Icon Collap
...
Trang chủ / Sức mạnh của lòng sám hối

Sức mạnh của lòng sám hối

Mùa chay – mùa sám hối. “Sám hối”, hai tiếng mà có lẽ người ta cứ “phải” nghe hoài mỗi khi bước vào mùa Chay. Một từ ngữ nghe có vẻ hơi “tôn giáo” hoặc có người thì cho là sao mà nặng nề, u ám như màu tím của mùa chay vậy. Phải chăng vì từ ngữ ấy “đụng chạm” đến cái gì đó sâu nhất, mà nhiều lần trong cuộc đời, nhắc đến sám hối là người ta chỉ muốn trốn chạy.

Khởi đầu cho sứ vụ Tiền hô của mình để dọn đường cho Đấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả mạnh mẽ loan báo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt3,2). Là một vị Con Thiên Chúa Quyền năng, dù vô tội nhưng Chúa Giê-su khi bắt đầu sứ vụ công khai của mình cùng hòa vào đoàn dân đông đảo đến xin Gioan làm phép rửa tỏ lòng sám hối. Rồi sau 40 ngày chay tịnh trong hoang địa, Người trở về, bước vào hành trình rao giảng cũng với Lời khởi đầu “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt4,17). Vậy phải chăng sám hối là điều đầu tiên mà Thiên Chúa mong muốn nơi mỗi người, là trọng tâm đời sống của mọi Ki-tô hữu, là bước đầu của hành trình để trở nên một con người tốt đẹp hơn, con người theo ý định tạo dựng ban đầu của Thiên Chúa.

Công đồng Trentô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn, gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải” . Đau buồn và gớm ghét nhìn về quá khứ, còn quyết tâm chừa cải nhắm tới tương lai. Giáo Hội dùng từ “sám hối” để nói về sự thay đổi tận căn của toàn bộ đời sống, là từ bỏ đời sống cũ, trở về với Thiên Chúa, trở thành một con người mới trong Chúa Kitô.

Nhiều người có cái nhìn về tiêu cực về Thiên Chúa như một vị thẩm phán, luôn luôn muốn trừng phạt con người theo tội lỗi của họ hơn là nhìn lên một vị Thiên Chúa kiên nhẫn của sự chờ đợi, một Thiên Chúa yêu thương. Trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” hay “người con hoang đàng” kể về tình thương của người cha sẵn sàng tha thứ, cho đứa con trai phung phá, mở rộng vòng tay khi anh biết sám hối trở về “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với Cha.” Có lẽ đó cũng là kinh nghiệm chung của các bậc cha mẹ, và cũng là kinh nghiệm của tất cả mọi người trong cuộc sống thường ngày “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”.

Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài muôn vật, tuy nhiên con người có thể thay đổi quyết định của Thiên Chúa nhờ vào lòng sám hối ăn năn và lời cầu nguyện. Lịch sử Thánh Kinh cho chúng ta thấy biết bao lần khi dân chúng đi ngược lại Lề Luật Chúa, loại bỏ Chúa mà tôn thờ ngẫu tượng, tà thần, thì Thiên Chúa đã quyết định luận phạt trên dân, nhưng khi dân chúng nhận ra lầm lỗi của mình mà ăn năn sám hối quay trở về thì Ngài lại tha thứ mà thu hồi án phạt. Như chuyện dân Do-thái đúc con bê vàng rồi sụp lạy nó làm chúa của mình khiến Thiên Chúa nổi giận mà quyết định tru diệt dân. Nhưng Mô-sê đã lấy con bê họ đã làm, đốt đi, tán nhuyễn ra, rắc lên mặt nước, rồi bắt con cái Ít-ra-en uống (Xh32,20). Ông đã cầu xin Chúa tha cho dân và Chúa đã nhận lời. Dân thành Ni-ni-vê cũng vậy. Án phạt đã ban, “còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ” (Gn3,1-10), nhưng qua ngôn sứ Giô-na, dân thành Ni-ni-vê từ vua đến dân đều nhận ra được tội lỗi của mình, họ mặc áo vải thô, ngồi trên tro, ăn năn, sám hối, quyết tâm bỏ đường gian ác mà trở về và Thiên Chúa đã thương, không giáng phạt xuống dân.

