Icon Collap
...
Trang chủ / Bức tượng ngăn bệnh dịch

Bức tượng ngăn bệnh dịch

Câu chuyện về bức tượng ngăn bệnh dịch ở đại học Mỹ

Trong nhà thờ Ðại học – Thánh Francis Xavier ở bang Missouri (Mỹ) đến nay vẫn lưu trữ bức tượng Ðức Mẹ và Chúa Hài đồng thiêng liêng.

Giáo xứ Ðại học – Thánh Francis Xavier (dân địa phương hay gọi là giáo xứ Ðại học) được Ðức cha Joseph Rosati thành lập 1836, giao cho các linh mục dòng Tên quản lý và để phục vụ cộng đoàn Dân Chúa ở khu Midtown cũng như các sinh viên thuộc Ðại học St. Louis (SLU) của dòng. Ðược cắt gọt từ đá trắng, bức tượng nằm trên bệ đỡ, đối diện một nhà nguyện nhỏ trong ngôi thánh đường. Dấu ấn của thời gian thể hiện rõ trên bức tượng: các ngón tay của Chúa Hài đồng bị mòn theo năm tháng, và khóe miệng của Ðức Mẹ sậm màu của thời gian. Thoạt nhìn, bức tượng rất đơn sơ, nhưng lại ghi dấu ấn quan trọng trong bề dày lịch sử của Ðại học St. Louis.

Tượng Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng

“Ngày nay, có vẻ như chẳng ai biết về lịch sử của bức tượng khi họ bước ngang qua trên lối vào của nhà nguyện Ðức Bà tại nhà thờ Ðại học”, cha David Suwalsky, Trưởng Khoa Thần học của SLU và là một sử gia cho biết. Một tấm bảng bằng đồng được treo ở nhà nguyện đã ghi lại câu chuyện về tượng Mẹ và Chúa Hài Ðồng, cũng như giải thích vai trò của bức tượng đối với trường SLU trong giai đoạn khó khăn. Cuộc khủng hoảng nhiều năm trước đã bị đẩy lùi nhờ Ðức Maria khi cộng đoàn đến đây để cầu nguyện. Câu chuyện này đang được nhiều người nhắc lại trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành khắp toàn cầu.

Mời đọc thêm: Hình ảnh Chúa Giê-su ôm trọn nhân loại.

Dịch bệnh ở thành phố trẻ

Vào thập niên 1840, thành phố St. Louis, ban đầu chỉ là một bến nhỏ phục vụ hoạt động giao thương của người Pháp trên dòng Mississippi, đang đà lớn mạnh. Ðô thị này trở thành cửa ngõ để người Mỹ “Tây tiến”, với vô số đất đai và vàng chờ đợi những con người đi khai hoang. Ðến năm 1849, dân số tại St. Louis đã vào khoảng 77.000 người.

Thế nhưng, dịch tả ập đến.

“Cả thành phố chìm trong nỗi sợ hãi”, tiến sĩ Christopher Alan Gordon, Giám đốc chuyên trách thư viện và các bộ sưu tập của Tổ chức Lịch sử Missouri, kể lại. Ông cũng là người viết về ảnh hưởng của dịch tả đối với thành phố, tựa đề “Fire, Pestilence, and Death: St. Louis 1849” (tạm dịch: Cháy, dịch tả, và cái chết: St. Louis 1849). Dịch bệnh bắt nguồn từ châu Âu đã du nhập vào nước Mỹ thông qua hoạt động thương mại và di trú. Vào thời điểm đó, nhiều người châu Âu đến Mỹ đều ghé ngang St. Louis, để định cư tại đây hoặc tiếp tục đi về miền Tây.

