Thánh sử Gioan có thuật lại cho chúng ta về hình ảnh của một người bại liệt đã 38 năm. Cuộc đời anh tưởng chùng như rơi vào ngõ cụt của những tháng ngày vô vọng. Bỗng một ngày, anh đã được Chúa Giê-su chạm đến. Ngài bước đến và chữa lành anh, Ngài đã thay đổi cuộc đời anh. Đi sâu vào bài Tin mừng có hai điểm Cha Gioan đã chia sẻ trong thánh lễ ngày thứ ba, tuần bốn mùa Chay đáng để chúng ta suy tư:
Điểm thứ nhất là tại sao Chúa Giê-su lại chữa bệnh vào ngày Sa-bát? Trong khi đó Chúa Giê-su là người Do Thái, được nuôi dạy bằng lề luật Cựu Ước, Chúa biết rất rõ ngày Sa-bát là ngày nghỉ mà tại sao Chúa vẫn làm như vậy? Không phải tự nhiên Chúa làm như vậy, ta đọc Tin mừng và phải biết đặt ngược lại vấn đề: Tại sao bao nhiêu ngày trong tuần Chúa Giê-su không chữa mà lại chọn ngày Sa-bát? Thưa, là vì Chúa Giê-su muốn cho người ta thấy Người là chủ của tất cả lề luật, ngày Sa-bát do lề luật đặt ra và Ngài có quyền trên đó. Chúa muốn biến ngày Sa-bát là ngày của Ngài gọi là ngày Chúa Nhật – Ngày Phục Sinh. Chúa Giê-su làm gì cũng có sự tính toán, Ngài biết làm như thế là cớ vấp phạm cho người Do Thái nhưng Ngài muốn nói cho họ biết Ngài là Chúa, Ngài có quyền trên ngày Sa-bát. Cho nên Ngài đã trả lời: Con người là chủ của ngày Sa-bát, ngày Sa-bát được thiết lập vì con người, cho con người để con người được cứu chứ không phải để con người làm nô lệ cho ngày Sa-bát. Và ngày Chúa Nhật được thiết lập để Thiên Chúa yêu con người, cứu con người chứ không phải khiến con người trở thành nô lệ cho ngày đó. Chính vì chúng ta không ý thức được điều đó nên nhiều khi chúng ta tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật một cách gượng ép, bắt buộc và nặng nề mà không cảm nhận được ngày đó là ngày Chúa cứu mình, Chúa thương và yêu mình.
Điểm thứ hai đó là trong bài Tin mừng một người đàn ông đã bị bại liệt 38 năm nằm ở gần hồ, anh nằm ở đó để chờ Thiên Thần xuống khuấy nước hồ và xuống đó để được khỏi bệnh. Nhưng anh lại bị bại liệt nên không thể kịp xuống được hồ. Trong sự tuyệt vọng đó, Chúa Giê-su xuất hiện. Anh không hề xin, Chúa đã hỏi anh và anh giải thích. Chúa Giê-su đã hỏi anh: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Chúa đã rất tôn trọng tự do của người bệnh, rất muốn cứu người bệnh nhưng không hề lấy quyền mà áp đặt. Người bại liệt chỉ biết giải thích nhưng câu trả lời của anh đã cho thấy ước muốn của anh được chữa lành là rất lớn. Chúa đã nói với anh: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi” và anh đã làm theo liền. Như thế, lòng tin là vượt quá những toan tính tự nhiên của con người. Lòng tin là lao mình vào cái tự nhiên không hể thắng được. Người bị bại liệt đã 38 năm mà chỉ nghe Chúa nói một câu vác chõng mà đi là lập tức làm theo. Và khi anh vác chõng thì Chúa đã lánh đi nơi khác. Khi được người khác chất vấn anh về người đã chữa mình thì anh không hề chối. Sau đó Chúa trở lại và hỏi anh: Anh có tin không? Lòng tin không chỉ được thiết lập một mà tới hai lần. Và lần này anh biết rõ ai đã chữa mình nên mặc dù nguy hiểm nhưng anh đã công khai nói lên rằng chính Chúa Giê-su đã chữa cho anh, anh đã tuyên xưng niềm tin của mình một cách công khai. Đó cũng là điều ta nên suy nghĩ.
Kết thúc bài giảng, Cha Gioan nhắn nhủ: Mỗi người cần biết xin ơn Chúa cho chúng ta ý thức được tình trạng “bại liệt” của mình với nhân loại, với những người thân yêu. Và với lòng tin mỏng manh của chúng ta, xin Ngài chạm đến chúng ta, chạm đến tất cả mọi người và chữa lành tất cả mọi người chúng ta. Đó là niềm tin mà Chúa muốn và mong đợi nơi chúng ta. Sau mỗi lần rước lễ, ta dành những giờ phút đó để đón Chúa Giê-su đến, để xin Chúa Giê-su chữa lành hết mọi thứ “bại liệt” bên trong con người chúng ta, bên trong những người thân yêu của chúng ta. Nguyện xin Chúa ban thêm niềm tin cho chúng con để chúng con cũng được Chúa chữa lành như khi xưa Chúa đã chữa lành cho người bị bại liệt 38 năm.
Teresa Duyên
Truyền thông sinh viên công giáo