Tất cả con người và giáo lý của Đức Giêsu đều xoay quanh chữ yêu. Ai trong chúng ta cũng đồng ý điều đó. Vì yêu nên Ngài xuống thế làm người. Vì yêu nên Ngài bôn ba khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Vì yêu nên Ngài sẵn sàng chịu chết trên cây thập giá để cứu độ chúng ta. Hình ảnh trái tim bị đâm thâu mà chúng ta thường chiêm ngắm đã nói lên tất cả những điều này. Nghĩ đến Giêsu, ta nghĩ ngay đến một tình yêu vĩ đại, nhưng không, một tình yêu cứu thế, lan rộng và ôm lấy tất cả mọi loài. Đúng là như thế! Nhưng nếu chỉ là như thế thôi, thì có khi ta lại thấy Ngài rất xa cách và trừu tượng. Vâng, Ngài là Đấng Cứu Thế, Ngài là một Đấng có quyền năng, Ngài là một người đàn ông mạnh mẽ và kiên cường. Nhưng Tin Mừng cũng tiết lộ cho chúng ta biết, Ngài còn là một con người rất nặng tình nặng nghĩa.
Người ta thường gán những giọt lệ cho giới phụ nữ yếu đuối. Người phụ nữ thường khóc khi tủi thân, khi buồn, khi cảm động. Người đàn ông mà khóc thường ít ai nghĩ tới. Nhưng không phải vì người đàn ông không có nước mắt, chỉ bởi vì họ cố gắng kìm giữ nó để cố gắng tỏ ra mạnh mẽ mà thôi. Vậy nên, nếu một lúc nào đó, người đàn ông bỗng bật khóc thì cảm xúc và tâm tư của người ấy lúc đó phải rất dồi dào và tha thiết, đến nỗi dũng lực nam nhi cũng không thể giữ những dòng lệ lại được. Đức Giêsu cũng biết khóc đấy! Các bạn có bao giờ tưởng tượng ra cảnh Ngài khóc chưa? Tin Mừng có thuật lại cho chúng ta ít là hai lần Ngài đã không cầm được nước mắt ở Lc 19,41 và Ga 11,35. Đó là khi Ngài khóc thương thành Giêrusalem cứng lòng tin, phải chịu cảnh tan tác khắp nơi và khi Ngài khóc thương vì sự ra đi của người bạn thân tên là Lazarô, em của Matta và Maria.
Đức Giêsu không phải là một vị cao nhân lạnh lùng, không cảm xúc, dửng dưng trước mọi chuyện của nhân tình thế thái. Ngài không phải là người chiêm niệm về những gì cao siêu, rồi thoát ly hoàn toàn khỏi thế gian với bao điều ngang trái. Ngài không phải là một vị tôn sư chỉ biết ngồi trên bệ cao để đưa ra bài học này giáo thuyết nọ, cho dù đó là những điều khôn ngoan. Đức Giêsu có một khối óc tinh tường, có đôi bàn tay quảng đại, có đôi bàn chân vững chãi, nhưng quan trọng hơn cả, Ngài có một trái tim luôn biết thương xót và cảm thông. Biết được tương lai buồn bã của thành thánh Giêrusalem, nghĩ đến cảnh hoang tàn đổ nát của nó, nghĩ đến cảnh con người bị tản mác khắp nơi chứ không được quy tụ về như đàn gà con dưới cánh mẹ, Đức Giêsu không khỏi buồn thương và nhỏ những giọt lệ tiếc nuối. Khi hiện diện trong tang lễ của Lazarô, nhìn thấy cảnh mọi người khóc lóc vì sự ra đi của người thân, dòng lệ bỗng tuôn trào ra nơi khóe mắt của Giêsu một cách tự nhiên, hệt như bao người khác. Hẳn là phải thương thành Giêrusalem và người bạn của mình nhiều lắm, Đức Giêsu mới có thể xúc động đến nghẹn ngào như vậy.
Rồi không biết bao nhiêu lần khác, Tin Mừng nói cho chúng ta biết Đức Giêsu động lòng, cảm thương, bồi hồi, xao xuyến. Những khi nhìn thấy đám người đông đúc lây lất bơ vơ như ngọn cỏ khô giữa trời chiều, những khi thấy bệnh nhân chịu hành hạ vì cơn đau đớn và bị ruồng rẫy, tâm trạng Ngài chợt trồi lên cảm xúc, thúc đẩy Ngài phải làm cái gì đó cho họ. Ngài thương họ và không nỡ để cho cơn bệnh hành hạ họ nữa, hay thậm chí không thể để họ bụng đói mà về nhà. Người ta kéo đến với Ngài đông nghịt từ trong nhà đến ngoài ngõ, Ngài chẳng nỡ chối từ. Muốn tìm một chỗ thanh vắng để nghỉ ngơi, nhưng khi thấy dân chúng lặn lội đường xa tìm mình, Đức Giêsu chẳng còn thiết chi mệt mỏi nữa, nhưng tận tình giảng dạy họ với hết năng lượng của mình. Thương đoàn người đông đảo như đàn chiên không có người chăn, lòng Giêsu cũng bồi hồi mường tượng đến cảnh một đồng lúa mênh mông, đã đến mùa gặt, thây cây trĩu xuống, nhưng chẳng có mấy người tình nguyện làm thợ gặt cùng Ngài ra đi. Bao nhiêu sáng kiến tông đồ của Giêsu chắc cũng phôi thai từ những lần cảm thương và yêu mến đám dân nghèo như thế.