Trong suốt dọc hành trìch lịch sử Giáo Hội, có bao nhiêu vị Thánh đã từng là những con người tội lỗi, chống lại Thiên Chúa. Thánh Phê-rô ba lần chối Chúa, nhưng khi Ngài sám hối Chúa Giê-su vẫn chọn Ngài làm Vị Thủ Lãnh Giáo Hội. Phao-lô nhiệt thành bắt đạo, nhưng Thiên Chúa vẫn tha thứ và chọn Ngài làm Vị Tông Đồ nhiệt thành của dân ngoại. Ma-đa-lê-na, Âu-tinh,…và biết bao người đã từng là tội nhân nhờ sám hối mà trở nên những vị thánh vĩ đại. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ rằng: “Chẳng vị thánh nào không có một quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai. Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở dáng vẻ bề ngoài mà luôn nhìn sâu vào tận tâm tư cõi lòng của con người”. Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, biết bao lần, chúng ta đã xúc phạm đến Chúa, nhưng khi sám hối chân thành, chạy đến với Bí tích Giải tội, thì Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm và ta cảm nhận được bình an,niềm vui sâu xa của tình Chúa thương tha thứ.

Bài Tin Mừng thứ tư, tuần một Mùa chay, Thánh Luca có thuật lại Lời Chúa Giê-su nhắc lại cho dân chúng về dân Ni-ni-vê xưa đã sám hối để được đón nhận ơn tha thứ. Còn dân thời đại Ngài thì không những không sám hối, không chịu quay về mà còn đòi Chúa làm những dấu lạ điềm thiêng. Ngài lên án họ cách mạnh mẽ “thế hệ này là một thế hệ gian ác” (Lc11,29). Lời Chúa Giê-su xưa có làm thức tỉnh về lối sống của chúng ta thời nay, chúng ta đã thực sự sám hối trở về với Chúa chưa?

Cách riêng với các thành viên nhà tĩnh tâm Giê-ra-đô, chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con cơ hội được sám hối cách triệt để hơn khi chúng con đã và đang ở một hành trình dài trong sa mạc. Trong hành trình đó, chúng con buộc phải đối diện với con người trần trụi của mình. Đó là những đau thương, tan nát, những đổ vỡ, những sai lầm, những vấp ngã vì yếu đuối của chúng con, và chúng con khiêm nhường dâng tất cả những lầm lỗi đó làm của lễ dâng lên Chúa vì chúng con tin tưởng sám hối là của lễ đáng quý nhất mà chúng con có thể làm vui lòng Ngài hơn cả.

Lạy Chúa, chúng con tin rằng sám hối với chúng con là khởi đầu của việc được Ngài chữa lành. Cách chữa lành của Chúa thật lạ lùng. Chúa đã dùng nhiều cách khác nhau để giúp chúng con nhận ra con người thật của mình, Chúa dùng Thần Khí, Lời Chúa, Thánh Thể  để an ủi, tẩy rửa, thanh luyện những bẩn thỉu, tội lỗi trong lòng chúng con. Chúa dùng người hướng dẫn để chỉ bảo, giúp chúng con có thể thực hiện cuộc vượt qua con người cũ, con người của kí ức, của quá khứ để mỗi ngày gần với Chúa hơn. Xin cho tất cả chúng con có được tâm tình như dân thành Ni-ni-vê là biết sám hối thật lòng để nhờ đó, chúng con được ơn tha thứ, được gần Chúa, trở nên giống hình ảnh Chua hơn

Lạy Thiên Chúa, Đấng là tình yêu từ đời đời. Vì thế, chúng con tin rằng Chúa không muốn một ai trong chúng con phải hư đi. Xin Chúa giúp chúng con biết mặc lấy những tâm tình của Chúa để chúng con biết sám hối mỗi ngày cũng như biết luôn trăn trở, luôn thao thức tìm cách để giúp đỡ những người khác cũng được sám hối, được đón nhận ơn tha thứ và chữa lành của Chúa như chúng con.

M.Teresa Huyền

Truyền thông sinh viên công giáo

Bình luận