muốn. Ngài vượt lên trên tất cả vũ trụ, vạn vật. Chính Ngài đặt để, sáng tạo ra những quy luật vào các vật thể để điều khiển chúng theo sự khôn ngoan của Ngài. Đồng thời là một vị Thiên Chúa rất gần gũi, thiện thân, luôn đi cùng con người, ra tay cứu giúp họ. Vì vậy, chính Ngài đã trả lời cho Môse được biết về thực hữu của Ngài dưới khía cạnh lịch sử “Ta là Thiên Chúa của Apraham, Isaac, Giacop” nghĩa là một vị Thiên Chúa luôn hành động và can thiệp vào lịch sử con người.​

Thánh Kinh Cựu Ước còn nói cho chúng ta biết vị Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Do Thái dưới nhiều danh xưng khác nhau như Gia-vê, Ê-lô-him… Vị Thiên Chúa này không có một hình ảnh nào có thể sánh ví với Ngài để diễn tả về Ngài cho chính xác. Bởi vậy, khi Mô-sê hỏi Ngài là ai, Thiên Chúa trả lời: “Ta là Ta”. Với sự bày tỏ này, Thiên Chúa muốn nói cho chúng ta biết Ngài chính là Đấng độc nhất, vô nhị, không có một nhân vật, biểu tượng hay hình ảnh được đưa ra sánh ví với Ngài. Mọi no lực của con người để diễn tả về Thiên Chúa dưới nhiều khía cạnh khác nhau cũng không thể, không có khả năng phản ánh đúng về Ngài. Điều này có nghĩa Thiên Chúa mà Kinh Thánh nói cho ta biết là một vị Thiên Chúa có thật, chứ không phải là một ý niệm, khái niệm một vị thần vô danh, mơ hồ hay là một kết quả có được do sự nỗ lực suy tư của con người khi đi tìm chân lý chân, thiện, mỹ. Ngài là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Ngài tra không có một vị Chúa hay vị thần nào khác.

Thiên Chúa mà Thánh Kinh giới thiệu vốn dĩ là Đấng trung tín. Ngài trung thành, lưu giữ tất cả những gì Ngài đã cam kết và không bao giờ thất hứa cho dù con người có phản bội đến thế nào, Ngài luôn chờ đợi con người trở lại. Lịch sử Thánh Kinh cho chúng ta thấy Thiên Chúa kết ước với con người nhiều lần và rồi con người phản bội, bán đứng Ngài, chạy theo các tà thần khác. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi họ, luôn tìm cách kết ước và làm mới lại tình yêu. Bởi vậy, người ta có thể nói Thánh Kinh là một câu chuyện tình lâm li bi đát giữa Thiên Chúa và con người. Trong câu chuyện tình này, dù lòng người phản trắc nhưng Thiên Chúa thì vẫn luôn trung tín.

Thánh Kinh còn cho chúng ta thấy rõ rằng Thiên Chúa của Ki tô giáo không phải là một vị Thiên Chúa xa lắc, cao vời, cách biệt với thế giới con người, nhưng là một vị Thiên Chúa gần gũi, thân thiện với con người. Thánh Kinh dùng hình ảnh Thiên Chúa đi dạo trong vườn đàm đạo với con người để nói cho chúng ta mối tương quan, gần gũi giữa Ngài với tạo vật. Ngài luôn hoạt động trong lịch sử, ngang qua những nhân vật cụ thể mà chính Ngài đã chọn như Abraham, Issaac, Jacob…Thiên Chúa của lịch sử.

Vị Thiên Chúa của Ki tô giáo mà Thánh kinh tỏ lộ không phải là một vị Thiên Chúa xơ cứng, lạnh lùng, nghiêm khắc, không bao giờ thay đổi. Ngược lại, Thánh Kinh minh chứng cho chúng ta thấy Ngài là một vị Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương, sẵn sàng thay đổi án phạt chỉ cần con người biết sám hối, quay trở lại với Ngài. Thiên Chúa của Thánh Kinh khác hẳn với vị các vị thần hay Thượng Đế của người Hy Lạp. Với những người này, Thiên Chúa của họ luôn nghiêm khắc, chính trực, làm theo luật, không thay đổi ý định. Họ đồng nghĩa Thiên Chúa chính là những lề luật trong con người, tự nhiên, vũ trụ. Thiên Chúa không bao giờ thay đổi, và không ai có thể thay đổi được Ngài. Bởi vậy, người ta bi quan, sợ hãi Thiên Chúa này. Tuy nhiên, Thiên Chúa mà Thánh Kinh nhắc đến là một vị Thiên Chúa vô cùng thánh thiện, vượt lên trên tất cả thế giới tạo vật này. Ngài cao cả, khôn dò,  khôn thấu, gần gũi với con người. Nhưng giữa Ngài và con người có một khoảng cách thật vô biên, vô tận. Sự thánh thiện, vinh quang của Ngài vô cùng cao cả. Trong khi đó, tội lỗi và thân phận con người làm cho họ kém xa sự vinh quang và thánh thiện của Thiên Chúa.

