Icon Collap
...
Trang chủ / Lề luật và Thiên Chúa

Lề luật và Thiên Chúa

“Lề luật và Thiên Chúa” – Là chủ đề chính, mà Cha Linh hướng Gio-an chia sẻ cho anh chị em Nhà Tĩnh Tâm Giê-ra-đô trong Thánh lễ thứ tư tuần III Mùa chay. Qua đây Ngài muốn nói với mỗi người chúng ta mối tương quan giữa Thiên Chúa và lề luật, nhờ đó chúng ta biết được thánh ý của Ngài mà thi hành để được sống hạnh phúc- bình an.

Thiên Chúa là Đấng lập luật chứ không phải con người

Có thể nói qua những gì mà Chúa Giê-su vừa nói với các môn đệ. Ngài đã phân định rõ ràng lề luật được nói ở đây là do Chúa thiết lập chứ không phải con người. Trong thực tế, vì quen dùng từ quen thuộc khiến người ta nhầm lẫn lề luật trong Kinh Thánh là do con người hay do ông Mô-sê thiết lập. Nhưng nói cho đúng thì ông Mô-sê chỉ là người sao chép, Thiên Chúa mới là Đấng ban lề luật cho dân Người.

Chúng ta cũng vừa nghe lại lời Chúa Giê-su đã nói: “Thầy đến không phải để bãi bỏ lề luật nhưng là để kiện toàn”. Nhiều khi ta nghe rồi nhầm tưởng luật là do ông Mô-sê, nhưng Mô-sê và các Ngôn Sứ là những người ghi nhận những huấn lệnh, chỉ thị từ Thiên Chúa, chứ không phải là người tạo ra các huấn lệnh và chỉ thị đó.

Bài đọc thêm: Nút thắt  tha thứ

Các huấn lệnh đó đều do Chúa thông ban qua những con người đó, đặc biệt  qua chính con người Đức Giê-su Ki-tô. Cho nên Chúa Giê-su đã nhấn mạnh câu Lời Chúa “Thầy đến không phải để bãi bỏ lề luật nhưng là để kiện toàn”. Đấng ra luật và kiện toàn lề luật chính là Thiên Chúa chứ không phải con người.

lề luật và Thiên Chúa

Chúa thiết lập luật để cho con người biết được thánh ý của Ngài và thi hành

Chúng ta cần ý thức Chúa thiết lập luật để cho con người được hạnh phúc, tự do chứ không phải để con người làm nô lệ trở nên những con người khốn cùng. Câu nói nổi tiếng của Ngài “ Ngày sa bát được tạo ra cho con người chứ không phải con người cho ngày sa bát”( Mt 5,38). Hiểu được như vậy để chúng ta nắm giữ tinh thần của lề luật cho đúng nhưng cũng đừng vì bám vụ luật từng chữ, từng câu. Khiến cho tinh thần luật là tinh thần giải thoát và cứu độ bị tắc nghẽn do thói vụ luật như những người Pha-ri-siêu đã thực hiện.

Luật Chúa ban một cách uyển chuyển chứ không áp đặt

Có lẽ Chúa ban lề luật không phải một lần nhưng Chúa ban lề luật cho con người theo những mức độ, thời gian cùng những khả năng đón nhận của con người khác nhau.

Thời Cựu Ước bộ luật Chúa ban thật tuyệt vời và lí tưởng, vì thời đó dân trí còn thấp chứ không phải dân văn minh, hiểu biết như bây giờ. Đến thời Tân Ước khi dân trí đã lên cao thì bộ luật Mô-sê không hợp thời nữa, khi Chúa Giê-su đến Ngài đã thay đổi. Bởi vì mức độ của con người thời bấy giờ có thể thực hiện được điều này rồi.

Nếu như thời Cựu Ước, Chúa bảo: “Ai vả anh má bên nay thì giơ cả má bên phải nữa”(Lc 6,29). Thời đó, chỉ có mắt đền mắt, răng đền răng. Ai nhổ của tôi cái răng thì tôi nhổ lại cái răng đó. Nhưng đến thời Tân Ước thì cái luật cũ không còn nữa. Cái mắt đền mắt răng đền răng nhường chỗ cho ai tát mặt phải thì giơ mặt trái cho họ.

Qua đây, Chúa cho thấy Ngài áp dụng luật cho con người một cách rất uyển chuyển, một cách rất thích nghi theo khả năng lĩnh hội của con người, chứ Chúa không áp đặt lề luật một cách cứng nhắc như một số triết gia Hi Lạp cho rằng: “Luật là Chúa, tất cả vạn vật được vận hành là do thượng đế cài đặt trong thế giới vũ trụ này, để điều khiển thế giới này theo đúng quy trình vận hành của nó”. Vì vậy nhiều lúc họ đồng nghĩa Thiên Chúa là luật, nghĩa là không thay đổi được đâu, Thiên Chúa đã quyết định và thiết lập điều gì là không thay đổi, đây là quan niệm hoàn toàn sai.

lề luật và Thiên Chúa

Mối tương quan giữa Thiên Chúa và lề luật có sự khác biệt

Có thể nói luật là Chúa, Chúa là luật. Đó là cái chúng ta cần lưu ý theo cách mà Chúa muốn hướng dẫn dân của Người. Mỗi lần đọc lại những câu Chúa nói trong Tin Mừng: Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự hoàn tất”(Mt5,17).

Bài đọc thêm: Con đường nên thánh

Trong câu Lời Chúa khác Ngài cũng nhấn mạnh : “Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ gọi là người nhỏ nhất trong nước trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được goi là lớn nhất trong nước trời”(Mt 5,19). Qua đây Chúa muốn nhắc lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và lề luật, mối tương quan đó thể hiện dưới ba chiều kích sau:

Thứ nhất: Thiên Chúa là Đấng ra luật và kiện toàn chứ không phải con người. Mô sê và các Ngôn Sứ chỉ thực hiện những huấn lệnh, chỉ thị và ghi chép luật của Thiên Chúa.

Thứ hai: Chúa thiết lập luật để con người thi hành thánh ý của Ngài để được hạnh phúc.

Thứ ba: Chúng ta cần ý thức nắm giữ tin thần lề luật của Chúa một cách tự do, không cứng nhắc, áp đặt nhưng mang tính linh hoạt và tuỳ cơ ứng biến. Để nhờ khả năng thực hiện của mỗi người khác nhau trong sự tôn trọng, chúng ta có khả năng đáp ứng và thực hiện lề luật của Thiên Chúa một cách tốt nhất.

Cầu nguyện:

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con hiểu được lề luật, yêu mến và sống tinh thần lề luật của Chúa một cách nghiêm túc, dựa trên nền tảng tình yêu và bác ái đối với nhau. Xin Ngài cũng dạy chúng con tuân giữ  những lề luật Chúa dạy từ những điều nhỏ cho đến điều lớn nhất. Nhờ đó mỗi người trở thành những công dân nước trời, những người con của Thiên Chúa là Cha chúng con ở trên trời. Amen

Anna Bảo Minh

Truyền thông Sinh viên Công giáo

 

 

Bình luận