Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên những người Công giáo không nên lãng phí thời gian để phàn nàn về những hạn chế của coronavirus, mà thay vào đó hãy tập trung vào việc giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn.
Phát biểu từ cửa sổ nhìn ra Công trường Thánh Phêrô vào ngày 20 tháng Mười Hai, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người bắt chước lời “xin vâng” của Đức Trinh Nữ Maria đối với Thiên Chúa trong Lễ Truyền Tin.
“Vậy thì, ‘xin vâng’ muốn nói lên điều gì?” Ngài hỏi. “Thay vì phàn nàn vào những lúc khó khăn này về những gì đại dịch ngăn cản chúng ta làm, chúng ta hãy làm điều gì đó cho những người thiếu thốn: không phải món quà lần thứ bao nhiêu cho bản thân và cho bạn bè của chúng ta, mà cho một người đang gặp khó khăn mà không ai đoái tưởng!”
Ngài nói rằng ngài muốn đưa ra một lời khuyên nữa: rằng hãy để Chúa Giêsu được sinh ra trong chúng ta, chúng ta nên dành thời gian để cầu nguyện.
“Chúng ta đừng để mình bị cuốn theo chủ nghĩa tiêu dùng. ‘A, tôi phải mua quà, tôi phải mua cái này cái nọ.’ Sự mê loạn làm những việc đó, ngày càng nhiều. Chính Chúa Giêsu mới là điều quan trọng,” ngài nhấn mạnh.
“Thưa các anh chị em, chủ nghĩa tiêu dùng đã đánh cắp Giáng Sinh. Chủ nghĩa tiêu thụ không được tìm thấy trong máng cỏ ở Bethlehem: có thực tế, nghèo đói, tình yêu. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để giống như Mẹ Maria: thoát khỏi sự dữ, biết chào đón, sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa.”
Trong diễn từ Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã suy niệm về bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Vọng, Chúa Nhật cuối cùng trước Lễ Giáng Sinh, trong đó mô tả cuộc gặp gỡ của Đức Maria với thiên thần Gabriel (Luca 1: 26-38).
Ngài lưu ý rằng thiên sứ nói với Maria hãy vui mừng vì bà sẽ mang thai một hài nhi và đặt tên là Giêsu.
Ngài nói: “Đó dường như là một thông báo về niềm vui thuần khiết, được định sẵn để Đức Trinh Nữ được hạnh phúc. Trong số những người phụ nữ thời đó, có người phụ nữ nào mà không ước mơ trở thành mẹ của Đấng Thiên sai?”
“Nhưng cùng với niềm vui, những lời đó báo trước một thử thách lớn đối với Maria. Tại sao? Vì trong giây phút đó cô đã ‘hứa hôn’ với Giuse. Trong tình huống như vậy, Luật Môsê quy định không được có quan hệ hay sống thử. Vì vậy, khi sinh con trai, Maria đã vi phạm Luật pháp, và hình phạt dành cho phụ nữ thật khủng khiếp: người ta đã dự tính sẽ ném đá.”
Do đó, nói “xin vâng” với Thiên Chúa là một quyết định sinh tử đối với Đức Maria, Đức Thánh Cha nói.
“Chắc chắn thông điệp thiêng liêng sẽ tràn ngập ánh sáng và sức mạnh trong tâm hồn của Maria; tuy nhiên, cô thấy mình phải đối mặt với một quyết định quan trọng: nói “xin vâng” trước Thiên Chúa, mạo hiểm mọi thứ, thậm chí cả mạng sống của mình, hoặc từ chối lời mời và tiếp tục cuộc sống bình thường của mình.”
Đức Thánh Cha kể lại rằng Maria đã đáp lại bằng cách nói: “Nguyện xin điều đó sẽ được thực hiện cho tôi theo lời Người” (Lu-ca 1:38).
“Nhưng trong ngôn ngữ Phúc Âm được viết, nó không chỉ đơn giản là ‘cứ để nó như vậy.’ Sự diễn tả này biểu đạt một khát khao mãnh liệt, nó biểu thị ý muốn rằng một điều gì đó sẽ xảy ra,” ngài nói.
“Nói cách khác, Maria không nói: “Nếu nó phải xảy ra, hãy để nó xảy ra… nếu nó không thể xảy ra thì…” Đó không phải là sự cam chịu. Không, cô không thể hiện sự chấp nhận yếu ớt và phục tùng, mà là cô ấy thể hiện một khát vọng mạnh mẽ, một khát khao sôi nổi.”
“Cô không thụ động, mà chủ động. Cô không phục tùng Thiên Chúa, cô tự ràng buộc mình vào Thiên Chúa. Cô là một phụ nữ trong tình yêu được chuẩn bị để hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và tức thì.”
“Cô có thể yêu cầu một chút thời gian để suy nghĩ về nó, hoặc thậm chí để giải thích thêm về những gì sẽ xảy ra; có lẽ cô đã có thể đặt ra một số điều kiện… Thay vào đó, cô không mất thời gian, cô không bắt Thiên Chúa phải chờ đợi, cô không trì hoãn.”
Ngài so sánh sự sẵn sàng chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa của Maria với sự do dự của chúng ta.