Như vậy, Thánh Kinh Cựu Ước vén mở cho chúng ta biết vị Thiên Chúa đã tự tỏ chính mình Ngài suốt dòng lịch sử vốn dĩ là một vị Thiên Chúa có thật, có danh tính đường hoàng. Ngài là Đấng cao cả ngàn trùng, chí thánh, thánh thiện và vinh quang tuyệt đối, không một loài thụ tạo nào có thể vươn tới hoặc sánh ví cùng Ngài. Đồng thời, vị Thiên Chúa đó lại rất gần gũi, thiện thân với con người. Ngài luôn tín thành và sẵn sàng trợ giúp con người trong mọi nơi, một lúc, chỉ cần con người quay trở lại và đặt niềm tin nơi Ngài. Thiên Chúa của Ki tô giáo vừa là một Thiên Chúa siêu việt nghĩa là Ngài vượt lên trên tất cả thế giới này nhưng lại là một Thiên Chúa nội tại nghĩa là Ngài ở trong thế giới, trong dòng lịch sử để dẫn đưa và giải thoát con người trở về với Ngài.

Đến thời Tân Ước thì chính Chúa Giê-su lại giới thiệu cho chúng ta biết thêm về Thiên Chúa mà Cựu Ước đã phác họa. Ngài chính là chủ tể của vạn vật, là Đấng tác tạo và điều khiển muôn loài, Đấng cầm quyền sinh tử của tạo vật và Đấng đã hứa ban cho dân Do Thái một Đấng Cứu Độ tức là Đấng Kitô, Mê-si-a đến để giải thoát dân Ngài. Vì thế, vị Thiên Chúa đó chính là Cha của Giê-su, Đấng sinh ra Ngài và sai Ngài xuống trần gian để nói cho cả nhân loại biết được về Ngài và ý định về Ngài trên cuộc đời họ.Vị Thiên Chúa này không chỉ là Cha của Giê-su mà là cha của tất cả chúng ta, chính Ngài đã tạo dựng nên chúng ta và yêu thương chúng ta trong tư cách một người cha thực thụ. Thuật từ ‘Cha’ không có nghĩa theo lối suy nghĩ thế gian nhưng muốn nói đến một mối tương quan gần gũi, thiết thân giữa Đấng tạo thành và con cái của Ngài.

Chúa Giê-su còn nói và tìm mọi cách tỏ lộ cho nhân loại bí mật thâm sâu nhất nơi Thiên Chúa duy nhất của toàn thể thế giới tạo thành. Đó là “một Thiên Chúa duy nhất gồm Cha, Con và Thánh Thần”. Trong lịch sử Thánh Kinh đã biết đến Cha là tác nhân, là nguyên ủy tạo thành nên vạn vật và biết đến Ngôi Lời một cách khá mờ. Hơn nữa, về Chúa Thánh Thần cũng được giới thiệu, xuất hiện vô vàn vô số lần trong Thánh Kinh nhưng phải chờ đến Chúa Giê-su qua sự giới thiệu và diễn tả của Ngài, người ta mới biết được bí mật lạ lùng nơi Thiên Chúa, là một mà ba, ba mà một. Chúa Giê-su cố gắng bày tỏ mầu nhiệm lạ lùng này nhiều lần. Ví dụ: lãnh phép rửa tội tại sông Gio-đan, có tiếng Chúa Cha phán từ trời, chứng thực Chúa Giê-su là con yêu dấu. Đồng thời, có Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu xuống. Trong suốt hành trình rao giảng, Chúa Giê-su nhắc cho môn đệ biết: Chúa Cha sai Ngài đến thế gian để thực hiện thánh ý của Cha và Chúa Giê-su trong mọi chọn lực công việc là nhắm tới mục đích làm trọn ý Cha, chứ không phải theo ý mình. Nhiều lần Chúa Giê-su khẳng định với môn đệ : Chúa cha ở trong Ngài và Ngài ở trong Chúa Cha. Chúa Cha yêu thương và ban tặng tất cả những gì Cha có cho con. Ngược lại, Chúa Giê-su trong tư cách là con cũng yêu thương Cha và luôn dâng hiến cho Cha. Chính tình yêu dâng hiến liên tục và hoàn toàn nối kết làm Cha và Con không thể tách rời và nên một. Tình yêu nối kết Cha, Con không ai khác chính là Chúa Thánh Thần. Bởi vậy, khi có người hỏi xin cho chúng con được biết Cha, Chúa Giê-su trả lời “Ai thấy Ta là thấy Cha vì Cha ở trong Ta, Cha với Ta là một”. Trước khi giã biệt các môn đệ bước vào cuộc tử nạn, Đức Giê-su cầu nguyện với Cha trong tâm tình một người con. Sau khi, sống lại hiện ra với các tông đồ, Ngài nhắc việc Ngài về cùng Cha là cốt để Đấng Bảo Trợ – Chúa Thánh Thần đến ở và hướng dẫn họ. Trong ngày lễ ngũ tuần, Chúa Giê-su phục sinh đã nói với các môn đệ “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” và lập tức các môn đệ biến đổi, trở nên khôn ngoan, mạnh mẽ, ra đi can đảm rao giảng, đem cái chết  để làm chứng Chúa Giê-su phục sinh, ở trong họ và sai họ nói về Ngài. Như vậy, chẳng bao lâu, Giáo Hội Công Giáo hình thành và phát triển vững chắc cho tới ngày nay.

