“Kẻ khác người” tiếng nói ấy đã vang lên trong lòng tôi từ bao lâu rồi tôi cũng không biết nữa, chỉ nhớ là lúc tôi còn nhỏ lắm. Tiếng nói ấy đã xuất hiện trong lòng tôi, rồi nó tồn tại và song hành cùng tôi mỗi ngày. Để giờ đây nó hình thành nên tôi – một con người với tư tưởng và suy nghĩ rằng “tôi là kẻ khác người.”
Tiếng nói đó đã trở thành một “kim chỉ nam” chi phối và điều khiển con người tôi, khiến tôi cho rằng tôi có những suy nghĩ khác với mọi người, ngay cả khi tôi làm việc, lúc thể hiện tính cách và hay những lời tôi nói ra đều không giống với mọi người, nhưng là một mình một kiểu “Khác người”. Ngay cả khi tôi làm mọi thứ theo lẽ tự nhiên bình thường như mọi người, tôi vẫn nghĩ rằng nó khác người. Lúc nào tôi cũng quy đồng rằng ‘’Tôi là kẻ khác người- khác người”. Nhưng tôi lại không biết tôi khác họ ở chỗ nào? Vì sao tôi lại khác? Và mong muốn của tôi là tìm được câu trả lời.
Tôi là một người con của vùng Tây Bắc Giáo phận Hưng Hóa, sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 anh chị em. Là con đầu nên từ nhỏ tôi là chỗ dựa và là nơi chia sẻ duy nhất của mẹ. Tôi còn nhớ, khi còn nhỏ mẹ kể rằng: “mẹ là con út trong nhà, ông ngoại mất từ khi mẹ lên 2 tuổi, bà ngoại chạy chợ đây đó khắp nơi để nuôi gia đình, nên lúc nào mẹ cũng chỉ ở nhà với 4 anh trai. Khi Mẹ được 16 tuổi thì bà bắt lấy bố vì trong tất cả thì chỉ có bố là người duy nhất có đạo. Vì thế, mẹ đã phải chia tay người mình thương để lấy bố tôi. Một cuộc hôn nhân không có tình yêu nhưng bà nghĩ rằng sẽ tốt cho mẹ, mà không hiểu được nỗi lòng của mẹ.
Mẹ đã mang thai tôi trong một tâm thái chưa sẵn sàng của một người con gái trẻ yếu ớt, chưa trưởng thành, thiếu hiểu biết về kiến thức gia đình, chưa ngày nào được sống trọn trong hai từ “yêu thương”. Chẳng có sự chuẩn bị nào về đời sống gia đình, vậy mà giờ này phải thực hiện tất cả các nghĩa vụ. Mang thai tôi là một hành trình thật gian nan và khó khăn cho mẹ.
Mẹ sinh tôi ở cái tuổi ngây thơ của một thiếu nữ hồn nhiên, vô tư – vô lo – vô nghĩ vẫn cần được gia đình quan tâm, yêu thương và chăm sóc; thế mà thay vào tất cả những gì mẹ đáng được hưởng thì đó lại là một gánh nặng những trách nhiệm đổ dồn trên đôi vai nhỏ bé: Trách nhiệm của người vợ, của phận làm dâu và giờ là trách nhiệm của một người làm mẹ. Mẹ tôi đã phải sống, phải đối chọi với cái tâm thức của một kẻ cô độc, lạc lõng trong cái thế giới ấy. Có lẽ vì thế mà tôi đã sinh ra và mang trong mình cái tâm thức của một “kẻ khác người”, hay vì tôi chưa được chào đón để đến với cuộc sống này.
