Vụ Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy cho thấy tâm hồn người dân Pháp gắn bó với Đức Mẹ như thế nào. Sự xúc động do vụ cháy đã vượt quá biên giới quốc gia. Vụ cháy khơi lên sáng kiến cho chương trình hành hương này. Chung quanh Nhà thờ Đức Bà là câu chuyện tình giữa Mẹ Maria và nước Pháp, luôn làm bừng cháy ngọn lửa tình yêu Mẹ nơi mỗi người, như dấu hiệu ngôn sứ cho việc “tái xây dựng” nhà thờ.
Khi nước Pháp đứng trước các thách thức vô cùng to lớn, cuộc khủng hoảng trong Giáo hội, phong trào Áo vàng, thêm vào đó bây giờ là thảm kịch Covid tàn phá Âu châu và toàn thế giới, đã đến lúc cần có một sự kiện lớn hướng về Đức Mẹ và giao phó đất nước cho Đức Mẹ. Đó là xác tín của những người tổ chức cuộc hành hương này. Nước Pháp thức tỉnh thiêng liêng nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria.
Vì sao đi trên con đường “M của Mẹ Maria?”
Vào thế kỷ 19, Đức Mẹ đã hiện ra năm lần ở Pháp, tất cả trải dài trong bốn mươi sáu năm: lần đầu tiên ở Nhà nguyện Đức Mẹ Ảnh Vảy ở đường Du Bac (Paris, 1830), rồi ở La Salette (1846), Lộ Đức (1858), ở Pontmain (1871) và ở Pellevoisin (1876). Năm địa danh Đức Mẹ hiện ra làm thành một chữ “M” lớn trên bản đồ nước Pháp, nhanh chóng được lòng mộ đạo bình dân nhận ra đây là dấu chỉ “đặc biệt tế nhị” của Mẹ Maria với nước Pháp, một dấu chỉ tình yêu của Mẹ với nước Pháp. Và cũng ngạc nhiên là chữ “M” có ở mặt sau của tấm ảnh kỳ diệu Đức Mẹ trao cho Thánh Catherine Labouré, ở đường Du Bac (lần hiện ra đầu tiên trong năm lần hiện ra này) !
Cũng như các sự kiện Đức Mẹ được tổ chức trước đây – nhóm thanh niên đạp xe theo Ngày Thế Giới Trẻ ở Krakow, hai người lái xe môtô Harley Davidson..vv.., cuộc hành hương “M của Mẹ Maria” dùng biểu tượng chữ “M” để tạo tuyến đường hành hương khắp nước Pháp: một loại “Vòng nước Pháp” 2000 cây số theo Đức Mẹ. Cùng với hai cỗ xe kéo tượng Đức Mẹ, vừa đi bộ qua các vùng làng mạc nông thôn, vừa tìm lại thông điệp Đức Mẹ gởi cho năm đầu của chữ “M”, mỗi người đi hành hương để mình được chạm vào tâm hồn nhờ ơn Mẹ.
Ngày 2 tháng 6, hai cỗ xe Đức Mẹ khởi hành từ Đền thánh Lộ Đức và đền thánh Đức Mẹ La Salette để lên đường rước kiệu Đức Mẹ trong vòng ba tháng rưỡi trên khắp nước Pháp qua 25 giáo phận. 107 ngày, 207 giai đoạn. Hơn 2000 cây số đường dài.
Từ 2 tháng 6 đến 12 tháng 9, trong ba tháng rưỡi người hành hương ở các làng trên khắp nước Pháp chờ xe Đức Mẹ đi qua. “M của Mẹ Maria” gồm hai đoàn rước song song, một từ miền Đông, một từ miền Tây nước Pháp, vạch một chữ “M” khổng lồ trên đường đi. Ngày 2 tháng 6, hai chiếc bắt đầu đi, một từ Lộ Đức, một từ La Salette. Trong vòng ba tháng rưỡi, các người hành hương đi từ vùng Landes, xứ Basque, Mayenne, Saône-et-Loire, Gironde, Vendée, Nièvre, Sarthe, Essonne… Cỗ xe được làm ở Ba Lan, trên mỗi cỗ xe là tượng Đức Mẹ cao hai mét. Chương trình của chuyến đi là các cỗ xe sẽ ngừng ở các đền thánh Đức Mẹ ở Pontmain, đường du Bac ở Paris và ở Pellevoisin. Ngày 12 tháng 9 hai cỗ xe sẽ gặp nhau ở đền thánh Pellevoisin.
Hình ảnh đoàn xe “M của Mẹ Maria”
Sự lựa chọn cỗ xe không phải là không có chủ ý. Ông Maxime Bonnassies, một trong các người tổ chức chuyến hành hương giải thích: “Chuyến hành hương mang tinh thần Thông điệp Chúc tụng Chúa nên phải không có khí thải carbon”. Hơn nữa con ngựa quy tụ mọi người và nhịp đi của nó có tính cách viễn du để người hành hương có thể đi bên cạnh nó: “Chúng tôi muốn có khía cạnh hấp dẫn và lễ hội này để trẻ em có thể đến gần và sẽ có các chuyến đi ngựa được tổ chức buổi chiều tại các ngôi làng xe ngựa đi qua”.
Giao phó tương lai đất nước cho Đức Mẹ
Ngoài trừ những người lái cỗ xe sẽ đi suốt chuyến đi, nhóm đi theo sẽ thay đổi từng chặng: “Chúng tôi mời gọi tất cả mọi người cùng tham dự vào đoàn rước kiệu và chúng tôi dựa vào các người địa phương, họ sẽ đề nghị các giai đoạn”. Tại địa phương sẽ có buổi đi bộ từ mưòi đến mười lăm cây số. Các điểm dừng sẽ được thông báo và người hành hương địa phương nếu muốn họ có thể tham gia vào đoàn kiệu. Mỗi tối sẽ có buổi canh thức và cầu nguyện cho người địa phương. Ông Maxime Bonnassies nói tiếp: “Ý tưởng là để chúng ta nhận thức có một mối liên kết lạ lùng giữa Mẹ Maria và nước Pháp”, ông nêu ra các yếu tố khác nhau đã tạo nên thách thức to lớn này: các cuộc khủng hoảng trong Giáo hội, Đền thờ Đức Bà bị cháy, phong trào Áo vàng… và bây giờ là đại dịch Covid.
“Chúng tôi muốn giao phó tương lai đất nước cho Đức Mẹ. khi quay về Chúa Giêsu qua Mẹ Maria chúng ta sẽ tìm được giải pháp. Đây không phải là cuộc hành hương chỉ dành cho người công giáo; chúng ta thật sự ở trong tiến trình truyền giáo”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch