Icon Collap
...
Trang chủ / Phục hồi sự vô tội

Phục hồi sự vô tội

“Tôi nói thật cho anh em biết, nếu không quay lại và trở thành như trẻ em, anh em sẽ không bao giờ được vào Nước Trời” (Mt 18,3).

Đặc điểm đầu tiên đánh động mọi người khi nhìn vào mắt một đứa trẻ là sự vô tội: vô tội vì thật đáng yêu khi không có khả năng nói dối hay đeo mặt nạ hoặc làm bộ là một nhân vật nào đó chứ không phải như sự thật của mình. Về điều này, trẻ em rất giống với thiên nhiên.

Chó là chó, hoa hồng là hoa hồng, ngôi sao là ngôi sao: vạn vật ra sao thì cứ như vậy.

Chỉ có người lớn mới có khả năng vừa là thế này vừa làm bộ thế khác.

1. Khi người lớn phạt trẻ con vì đã nói thật, vì đã cho biết cách thẳng thắn những gì nó nghĩ nó cảm thấy, người ta đã vô tình dạy trẻ con dấu diếm và thế là đã phá vỡ sự đơn sơ vô tội của nó.

Rồi chẳng bao lâu sau, nó sẽ lọt vào hàng ngũ của vô số người phải tuyệt vọng thốt lên: ‘Rốt cuộc tôi chẳng biết mình là ai cả’, vì đã che dấu sự thật của mình với người khác quá lâu, đến nỗi sau cùng chính mình cũng chẳng biết sự thật của mình.

Bạn còn giữ bao nhiêu phần trăm sự vô tội ấy của tuổi thơ? Hiện nay, có ai mà khi đứng trước mặt người ấy bạn hoàn toàn là mình, cởi mở và vô tội như một đứa trẻ?

2. Còn một cách khác tinh tế hơn sẽ làm mất sự vô tội của tuổi thơ, đó là khi đứa trẻ bị nhiễm tham vọng muốn trở thành một nhân vật nào đó.

Hãy xem hàng hàng lớp lớp những người đang ra sức trở thành một nhân vật nào đó, thay vì trở thành những gì thiên nhiên đã định cho mình như làm nhạc, nấu nướng, sửa máy, đóng bàn ghế, làm vườn, sáng chế. Người ta ra sức làm sao cho mình thành công, nổi tiếng, có quyền lực; trở thành một điều gì đó không làm cho mình được hoàn thành bản thân trong âm thầm lặng lẽ, mà trở thành một điều gì đó có thể giúp mình được vẻ vang, được bành trướng. Hãy nhìn những người đã đánh mất sự vô tội chỉ vì đã không chọn để trở thành chính mình, mà muốn mình được thăng quan tiến chức, được tỏ ra mình là một điều gì đó, dù chỉ là trong mắt nhìn.

Hãy nhìn vào đời sống thường ngày của mình. Bạn thấy có suy nghĩ nào, lời nói nào hay hành động nào của mình mà không mang dấu vết của lòng khao khát muốn trở thành một nhân vật nào đó, cho dù nhân vật ấy có thể chỉ là một nhà tu đức thành công hay một vị thánh vô danh tiểu tốt?

Trẻ em, giống như các loài vật vô tội, phó mình hoàn toàn cho tự nhiên để thiên nhiên đã định cho mình thế nào thì mình trở thành thế ấy.

Người lớn nào còn giữ được sự vô tội cũng đều buông mình cho thiên nhiên hay cho định mệnh đưa đẩy, không hề có ý định trở thành một ai đó hay gây ấn tượng trên người khác. Chỉ có điều khác là: người lớn làm như vậy không dựa vào bản năng tự nhiên, như trẻ con, mà dựa vào sự tỉnh ngộ liên tục về tất cả mọi sự đang diễn ra nơi mình và chung quanh mình. Nhờ sự tỉnh ngộ ấy họ tránh được các điều xấu và lớn lên theo như thiên nhiên đã trù định, chứ không theo kế hoạch của những cái tôi đầy tham vọng.

3. Còn một cách nữa người lớn làm mất sự vô tội của tuổi thơ: đó là dạy chúng phải bắt chước ai đó. Khi bắt một đứa trẻ trở thành bản sao của ai đó, là bạn đã dập tắt cái tia sáng độc đáo đã đi theo đứa trẻ khi nó chào đời. Khi bạn quyết định rở thành một ai đó, bất kể có vĩ đại và thánh thiện hay không, là bạn đã làm hỏng con người mình.

Thử nghĩ tới ánh lửa độc đáo trong lòng mình, đã bị chôn vùi dưới bao nhiêu lớp sợ hãi. Sợ mình sẽ bị chê cười hay bị khai trừ bởi đã dám sống trung thực với mình, không chịu máy móc khuôn theo cách ăn mặc, hành động, nghĩ suy của nhiều người. Bạn đã từng uốn mình theo người khác không chỉ trong hành vi và tư tưởng, mà cả trong những phản ứng, những cảm xúc, những thái độ và những giá trị. Bạn không dám bứt ra khỏi tình trạng hư hỏng ấy, không dám đòi lại sự vô tội nguyên thuỷ của mình. Đây chính là cái giá bạn phải trả để được xã hội và tổ chức của mình đón nhận. Nhưng như thế là bạn đã bước vào thế giới của những người luồn cúi, những người bị kiểm soát; là đã bị lưu đày ra khỏi vương quốc chỉ dành cho những ai vô tội như trẻ thơ.

4. Một cách nữa rất tinh vi có thể làm mất đi sự vô tội của bạn là ưa ganh đua và so sánh với người khác. Khi làm như thế, là bạn đã đánh đổi sự đơn sơ của mình để lấy tham vọng muốn như một ai đó hoặc hơn một ai đó.

Sở dĩ trẻ em có thể giữ được sự vô tội của mình và sống như bao thụ tạo khác trong hạnh phúc Nước Trời, ấy là vì nó không bị hút vào cái mà chúng ta gọi là thế gian – là nơi tăm tối của người lớn, trong đó người ta không dành thời gian để sống mà là để tìm lời khen và sự ngưỡng mộ, không dành thời gian để sống trung thực với mình cách vui vẻ mà là để so sánh và ganh đua tới mức điên cuồng, để chạy theo những điều trống rỗng mang tên là thành công và danh tiếng, dù đôi khi phải trả giá đắt tới mức đánh gục, làm nhục và tiêu diệt người thân cận mình.

5. Nếu cho mình nếm cảm thực sự những đau khổ của địa ngục trần gian ấy và sự trống  rỗng do địa ngục trần gian ấy mang tới, có thể bạn sẽ thấy lòng mình như muốn nổi loạn, lòng mình chán ngán tới mức bạn muốn phá tan mọi xích xiềng của lệ thuộc và lừa phỉnh đã từng quấn quanh tâm hồn bạn, để được bước vào vương quốc của sự vô tội – nơi đó có các trẻ thơ và các nhà thần bí.

Bài đọc thêm: https://svconggiao.net/2019/12/30/su-yeu-duoi-va-toi-loi-cua-mot-nguoi-khong-thay-doi-tinh-yeu-cua-chua-kito-doi-voi-ho/

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích sách: Tiếng gọi yêu thương

Nguồn: dongten.net

Bình luận