Ngài nói: “Bao lâu – chúng ta hãy nghĩ về bản thân mình – cuộc sống của chúng ta thường được tạo nên từ những sự trì hoãn, thậm chí là cuộc sống tinh thần! Ví dụ, tôi biết cầu nguyện là tốt cho tôi, nhưng hôm nay tôi không có thời gian…”
Ngài tiếp tục: “Tôi biết điều quan trọng là phải giúp ai đó, vâng, tôi phải làm điều đó: Tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Hôm nay, trước thềm Lễ Giáng Sinh, Mẹ Maria mời gọi chúng ta đừng trì hoãn, mà hãy nói lời ‘xin vâng’.”
Đức Thánh Cha nói, mặc dù mỗi câu “xin vâng” thì tốn kém, nhưng nó sẽ không bao giờ đắt bằng lời “xin vâng” của Đức Maria, điều đã mang lại sự cứu rỗi cho chúng ta.
Ngài nhận xét rằng “Xin điều đó được thực hiện cho tôi theo lời của bà” là cụm từ cuối cùng chúng ta nghe thấy từ Mẹ Maria vào Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng. Những lời của Mẹ, ngài nói, là một lời mời gọi chúng ta đón nhận ý nghĩa thực sự của Giáng Sinh.
“Vì nếu sự ra đời của Chúa Giêsu không chạm đến cuộc sống của chúng ta – của tôi, của bạn, của các bạn, của chúng ta, của mọi người – nếu nó không đánh động đến cuộc sống của chúng ta, thì nó lướt qua chúng ta một cách vô ích. Trong Kinh Truyền Tin tin bây giờ, chúng ta cũng sẽ nói “Hãy làm cho con theo như lời của Người’ : Xin Đức Mẹ giúp chúng ta nói điều đó bằng cuộc sống của chúng ta, với cách tiếp cận của chúng ta với những ngày cuối cùng để chuẩn bị tốt cho Lễ Giáng Sinh,” ngài nói.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nêu bật hoàn cảnh của những người đi biển vào đêm trước Giáng Sinh.
Ngài nói: “Nhiều người trong số họ – ước tính khoảng 400.000 người trên toàn thế giới – đang mắc kẹt trên những con tàu, ngoài các điều khoản hợp đồng và không thể trở về nhà.
“Tôi cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Stella Maris (Ngôi sao của biển cả), hãy an ủi những người này và tất cả những người có hoàn cảnh khó khăn, và tôi kêu gọi các chính phủ làm tất cả những gì có thể để giúp họ trở về với những người thân yêu của mình.”
Sau đó, Đức Thánh Cha mời những người hành hương, những người đang đeo khăn che mặt ở công trường bên dưới, đến tham quan triển lãm “100 cảnh Chúa giáng sinh tại Vatican.” Sự kiện thường niên đang được tổ chức ngoài trời, nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, dưới những hàng cột bao quanh Công trường Thánh Phêrô.
Ngài nói rằng những cảnh tượng Chúa giáng sinh đến từ khắp nơi trên thế giới đã giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của sự Nhập thể của Đức Kitô.
“Tôi mời các bạn đến thăm những cảnh Chúa giáng sinh dưới Colonnade, để mọi người cố gắng thể hiện cách Chúa Giêsu được sinh ra thông qua nghệ thuật,” ngài nói. “Những máng cỏ dưới hàng cột là những bài giáo lý tuyệt vời về đức tin của chúng ta.”
Chào các cư dân của Roma và những người hành hương từ nước ngoài, Đức Thánh Cha nói: “Cầu xin Lễ Giáng Sinh, giờ đã gần kề, là dịp đối với mỗi chúng ta để đổi mới nội tâm, cầu nguyện, hoán cải, tiến bước trong đức tin và tình huynh đệ giữa chúng ta.”
“Chúng ta hãy nhìn xung quanh mình, chúng ta hãy đặc biệt nhìn vào những người đang gặp khó khăn: người anh em đau khổ, dù ở bất cứ đâu, là một trong chúng ta. Người là Chúa Giêsu trong máng cỏ: người chịu đau khổ là Chúa Giêsu. Chúng ta hãy suy ngẫm một chút về điều này.”
Mời bạn đọc thêm: lá thư Giáng Sinh của ĐTC gửi đến với mọi kitô hữu
Ngài nói tiếp: “Hãy để Giáng Sinh gần gũi với Chúa Giêsu, trong người anh chị em này. Ở đó, nơi người anh em cần giúp đỡ, là sự giáng sinh mà chúng ta phải đoàn kết tiến tới. Đây là cảnh Chúa giáng sinh sống động: cảnh Chúa giáng sinh nơi chúng ta thực sự gặp gỡ Đấng Cứu Chuộc trong những người đang gặp khó khăn. Do đó, chúng ta hãy hành trình hướng tới Đêm Thánh và chờ đợi sự hoàn tất của mầu nhiệm cứu độ.”
ĐGH Phanxicô: “Chủ nghĩa tiêu dùng đã đánh cắp ý nghĩa Giáng Sinh”
Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn
ĐGH Phanxicô: “Chủ nghĩa tiêu dùng đã đánh cắp ý nghĩa Giáng Sinh”