Hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội hân hoan cử hành thánh lễ Chúa Ki tô vua vũ trụ, không phải để tưởng nhớ một tước hiệu cao cả của Đức Giê su, nhưng là để hướng lòng mình về một thực tại vô cùng quan trọng : Đức Ki tô là vua của vũ trụ, trong đó có chúng ta. Vì thế giờ này đây, tất cả chúng ta được hợp đoàn với toàn thể vũ trụ này để tuyên xưng, tôn kính vị Chúa Tể càn khôn của trời đất là Đức Giê su. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội tuyệt vời nhất để chúng ta nhìn lại vai trò và tư cách Hoàng đế của Giê su trên vũ trụ này và tương quan của chúng ta với Ngài như thế nào trong suốt một năm qua.
Đức Giê su được tôn dương là Vua vũ trụ không do bởi chúng ta nhưng do bởi tư cách, vai trò của Ngài cũng như ý định của Thiên Chúa. Chúng ta không có quyền và không đủ tư cách để minh định vị trí cao cả này của Ngài mà hãy để cho Lời của Thiên Chúa tỏ rõ cho chúng ta : Đức Ki tô là vua của vũ trụ.
Tin mừng Gioan, chương một, từ câu 1 đến 3 nói rõ cho “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành”. Như vậy, thế giới tạo thành tức là cả vũ trụ này đều là sản phẩm, là trước tác của Ngôi Lời là Đức Ki tô. Và điều hiển nhiên là không ai có thể thay Ngài làm chủ, làm Vua của vũ trụ này. Ngài chính là chủ nhân là ông Vua đích thực của vũ trụ.
Nhưng sau khi nguyên tổ loài người sa ngã, chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa thì vũ trụ tạo thành này đã bị tổn thương và nhuốm màu tang tóc của tội lỗi. Vị Hoàng đế của vũ trụ không thể ngồi nhìn thần dân của mình bị nhấn chìm trong tội lỗi hư vô. Ngài đã quyết định đi vào trong vũ trụ để cứu lấy nó. Và như thế “Ngôi Lời đã trở nên người phàm cư ngụ giữa chúng ta” ( Ga 1, 14), để cứu độ chúng ta. Bằng cái chết tất tưởi trên Thập tự giá, trong sự vâng phục tuyệt đối thánh ý của Thiên Chúa, Đức Giê su đã chuộc lại toàn thể vũ trụ tạo thành này bị trở nên hư vô vì tội không vâng phục của nguyên tổ loài người. Và chính Ngài lại lên đăng quang Ngôi Vua trên Thập tự giá để từ đây tử thần đã bị tiêu diệt.
Chính Đức Giê su đã nói rõ Ngài để thế gian này là để làm Vua khi trả lời với Philato “ Ông là Vua dân Do thái sao? Đúng như ông nói đó”. Lời tuyên tín của Nathanaen “ Thầy là Đấng Ki tô, là Vua Israel” nhắc cho chúng ta nhớ rõ Đức Ki tô chính là vị vua duy nhất của vũ trụ này, là vua của chúng ta. Nhưng điều quan trọng chúng ta cần duyệt xét xem Ki tô là vị vua như thế nào?
Trước hết, Ngài là một vị vua của Tình yêu. Ngài không sử dụng bạo lực, bạo quyền để trấn áp và ức chế thần dân của mình. Ngài là một vị vua chỉ biết chinh phục người khác bằng tình yêu của ngài. Ngài muốn ăn xin tình yêu của những thần dân mình chứ không muốn và không dùng đến sức mạnh để thuần phục họ. Vua Giê su đã yêu con người đến nỗi đã từ bỏ ngai vàng nơi trời cao để đến cắm lều giữa con người, ở giữa con người và nên giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Ngài muốn và đã tự đồng hóa mình làm một với những kẻ tin Ngài. Vì thế, những gì người khác làm cho môn đệ của Ngài là làm cho chính Ngài vậy.
