Icon Collap
...
Trang chủ / Ði xa để trở về dựng xây xứ nhà

Ði xa để trở về dựng xây xứ nhà

Ði xa để trở về dựng xây xứ nhà

Theo dòng chảy xã hội, nhiều bạn trẻ rời nhà đến học tập, làm việc tại các thành phố lớn. Không ít người trong số đó đã mang những gì mình học được để quay về phục vụ họ đạo mà gia đình cũng như chính họ đã gắn bó bao năm. Cách trợ giúp này mở ra những hứa hẹn tốt

về việc bổ sung nguồn nhân lực vốn đang thiếu dần ở những xứ đạo vùng sâu, vùng xa…

XỨ QUÊ CẦN NHÂN SỰ


Linh mục Antôn Padua Trần Liên Sơn (Chánh xứ Cây Rỏi, GP Qui Nhơn):
 Là một giáo xứ miền quê có khá nhiều thanh niên đi xa lập nghiệp, nên các hoạt động trong họ đạo thường thiếu đi dấu ấn của người trẻ. Vào những dịp lễ Tết, các bạn trở về quê, nhưng với thời gian ít ỏi của kỳ nghỉ thì khó có thể tham gia nhiều vào công việc ở xứ đạo. Tôi hiểu rằng chính bản thân họ cũng muốn cộng tác thêm cho xứ, đem về quê nhà cái mới mà mình thấy được ở những nơi đã từng đi qua, để xứ quê càng thêm phát triển, song không mấy người gắn bó lâu dài được. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu về nhân sự trẻ hay việc áp dụng các phương pháp hoạt động mới mẻ vào sinh hoạt đoàn thể sẽ giúp các chương trình thêm thu hút, nhưng tiếc là thực tế chưa đáp ứng được.

GIỮ ÐIỀU CỐT LÕI VÀ THÊM NÉT MỚI


Anh Trịnh Quốc Long (Gx Bích Lâm, GP Xuân Lộc):
 Từ nhà tôi đến Sài Gòn chỉ hơn 100 cây số nên tôi có thể tranh thủ về vào những ngày nghỉ. Vậy nên, dù đi học xa, tôi vẫn đồng hành và tiếp tục hoạt động trong đoàn giáo lý viên quê nhà. Nhờ những gì được chứng kiến ở địa phương mới, xứ đạo mới, tôi có thể góp sức làm phong phú hơn sinh hoạt cho các em thiếu nhi, nhất là các em học viên trong lớp giáo lý mà tôi phụ trách. Chẳng hạn, chúng tôi vẫn giữ lại những điều cốt lõi trong việc giảng dạy như trước và thêm vào một vài nét mới như trình chiếu các đoạn phim ngắn về cuộc đời Chúa Giêsu, về các thánh; hoặc bố trí linh hoạt giữa giờ học với giờ giải lao… để bầu khí lớp học thêm sinh động. Hầu hết các em khi được hỏi đều thích thú với những điều mới nên tôi càng hào hứng tìm kiếm, học hỏi để giờ học giáo lý mang lại thêm nhiều ích lợi cho trẻ.

THAY ÐỔI TỪ TỪ


Chị Lý Thị Ngọc Kiều (Gx Ðại Tâm, GP Cần Thơ)
: Ðược học tập tại Cần Thơ và có cơ hội tới lui các nhà thờ, các hội dòng nơi đây, mỗi khi về xứ nhà sinh hoạt, tôi cố gắng đem những cái hay, cái lạ mình biết được mà chỉ cho thiếu nhi. Từ những hoạt động đơn giản như chơi trò chơi, văn nghệ, đến các kỹ năng ca múa, giao tiếp… Thế nhưng xứ đạo quê tôi đang thiếu thốn nhân lực, số lượng thiếu nhi ít, các em còn ngại tham gia các chương trình của giáo xứ nên khi áp dụng điều mới lại gặp thêm khó khăn. Mọi thứ phải thay đổi từ từ. Trong khả năng và hiểu biết của mình, tôi thường tìm tòi những điểm độc đáo, điều mới mẻ từ các nơi mình đi đến để làm vốn liếng cống hiến cho xứ nhà.

