Icon Collap
...
Trang chủ / Chúa hay Ma!

Chúa hay Ma!

Trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, mỗi ngày chúng ta đều được dự phần vào từng biến cố của Chúa Phục Sinh, và hôm nay trong thánh lễ thường kỳ của các bạn trong gia đình sinh viên công giáo Y Dược, tại nguyện đường thánh Giêrađô, Cha Linh Hướng Gio-an tiếp tục chia sẻ về câu chuyện Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ nhiều lần mà họ vẫn hoảng hồn tưởng Chúa là ma.

“Các ông kinh hoàng bạt vía tưởng là thấy ma” (Lc 24,37). Khi chúng ta đọc lại, nghe lại những biến cố Chúa Phục Sinh tỏ mình cho các môn đệ ta thấy được cách mà Thiên Chúa kiên nhẫn chinh phục lòng tin của người ta vào sự phục sinh của Ngài và đồng thời thấy được sự nghi ngờ về Chúa Phục Sinh quả là mối nghi ngờ rất lớn, không dễ dàng vượt qua được.

Chúa hay ma

Chúa Phục Sinh là một sự thật khó tin

Chúng ta vừa nghe tiếp câu chuyện hôm qua về hai môn đệ trên đường Em-mau được Chúa Giê-su đồng hành mười một cây số nhưng không nhận ra Chúa, mà phải đến khi Chúa Giê-su cầm lấy bánh trao cho các ông, khi đó các ông mới nhận ra Người và lập tức các ông trở lại Giêrusalem. Khi trở lại Giêrusalem các ông nghe các môn đệ ở đó bảo Chúa đã hiện ra với ông Si-mon. Và hai ông đã kể một cách khoái chí về việc Chúa đồng hành với mình, hiện ra với mình một cách rất xác tín. Rồi bỗng nhiên Chúa Giê-su xuất hiện, các môn đệ kinh hoàng khiếp đảm vì tưởng là ma. Nhóm ở lại vừa khoe với hai ông Chúa đã hiện ra với Si-mon, còn hai ông vừa khoe với các môn đệ Chúa vừa hiện ra với chúng tôi trên dường từ Giêrusalem về Em-mau có Chúa đồng hành, cùng nói chuyện và bẻ bánh. Hai bên đang khoe và kể về Chúa Phục Sinh, bỗng Chúa Giê-su Phục Sinh xuất hiện và cả hai phía đều kinh hoàng và tưởng là ma. Chúng ta thấy không dễ để tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh đâu. Và Chúa Giê-su Phục Sinh không dễ đánh bại sự nghi ngờ của con người vào sự phục sinh của Ngài.

Bài đọc thêm: Phục Sinh – Biến cố vô tiền khoáng hậu

Các giả thuyết được đặt ra

Chúng ta lần lượt nghe qua những câu chuyện về những giả thuyết, kể cả thuyết âm mưu nói về Chúa Phục Sinh và có người bảo đang đêm chúng tôi ngủ các môn đệ đến đánh cắp xác đi rồi phao tin Chúa sống lại, kỳ thực chẳng sống gì cả. Có một thuyết khác nói là Chúa Giê-su giả chết rồi Ngài sống lại. Còn có một thuyết khác nói Chúa Giê-su chết thật nhưng chỉ là một bóng ma, một vong hồn như những bóng ma khác mà thôi. Chúng ta thấy người xưa họ khó tin lắm, nào là đang đêm đến ăn cắp xác, rồi ông Giê-su chả chết đâu, ông ấy vẫn sống nhưng ông ấy sống lại tại sao không bắt ông ấy đi mà để ông cứ xuất hiện nhiều lần. Họ hoàn toàn chối bỏ việc Chúa Giê-su đã chết thật và cũng đã sống lại thật. Và hôm nay thêm một thuyết khác nữa nó nảy sinh từ trong các tông đồ là Chúa Giê-su đã chết và sống lại nhưng chỉ như một cái bóng ma thôi chứ không phải là Chúa.

Chúa Phục Sinh giải quyết vấn đề

Và để giải quyết vấn nạn này Chúa Giê-su làm hai việc: Việc thứ nhất là Chúa cho họ sờ vào tay chân và các vết thương, vì ma đâu có xương có thịt. Trong truyền thống dân gian “ma” là những con người chết mà hồn chưa được siêu độ đang lảng vảng chỗ nọ, chỗ kia để kiếm một chút bù đắp lại, chẳng hạn như ma rượu thì la cà ở các quán rượu để nhập vào các bợm rượu để thưởng thức một chút, ma gái thì lởn vởn ở các phòng có Cave để nhập vào người này người kia để thưởng thức qua thân xác người khác. Đó là quan niệm về ma của người ngoài Ki-tô giáo. “Ma” là quan niệm của dân gian còn Ki-tô giáo không có “ma”.  Theo Ki-tô giáo, sau khi con người chết thì một là thiên đàng, hai là hỏa ngục, ba là luyện ngục, không có đi lảng vảng chỗ nọ chỗ kia. Dĩ nhiên là thế giới bên kia không có xác, ma quỷ không có hình tượng thể xác. Cho nên để giải quyết vấn nạn Chúa Giê-su cho họ sờ vào tay chân, sờ vào các vết thương và Ngài khẳng định ma đâu có xương có thịt như các con thấy Thầy có đây, nhưng người ta vẫn không tin. Thánh kinh nói người ta mừng quá nhưng không tin, đưa cho sờ tay, sờ chân, cầm nắm được mà vẫn không tin.

