SAO TÔI LẠI GIỐNG CON TRAI
Có một vấn nạn vẫn luôn đeo bám và chất vấn tôi bấy lâu nay là tại sao tôi lại giống con trai mà trong khi tôi lại là một thanh nữ trăm phần trăm. Không chỉ người ta nói tôi giống con trai mà chính tôi cũng nhận ra điều đó nơi mình. Trong hành trình sa mạc lần này, theo lời khuyên của người đồng hành, tôi can đảm quay ngược lại dòng đời, để đi tìm cho mình câu trả lời cho chính vấn nạn hóc búa này.
Sinh ra trong một gia đình ở miền bắc, bố tôi rất khao khát có một cậu con trai, vì trước đó đã có một cô con gái khá dễ thương. Mẹ tôi từng kể, sau khi sinh chị gái, bố tôi đã nói với mẹ rằng : “nhà mình có một cô con gái và một cậu con trai thì thật đẹp”. Và lòng ông những mong điều đó trở thành hiện thực. Rồi bà kể tiếp rằng, khi có bầu tôi, mẹ đã suy nghĩ thật nhiều về chuyện tôi sẽ là bé trai hay bé gái. Đêm ngày, mẹ tôi những ước mong, ôm ấp khát vọng cùng chồng, cùng ông bà và họ hàng trong gia tộc là sẽ có một cháu trai nối dõi tông đường. Nhưng thời đó, do hoàn cảnh gia đình nghèo, cơm ăn cũng không đủ cho cả bố và mẹ, nên gia đình tôi đành phó mặc cho định mệnh mà không đi siêu âm và cũng chẳng khám thai định kỳ.
Ngày lại ngày, trong thâm tâm mẹ tôi vẫn luôn khắc khoải và ấp ủ một niềm hy vọng về ngày đứa con trai của mình sẽ chào đời. Bên cạnh đó là những lo lắng, hoang mang, sợ hãi chen lẫn, vì không chắc việc đó có xảy đến với mình không. Còn bố tôi thì cứ mỗi ngày bị người ta, từ người thân trong nhà đến người ngoài tra vấn, rồi lại châm chọc, nhạo báng, mỉa mai. Có lẽ cũng vì vậy mà đầu ông như mặc định luôn rằng đứa thứ hai phải là con trai. Ông và vợ xây dựng ước vọng đó cả trong lúc vui cũng như khi buồn.Thương nhau họ cũng dành cho đứa bé. Lúc giận hờn đánh đập, đứa bé cũng cùng phải gánh chịu chung với mẹ mình. Mẹ tôi cũng cho biết trong suốt thời gian mang thai tôi, mẹ đã phải chịu những trận đòn đớn đau vô cớ của bố tôi, vì những xúi bẩy ác tâm của bố mẹ chồng và của những người chung quanh.
Sức chịu đựng của con người có giới hạn. Ngày qua tháng lại, mẹ tôi dần dần tự hình thành cho mình cơ chế phòng vệ để chống lại những trận đòn vô lý của bố tôi. Có khi mẹ trở nên lì lợm, gồng mình chịu đựng những đòn vọt trong tiếng nấc mà không phản kháng, không chửi bới. Nhưng cũng có khi mẹ muốn vất bỏ tất cả để định đoạt lấy sự sống hay cái chết cho riêng mình. Giằng co, mâu thuẫn, mẹ đã khóc rất nhiều cho số phận của mình. Bấy giờ, họ hàng bên ngoại tôi ở rất xa, thân làm dâu, đâu tìm được an ủi động viên ngoài chồng, ngoài con. Nhưng mẹ tôi đâu san sẻ được với ai, vì chị tôi lúc này mới hai tuổi, chị quá nhỏ để nghe được tiếng khóc của mẹ. Bởi đó, mẹ tôi đã tìm đến với vài người phụ nữ trong xóm để giãi bày chút nào đó những bất ổn khổ đau trong mẹ. Và cuộc sống cứ thế xoay vần cho đến khi tôi chào đời.
Ngày tôi đến với thế giới không phải trong niềm vui mà là nỗi buồn của những người thân, cùng bao nhiêu đau khổ hắt hủi, loại trừ nhẫn tâm mà tôi phải hứng chịu. Mặc cho sóng đời đẩy đưa, số phận không may mắn, trôi nổi theo dòng thời gian, với muôn vàn thách đố tứ bề vây quanh, đứa bé đó vẫn sống, vẫn lớn lên và cho đến bây giờ là 28 tuổi. Nó trở nên một người cứng cáp, mạnh mẽ, gan dạ và nói cho đúng hơn là lì lợm, chẳng biết sợ ai. Nó không ngại khó hay ngại khổ và cũng chẳng chịu lùi bước trước những khó khăn thử thách. Những năm tháng ở giảng trường đại học càng làm cho nó ngày càng mạnh mẽ, can trường hơn. Và khi phải quyết định một chọn lựa vô cùng quan trọng cho cả cuộc đời mình, nó cũng không run sợ, không cần đến sự trợ giúp của người khác. Nó đã chọn cho mình một lối đi và đang từng ngày bước đi trên con đường nó đã chọn.
