Icon Collap
...
Trang chủ / Các Thánh tử đạo Việt Nam – Chứng nhân đức tin

Các Thánh tử đạo Việt Nam – Chứng nhân đức tin

Hôm nay Giáo hội Việt nam hân hoan mừng kính các thánh tử đạo, những bậc tiền nhân anh dũng và là những chứng nhân đức tin sống động. Là hậu duệ của các Ngài, chúng ta được mời gọi bước theo dấu chân của các Ngài để làm cho dòng máu tử đạo của các Ngài trong chúng ta vẫn luôn được tồn hữu một cách sống động và tuôn tràn trên quê hương đất nước này, ngang qua đời sống đạo của chúng ta. Để làm được điều này, chúng ta hãy khám phá lại chứng tá lòng tin của các Ngài ngang qua những gì các Ngài nói, làm và thể hiện.các thánh tử đạo việt nam

Là những chứng nhân đức tin, các thánh tử đạo Việt nam vốn dĩ là nạn nhân của những cuộc bách hại, đàn áp dã man của những tay hủ nho và những ông vua ghét đạo; đặc biệt vào thời Văn thân bùng phát nổi lên với chủ trương là “Sát tả” nghĩa là giết người Công giáo cho đến kỳ cùng…Các ngài bị bắt và giết chết chỉ vì dám trung thành với lòng tin đã được lãnh nhận. Dù được dụ dỗ ngon ngọt, dù được mời mọc giữ những chức sắc khác nhau hay được hưởng một đặc ân nào đó, dù bị đánh đập, tra tấn với những cực hình dã man, kể cả việc phải chấp nhận cái chết đau thương, nhưng các ngài đã từ khước tất cả. Các ngài đã chọn Chúa và chỉ một mình Chúa là đủ cho các ngài rồi. Thiên Chúa là đối tượng duy nhất của các ngài. Như vậy, nguyên nhân tử đạo chính là vì không tin vào vua quan, người đời, không tin vào những hạnh phúc hão mà chỉ tin vào Đấng là Chúa của họ.

Là những chứng nhân đức tin, các ngài đã không chối bỏ căn tính Ki tô hữu của mình mà luôn can đảm sẵn sàng nhìn nhận mình là người có đạo. Dù trước đó, các ngài đã cố tình lẩn trốn sự truy bắt của vua quan, nhưng khi bị bắt thì không ngần ngại xưng mình là người có đạo. Các ngài hiểu rõ hậu quả tất yếu của việc chối bỏ hay nhìn nhận căn tính của mình khi bị bắt giam. Nhưng vì tin vào Chúa nên các ngài đã không ngần ngại xưng mình là Ki tô hữu. Điều đáng khâm phục nơi các ngài nữa chính là sự tùng phục không kháng cự hay đánh lại vua quan khi bị bắt.

Không chỉ nhận mình là người có đạo mà các ngài còn tranh thủ tìm mọi cách để diễn tả và tuyên xưng niềm tin của mình trước mặt thiên hạ. Thánh Mỹ thưa với quan tổng đốc rằng “ Tôi đã suy xét kỹ, và tin nhận đạo Thiên Chúa là đạo thật, nên tôi không chối bỏ bao giờ”. Thánh Kim Thông trả lời quan tỉnh cũng chẳng kém “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được”. Còn thánh Phao lô Bảo Tịnh thì càng khẳng quyết hơn “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý, nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”. Riêng Thánh Ven càng làm ta ngưỡng mộ “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo Thập giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua”. Thánh Anre Thông cũng không kém “Thà tôi  bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo”. Toàn những lời tuyên tín nặng ký và đáng khâm phục biết dường nào.

Là những chứng nhân của đức tin, các thánh tử đạo đã không màng chi đến sự sống chết của mình mà chỉ lo cho đức tin của người khác. Các ngài không chỉ nêu gương mà còn dùng lời nói để khích lệ động viên những người còn ở lại hãy kiên trì giữ vững lòng tin vào Thiên Chúa. Thánh Emmanuel Phụng nhắn gởi với con cái mình “Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật cha trao lại : đây là ảnh Đức Ki tô, Chúa chúng ta, ảnh này quý hơn vàng bạc bội phần”. Còn thánh Simon Hòa thì còn đi xa hơn khi nói “Cha yêu thương và hằng săn sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn nữa. Chúa đã muốn cha chịu khổ hình, cha xin vâng ý Người cho trọn”. Đúng là những lời trăng trối của người tin vào Chúa.