 Mầu nhiệm này được Thiên Chúa tỏ bày trong lịch sử qua sự can thiệp của từng ngôi vị khác nhau vào từng thời điểm khác nhau mà Đức Giê-su khẳng định rõ ràng, nhiều lần trở nên trung tâm điểm của lòng tin Ki-tô giáo. Về mặt lịch sử mầu nhiệm này được diễn tả trong suốt dòng thời gian. Về mặt tình yêu, những ai thực sự sống hết mình cho đối tượng mình yêu, sự khác biệt mà duy nhất này nơi một mà ba. Nhưng về mặt lý trí tuy một mà ba là nền tảng căn bản để xây dựng nên những giá trị cốt lõi của cuộc sống như về mặt luật pháp, 3 điểm không thẳng hàng tạo nên mặt phẳng, thời gian gồm quá khứ, hiện tại, tương lai. Nhưng để thỏa mãn thôi thúc về lý trí thì khó giải thích được. Đúng là mầu nhiệm dựa vào lịch sử, Chúa Giê-su, những gì bày ra trước mắt chúng ta.

Tóm lại, dựa vào lịch sử, Thánh Kinh, Chúa Giê-su để chúng ta có thể nhận ra được Thiên Chúa của Ki-tô giáo. Trước hết là Thiên Chúa duy nhất nghĩa là Ngài là chủ tế của vạn vật, vị Thiên Chúa đó luôn hiện hữu, là khởi thủy cùng đích, Ngài chỉ đúng với chính Ngài. Không ai sánh ví được với Ngài. Vị Thiên Chúa có danh tính, hành động liên tục trong dòng lịch sử để tỏ mình cho mọi người nhận biết và tin tưởng Ngài. Ngài tạo nên vũ trụ, cầm giữ và điều khiển, vừa là Đấng cao cả, vừa là gần gũi, thiện thân với con người, vừa là Đấng công minh, chính đại, vừa rất chạnh lòng thương, sẵn sàng tha thứ, bỏ quên mọi lầm lỗi con người. Ngài là Đấng thành tín với chính mình, với những ai Ngài đã cam kết. Ngài hứa ban cho nhân loại Đấng cứu thế khi con người sa ngã, sai các ngôn sứ, tuyển chọn dân riêng…trong đó Ngài tự làm lộ chính mình với những danh xưng cụ thể và những hành động can thiệp rõ ràng. Chính Ngài đã thực hiện lời hứa khi sai Giê-su đến làm người để nói cho con người biết Thiên Chúa là ai, con người là ai, cùng đích vũ trụ là gì? ý nghĩa đích thực của con người là gì?… Cuối cùng vị Thiên Chúa đã được Chúa Giê-su  tỏ lộ cho con người, người không chỉ là Cha của Đức Giê-su mà là cha của cả nhân loại. Yêu thương săn sóc, cứu vớt tất cả chỉ cần con người tin nhận Chúa Giê-su là con Ngài và những gì Chúa Giê-su dạy, sống theo huấn lệnh của Ngài thì trở thành con đích thực và hưởng hạnh phúc bất diệt. Đặc biệt, Chúa Giê-su còn tỏ lộ cho nhân loại biết, bí mật thâm sâu của Thiên Chúa, một mà ba: Cha, Con, Thánh Thần. Với sự tỏ lộ này, Thiên Chúa muốn con người xây dựng nền tảng một mà ba, bắt chước Thiên Chúa trong từng ngôi vị mà trao ban tất cả cho nhau một cách liên tục, toàn diện thì mới đặt tới vương quốc nước trời. Đó là vương quốc của sự sống, tình yêu, sự thật.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            Maria Lưu Ngọc Ánh

Bình luận