Cách thứ hai là Chúa Giê-su ăn trước mặt các ông, ma đâu có ăn như Thầy ăn đây đâu. Chúng ta thấy Chúa Giê-su Phục Sinh chinh phục con người tin vào sự phục sinh của Ngài một cách kiên nhẫn, ngay cái đám đồ đệ mà Chúa hiện ra năm lần bảy lượt vẫn không tin, vẫn nghi ngờ và hoảng loạn, tưởng Chúa là “ma” nhưng Ngài không nản chí mà từng bước, từng bước chinh phục họ và cuối cùng Chúa đã đánh bại sự nghi ngờ của họ bằng những luận chứng của Ngài.

Và hôm nay chúng ta thấy Ngài sử dụng hai luận chứng để phá đổ lập luận cho rằng Chúa Giê-su là ma, chết như một bóng ma xuất hiện chứ chẳng phải phục sinh gì cả. Một luận chứng tiếp theo là Chúa Giê-su nói và nhắc đi nhắc lại là “tất cả những gì các ngôn sứ, lề luật, các thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Và Ngài mở trí cho các môn đệ hiểu đoạn Kinh Thánh: Đức Ki-tô phải chịu khổ hình rồi mới sống lại, phục sinh vinh hiển và chính anh em là chứng nhân cho Thầy” (Lc24,44-48).

Sự cứng tin của các môn đệ khiến niềm tin của chúng ta ngày nay được vững vàng hơn

Cũng may là các môn đệ ngày xưa toàn là Tô-ma đều là những người cứng tin, khó tin, chậm tin, chúng ta mới đáng tin như vậy. Còn như xưa các ông thấy Chúa hiện ra thì tin liền, ngày nay chúng ta sẽ bảo là vờ vịt, ngớ ngẩn. Thực tế các ông tông đồ toàn những ông khó tin, Chúa hiện ra năm lần bảy lượt vẫn cứ tưởng là ma. Thật là không dễ chút nào bởi vì Chúa Giê-su phục sinh ở một thế giới hoàn toàn khác với thế giới của chúng ta. Có nhiều người già, con trẻ không sống chung được bởi vì thế giới của người già khác hẳn thế giới của con trẻ, ở với nhau chẳng ở nổi vì không hiểu được nhau. Chỉ là người thôi mà già và trẻ đã chẳng hiểu nổi nhau chứ đừng nói thế giới của Chúa Phục Sinh và thế giới hữu hình duy vật của chúng ta làm sao chúng ta hiểu được.

chúa hay ma

Bài đọc thêm: Mầu nhiệm Phục Sinh và người trẻ

Thần Khí thông ban một niềm tin mạnh mẽ vào Đấng Phục Sinh

Dẫu rằng Chúa Giê-su dùng bao nhiêu cách để tiếp cận, chinh phục, thuyết phục nhưng mối nghi ngờ về sự phục sinh đó là điều không dễ vượt thắng được. Chúng ta phải chờ đợi cho đến biến cố ngày lễ ngũ tuần, biến cố thần khí được đổ xuống, khi đó lòng tin vào Đấng Phục Sinh mới được thay đổi. Chúng ta thấy Chúa Giê-su làm mọi cách các tông đồ vẫn cứng tin phải trở lại Giêrusalem, chờ đến biến cố ngũ tuần, Thần khí Chúa được ban xuống thì các tông đồ mới có niềm tin vào Đấng Phục Sinh.

Cho nên một mặt chúng ta ý thức về mặt duy lý, tự biện, về mặt logic, ta cố gắng trình bày cách Chúa Giê-su tỏ mình ra, nhưng mầu nhiệm phục sinh vượt quá mọi cách trình bày của trí hiểu con người và phải chờ đến quyền năng của Đấng từ thế giới phục sinh là Thần Khí, Đấng đó mới có đủ quyền năng làm cho chúng ta đủ tin vào sự phục sinh vinh hiển của Ngài.

Cầu nguyện

Xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mỗi người để chúng con thêm xác tín rằng Chúa Giê-su Phục Sinh đang hiện diện ở giữa chúng con và dùng lời của Thánh Kinh để cắt nghĩa cho chúng con về Ngài. Xin cho chúng con luôn tin rằng chính Chúa Giê-su Phục Sinh – Đấng cầm lấy bánh và rượu trao cho chúng con – chính Ngài đang hiện diện giữa chúng con. Khi chúng con tin nhận Ngài, xin cho chúng con dần dần cùng được phục sinh vinh hiển với Ngài. Xin Thần khí của Đấng Phục Sinh ngự đến trên chúng con ban thêm lòng tin cho từng người trong chúng con. Amen

Maria Giang Duyên

Truyền thông sinh viên Công giáo

Bình luận