Trong những ngày này, cô con gái đó là nó, là chính tôi, càng khám phá ra mình chẳng thích gì sự mềm yếu, nhí nhảnh, đỏng đảnh, yếu đuối, yểu điệu, duyên dáng. Nhưng tôi muốn người khác phải mạnh mẽ, dũng cảm, dứt khoát, tự tin. Tôi cũng không thích dựa dẫm người khác mà cũng chẳng thích ai dựa dẫm vào mình. Tôi cũng không thích sự kêu ca, phàn nàn hay rên rỉ của bất cứ ai. Tôi chỉ muốn mọi người trở nên quyết đoán, can trường và sống có bản lãnh, có dũng khí, có chí khí.
Hành trình sa mạc sắp khép lại, còn đầu óc tôi lại được mở ra với những điều mới lạ mà trước đây tôi không buồn nghĩ tới. Tôi hiểu ra rằng sở dĩ tôi trở nên như vậy, trở nên một người đầy nam tính cũng chỉ vì khát vọng của mẹ, của bố muốn tôi trở thành con trai ngay trong lòng mẹ. Khi nghe nói rằng ước muốn của người mẹ lên đứa con trong bào thai ảnh hưởng rất lớn tới giới tính của nó, tôi đâu có tin. Nhưng giờ đây tôi đã thấy rõ điều đó qua chính con người của tôi và càng xác tín về sự thật này.
Cùng với những ước muốn chân thành của người mẹ, chính tôi đã phải gánh chịu bao nhiêu áp lực trong bào thai mà mẹ là người truyền lại trực tiếp cho tôi. Tôi lãnh đủ và lãnh không thiếu một thứ gì, mà phần đông là những căng thẳng, tức tối, ức chế, dồn nén, buồn tủi, uất hận… Có lẽ những bài tập đó đã làm cho tôi quen dần và lì dần với những áp lực của cuộc sống, khi tôi ra khỏi lòng mẹ. Đúng là tôi đã được thai giáo ngay từ trong bào thai, thai giáo từng ngày mà tôi đâu có hiểu biết thai giáo là gì đâu.
Không chỉ trong bào thai mà ngay khi ra khỏi lòng mẹ và suốt hành trình lớn lên, tôi đã bị người ta khước từ, không đón nhận, nên cái lì lợm, mạnh mẽ, bất cần đời trong tôi lại càng bùng phát dữ dội. Nó đòi tôi phải thể hiện ra ngoài bằng những hành vi, cử chỉ, quyết đoán, lời nói của một người con trai chai lì, bất cần đời. Đúng là môi trường đã làm nên nhân cách, cá tính của chính tôi. Đó cũng là điều mà tôi đã ngộ ra trong hành trình sa mạc này, khi nỗ lực tìm về với lịch sử tính cách của mình.
Điều cuối cùng, tôi muốn chia sẻ tại đây, trước lúc tạm dừng là hãy can đảm lên đường tìm về nguồn cội của mình, để hiểu mình, đón nhận mình và sống thật với những gì mình có. Đó là thông điệp sau cuối tôi muốn gởi tới mọi người, để sống tự do và hạnh phúc hơn. Cầu chúc cho mọi người cũng có được cuộc vượt qua như tôi.
*******************************
Quý thính giả thân mến!
9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ là thời kì quan trọng nhất hình thành nên nhân cách của trẻ. Tâm hồn và trí óc trẻ như một tờ giấy trắng và bắt đầu đón nhận, ghi lại mọi cảm xúc, mọi ước muốn của người bố, người mẹ để làm hành trang đầu đời bước vào thế giới. Thật sai trái cho những bậc làm cha làm mẹ khi nghĩ rằng: “trẻ còn nhỏ, trẻ chưa biết gì đâu” hay gia đình muốn con là trai và ép buộc giới tính cho con là con trai . Qua câu chuyện của Quỳnh Mai được phát sóng hôm nay, chúng tôi – những người thực hiện chương trình hi vọng rằng, các bậc phụ huynh sẽ ý thức hơn vai trò và trách nhiệm của mình để nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ là một hồng ân sự sống mà Chúa ban tặng.
Svconggiao.net