Icon Collap
...
Trang chủ / Tuần thánh mùa đại dịch: “Sao Chúa bỏ con?”

Tuần thánh mùa đại dịch: “Sao Chúa bỏ con?”

Tuần Thánh năm nay thật đặc biệt. Cả thế giới như đang chia sẻ cùng mối bận tâm và niềm thổn thức. Những con số biết nói: số ca nhiễm mới, số người chết, số bệnh nhân được chữa lành… Tình cảnh ngặt nghèo trong nhà ngoài phố, cùng quá nhiều thất đoạt, có thể khiến tôi và bạn chao đảo đến câm nín; thế nhưng, đại dịch hay những bất toàn của con người đâu thể nào làm cho Tuần Thánh bớt ‘thánh’.

TUẦN THÁNH CỦA NHỮNG MONG MANH

Đại dịch là lúc con người phải đối diện với sự mong manh rất thực của thân phận. Những cường quốc hàng đầu cũng phải nhức đầu, lo âu. Người ta đã dốc sức chiến đấu với coronavirus, nhưng không ai dám vỗ ngực không cần đề phòng, trợ giúp hay cộng tác, nếu không muốn “vỡ trận”.

Sức khỏe và tính mạng được nhận ra là mong manh. Một cái ho hay cơn sốt nhẹ cũng khiến người ta lo sợ, tránh né. Từng hàng quan tài đi qua, để lại suy ngẫm về cái thoáng qua của đời người. Người ta cũng nhận thấy sự mong manh của tinh thần, và của tình thân. Những chiêu bài chính trị có thể khiến các quốc gia quay lưng, trở mặt với nhau. Những căn bệnh tâm hồn có khi còn trầm kha và mau dẫn đến cái chết hơn bệnh thể lý. Những rạn nứt, bất hòa, phản bội, bất trung trong tương quan và tình cảm có thể khiến những ý chí mạnh mẽ nhất phải suy sụp. Dịch bệnh cũng làm nổi bật sự mong manh của cảnh nghèo, khi người bán vé số không thể ra đường, khi người lao động bị thất nghiệp… Người muốn ra đường không được, kẻ không có nhà để trở về. Mong manh!

Tuần Thánh, chiêm ngắm Mầu nhiệm Nhập thể và Khổ nạn của Chúa Giêsu, mỗi người được hòa giải với sự mong manh và yếu đuối của thân phận, xin ơn hòa giải trong các mối quan hệ nhờ được giải phóng khỏi kiêu ngạo và ảo tưởng: “thân con chỉ là bình sành, mong manh dễ vỡ Chúa ơi!”. Cuộc hòa giải nên bắt đầu từ hôm nay, ngay giây phút quý báu này, bằng việc vượt qua lỗi lầm của ngày hôm qua, nhờ ơn Chúa, hướng đến sự khôn ngoan của ngày mai.

TUẦN THÁNH CỦA NHỮNG “TẠI SAO?”

Tại sao mỗi ngày có đến hàng ngàn người ngã xuống vì bệnh dịch không người thân đưa tiễn? Tại sao bao người phải hấp hối không người thân bên cạnh? Tại sao có những linh mục “tử trận” không một Thánh lễ cuối đời? Tại sao nguy cơ lớn nhất lại nhắm vào những người cần được che chở nhất? Thiên Chúa không để mắt tới họ hay sao? Thiên Chúa không chế được vắc-xin hay thuốc men hay sao? Cầu nguyện có phải tấu hài?.. Một lần nữa Lời Chúa bị mang ra chất vấn, thậm chí bị khước từ bởi “đầu óc thế gian”, giữa các sự kiện “chẳng thốt nên lời” của nhân loại. Có người ngước mắt nhìn trời, nhìn đời chẳng thấy Chúa, do lòng hoài nghi, kiêu ngạo, “bịt tai” mình, “bịt miệng” Chúa, rồi xuyên tạc, chỉ trích những người tin Chúa.

Những câu hỏi trong mùa dịch bệnh – mùa “ở nhà” – mời con người trở về với sự thật về bản thân. “Ra đường”, đó không chỉ là ra khỏi nhà, mà còn là mải mê sống trong hư danh, ảo vọng, kiếm tìm những an ủi giả tạo, rẻ tiền. “Ở nhà” là tỉnh thức nhìn nhận sự hữu hạn và cô đơn, kể cả cái chết. “Ở nhà” để thấy Chúa vẫn có đó, trong một thế giới đang trở nên hoang tàn và ê chề đến vô lý nếu chỉ nhìn bề ngoài. Ngài vẫn ở đó, thiêng liêng và đầy yêu thương. Có phải, trong lúc cô đơn và đau khổ nhất, tôi cần một người bạn đứng gần bên, trước khi dám nghĩ đến một đấng toàn năng từ xa đến làm phép lạ? Tuần Thánh là lúc Thiên Chúa ở bên tôi như một người bạn. Ngài lắng nghe tiếng khóc, tiếng kêu than của mỗi người.