Những cái chết đầu tiên do dịch tả tại thành phố xảy ra vào tháng 1, và dịch đạt đỉnh vào cuối tháng 4 đến giữa tháng 7. “Một khi dịch bệnh lan rộng, người dân bắt đầu tháo chạy khỏi thành phố”, sử gia Gordon kể lại. Thậm chí cả quan chức chính quyền địa phương cũng chạy nạn đến vùng nông thôn, buộc viên thị trưởng phải bổ nhiệm Ủy ban Y tế Công cộng khẩn cấp vào tháng 6 nhằm đối phó dịch bệnh. Phải mất một thời gian, các chuyên gia mới phát hiện dịch tả lây qua đường nước, nhưng St. Louis khi đó lại thiếu hệ thống nước thải sinh hoạt thích hợp. Mỗi ngày trôi qua lại có khoảng 200 ca tử vong vì dịch tả, và nỗi tuyệt vọng bao trùm khắp chốn.

Ðại học St. Louis và triều thiên bạc

Triều thiên bạc của Đức Mẹ

Tài liệu được bảo quản ở Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ dòng Tên ở St. Louis, cũng như kho lưu trữ của Thư viện SLU, đã ghi lại những gì trường đã trải qua khi dịch tả bao vây thành phố, và vai trò của bức tượng Ðức Mẹ và Chúa Hài Ðồng trong giai đoạn này của lịch sử. Năm 1849, SLU có hơn 200 sinh viên, tất cả đều là nam giới, nhiều người xuất thân từ gia đình giàu có ở miền Nam và dọc Bờ Ðông Mỹ. Với hơn 30 năm hoạt động, SLU là một trong những trường đại học lớn của khu vực Tây Mississippi. Trong lúc dịch bệnh hoành hành, nhiều người bắt đầu cầu nguyện tại các nhà thờ. Trong số này có nhà thờ Ðại học – Thánh Francis Xavier của SLU.

Bài đọc thêm: Mẹ măng đen thời dịch bệnh

Các sinh viên của hội Ðức Mẹ Ðồng Trinh Maria nằm trong số những nhóm cầu nguyện mỗi ngày tại ngôi thánh đường này. Vào một ngày của tháng 5, theo yêu cầu của cha Isidore Boudreaux, Chủ tịch hội, cả nhóm tập trung tại nhà thờ. Trước bức tượng Ðức Mẹ và Chúa Hài đồng, các sinh viên cầu nguyện Ðức Maria, xin Mẹ bảo vệ trường đại học trước nạn dịch. Trường cũng treo các tấm mề đay in hình Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trên các cánh cổng và cửa ra vào của trường. Và thật mầu nhiệm, bệnh dịch bị chặn, không xâm nhập khuôn viên đại học.

Trong thư vào tháng 10.1899, tức 50 năm sau dịch bệnh, cha Thomas Chambers ghi lại việc đã xảy ra tại SLU. Thời điểm ấy, dòng Tên tham gia rất tích cực việc chăm sóc người bệnh, và các tu sĩ vất vả không kể ngày đêm giữa các thi thể vẫn còn ấm và những người đang trên bờ vực sống chết. Số ca tử vong chính thức vì dịch tả ở St. Louis lên đến 5.547 người, nhưng trên thực tế phải gấp nhiều lần vì nhiều ca không kịp ghi nhận. Thế nhưng, các sinh viên đều không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các linh mục cũng thế. SLU xem đây là minh chứng cho phép lạ của bức tượng thiêng liêng, Ðức Mẹ đã nhận lời cầu nguyện của họ. Trường đã đặt một triều thiên bạc cho bức tượng Mẹ Maria và Chúa Hài Ðồng.

Giờ đây, triều thiên được bảo quản riêng, trong khi bức tượng vẫn hiện diện trong khuôn viên của trường đại học. Câu chuyện này đặc biệt có ý nghĩa vào thời điểm thế giới đang chống chọi dịch Covid-19. SLU hiện chuyển sang giảng dạy trực tuyến để duy trì khóa học cho sinh viên. Và thông qua bài học trên, có lẽ các tín hữu một lần nữa nên đặt mình dưới sự che chở của Ðức Mẹ, xin Mẹ giúp chúng ta xua tan nỗi sợ hãi đang vây bủa vì dịch bệnh.

BẠCH LINH

Nguồn: Báo công giáo và dân tộc

Bình luận