Sự khác biệt của kẻ khác người
Ôi! Cái tiếng nói “kẻ khác người” nó cứ âm ỉ rồi vang lên trong lòng tôi, thầm thì với tôi “Đấy, mình lại khác người rồi đó, nói mà sao ai cũng ngây ra không hiểu ý mình là sao?”. Mỗi khi tôi làm một việc gì đó như: thảo luận, làm việc hay khi phải đưa ra một quyết định, một nhận định cho một vấn đề nào đó, nó khiến tôi bị luẩn quẩn, loay hoay và bối rối không đưa ra được lựa chọn dứt khoát cho một vấn đề nào cả. Nó như một tấm lưới mạng nhện cuốn lấy tôi khiến tôi không giải quyết được vấn đề nào, kể cả khi đó chỉ là một việc vô cùng đơn giản. Tôi trở nên rụt rè, nhút nhát, thiếu bản lĩnh và sự tự tin trong mọi việc tôi làm. Tôi đã làm cho khá nhiều người khi sống và làm việc với tôi đều cảm thấy không thoải mái. Nhiều khi chính tôi cũng tự bực với chính mình, tôi quay ra trách móc bản thân: “Sao lại có mình làm gì, chỉ là để chất gánh nặng cho người khác”. Tôi không còn biết tôn trọng chính mình, chẳng còn trân trọng những gì tôi đã gắng công gắng sức để làm. Tôi giúp việc này, làm việc kia cho người khác, nhưng rồi vì một điều gì đó mà tôi tự suy diễn ra, khiến tôi quay ra không hết mình với công việc không chỉ là những việc của riêng tôi nhưng còn là việc chung, việc của những người mà tôi đã nhận trách nhiệm giúp đỡ họ. Và đổi lại đáng lẽ tôi có thể hoàn thành tốt công việc cho họ thì tôi lại làm nó thành đổ vỡ. Hoặc có khi tôi đạt được một kết quả nào đó cho họ thì cũng không còn được sự tôn trọng của họ nữa. Như khi tôi nhận giúp người chị em đặt 1 chiếc bánh gato hình Doremon nhưng tôi lại không để ý xem bạn ấy muốn hình như thế nào mà lại bảo người làm bánh làm thế nào cũng được. Kết quả là khiến người chị em vô cũng hụt hẫng và thất vọng vì nó không được như ý.
Tôi nhận ra mình thường trở thành kẻ sống chẳng có trách nhiệm với chính mình, nên tôi đã không biết đề cao trách nhiệm đối với người khác. Nhưng quan trọng là tại sao tôi lại ra như vậy? Và nguyên nhân xuất phát từ chính tiếng nói “kẻ khác người nơi tôi”.
Nhưng rồi cái tiếng nói “kẻ khác người” kia cũng chẳng khiến tôi bận tâm nữa bởi có lẽ tôi đã tìm được cái lý do cho nó. Đó là xuất phát từ mong ước được trở thành một người “nữ tu”,cái mong ước mà tôi có ngay từ khi tôi còn nhỏ. “Trở thành một nữ tu” thì tôi cũng đâu quan trọng tới các mối tương quan xã hội, bạn bè nhiều. Bởi người đi tu nên học được sự khiêm nhường chịu đựng, không cần phải sống tranh đua, sôi nổi mà sống khép mình, và dè dặt lại. Nên tôi cũng không bận tâm đến cách sống với bạn bè của mình, mỗi khi trên đường đi học tôi hầu như chẳng để ý tới những câu chuyện của bạn bè, đôi lúc còn phớt lờ những câu chuyện của họ. Khi bị hỏi thì tôi lại trả lời bâng quơ hoặc nói một điều nào đó chả liên quan gì tới câu chuyện đang nói. Cùng đi với nhau nhưng trong lòng thì tôi luôn cho rằng họ không giống tôi, mục đích sống và quan điểm sống của tôi cũng không tương đồng.
Khi chúng tôi chia sẻ với nhau về những ước mơ, dự định tương lai. Tôi nói mục đích của đời mình đó là sẽ trở thành “một nữ tu” nên chẳng quan tâm đến cuộc sống bên ngoài. Không ngoài dự định, họ đã chất vấn và chẳng ai thèm tán thành với dự định tương lai đó. Họ bảo “đúng là một sự lựa chọn không giống ai và ngu ngốc của tôi”. Lúc nào đề cập đến điều này tôi cũng được cả một tràng giáo huấn lý lẽ của bạn bè. Điều này khiến tôi cho rằng: Tôi đã không giống với mọi người ngay từ lúc bé rồi.
Và rồi cái ngày ước mơ thành hiện thực. Tôi bước vào cuộc sống mới nơi nhà Dòng, cuộc sống của tôi vẫn đang diễn ra xuôi dòng và tốt đẹp thì điều đáng buồn xẩy đến. Sau hơn 3 năm gắn bó, thân thiết với nhà Dòng, được chị giáo và mọi người yêu thương, quý mến, thì đến hôm nay tôi đã bắt đầu xuất hiện những cảm gián chán chường, xa lạ, không còn thích và muốn gắn bó với nơi này nữa, kèm theo đó là những suy nghĩ làm mình lạc lõng, không hòa nhập với mọi người nữa. Tôi tự làm ra những hành động khiến bản thân không thoải mái và chị giáo không hài lòng, tôi làm mọi việc theo suy nghĩ mà nhiều khi nó hoàn toàn ngược lại với những điều tôi muốn. Nhiều việc làm cần chủ động nói với chị giáo thì tôi lại không nói, mà đợi lúc chị hỏi, tôi mới miễn cưỡng trình bày.
