Việc chia tay đời tu là một quyết định và một lựa chọn cam go đối với người trong cuộc. Tôi gọi những người chuyển hướng đời tu là những kẻ đổi đời. Những kẻ đổi đời được nói tới ở đây là những người trước kia sống trong đời tu, nay về đời thường sống như những người khác.
Một quyết định cam go
Dư luận của phần đông người Công giáo thường khắt khe với những người này. Người ta thường gọi họ bằng những từ có vẻ khinh miệt như tu xuất, nhà thầy xuất, cô mụ xuất, kẻ ăn hại cơm nhà Đức Chúa Trời…
Gọi như thế, vô hình trung người ta đã tỏ ra nghiệt ngã với những người đi tu ra. Người ta đâu có hiểu rõ tại sao những người ấy đã rời bỏ đời tu.
THIẾT TƯỞNG KHÔNG NÊN KHẮT KHE VỚI NGƯỜI ĐI TU RA. NGƯỜI ĐI TU RA CŨNG KHÔNG NÊN
E NGẠI VỀ QUÃNG ĐỜI TU CỦA MÌNH MÀ QUÊN THAM GIA HOẠT ĐỘNG ĐỂ ĐỀN ƠN DÒNG TU VÀ GIÁO PHẬN.
Những người bỏ đời tu có thể vì họ bị loại, do không còn đủ điều kiện để được lưu lại; hoặc thấy mình không đáp ứng được những đòi hỏi và ràng buộc của bậc đời mình chọn, hay bị sự đời mê hoặc, quyến rũ. Dù sao thì việc rời bỏ đời tu cũng là một quyết định và một lựa chọn cam go đối với người trong cuộc, nhất là khi đã đến tuổi trưởng thành.
Mời đọc thêm: “Tu xuất” hành trình tìm kiếm ơn gọi khác
Có những trường hợp không êm ả gì khi phải rời bỏ đời sống mình đã gắn bó từ nhiều năm qua. Có những lý do thầm kín mà chỉ mình đương sự với cha linh hướng biết. Vì thế, phải khách quan hiểu hoàn cảnh của những người đi tu ra, mà đừng vội phê phán hay trách móc.
Trở thành những giáo dân có học thức
Đúng là ý Chúa nhiệm mầu. Việc gì cũng có hai mặt tốt xấu. Tai họa cũng có ích cho một cái gì đó, như một câu trong tiếng Pháp: “À quelque chose, malheur est bon” (Trong cái rủi có cái may).
Nhiều người trong số họ tích cực giúp các cha xứ trong các họ đạo khi nhận các chức vụ trong ban điều hành, làm giáo lý viên, phụ trách ca đoàn, làm truyền thông, viết bài trong nội san…
Với vốn liếng thần học, Kinh Thánh và các bộ môn liên quan họ đã nhận được trong thời gian ở chủng viện hay tu viện, cộng thêm kiến thức trong các ngành nghề chuyên môn, họ đã trở thành những giáo dân trưởng thành, có học thức, được người bên ngoài kính nể.
Chính họ ở giữa đời, phải đương đầu với đời và dám mạnh dạn đứng ra bênh đạo và phi bác những luận điệu vô căn cứ bêu riếu đạo. Họ làm việc trong xã hội nhưng không quên đóng góp phần mình cho Giáo hội, bằng một nếp sống chân chính để làm chứng cho Chúa và cho đạo.
Nhiều người trong họ đã không quên những năm tháng được ăn học và tu luyện trong các chủng viện hay tu viện mà tìm cách đền ơn bằng nhiều hình thức. Họ không ngần ngại nhận rằng ngày nay mình được như thế này một phần cũng là do công ơn của Giáo hội.
Có thể nói họ là một thứ nguồn vốn và tài lực tinh thần cho Giáo hội khai thác. Giáo hội có thể khai thác họ và chắc chắn họ sẽ sẵn sàng đóng góp cho Giáo hội, nếu các vị trong giáo quyền cần đến và kêu gọi họ.
Ngày nay Giáo hội đề cao vai trò của giáo dân và kêu gọi giáo dân tham gia vào các hoạt động của Giáo hội. Dám ước mong các vị trong giáo quyền lưu tâm đến vốn quý này là các người đi tu ra, kêu gọi họ đem khả năng của mình để làm việc cho Giáo hội.
Còn về phía họ, cũng ước mong họ tổ chức thành các hội ái hữu, câu lạc bộ hay hội cựu chủng sinh như Hội Cựu chủng sinh Kon Tum để sinh hoạt với nhau, duy trì ảnh hưởng tốt của đời tu mình đã nhận được và nhân rộng lên để phục vụ Giáo hội và xã hội.
LM AN-RÊ ĐỖ XUÂN QUẾ, OP
Mời đọc thêm: Người xuất tu và những miệt thì của đồng đạo