Icon Collap
...
Trang chủ / Lòng sùng kính Đức Maria trong Hội Thánh Công giáo

Lòng sùng kính Đức Maria trong Hội Thánh Công giáo

Không ai có thể phủ nhận được vị thế cao trọng của Đức Maria trong lòng Hội thánh Công giáo. Mẹ không chỉ cầm giữ một vị thế bình thường mà còn là một vị thế vô cùng quan trọng trong tâm thức của người tín hữu. Có phải người Công giáo cuồng tín thái quá, không hiểu gì về Kinh thánh mà làm vậy hay họ có một cơ sở nền tảng nào đó? Đây là điều chúng ta cần làm sáng tỏ hôm nay.

Quả thật, Hội thánh công giáo chúng ta đã dành cho Đức Maria một vị thế vô cùng đặc biệt trong đời sống phương tự của mình, khiến cho một số anh em Tin lành không sao chấp nhận được. Chúng ta hãy nhìn vào phụng vụ để thấy rõ hơn.  Mỗi năm Hội thánh Công giáo đã dành riêng bốn ngày lễ trọng để dâng kính Mẹ: Lễ Mẹ Thiên Chúa, lễ truyền tin, lễ Mẹ vô nhiễm và lễ Mẹ về trời. Ấy là chưa kể đến rất nhiều lễ được dâng kính Mẹ với nhiều tước hiệu khác nhau như lễ Mẹ Mân côi, Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ Lộ đức, Mẹ sầu bi…và trong mỗi thánh lễ, luôn có việc nhắc tới Đức Trinh Nữ Maria. Thêm vào đó chính là vô số ảnh tưởng, bài hát được sáng tác để ca tụng Mẹ.

Trong một năm có 12 tháng thì có hai tháng được dành riêng cho Mẹ là tháng năm và tháng mười cùng với nhiều việc đạo đức kèm theo như làm việc kính Đức Mẹ, lần hạt mân côi, dâng hoa,  đọc kinh liên gia, rước kiệu với không biết bao nhiêu bài hát được sáng tác để diễn tả lòng mộ mến của Hội thánh dành cho Mẹ. Bên cạnh đó có vô vàn ngôi thánh đường, nguyện đường, đền thánh, vương cung thánh đường trên thế giới được dâng kính cho Mẹ cách đặc biệt. Nhưng trung tâm Công giáo lớn nhất thề giới, có khả năng thu hút người ta đến nhiều nhất vẫn là những thánh địa dành cho Mẹ như Lộ đức, Pha ti ma, Mễ du, ở Việt nam có La vang, Trà kiệu, Tà pao, Măng đen…Có vô số những con người đã nhận Mẹ là Đấng quan thầy, đấng bảo trợ và có rất nhiều hội được lập ra đã đặt dưới sự bảo trợ của Mẹ như Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp, Hội Con Đức Mẹ..

Riêng đối với Thánh Anphongso, đấng sáng lập DCCT, Đức Maria với danh xưng Mẹ Hằng Cứu Giúp đã trở nên nguồn sống cho nhà dòng. Cứ nhìn những đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trên thế giơi cũng như ở Việt nam chúng ta thấy rõ điều đó. Tại những ngôi đền này, Mẹ đã liên tục thực hiện những cuộc đại phúc để giúp người ta tìm đến và trở lại với Đức Giê su. Đi đâu hay làm gì tu sĩ DCCT luôn có MẸ đồng hành. Những bài giảng về Đức Mẹ vẫn không thiếu được trong các kỳ giảng cũng như tĩnh tâm của anh  em tu sĩ DCCT. Những tuần đại Phúc, Mẹ đã trở thành bổn mạng của các tuần đại phúc. Mẹ trở thành Đấng tiên phong dẫn đường đưa người ta trở về với Đức Giê su, con yêu dấu của Mẹ. Người ta khắp nơi nườm nượp kéo đến với Mẹ.

Mẹ Maria, lòng sùng kính mẹ trong hội thánh

Bài đọc thêm: Đức Maria – Mẹ của Đấng Cứu Thế

Một vấn nạn được đặt ra cho chúng ta là tại sao Hội thánh lại dành cho Mẹ vị trí ưu tuyển như vậy? Chắc phải có lý do của nó.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn lại hai biến cố trong Tin mừng thứ tư. Với tác giả Tin mừng thứ tư, hai biến có này vô cùng quan trọng. Đó là biến cố khởi đầu và biến cố kết thúc của sứ vụ rao giảng Tin mừng mà Đức Giê su đã thực hiện. Biến cố khởi đầu sứ vụ rao giảng của Ngài đã diễn ra tại tiệc cước Cana, miền Ga li lê. Biến cố kết thúc xảy ra tại đỉnh đồi gôn gô tha, nơi Đức Giê su trút hơi thở sau cùng. Hai biến cố này được xem là bao trọn và thâu tóm toàn bộ sứ mạng cứu thế của Đức Giê su. Nói khác đi, theo tác giả Gioan, suốt chặng đường loan báo Tin mừng, Đức Maria luôn cận kề có mặt bên Đức Giê su.