Một lần tôi xin phép về nhà với một người, nhưng chiều đến đột xuất có cơn giông không về được, tôi gọi điện xin phép chị giáo sáng hôm sau về nhưng chỉ gặp dì Tổng. Dì nói sẽ báo lại cho chị giáo yên tâm, khi nào về nhớ lên chào rồi nói với chị một tiếng là được. Sáng về tôi vào phòng tìm mà không gặp được chị, người bạn cùng đi với tôi nhắc phải lựa thời gian để tìm cho được. Trong lòng tôi cũng biết tìm chị là việc cần làm đầu tiên nhưng tôi lại không thực hiện luôn, rồi mải đi làm việc nên mãi đến giờ cơm trưa lúc tôi thấy chị ở nhà cơm mới lên tiếng chào và thưa chị. Sự không hài lòng được hiện rõ trên khuôn mặt chị, kể từ đó tôi lại càng tỏ ra ngại ngùng, lúng túng và mất tự tin khi gặp chị, chẳng còn dễ dàng nói chuyện với chị.
Trước đây mỗi tối trước khi ngủ tôi với chị cùng một chị nữa lớp tôi luôn thức để giúp nhau chữa bệnh bằng phương pháp “diện chẩn”, cái khoảng thời gian gần gũi, thân thương mà trong lớp tôi chưa ai từng có. Vậy mà sự gần gũi, thân thiện ngày nào giờ nó trở thành một bức tường ngăn cách, dày đặc. Tôi muốn mở lòng, muốn bày tỏ nhưng không thể nói gì, không thể chia sẻ được điều gì về những uẩn khúc trong lòng tôi, kể cả người thân cận quan tâm tôi từng chút nơi nhà dòng, những người anh chị cùng gia đình thiêng liêng. Tôi cho họ đều là xa lạ hết. Tôi lại rơi vào kiểu một mình một lối với khoảng trời riêng và dòng suy nghĩ “Tôi vốn dĩ là kẻ khác người mà”. Tôi sống trong một sự hỗn mang và nghi ngờ “chẳng nhẽ mình không có ơn gọi, mình không hợp với cuộc sống nơi nhà Dòng sao?” Tôi không tìm được câu trả lởi, không tìm được sự trợ giúp nào hơn là cách đi theo sự lựa chọn, sắp xếp của chính mình.
Tôi lên kế hoạch rời nhà Dòng bằng cách nói với mẹ xin chị giáo cho tôi đi thăm một người ông là việt kiều ở Mỹ mới về Sài Gòn chơi, may mắn là ông về đúng lúc quá đã giúp tôi có lý do chính đáng để ra ngoài. Ông là người mà mẹ tôi kể khi biết tôi có ý muốn đi tu ông ngỏ lời giúp đỡ tôi và mong có dịp hai ông cháu gặp nhau. Nhân tiện việc ông vừa về Sài Gòn thăm gia đình nên tôi đã “thừa cơ lợi dụng” để thực hiện điều tôi ấp ủ, chứ thực chất trong lòng tôi chẳng thích, chẳng muốn vào chút nào. Nhưng điều đáng buồn và đáng nói ở đây là chính lúc tôi xin đi cũng là lúc chúng tôi bắt đầu một kỳ tĩnh tâm dài để chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong đời tu, một bước tiến xa hơn.
Sau một khoảng thời gian nói chuyện khá lâu của mẹ và chị giáo, tôi được đồng ý, nhưng phải sau kỳ tĩnh tâm. Việc làm ngu ngốc là tôi hoàn toàn tự ý làm mà không một lời bàn hỏi, chia sẻ với cha thiêng liêng, với người đồng hành, hay người thân cận khiến mọi người vẫn luôn nghĩ rằng mọi tiến trình của tôi vẫn đang diễn ra bình thường, chỉ tới ngày bước lên nhận “lúp” mới bất ngờ khi không có tôi. Những món quà, những gương mặt đang tràn đầy hạnh phúc trong khi mọi người trao tặng nhau thì quay lại tôi lại là một sự khó hiểu, ngơ ngác của mọi người. Những gói quà chuẩn bị cho tôi cũng âm thầm lặng lẽ được giữ lại mà kèm theo đó là những câu hỏi, những thắc mắc dành cho tôi “tại sao lại thế?”
Tôi đã rời nhà dòng “miệng thì cười nhưng trong lòng thì nặng trĩu, u sầu và ảm đạm”. Tôi đã làm được điều tôi muốn rồi vậy mà sao trong lòng tôi lại thảm hại đến thế! Như một khoảng trời bị chiến tranh gây ra đầy thương tích và thiệt hại.
St. Maria
Truyền thông sinh viên Công giáo