BỔ SUNG KIẾN THỨC


Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (Gx Bùi Chu, GP Xuân Lộc):
 Trong tuần, bên cạnh thời gian học tập ở đại học, tôi tranh thủ đi đến các nhà sách Công giáo để tìm đọc thêm các tài liệu về giáo lý, sinh hoạt đoàn thể để mang về giúp cho các thiếu nhi ở giáo xứ nhà. Chương trình huấn giáo của TGP TPHCM và giáo phận Xuân Lộc có nhiều điểm tương đồng nên có thể bổ trợ cho tôi rất nhiều khi soạn giáo án, sắp xếp lịch dạy hợp lý. Những năm gần đây, ở xứ tôi thường tổ chức các cuộc thi rung chuông vàng dành cho thiếu nhi các ngành. Ðó là một ví dụ cụ thể cho việc áp dụng các phương pháp mới trong hoạt động giảng dạy giáo lý tại nhiều xứ đạo. Lớp trẻ chúng tôi được có cơ hội học tập, làm việc, sinh sống ở Sài Gòn; được nghe, chứng kiến những cách tổ chức, sinh hoạt linh động, kỷ luật và sáng tạo của nhiều anh chị có kinh nghiệm. Những kiến thức đó chúng tôi học hỏi, chọn lọc và mang về áp dụng hầu phát triển sinh hoạt xứ đạo quê hương.

ÐỒNG HÀNH VỚI XỨ NHÀ DÙ CÓ Ở XA

 

Anh Nguyễn Minh Hưng (Gx Phú Mỹ, GP Kontum): Tôi học hỏi được rất nhiều thứ khi lên thành phố học tập và sinh hoạt tại giáo xứ Ðông Quang (TGP. TPHCM). Tôi đã tiếp thu và thực sự ấn tượng với cách quản lý từ nhân sự đến đoàn sinh, với lượng huynh trưởng và các em thiếu nhi rất đông. Tôi vẫn hoạt động song song ở hai nơi, nhất là khi giáo xứ ở quê có chương trình như huấn luyện hay bồi dưỡng, tôi đều cố gắng sắp xếp thời gian để về tham dự và cộng tác. Sự khác biệt mà tôi nhìn thấy là về số lượng đi kèm với chất lượng, vì ở thôn quê số lượng đoàn sinh thì đông nhưng nguồn huynh trưởng đã qua đào tạo thì rất ít. Mỗi xứ có mỗi nếp sinh hoạt khác nhau nhưng nhìn chung đều có sự trau dồi, tích lũy và tiếp thu thêm nhiều điều mới để cho Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể ngày một phát triển vững mạnh hơn. Một điều khó nữa là diện tích GP Kontum rộng lớn mà các vị mục tử lại thiếu nhiều. Vì vậy, việc đưa phong trào Thiếu nhi Thánh Thể đến với các em thiếu nhi và giáo dân nơi đây cũng gặp không ít trở ngại. Trong ba năm hoạt động tại giáo phận nhà, kỷ niệm đáng nhớ trong tôi là khi giúp một giáo họ ở cách nơi tôi sống 70 cây số, gần biên giới. Khi tôi mới đến, mọi thứ còn rất đơn sơ, các bạn nhỏ chưa biết đến phong trào Thiếu nhi Thánh Thể là gì. Sau 2 tháng kết hợp với một số huynh trưởng đưa phong trào đến với người tín hữu và thành lập xứ đoàn mới, bây giờ giáo họ đã hoạt động rất vững vàng. Ðó là nguồn động lực để tôi dù có đi đâu xa vẫn luôn hướng về quê nhà với mong ước một ngày nào đó nguồn nhân sự, sinh hoạt tại các giáo xứ sẽ phát triển đa dạng, mạnh mẽ hơn. Từ đó, cả họ đạo, cả giáo phận cũng càng thêm thăng tiến.

“Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”

 

 

 

Bình luận