Đức Giê su đến trần gian này là để thiết lập một giao ước muôn đời với những tội nhân của Ngài. Lẽ ra con người không có tư cách gì để kết ước với Thiên Chúa. Một Vị Thiên Chúa thánh thiện làm sao lại đi kết ước với những kẻ phản bội mình? Đúng là lí trí con người không sao giải thích được. Nhưng đó lại là một sự thật của một vị Giê su khao khát yêu và được yêu. Tình yêu đã khiến Ngài quên đi thân phận cao sang của mình mà chỉ mong sao được ở với con người vĩnh viễn. Tình yêu đó đã xóa nhòa đẳng cấp và làm cho kẻ nô lệ thành người tự do và người tự do thành kẻ nô lệ. Tình yêu Giê su đã làm đảo lộn tất cả những ước lệ của con người và làm nên một khuôn mẫu về tình yêu đích thực cho con người. Yêu không cần đến vai vế, đẳng cấp, yêu xuyên thấu mọi áo giáp, rào cản vây quanh. Yêu chỉ mong sao người mình yêu được hạnh phúc là đủ cho mình rồi.
Giê su không chỉ quên đi đẳng cấp vì người yêu mà còn hy sinh cả tính mạng cho người yêu và vì người yêu. Chính Đức Giê su đã khẳng định rõ rằng “ Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của một người dám chết vì bằng hữu mình”. Nhưng chính Ngài không chỉ dám chết vì bằng hữu mà còn đã chết vì những kẻ phản bội, bán đứng mình. Vua Giê su là thế đó! Không chỉ khẳng định mà Đức Giê su đã thể hiện cho mọi người thấy điều đó khi chấp nhập bước lên trên thập tự giá để hiến mình làm lễ tế hy sinh hầu cứu thoát những người tin khỏi bóng tối của tử thần và dẫn đưa họ về cõi phúc trường sinh. Giê su yêu đến mức mà không hề than trách những kẻ hành hạ, giết mình; thậm chí Ngài còn bào chữa cho họ trước mặt Cha Ngài “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”.
Bài đọc thêm: Vị Vua trên thập giá
Đức Ki tô trở nên vua vũ trụ bằng con đường tình yêu mà Ngài đã thi thố ra cho chúng ta. Ngài đã cúi mình xuống trên vũ trụ là đứa con mà chính Ngài đã thai sinh để chăm sóc, dưỡng nuôi và bảo vệ nó. Tình yêu khiến Ngài vượt thắng những phản bội trớ trên của con người mà trung tín theo đuổi đến kế hoạch tình yêu cùng để chinh phục và cứu vớt con người.
Biết ơn Ngài và để xứng đáng là thần dân của Giê su, chúng ta được mời gọi đáp trả lại Tình yêu Giê su bằng chính tình yêu của mỗi người chúng ta. Hãy vượt qua mọi vỏ bọc, mọi rào cản ngăn cấm tình yêu của chúng ta dành cho Ngài như là mặc cảm tội lỗi, sự thiếu hiếu biết, sự cứng tin, sự vô cảm, sự kiêu ngạo… để khiêm nhường nghiêng mình kính chào và tha thiết đón nhận Vua Tình Yêu là Giê su ngự vào lòng chúng ta. Hãy để cho cung lòng chúng ta trở nên điểm hẹn tình yêu của ta và Ngài. Hãy để cho Vua Giê su có một chỗ đứng trong tim ta để Ngài làm cho ta trở nên hiện thân tình yêu của Ngài cho những người chung quanh ta.
Dấu chứng cho chúng ta biết rõ mình là thần dân của vương quốc Giê su khi chúng ta biết yêu thương nhau như chính Vua Giê su đã yêu thương chúng ta. Nghĩa là khi chúng ta biết quên đi đẳng cấp, địa vị, học vấn, tôn giáo, quên đi mọi lòng thù hận, sự ghen ghét, đố kỵ và mọi rào cản văn hóa để nỗ lực hy sinh hết mình cho những thần dân khác của Giê su, nhất là nơi những thần dân tội lỗi, khiếm khuyết và nghèo khổ. Giê su đang chờ ta và đang ăn xin tình yêu của ta nơi những con người khốn cùng này. Chúng ta có dám tin điều đó không? Một thách đố đang đặt ra cho chúng ta và đang đợi chờ câu trả lời của từng người trong chúng ta. Vua Giê su Ki tô đang chờ chúng ta. Amen.
Lm. Ga Lưu Ngọc Quỳnh, CsSr