Bài đọc thêm: Ý nghĩa bức tranh các thánh tử đạo Việt Nam

Là những chứng nhân đức tin, các thánh tử đạo không sợ hãi mà quyết làm sáng tỏ công lý và đạo lý mình tin, nhất là vào những thời khắc quan trọng trong cuộc đời mình. Các ngài làm cho mọi người chung quanh thấy được ý nghĩa của cái chết mà các ngài lãnh nhận bằng việc nói cho họ biết rằng mình chấp nhận chết vì chính đạo chứ không phải vì những gì mà người ta vu khống, bôi nhọ cho đạo. Thánh Phao lô Khoan khẳng định rõ ràng “Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lệnh vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết chỉ vì là Ki tô hữu”. Thánh Carôlô Tân cũng dõng dạc cho hay “Chúng tôi chỉ chuyên lo giảng đạo, khuyên người ta ăn ngay ở lành, dạy con cái thờ cha kính mẹ, kêu gọi thần dân vâng phục vua quan, tôi đâu có thể đi ngược lại giáo huấn của mình mà chống nhà vua được”. Riêng Đức Cha Y thì càng tuyệt vời khi trả lời cho quan khuyên ngài “Ông có thể tự vẫn như những người dũng cảm thường làm” rằng “Chúng tôi không được tự vẫn, vì đó là trọng tội. Nhưng nếu vì đạo mà quan truyền giết tôi, thì tôi vui mừng khôn xiết kể”. Thật can trường và đáng phục dường nào!

Là những chứng nhân đức tin, các thánh tử đạo đã khao khát được đón nhận triều thiên nước trời với những lời nguyện thống thiết. Lời của thánh Phê rô Cao vẫn còn dội lại trong tâm tưởng ta “Xin cho con chịu đau khổ vì danh Đức Ki tô, được đón nhận ngành lá tử đạo về tới bến thiên đàng”. Không thua gì đồng môn của mình, thánh Phê rô Quý cũng giãi bày ước nguyện “Dù trăng trói, gông cùm tù rạc, chén ngục hình xiềng tỏa chi nề miễn vui lòng cam chịu một bề, cho trọn đạo trung thần hiếu tử”. Cao thượng và khao khát hơn nữa, thánh Phao lô Khoan đã xưng tụng Thiên Chúa trước mặt những kẻ sắp hại ngài “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là Chúa cả trời đất, chúng con xin dâng mạng sống cho Ngài”. Tất cả làm nên một bản tình ca dành cho Giê su thật tuyệt vời!

Mừng lễ các thánh tử đạo Việt nam, cùng với tâm tình tri ân cảm tạ Thiên Chúa cùng với các ngài, chúng ta được mời gọi khám phá lại dung mạo của một người tin nơi các ngài. Một người tin đích thực hay còn gọi là một chứng nhân đức tin luôn là người can đảm xưng mình là ki tô hữu, sẵn sang chấp nhận mọi hệ lụy do việc tuyên xưng này. Đồng thời biết tận dụng những thời khắc khốn cùng nhất để tuyên xưng niềm tin vào Chúa, để làm sáng tỏ chân lý và đạo lý của Chúa cho những người chung quanh, ngay cả những người làm hại mình. Hơn nữa, bước theo dấu chân các ngài, chúng ta được mời gọi khích lệ, cổ vũ lòng tin nơi người khác bằng những lời động viên, an ủi hay lòng khao khát muốn được chịu đau khổ và được tôn vinh Chúa bằng việc đón nhận cực hình, ngay cả cái chết dành cho mình. Nhờ việc khám phá này, chúng ta biết bắt chước mà hành xử như thế nào cho xứng là hậu duệ của các ngài. Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của các thánh tử đạo Việt nam giúp chúng con trở nên những chứng nhân đức tin sống động như tổ tiên chúng con trong thế giới hôm nay. Amen.

Lm. Ga Lưu Ngọc Quỳnh CsSr

Svconggiao.net

Bình luận