Huyền nhiệm thay! Lạ lùng thay sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria-Mẹ của Đức Giê su. Mẹ không chỉ hiện diện trong thinh lặng mà Mẹ còn chủ động để can thiệp, để đón nhận những gì đang xảy ra quanh Mẹ.Với biến cố khởi đầu tại Cana, nhờ sự khẩn cầu của Đức Maria, Đức Giê su đã thi thố quyền năng của Ngài để cứu gia đình có tiệc cưới khỏi bàn thua trông thấy. Còn với biến cố trên đồi Gôn gô tha, Đức Giê su đã chính thức trao nhân loại mới này cho Mẹ Ngài, qua vị đại diện là Gioan tông đồ “ Này là Mẹ con!”. Và chính Mẹ là người đón nhận lời trăng trối đó. Như vậy, Đức Maria là Mẹ của Giáo hội và Giáo hội là con của Mẹ không phải là chuyện người công giáo bịa ra mà là lệnh truyền của Đức Giê su. Phát xuất từ những thực tại này và vì muốn trung thành đón nhận lời trăng trối của Đức Giê su “ Này là Mẹ con” mà lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria đã sớm cắm rễ sâu trong tâm thức người Công giáo và trong lòng Hội thánh.

Thứ đến, theo truyền thống của Giáo hội thì cảm thức về lòng sùng kính đặc biệt dành cho Đức Trinh Nữ Maria đã có rất sớm, ngay sau khi Đức Giê su phục sinh Sách Tông đồ Công vụ chương 1, câu 14 đã ghi nhận sự hiện diện của Đức Maria giữa các Tông đồ khá rõ “Hết thày mọi người đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với các phụ nữ và Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và các anh em Ngài ”. Tiếp nối các tông đồ là các giáo phụ vào những thế kỷ đầu tiên của Ki tô giáo. Từ thánh Inhaxio thành An ti o ki a, tới thánh Justino, thánh Irene, A tha na xio, Tertuliano, thánh Augustino.., nhất là thánh Benado đã dành cho Mẹ những tâm tình mộ mến lạ thường. Có nhiều thánh thi của Salomon ca tụng Đức mẹ từ thế kỷ thứ hai. Thêm vào đó là các lời sấm của các vị tiên tri, giải thích về biến cố truyền tin, trong đó lòng mến yêu Đức Mẹ được tỏa sáng. Trong lời nguyện Thánh Thể và nghi thức khai tâm các tín hữu của thánh Hippolito đều nhắc tới Đức Maria. Chính nơi Bàn tiệc Thánh Thể và giếng rửa tội mà Đức Maria càng trở nên quan trọng trong đời sống của người tin. Cảm thức này được phát triển dần theo chiều dài của Hội thánh, đặc biệt nơi các vị thánh lớn như Đa minh, Phan xi Cô, Alphongso…Những hình ảnh và vô vàn bài hát về Mẹ càng minh chứng rõ hơn về cảm thức và lòng mến mộ của người Công giáo chúng ta.

Cuối cùng, nhìn vào thực tế cuộc sống, chúng ta có thể ghi nhận thực tại này là nơi nào việc thực thi lòng sùng kính Đức Maria được đề cao thì nơi đó lòng tôn kính Thiên Chúa càng gia tăng. Nhìn vào những đền thánh được dâng kính cho Mẹ chúng ta càng dễ dàng nhận ra điều đó. Nếu có dịp đến những trung tâm hành hương Thánh Mẫu quốc tế như Fatima, Lộ Đức, Mễ du, hay ở Việt nam như La vang, Trà kiệu, Tà pao…chúng ta càng thấy rõ lòng sùng kính Mẹ không tách rời ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa. Vì Đức Maria luôn là khí cụ Thiên Chúa dùng và dùng một cách hiệu quả để dẫn người ta đến với Đức Giê su, con của Mẹ.

Tóm lại, lòng sùng kính mến mộ Đức Maria là một thực tại có thật và luôn sống động trong lòng Giáo hội Công giáo mà chỉ cần lưu tâm một tí là ai cũng có thể nhận ra. Lòng sùng kính này khởi đi từ lời trăng trối của Đức Giê su lối lại cho Đức Mẹ và Thánh Gioan tông đồ trên Thập giá, dựa vào Kinh thánh, dựa vào cảm thức truyền thống của Hội thánh ngay từ lúc bình mình khởi đầu của Ki tô giáo và dựa vào kinh nghiệm thực tế của Giáo hội suốt dòng lịch sử. Vì thế mà người Công giáo không thể không yêu mến và sùng kính Đức Maria.

Thiên Chúa trong sự khôn ngoan nhiệm mầu đã tiền định cho nhân loại chúng ta ân huệ lớn lao là được làm con của Đức Trinh Nữ Maria. Biết khiêm tốn mở lòng ra đón nhận Mẹ chúng ta sẽ được hạnh phúc vui tươi. Không có Mẹ trong cuộc đời người ta sẽ dễ trở nên khô khan, buồn tủi. Ước mong sao lòng sùng kính Mẹ không suy giảm và không bao giờ làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa. Đó mới là lòng sùng kính chân thật mà Mẹ chờ đợi nơi mỗi người con là chính chúng ta. Xin Mẹ tiếp tục ban ơn trợ giúp cho chúng con để chúng con có thể làm sống mãi lòng mộ mến sùng kính Mẹ suốt cả cuộc đời và cho đến muôn đời muôn kiếp.

                                                                            Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Bình luận