Nhưng có lẽ điều làm chúng ta cảm động nhất khi chiêm ngắm con người tình cảm của Giêsu là khi Ngài chuẩn bị bước vào Cuộc Thương Khó. Quả thực Ngài là người rất mạnh mẽ, vì chẳng một người yếu đuối nào có thể chịu đựng được những gì Ngài phải chịu vào khoảng thời gian định mệnh ấy. Nhưng sự mạnh mẽ không biến Ngài trở thành một con người trơ trơ, khô khốc, không có cảm xúc gì. Một trong những điều khiến Đức Giêsu bồi hồi xao xuyến rất nhiều vào đêm tiệc ly chính là việc Ngài phải rời xa các môn đệ mà Ngài vô cùng yêu mến. Ai đã từng có kinh nghiệm ra cách người thân của mình sẽ hiểu được cảm giác này của Ngài. Cho dù các môn đệ không phải là những con người xuất chúng, lỗi lạc, nhưng một khoảng thời gian dài chia sẻ cuộc sống với nhau cũng đủ để xây dựng với nhau một tình cảm không dễ phai nhòa. Xa một người thân yêu, ta đau như thể bị cắt đi một khúc ruột. Rồi cả việc lo lắng cho họ nữa, không biết họ sẽ ra sao khi mình bị bắt, bị hành hạ và bị giết chết, không biết họ có đủ niềm tin để vượt qua thử thách này không, không biết họ có bao bọc che chở nhau vào khoảnh khắc đen tối này không. Gồm chứa trong cây thập tự mà Giêsu phải vác lên đồi còn có nỗi đau của sự chia cách giữa Ngài với các môn đệ.
Nhưng Đức Giêsu nặng tình chứ Ngài không ủy mị. Trái tim của Đức Giêsu dạt dào những cảm xúc yêu thương và mong muốn được gần gũi người thân, nhưng đó không phải là một kiểu tình cảm hời hợt, nhất thời và ướt át. Ngài yêu và yêu hết mình, nhưng Ngài không quỵ lụy tình yêu. Ngài có thể khóc khi cần khóc, nhưng Ngài không ở lại trong những giọt nước mắt làm đẫm hàng mi. Ngài không muốn chia xa, nhưng nếu việc chia xa là cần và không thể tránh thì Ngài can đảm chấp nhận mà không oán than và để lòng u uất trong phiền não. Cái tình của Ngài là một cái tình đầy sức mạnh và lòng quả cảm. Cái tình ấy làm cho Ngài trở thành một con người thật dễ thương, gần gũi, đáng yêu, chứ không biến Ngài thành gánh nặng của người khác. Bởi thế, người sống có tình không phải là những người yếu đuối như ta vẫn hay lầm tưởng. Ấy phải là những con người rất mạnh, mạnh từ trong chính tâm hồn.
Tình yêu mà Đức Giêsu dành cho nhân loại không trừu tượng và mông lung, nhưng rất cụ thể và được thể hiện rất rõ trong cung cách hành xử và những biểu hiện cảm xúc của Ngài. Ngài có nét phi thường và dũng mãnh của một vị cứu tinh, nhưng Ngài cũng có nét tình cảm và hiền dịu của một vị mục tử. Ngài sẵn sàng khóc cùng với những nỗi lòng của chúng ta. Con tim Ngài sẽ bồi hồi xao xuyến cùng với những tâm tư của ta. Vậy thì cớ gì ta không chạy đến với Ngài mỗi khi đoạn đường ta đi có chút khó khăn và ngăn trở, mỗi khi lòng ta như se thắt lại trước những bão tố của cuộc đời? Đức Giêsu như muốn nhắc nhở chúng ta rằng sống giữa đời, cái lý là cần thiết nhưng cái tình mới giúp nối kết trái tim; cái lý làm cho người ta tỉnh táo nhưng cái tình mới giúp người ta cảm thấy cuộc sống này thú vị biết bao. Biết cảm thương, biết khóc, biết để lòng mình đồng điệu với tha nhân, điều đó mới làm cho con người chúng ta trở nên cao quý.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: dongten.net