Hóa ra Chúa không phải cái máy ATM nơi tôi nhét vào đó tấm thẻ công trạng hay kinh hạt thì rút ra phép lạ và ơn lành. Chúa cũng không phải con rôbốt hay oshin cho tôi sai gì làm nấy. Ngài không chỉ được gặp gỡ qua vẻ đẹp của những thánh đường nguy nga hay những tác phẩm nghệ thuật thánh lừng danh. Ngài không chỉ được gặp gỡ qua những nghi lễ, hội họp, trình diễn. Mùa dịch này không phải ai cũng có dịp đến nhà thờ tìm Chúa, nhưng Thiên Chúa đến thăm và ở lại trong nhà mỗi người, Ngài ở tại “căn phòng nội tâm”. Tuần Thánh mùa dịch do đó không mất đi ý nghĩa ‘thánh’, tức ‘thuộc về Chúa’.

Nếu như không chỉ đến nhà thờ mới gặp được Chúa, thì Tuần Thánh mùa dịch là lúc thích hợp để gặp Chúa nơi Bàn Thờ là Thập giá Chúa Kitô. Nơi ấy vị Linh Mục Giêsu không mặc áo lễ tươm tất, đẹp đẽ, nhưng là người đàn ông bị đóng đinh đẫm máu chỉ với một tấm vải ngang thân. Linh Mục Giêsu hiến mình làm của lễ chứ không chờ con người dâng lễ đền tội. Trên thập giá, đứng giữa hai tên tử tội, Ngài nhận lấy tất cả những gì là nhơ nhuốc, tục tĩu và khó đón nhận nhất do tội lỗi con người. Đấng ‘thánh’ đã không từ chối ôm ấp thế nhân tội lỗi. Tình yêu là thế. Dung nhan Thiên Chúa là thế. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8).

TUẦN THÁNH CỦA KHOẢNG CÁCH

Tuần Thánh mùa dịch, khắp nơi người ta nói về khoảng cách 1-2m, con người lại được dịp suy ngẫm về “khoảng cách”. Gặp gỡ đâu nhất thiết là cầm tay, kề mặt. Khoảng cách cho người ta khỏi đánh mất chính mình, tự do thể hiện tình yêu, trong sự tôn trọng người đối diện. Chỉ có giao tiếp, đối thoại và hiệp thông chừng nào còn tôn trọng khoảng cách. Yêu là nên một mà không đòi thao túng, “nuốt chửng”. Kinh nghiệm đẹp nhất về khoảng cách có thể được kín múc từ Chúa Ba Ngôi: “tuy ba mà một, tuy một mà ba”.

Trên thập giá, Chúa Cha và Chúa Con vẫn luôn bên nhau trong một khoảng cách tưởng chừng rất xa, đến nỗi Chúa Giêsu đã phải thốt lên: “Lạy Cha, Lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mc 15,34; Mt 27,46). Đó không phải một câu oán trách của người mất niềm tin cậy, nhưng là tiếng kêu của tình yêu. Đó là lời thánh vịnh 21 mà Chúa Con sắp hoàn tất trong sự vâng phục vì yêu trước ý định cứu độ nhân loại của Chúa Cha. Trong tiếng kêu ấy, Con Thiên Chúa đã không muốn bỏ rơi con người. Ngài kêu lên từ vị trí thấp nhất của phận người. Chỉ khi Tình Yêu Thiên Chúa tự chấp nhận một khoảng cách để nhập thể nơi thân phận phải chết, và thực sự chết đi như một con người, thì con người nghèo hèn, yếu đuối mới có thể chắc chắn rằng “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, ngay cả khi đối diện với cái chết. Từ trên thập giá, Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi người: lòng xót thương của Thiên Chúa không bỏ rơi một ai hay cả khi người ấy tuyệt vọng về sự hiện diện của Chúa. Chẳng phải chính những ai đang đau đớn than trách Chúa trong cơn tuyệt vọng lại là những người nhìn nhận sự hiện diện không thể chối cãi của một Thiên Chúa mà họ đang gửi lời kêu than hay sao?

Chính khoảng cách, chứ không phải vội vã tiếp cận và đồng hóa, tạo điều kiện cho tình thân giữa người với người được nối gần, thâm sâu và bền chặt. Khoảng cách giữa con người với thiên nhiên cũng cần được tôn trọng. Mấy tuần nay trên khắp thế giới người người ở nhà, ai cũng công nhận đường phố yên ắng hơn, môi trường trong lành hơn, mẹ thiên nhiên như được nghỉ ngơi và phục sức, nên thơ hơn và thân thiện với con người hơn.

Hóa ra một Thiên Chúa, tưởng như đang im lặng trước những câu hỏi “Tại sao?” của kiếp người mong manh, lại đang âm thầm đến bên và ở với con người. Ngài an ủi, chữa lành tận đáy lòng, hàn gắn những tương quan, hướng dẫn con người cách sống, và trả lời muôn vàn câu hỏi chỉ với Lời ngắn ngủi này: “Vì yêu”. “Tất cả rồi sẽ ổn thôi,” trong sự chắc chắn của Tình Yêu Thiên Chúa.

Anh Huy, SJ

nguồn: dongten

Bình luận